Điều gì xảy ra tiếp theo cuộc giao tranh Hezbollah - Israel?
Ngay trước đó, quân đội Israel đã điều 100 máy bay chiến đấu thực hiện đòn tấn công phủ đầu vào hàng loạt địa điểm được cho là nơi phóng tên lửa của Hezbollah ở miền Nam Liban. Giới chuyên gia nhận định phản ứng sắp tới của các bên sẽ quyết định liệu kịch bản leo thang toàn diện dẫn đến cuộc chiến khu vực có diễn ra hay không.
CUỘC GIAO TRANH LỚN NHẤT TRONG 11 THÁNG
Sáng sớm ngày 25/8, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết họ đã thực hiện cuộc tấn công lớn nhất trong hơn 10 tháng qua nhằm vào nhóm vũ trang Hezbollah của Liban để ngăn chặn hàng nghìn quả tên lửa và máy bay không người lái chuẩn bị được phóng vào lãnh thổ nước này.
Cũng theo ông Hagari, IDF đã huy động hơn 100 máy bay đồng thời tấn công khoảng 270 địa điểm riêng biệt của Hezbollah ở miền Nam Liban, phá hủy hàng nghìn bệ phóng rocket. ít nhất sáu chiến binh Hezbollah đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel.
Trong khi đó, ngay sau các cuộc không kích phủ đầu của Israel, Hezbollah đã phóng 320 quả tên lửa Katyusha vào 11 căn cứ quân sự của Israel ở miền bắc Israel và Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát. Tiếp sau đó, hàng chục UAV đã được nhắm vào các mục tiêu ở trung tâm Israel.
Hezbollah cho biết cuộc tấn công nhằm trả đũa cho vụ chỉ huy cấp cao của Hezbollah Fuad Shukr thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel tại Beirut vào tháng trước. Mục tiêu chính của chiến dịch bên trong Israel là căn cứ Glilot nằm cách biên giới khoảng 100 km, nơi đặt trụ sở cơ quan tình báo Mossad của Israel mà Hezbollah cho rằng có liên quan quan đến các vụ ám sát các chỉ huy của lực lượng này.
Nội các an ninh của Israel đã nhóm họp ngay trong sáng 25/8, còn cuộc họp của toàn bộ nội các diễn ra vào buổi chiều. Theo giới chức Israel, cuộc tấn công của Hezbollah đã khiến 1 binh sỹ thiệt mạng, 2 người khác bị thương và một số thiệt hại về tài sản.
Tại Liban, Thủ tướng lâm thời Najib Mikati cũng triệu tập cuộc họp của ủy ban khẩn cấp quốc gia.
Đợt tấn công mới nhất giữa Israel và Hezbollah đã khiến các chuyến bay đến và đi từ sân bay Ben Gurion ở Tel Aviv bị đình chỉ trong khoảng 90 phút và các bãi biển ở miền bắc Israel bị đóng cửa tạm thời. Quân đội Israel đã yêu cầu người dân nước này hạn chế tụ tập.
Tại Liban, một số chuyến bay đến và đi từ sân bay quốc tế Rafik Hariri ở thủ đô Beirut đã bị hủy.
Trên thực tế, căng thẳng giữa Israel và Hezbollah đã diễn ra trong nhiều thập kỷ qua. Cuộc chiến lớn gần nhất giữa 2 bên đã nổ ra vào năm 2006, khi đó Hezbollah mất khoảng 250 chiến binh trong khi Israel mất 121 quân nhân.
Kể từ khi xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas ở dải Gaza bùng phát hồi tháng 10/2023, các vụ đụng độ giữa Israel và Hezbollah, với tư cách là đồng minh của Hamas, đã xảy ra gần như hàng ngày. Hezbollah tuyên bố rằng những cuộc giao tranh với Israel nhằm bày tỏ sự ủng hộ đối với người Palestine và tuyên bố sẽ chỉ dừng lại nếu có một lệnh ngừng bắn ở dải Gaza.
TƯƠNG QUAN SỨC MẠNH QUÂN SỰ HEZBOLLAH - ISRAEL
Xung đột leo thang đang thu hút sự chú ý vào năng lực quân sự của Hezbollah cũng như Israel. Theo nhận định của giới quan sát, trong khi Hezbollah là lực lượng bán quân sự quan trọng nhất thế giới Arab với cơ cấu tổ chức nội bộ vững mạnh cũng như kho vũ khí khá lớn, thì Israel là một trong những quốc gia có vũ khí tốt nhất ở Trung Đông.
Hezbollah, một tổ chức chính trị - vũ trang của những người Hồi giáo dòng Shiite tại Liban, là một trong những lực lượng phi nhà nước được trang bị vũ trang hùng hậu nhất thế giới, chủ yếu nhờ Iran hậu thuẫn. Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah cho biết nhóm này có 100.000 thành viên.
Theo một phân tích mới đây của tạp chí Newsweek, Hezbollah dường như có hơn 150.000 tên lửa và rocket, từ những rocket không dẫn đường cho đến tên lửa dẫn đường chính xác. Lực lượng này cũng sở hữu tên lửa chống tăng tiên tiến, đã chứng minh hiệu quả chống lại xe tăng của Israel, đặc biệt là trong Chiến tranh Liban năm 2006.
Ngoài ra, Hezbollah thỉnh thoảng sử dụng tên lửa đất đối không và tuyên bố đã bắn hạ máy bay không người lái (UAV) của Israel, cho thấy một số mức độ khả năng phòng thủ trên không.
Năng lực chống hạm của Hezbollah bao gồm tên lửa Yakhont do Nga sản xuất. Nhóm này cũng có súng trường tấn công, súng máy hạng nặng, ống phóng tên lửa, bom mìn và sử dụng UAV để trinh sát và tấn công, tạo ra thách thức đối với hệ thống phòng thủ Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel.
Trong khi đó, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, một tổ chức tư vấn của Anh, Israel có khoảng 170.000 quân thường trực và đã huy động khoảng 360.000 quân dự bị cho cuộc chiến đang diễn ra trên các mặt trận.
Quân đội Israel từ lâu đã được Mỹ hỗ trợ với nguồn tài trợ hàng năm là 3,3 tỷ USD, cộng thêm 500 triệu USD dành cho công nghệ phòng thủ tên lửa.
Kho vũ khí của IDF bao gồm khoảng 2.200 xe tăng, bên cạnh khoảng 300 khẩu pháo kéo, 650 pháo tự hành và 300 hệ thống pháo phản lực như hệ thống tên lửa phóng loạt M270 do Mỹ phát triển.
Không quân Israel, được coi là lực lượng mạnh nhất trong khu vực, vận hành các máy bay chiến đấu tiên tiến như F-35 mua từ Mỹ cùng các khẩu đội phòng thủ tên lửa bao gồm Patriot do Mỹ sản xuất, hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome (Vòm Sắt) và các hệ thống phòng thủ tên lửa được phát triển với Mỹ là Arrow và David's Sling.
LÝ DO CHÍNH ĐÁNG ĐỂ TRÁNH XUNG ĐỘT TOÀN DIỆN
Cuộc giao tranh ngày 25/8 đánh dấu sự leo thang đáng kể sau 11 tháng đối đầu giữa Hezbollah và Israel. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy dường như nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn đã giảm bớt, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, khi cả Hezbollah và Israel sau đó đều tuyên bố đã hoàn thành các hoạt động của mình.
Theo giới quan sát, nếu Israel và Hezbollah muốn một cuộc chiến tranh tổng lực thì điều đó đã xảy ra từ lâu. Và phản ứng của hai bên trong ngày 25/8 đều đã được tính toán cẩn trọng, bởi cả Israel và Hezbollah hiểu rằng hiện không phải thời điểm thích hợp cho một cuộc xung đột toàn diện.
Trong cuộc giao tranh ngày 25/8, Lực lượng Phòng vệ Israel rõ ràng đã quan tâm đến thương vong đối với dân thường ở Liban hơn so với ở Gaza. Trong khi Israel khẳng định sẽ chiến đấu cho đến khi Hamas bị xóa sổ hoàn toàn, thì Bộ trưởng Ngoại giao Israel Katz đã nhấn mạnh rằng chính phủ của ông không quan tâm đến một cuộc chiến sinh tử như vậy với Hezbollah.
Về phía Hezbollah, mặc dù nhóm vũ trang này đã phóng hơn 300 quả tên lửa và một số lượng lớn máy bay không người lái vào Israel, nhưng cũng chỉ gây ra một số ít thương vong. Thủ lĩnh Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah ngày 25/8 đã nói nước đôi về việc liệu lực lượng này có thực hiện thêm các cuộc tấn công để trả thù cho chỉ huy Fuad Shukr hay không.
Thủ lĩnh Hezbollah cũng tuyên bố rằng các kế hoạch của họ không bị ảnh hưởng theo bất kỳ cách nào bởi các cuộc không kích trước đó của Israel, đồng thời chiến binh Hezbollah đã phóng thành công tên lửa để đánh lạc hướng hệ thống phòng thủ Vòm sắt của Israel trước khi triển khai máy bay không người lái tấn công. Đây có thể là thông điệp của Hezbollah về ranh giới cho các cuộc giao tranh vừa diễn ra và giảm áp lực lên nhóm này khi tiếp tục cuộc chiến.
Theo giới quan sát, cả Israel và Hezbollah đều có lý do chính đáng để không tham chiến ngay bây giờ. Israel không có đủ sức bền cho một mặt trận khác trong khi họ vẫn chưa thể loại bỏ hoàn toàn lực lượng Hamas ở Gaza. Bất chấp ưu thế về quân sự và công nghệ, nhưng sau hơn 10 tháng, Israel vẫn chưa tìm được lãnh đạo Hamas Yahya Sinwar ngay cả trong một khu vực nhỏ như Gaza trong khi Hamas vẫn có thể bắn tên lửa từ Gaza vào Israel. Các chuyên gia quân sự cho rằng việc Israel cố gắng đánh bại Hezbollah sẽ còn khó khăn và tổn thất hơn nhiều.
Về phần mình, ban lãnh đạo Hezbollah có những tài sản cần bảo vệ ở Liban, cả về chính trị và kinh tế, và chúng sẽ bị tàn phá trong một cuộc chiến với Israel. Có nhiều lo ngại rằng nếu chiến tranh nổ ra, Israel cũng có thể sẽ ném bom tàn phá Beirut như đang làm với Gaza, khiến Liban, quốc gia đang chìm trong suy thoái kinh tế và chính trị rơi vào tình cảnh càng khó khăn.
Trong bối cảnh ấy, sau cuộc giao tranh ngày 25/8, chính quyền Israel đã sớm dỡ bỏ các hạn chế an ninh tại Galilee, vùng lãnh thổ cực bắc nước này. Còn tại Liban, Hezbollah cũng cho biết họ đã kết thúc các cuộc tấn công trong ngày vào Israel.
VẪN CÒN NGUY CƠ XUNG ĐỘT LAN RỘNG
Cả Israel và Hezbollah đều không muốn một cuộc chiến tranh xảy ra ngay bây giờ, nhưng không có nghĩa là điều đó sẽ không xảy ra. Trong bối cảnh hiện nay, bất kỳ tính toán sai lầm nào của các bên cũng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Không chỉ vậy, Israel sẽ còn phải tiếp tục chờ đợi phản ứng từ Iran, quốc gia cũng đã thề sẽ “trả thù” sau vụ thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát ngay tại thủ đô Tehran vào tháng trước, mà họ cho rằng do Israel thực hiện.
Theo giới quan sát, hiện phản ứng của Iran mới đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định liệu đây có tiếp tục là cuộc đối đầu nội bộ giữa Israel và Hezbollah, hay sẽ leo thang thành cuộc chiến khu vực.
Iran đã cam kết sẽ trả đũa cho thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh, song vẫn chưa thực hiện lời đe dọa này. Trong khi các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza đang bế tắc và thảm họa nhân đạo đang ngày càng tồi tệ hơn, Iran có rất ít động lực để trì hoãn hành động trả đũa.
Tuy nhiên, Tehran có thể sẽ không tấn công trực tiếp vào Israel, mà thực hiện thông qua lực lượng ủy nhiệm của mình.
Hezbollah đã tuyên bố rằng cuộc tấn công hôm 25/8 đã hoàn thành “giai đoạn đầu tiên” trong phản ứng của lực lượng này đối với vụ ám sát chỉ huy Fuad Shukr và phản ứng đầy đủ sẽ mất “một thời gian”. Điều đó cho thấy Hezbollah sẽ tiến hành một chiến dịch trả đũa kéo dài chống Israel.
Trong khi đó, lực lượng Houthi ở Yemen ngày 25/8 đã ca ngợi đợt tấn công của Hezbollah vào Israel và tuyên bố họ sẽ tiến hành cuộc tấn công của riêng mình để đáp trả cuộc không kích của Israel hôm 20/7, nhằm vào cảng biển của lực lượng này ở thành phố Hodeida.
Thời gian qua, Houthi đã sát cánh với các lực lượng khác thuộc “trục kháng chiến” của Iran, bao gồm các nhóm chiến binh ở Iraq, Syria và Liban, chiến đấu với Israel. Từ tháng 11/2023, lực lượng này tiến hành một loạt cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào những tuyến hàng hải liên quan đến Israel ở Vịnh Aden và Biển Đỏ, nhằm thể hiện tình đoàn kết với người Palestine ở Dải Gaza, gây gián đoạn hoạt động vận tải hàng hoá toàn cầu.
Về phần mình, Thủ tướng Israel Netanyahu ngày 25/8 tuyên bố cuộc tấn công phủ đầu của Israel chống lại phong trào Hezbollah vẫn chưa phải “là hồi kết của câu chuyện.”
Trong khi đó, Mỹ một mặt nhắc lại cam kết bảo vệ Israel một cách “tuyệt đối”, cho biết đã bố trí thế trận để hỗ trợ đồng minh, mặt khác, đang nỗ lực kêu gọi các bên tránh leo thang căng thẳng.
Thời điểm Hezbollah tiến hành tấn công vào Israel rất đáng chú ý, diễn ra ngay sau chuyến thăm thứ 9 của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến khu vực Trung Đông kể từ khi xung đột ở Dải Gaza nổ ra. Chuyến thăm đã kết thúc mà không có bất kỳ đột phá nào về thỏa thuận ngừng bắn, trong khi đây chính là chìa khoá để hoá giải những căng thẳng hiện nay tại khu vực. Theo nhận định của giới quan sát, vẫn còn những khác biệt khiến Israel và Hamas khó có thể đạt được một thỏa thuận ở thời điểm này. Đang có những nghi ngờ rằng liệu Thủ tướng Israel Netanyahu hay thủ lĩnh Hamas Sinwar có thực sự muốn chấm dứt chiến tranh hay không? Chiến tranh có thể nổ ra mà không cần sự đồng thuận từ cả hai phía, nhưng để đạt được hoà bình lại không thể đơn phương như vậy.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký phê chuẩn thành luật - dự luật cấp ngân sách cho Chính phủ liên bang đến giữa tháng 3/2025, tránh được nguy cơ phải đóng cửa một phần chỉ vài ngày trước dịp lễ Giáng sinh.
Truyền thông Đức cho biết nghi phạm bị cáo buộc trong vụ lao xe vào đám đông ở một khu chợ Giáng sinh ở thành phố Magdeburg, đông bắc nước này, là Taleb Al Abdulmohsen, một công dân Ả Rập Xê-út. Đáng chú ý, nghi phạm là một bác sĩ tâm lý được đánh giá cao về chuyên môn.
Viện Thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp vừa công bố số liệu cho thấy nợ công của nước này tiếp tục tăng trong quý III/2024.
Tờ Financial Times dẫn nguồn thạo tin khẳng định Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa thay đổi yêu cầu với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó yêu cầu các quốc gia thành viên của khối tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP, gấp 2,5 lần so với mức hiện tại là 2%.
Tại Slovenia, hang động đá vôi Postojna là một điểm đến không thể bỏ lỡ mỗi dịp Giáng sinh. Đến với hang động này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh chúa Giesu ra đời.
Hàng chục nghìn người biểu tình phản đối Tổng thống Yoon Suk Yeol vừa tổ chức mít tinh và diễu hành ở trung tâm Seoul, một tuần sau khi Tổng thống Hàn Quốc bị kiến nghị luận tội vì lệnh thiết quân luật hồi đầu tháng này.
0