Nhớ Tết đi chơi công viên

"Đi công viên chơi đi!", cứ tầm mùng 3 Tết là mấy đứa bạn cùng khu tập thể lại chạy đến rủ rê. Ừ đi thì đi, sau những trò chơi thường nhật, chúc tụng gia đình họ hàng, găm tiền "mừng tuổi" lưng lửng túi, thì việc đi chơi cũng là cái thú ngày Tết, nhất là với đám trẻ nhỏ mười hai, mười ba như chúng tôi.

Tản văn của Nguyễn Hùng Sơn

Đối với một đứa trẻ ở phố, được sổ lồng đi chơi cùng bạn bè luôn là điều thích thú, được hít thở một bầu không khí “tự do” và tạm quên đi sách vở cùng sự kèm cặp của gia đình. Hơn thế, lại là đi công viên, đến với một thế giới hoàn toàn khác biệt sau cánh cổng. Thế giới đó có mùi vị và hình dáng riêng khác với thế giới đường phố bên ngoài, không có nhà cửa xe cộ khói bụi, chỉ có cây cối mọc xen nhau dọc theo lối đi, những cây cầu nhỏ xinh xinh nối ra đảo, những con thuyền Thiên Nga bơi trên hồ và những cô chú bảo vệ hiền lành thân thiện. Một thế giới êm đềm. Công dân của thế giới đó đa phần là những đứa trẻ, dù hoàn cảnh nào thì ánh mắt cũng trong sáng hồn nhiên.

1. Công viên Thống Nhất

Dù có nhiều công viên nhưng đối với dân Hà Nội, nói đến “công viên” là chỉ công viên Thống Nhất, một khuôn viên rộng lớn bốn mặt giáp phố, ở giữa có hồ Bảy Mẫu, được hình thành từ sự lao động tự nguyện của nhân dân Hà Nội từ năm 1954 với cái tên hàm ý ước mong đất nước sớm có ngày thống nhất.

Công viên ngày Tết có rất nhiều thứ để xem, để chơi mà ngày thường không có. Ngay từ ngoài cổng là những chùm bóng bay bơm khí hydro lơ lửng nhiều màu sắc, kích thước, trên nền in chữ "Chúc mừng năm mới" lồng trong cành đào. Cài xung quanh là những quả bóng hình con thỏ, kẹp que tre. Những chú thỏ ngộ nghĩnh dán mắt mũi mồm trông rất sinh động, ai nhìn cũng thấy chúng như đang mỉm cười với mình, lộ hai cái răng cửa trứ danh hệt như thần tượng thỏ trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng "Hãy đợi đấy" của Liên Xô.

Đi dần vào bên trong trên con đường dẫn ra hồ có nhà Thủy Tạ là những hiệu ảnh với tấm bảng gỗ to có giá đỡ lồng nhiều hình ảnh làm mẫu, có khi nhìn kỹ lại nhận ra cả những người quen. Chú thợ ảnh dạo trông phong sương nghệ sĩ thường đội mũ nồi, áo gi lê túi hộp, râu tóc phất phơ theo ngọn gió đông, tòng teng cái máy ảnh cơ trước ngực. Hồi đó chưa có kiểu chụp lấy ngay hay kỹ thuật số như bây giờ nên chụp xong rửa rồi mới biết kiểu nào đẹp kiểu nào không, để lựa vài tấm lồng album làm kỷ niệm.

Bên trong bãi cỏ có những nhóm thanh niên trải nylon ngồi chơi picnic, thức ăn chủ yếu là bánh mỳ ruốc, giò chả hoặc cơm nắm muối vừng. Hệt như những lần chúng tôi được đi sinh hoạt hè cắm trại hoặc thăm quan ở Ao Vua Khoang Xanh Suối Mỡ Cúc Phương do nhà trường tổ chức. Sát đường đi là các sạp nhỏ bán đồ chơi, đồ hàng hoặc đồ ăn vặt. Nào là kem mút đựng trong túi nylon buộc chun, ăn bằng cách cắn góc đáy túi ra rồi mút, nào là kẹo bông được chế từ đường kính, phồng to như bông tuyết mà ăn vào tựa mạng nhện tan nhanh trên đầu lưỡi, chỉ còn vị ngọt của đường. Nào là kẹo kéo, nào là bảy sắc cầu vồng, với trò chơi bắn súng, thả bi, ném vòng hay cắt chỉ. Rồi vòng ra khu đu quay hoặc xe điện đụng, rồi ra cả bãi tên lửa máy bay phía góc giáp đường Lê Duẩn để chơi.

Những món ăn và trò chơi làm hầu bao của chúng tôi vơi nhanh, nhìn những đồng tiền nhỏ mới cứng cựa lìa xa mãi mãi, lòng đứa nào cũng buồn. Có đứa máu mê còn đề xuất đi chơi tôm cua cá gỡ gạc, nhưng bị phản đối kịch liệt nên cuối cùng cả lũ lại đi ăn nộm bò khô ở phía nhà tròn. Cái thứ nộm vỉa hè công viên ngon hết sẩy, vừa cay vừa ngọt vừa mặn vừa bùi, ăn xong đứa nào đứa nấy mồ hôi toát ra, lại dắt nhau đi ra nhà gương dị dạng. Nhà gương với những tấm kính của Tiệp Khắc giờ vẫn còn, dường như không thay đổi sau chừng ấy năm, vẫn luôn mang đến sự ngạc nhiên vui nhộn cho đám trẻ.

Ngoài trẻ con còn có cả người lớn, hồi đó ngạc nhiên tự hỏi người lớn vào làm gì nhỉ, sau này khi mình thành người lớn giống họ rồi mới hiểu, họ vào để tìm lại đứa trẻ trong mình đã biết mấy phôi pha.

2. Công viên Thủ Lệ

Vì là ngày Tết nên thời gian được rông dài không bó buộc, nếu chơi ở công viên Thống Nhất chán rồi thì có thể lại đi lên công viên Thủ Lệ chỗ đền Voi Phục, không xa lắm chỉ một cuốc xích lô là đến. Đây còn được gọi là vườn bách thú vì có nuôi nhốt rất nhiều loài chim thú bò sát mà lũ học trò chỉ được biết qua sách báo tranh ảnh, này được nhìn tận mắt thì phải nói là rất thích.

Công viên bao quanh một cái hồ dài, có cái đảo nhỏ ở giữa cùng dài thoai thoải dọc theo hồ, nhốt chủ yếu cái loài linh trưởng và bò sát. Phía bên trong là thú lớn như voi, sư tử, hổ, báo, hươu, nai rồi mới đến khu vực chuồng chim gần lối lên đền. Cây cầu cong cong có tạo hình cá sấu ở lan can làm điểm nhấn, giờ vẫn còn. Công viên này được tụi trẻ con nhớ nhiều vì còn được nhắc đến trong bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ khi học trong sách giáo khoa, với lời đề tựa là “Lời của con hổ ở vườn bách thú”.

3. Vườn Bách Thảo

Ngoài ra, còn có một công viên rất đẹp đó là vườn Bách Thảo ở sát Phủ Chủ tịch, ở đó ngoài hai cái hồ nước nên thơ cùng nhiều loại cây quý hiếm, còn có ngọn Nùng Sơn một thời lừng danh đất Thăng Long, hợp cùng dòng sông Tô Lịch thành “Nùng Sơn chính khí – Tô Lịch giang thần”, cũng là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm của bao lứa học sinh các trường gần đó như Chu Văn An, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu …

Nhìn chung, cảnh quan công viên ở Hà Nội không thay đổi nhiều sau mấy chục năm, những công trình kiến trúc, những bức tượng, những con đường, những bờ cỏ, những hàng cây … hình như vẫn còn nguyên đó, đợi chúng tôi lớn lên rồi có khi nào chợt nhớ đến một ngày xa ngái, ai đó nhớ về những cái Tết xa xôi, để trở về tìm lại ký ức của một thời thơ dại, được cùng bạn bè đi chơi công viên, được cùng nhau hưởng những mùa xuân trong thời bao cấp, nghèo khó nhưng ngập tràn niềm vui. Xa lắm rồi, nhưng vẫn mong một lần trở lại, để tìm lại mình trong nỗi nhớ bâng khuâng …

Hà Nội, 26/01/2024

Tết xưa của người Hà Nội mang nét rất riêng, đặc trưng mà ai đã từng trải qua đều khó có thể nào quên. 

Tết với nhiều người Hà Nội xưa đôi khi đơn giản là cành đào thắm, hộp mứt thập cẩm, hương thơm của nước lá mùi già hay cảnh cả nhà quây quần gói bánh chưng, háo hức đón giao thừa trong tiếng pháo nổ đì đùng...

Tết xưa trong ký ức của người Hà Nội là cảnh tinh mơ xếp hàng ở cửa hàng mậu dịch để mua vài hộp mứt tết, miếng bóng bì, lạng măng khô. Là trong cái se lạnh ngày đông, mọi người hối hả, háo hức đi chọn cho gia đình một cành hoa. 

Tết xưa đơn sơ là thế nhưng thân thương, ấm áp vô cùng. Những bận rộn, lo lắng, nôn nao, ngóng chờ cho giây phút đoàn viên, đoàn tụ gia đìnhh, dòng tộc.

Những kỉ niệm về Tết Hà Nội xưa đã trở thành một phần ký ức không bao giờ phai màu trong tâm trí những người Hà Nội đã đi qua thời gian.

Không khí ngày giáp Tết luôn khiến chúng ta nhớ về những kỷ niệm xưa. Và những ký ức ấy đã được nhiều người trải lòng để lưu giữ những kỷ niệm đẹp và cũng là để nhắc nhớ các thế hệ sau cùng gìn giữ những giá trị,nét đẹp văn hóa Tết truyền thống của Người Hà Nội. 

---

Còn kỷ niệm về Tết Hà Nội của bạn thế nào, hãy cùng chia với Hanoionline trong chuyên mục Ký ức Tết Hà Nội xưa bằng cách gửi bài viết về địa chỉ email ttnoidungso@daihanoi.vn hoặc tài khoản Zalo 0865.116.699.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

"Đi công viên chơi đi!", cứ tầm mùng 3 Tết là mấy đứa bạn cùng khu tập thể lại chạy đến rủ rê. Ừ đi thì đi, sau những trò chơi thường nhật, chúc tụng gia đình họ hàng, găm tiền "mừng tuổi" lưng lửng túi, thì việc đi chơi cũng là cái thú ngày Tết, nhất là với đám trẻ nhỏ mười hai, mười ba như chúng tôi.

Người ta than thở với nhau “Tết ngày càng nhạt”. Vẫn có bánh chưng, dưa hành, vẫn có mùi trầm hương thoang thoảng nhưng không còn không khí nhộn nhịp, náo động, không còn tâm trạng háo hức trông ngóng nữa.

Mặc dù không có hình, có dáng nhưng mùi hương lại có sức mạnh đặc biệt khi có thể chiếm trọn cảm xúc, tâm trí, ký ức của chúng ta. Trong số nhiều mùi hương đã bám rễ trong tâm hồn mình, với tôi mùi của Tết sâu đậm, có khả năng gợi nhớ và có ý nghĩa thiêng liêng hơn cả. Những mùi hương thân quen ấy đã đi theo tôi qua bao năm năm tháng cuộc đời và giờ đây đã chiếm một vị trí quan trọng trong tâm thức. Để mỗi khi Tết đến, những mùi hương kỳ diệu ấy lại thức dậy khiến lòng dạ tôi nôn nao với những cảm xúc phấn chấn, bồi hồi khó tả.

Ai nói Tết nay đã khác xưa? Với tôi, chỉ có con người làm cho Tết khác đi, chỉ có con người là đổi khác. Tết vẫn như xưa, chỉ có nhà là ngày càng rộng bởi bữa cơm thiếu vắng những người thân yêu.

Cuộc sống giờ đây đã có nhiều đổi thay nhưng dù có thay đổi đến thế nào thì mỗi khi đến Tết người Hà Nội lại không thể không nhớ về những cái "Tết cũ", "Tết xưa" với bao tình cảm nhớ thương, trân trọng. Tản văn dưới đây của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng sẽ giúp chúng ta hồi tưởng lại không khí Tết của cái thời chưa xa ấy.

Càng có tuổi, con người ta càng hay hoài niệm, nhớ về quá khứ. Bằng chứng là mỗi khi đàm đạo về một đề tài hay vấn đề nào đó người già thường hay bắt đầu với hai chữ “Ngày xưa”. Với họ, hình như cái gì của ngày xưa cũng đẹp, cũng thiêng liêng và ý nghĩa hơn ngày nay thì phải. Điều này liệu có đúng? Những dòng hồi tưởng đầy cảm xúc về những cái Tết đã xa của độc giả Nguyễn Hùng Sơn gửi cho Hanoionline dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu được vì sao “người có tuổi” thường hay trân trọng và nặng lòng với quá khứ.