Đồng hiện bức tranh Tết nhà tôi

Cuộc sống giờ đây đã có nhiều đổi thay nhưng dù có thay đổi đến thế nào thì mỗi khi đến Tết người Hà Nội lại không thể không nhớ về những cái "Tết cũ", "Tết xưa" với bao tình cảm nhớ thương, trân trọng. Tản văn dưới đây của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng sẽ giúp chúng ta hồi tưởng lại không khí Tết của cái thời chưa xa ấy.

 

Tản văn của Nguyễn Quang Hưng

Tôi thấy trong mênh mang trở lại ấu thơ của mình có lẫn mùi củi cháy thơm khét; mùi thơm nức ngọt ngào và mềm mại tỏa ra từ nồi bánh chưng lúc sắp được dỡ bánh; mùi thức ăn xào nấu thơm tho, béo béo ngậy ngậy loang ra chiều tất niên và gần trưa ngày mùng ba Tết hóa vàng.

Lại xen vào cảm giác bồng bềnh ấy là màu đỏ thẫm tấm màn buông trước ban thờ, những bông cúc đại đóa vàng tươi bừng sáng bên màu bòng, bưởi, chuối, quýt, cam… và loang loáng ánh bạc của những hộp bánh mứt vỏ bìa sặc sỡ đỏ, vàng, xanh bọc giấy bóng kính. Thế rồi hiện trở lại, màu trắng mịn “tháp” gạo nếp trong chậu giữa nhà, màu vàng khô ấm áp đậu xanh đã đồ và giã nhuyễn rồi nắm tròn lại. Và không thể không pha vào đó những mảng xanh mướt mỡ màng của từng xếp lá dong nhà tôi dọn ra để bố tôi, rồi ông anh họ là cháu đích tôn từ Hàng Mành vào, hoặc một bà người quen của gia đình ngồi cặm cụi gói bánh suốt nửa ngày. 

Chen chật những mùi, những màu, âm thanh kích thích thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác… đó là không khí vừa tíu tít vừa kỹ càng của những người lớn trong nhà khi đổ bát gạo xuống vuông lá; đơm gắp cho đầy đặn đĩa thịt gà, bát chân giò măng khô bóng mỡ thơm béo; đo đo lựa lựa cành bích đào bu gà vào cái miệng bình cho nó vừa chiều cao; hay xoay xoay dịch dịch chậu quất đã lấm tấm hoa trắng nhỏ tí xíu trên chiếc đôn sứ trắng vẽ hoa văn xanh đậm… Bố thì nhìn nghiêng, ngắm thẳng chỗ này chỗ kia; mẹ lại lúi ha lúi húi bên chiếc nồi mờ mịt hơi nước; bà cô, ông anh, bà chị… trong họ hàng từ ngoài phố Hà Nội vào trưa ba mươi hoặc sáng mùng ba Tết thì cũng tất bật, người ra chợ mua thêm cái này cái kia, hành, mùi, rau củ, người thì mâm bát lách cách…  

Giữa cả một không gian và thời gian đồng hiện những người vui, những đồ bày biện, đồ ăn thức đựng và không khí xuân Tết dâng lên tơi tới ấy, thì tôi thấy mình như cái thằng bé “vô công rồi nghề” chạy lăng xăng, ngó cái này một tí; xem ai đó làm việc gì một lát; lại “đánh đu” theo bác hay cô ra chợ gần nhà.

Cũng có khi  để mặc cả gia đình, họ hàng đấy,  trốn ra đầu dãy nhà khu tập thể đứng buôn lăng nhăng với mấy đứa bạn, khoe nhà tao có cái này cái kia, và nghe chúng nó kể chuyện bố chở về quê thế nào, Tết năm nay nhà có ông hay bà lên chơi, rồi có đứa nào phải vặt lông gà không hay canh bánh chưng hoặc đích thân chúng nó gói được bánh chưng rồi thì thật đáng nể.

Của đáng tội, hồi bé tôi cũng hơi đoảng vị thật! Tết đến chỉ làm chân sai vặt, chạy chỗ này chỗ nọ, lấy cái kia cho người lớn. Tất nhiên, dọn dẹp, quét tước, rửa lá, trông củi lửa thì cũng phải biết chứ.

Ngôi nhà cấp bốn khu tập thể Hà Đông những năm từ bao cấp chuyển sang Đổi mới giản dị với màu vôi xanh đã bàng bạc, mái ngói cũ, trần cót ép cứ vào dịp Tết lại rộn rã như thế. Tết tràn đầy gian bếp nhỏ đun củi rồi dùng bếp dầu, bếp lò. Tết sôi nổi cả gian phòng chính vốn là nơi tiếp khách, ăn uống, nghỉ ngơi. Tết còn tươi tắn thêm cả mảnh sân nhỏ dưới bóng rợp cây hoa giấy và mấy chậu hoa nhỏ, thơm ấm củi lửa đêm tối luộc bánh. Thế mà tổng diện tích đó chỉ có 45 mét vuông thôi đấy. 

Cả ngày đùa nghịch, hóng hớt, xem mọi người làm và nghe cô bác, anh chị dặn dò, hỏi han đủ thứ, những tối hai tám, hai chín Tết, rồi tối ngày mùng một, mùng hai…, có khi tôi thấy hơi bâng khuâng, vừa nhơ nhớ không khí, sắc màu ngập tràn ban ngày; vừa ngong ngóng ngày mai còn có gì, có ai thân thiết họ hàng lại vào, mang cho tôi cái niềm vui tươi, phấn khích được gặp gỡ, được sum vầy như thế này nữa không!

Tết xưa của người Hà Nội mang nét rất riêng, đặc trưng mà ai đã từng trải qua đều khó có thể nào quên. 

Tết với nhiều người Hà Nội xưa đôi khi đơn giản là cành đào thắm, hộp mứt thập cẩm, hương thơm của nước lá mùi già hay cảnh cả nhà quây quần gói bánh chưng, háo hức đón giao thừa trong tiếng pháo nổ đì đùng...

Tết xưa trong ký ức của người Hà Nội là cảnh tinh mơ xếp hàng ở cửa hàng mậu dịch để mua vài hộp mứt tết, miếng bóng bì, lạng măng khô. Là trong cái giá lạnh ngày đông nhưng ai cũng hối hả, háo hức đi sắm cho gia đình một cành đào Tết. 

Tết xưa đơn sơ là thế nhưng thân thương, ấm áp vô cùng. Những bận rộn, lo lắng, nôn nao, ngóng chờ cho giây phút đoàn viên, đoàn tụ gia đình, dòng tộc.

Những kỉ niệm về Tết Hà Nội xưa đã trở thành một phần ký ức không bao giờ phai màu trong tâm trí những người Hà Nội đã đi qua thời gian.

Không khí ngày giáp Tết luôn khiến chúng ta nhớ về những kỷ niệm xưa. Và những ký ức ấy, đã được nhiều người trải lòng để lưu giữ những kỷ niệm đẹp và cũng là để nhắc nhớ các thế hệ sau cùng gìn giữ những giá trị, nét đẹp văn hóa Tết truyền thống của người Hà Nội. 

---

Còn kỷ niệm về Tết Hà Nội của bạn thế nào, hãy cùng chia với Hanoionline trong chuyên mục Ký ức Tết Hà Nội xưa bằng cách gửi bài viết về địa chỉ email  ttnoidungso@daihanoi.vn hoặc tài khoản Zalo 0865.116.699.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

"Đi công viên chơi đi!", cứ tầm mùng 3 Tết là mấy đứa bạn cùng khu tập thể lại chạy đến rủ rê. Ừ đi thì đi, sau những trò chơi thường nhật, chúc tụng gia đình họ hàng, găm tiền "mừng tuổi" lưng lửng túi, thì việc đi chơi cũng là cái thú ngày Tết, nhất là với đám trẻ nhỏ mười hai, mười ba như chúng tôi.

Người ta than thở với nhau “Tết ngày càng nhạt”. Vẫn có bánh chưng, dưa hành, vẫn có mùi trầm hương thoang thoảng nhưng không còn không khí nhộn nhịp, náo động, không còn tâm trạng háo hức trông ngóng nữa.

Mặc dù không có hình, có dáng nhưng mùi hương lại có sức mạnh đặc biệt khi có thể chiếm trọn cảm xúc, tâm trí, ký ức của chúng ta. Trong số nhiều mùi hương đã bám rễ trong tâm hồn mình, với tôi mùi của Tết sâu đậm, có khả năng gợi nhớ và có ý nghĩa thiêng liêng hơn cả. Những mùi hương thân quen ấy đã đi theo tôi qua bao năm năm tháng cuộc đời và giờ đây đã chiếm một vị trí quan trọng trong tâm thức. Để mỗi khi Tết đến, những mùi hương kỳ diệu ấy lại thức dậy khiến lòng dạ tôi nôn nao với những cảm xúc phấn chấn, bồi hồi khó tả.

Ai nói Tết nay đã khác xưa? Với tôi, chỉ có con người làm cho Tết khác đi, chỉ có con người là đổi khác. Tết vẫn như xưa, chỉ có nhà là ngày càng rộng bởi bữa cơm thiếu vắng những người thân yêu.

Cuộc sống giờ đây đã có nhiều đổi thay nhưng dù có thay đổi đến thế nào thì mỗi khi đến Tết người Hà Nội lại không thể không nhớ về những cái "Tết cũ", "Tết xưa" với bao tình cảm nhớ thương, trân trọng. Tản văn dưới đây của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng sẽ giúp chúng ta hồi tưởng lại không khí Tết của cái thời chưa xa ấy.

Càng có tuổi, con người ta càng hay hoài niệm, nhớ về quá khứ. Bằng chứng là mỗi khi đàm đạo về một đề tài hay vấn đề nào đó người già thường hay bắt đầu với hai chữ “Ngày xưa”. Với họ, hình như cái gì của ngày xưa cũng đẹp, cũng thiêng liêng và ý nghĩa hơn ngày nay thì phải. Điều này liệu có đúng? Những dòng hồi tưởng đầy cảm xúc về những cái Tết đã xa của độc giả Nguyễn Hùng Sơn gửi cho Hanoionline dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu được vì sao “người có tuổi” thường hay trân trọng và nặng lòng với quá khứ.