Giếng cổ trong lòng Thủ đô

Hiện nay, Hà Nội đã có nhiều sự thay đổi và phát triển với những công trình hiện đại. Thế nhưng đâu đó trong lòng phố vẫn còn lưu giữ những công trình xưa cũ, gợi nhớ về Hà Nội của một thời. Một trong số đó là những chiếc giếng cổ.

Tuy giờ đây, hầu hết các hộ gia đình đều đã sử dụng hệ thống nước máy. Thế nhưng giữa khu phố cổ tấp nập, những chiếc giếng có tuổi đời hàng trăm năm vẫn được người dân gìn giữ và sử dụng như một thói quen sinh hoạt đã có từ lâu. Đây cũng là cách mà người Hà Nội lưu giữ lại một phần ký ức Hà Nội xưa.

Trước đây khi chưa có nước máy, phố cổ Hà Nội vẫn phải dùng đến nước giếng khơi. Khắp Hà Nội khi đó có rất nhiều những chiếc giếng như thế để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Hà Nội trước đây có rất nhiều giếng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. (Ảnh: Diệu Huyền)

Ngày ấy, mỗi con phố ở Hà Nội đều có giếng, đa phần đường kính nhỏ, chỉ hơn 1m và thường nằm ở khoảng sân sau hoặc sân giữa - nơi diễn ra các sinh hoạt chung của một hoặc vài ngõ nhỏ để phục vụ việc cung cấp nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân sinh sống tại phố cổ thời bấy giờ.

Năm 1995, bà Phạm Thị Minh cùng gia đình chuyển từ phố Quán Sứ sang sinh sống tại khu tập thể nhỏ nằm trong ngõ 15 Phủ Doãn, quận Hoàn Kiếm. Trong kí ức của bà Minh khi đó, chiếc giếng ngày xưa đến nay vẫn giữ nguyên cấu trúc, không có nhiều thay đổi hay cải tạo như nhiều chiếc giếng cổ khác tại Hà Nội hiện nay.

Đó là chiếc giếng nằm trong sân của khu tập thể, miệng giếng có đường kính khoảng 80 cm, thành xây cao khoảng 50 cm so với mặt đất. Có chăng sự khác biệt của chiếc giếng xưa so với ngày nay đó là thành giếng đã bị nứt nẻ do sử dụng trong thời gian dài.

Bà Minh chia sẻ, không ai biết rõ giếng cổ này có lịch sử từ bao giờ, khi chuyển về ngõ 15 Phủ Doãn, bà Minh đã thấy mọi người sử dụng nước giếng để phục vụ cho việc ăn uống, sinh hoạt hằng ngày.

"Nước trong lắm. Nếu mà mất điện, mất nước thì các nơi xung quanh đều vào đây xin. Ngày xưa thì dân ở đây làm gì có nước, hiếm nước lắm. Nói chung là nước giếng này lấy buổi sáng thì trong, còn buổi chiều buổi tối thì lấy để tắm giặt", bà Minh kể.

Người dân sử dụng nước giếng như một thói quen.

Nhớ về một thời dậy sớm lấy nước giếng để cả nhà có nước sinh hoạt, bà Minh kể, gia đình bà khi đó có 8 người, mỗi ngày, bà đều dậy từ 5 giờ sáng xuống sân của khu tập thể lấy nước. 6 xô nước được bà Minh xách từ tầng 1 lên tầng 2 nơi gia đình bà sinh sống để dùng trong sinh hoạt, ăn uống trong một ngày.

Dù thời đó phải đi xách nước giếng hàng ngày từ sáng sớm để dùng, thế nhưng với bà Minh, nước giếng vẫn là nguồn nước trong và mát hơn cả dù hiện nay nước máy xuất hiện đã thay đổi thói quen sử dụng nước giếng của người dân.

Trong bài viết “Giếng cổ giữa lòng Hà Nội” của tác giả Vũ Toàn có đoạn viết: “Cách đây khoảng 50 năm, có lẽ những chiếc giếng luôn được xem là một phần không thể thiếu của người dân Hà Nội. Bởi đó không chỉ là nơi lấy nước đơn thuần mà còn là chốn lý tưởng cho đám trẻ con tụ tập, là nơi trai gái trao nhau cái nhìn tình tứ mỗi lần gánh nước, rửa rau, và đây cũng là nơi các bà nội trợ sẻ chia câu chuyện đời thường không hồi kết. Đặc biệt hơn, thời khó khăn, tủ lạnh tủ đông chưa có, giếng còn là một "thiết bị" để cánh đàn ông ướp lạnh những chai bia, các bà các mẹ bảo quản những chiếc bánh chưng trong ngày Tết Nguyên Đán.”

Những chiếc giếng không chỉ là sợi dây gắn kết vô hình giữa những người dân trong khu dân cư với nhau.

Có thể thấy, những chiếc giếng không chỉ là nơi phục vụ cho sinh hoạt của người dân mà đó còn là sợi dây gắn kết vô hình giữa những người dân trong khu dân cư với nhau. Và chiếc giếng cổ tại ngõ 15 phố Phủ Doãn cũng không phải ngoại lệ. Theo lời kể của bà Minh, có những ngày khu dân cư bị mất nước, chiếc giếng không chỉ là nơi cung cấp nước tạm thời cho các hộ dân mà khi đó giếng còn là nơi gắn kết người dân trong cộng đồng dân cư với nhau. Không chỉ vậy, nước giếng cũng được mệnh danh là một "bài thuốc dân gian" được nhiều người áp dụng.

Hiện nay, khu phố cổ vẫn còn một số chiếc giếng nằm rải rác trong nhiều con ngõ. Có những chiếc giếng được che lại, hoặc ít nước, hoặc không có nước nên người dân không còn sử dụng bởi giờ đây đã có sự tiện lợi từ nước máy. Một vài chiếc giếng còn sót lại như chiếc giếng nằm trong ngõ 15 Phủ Doãn vẫn được người dân dùng hằng ngày như một thói quen khó bỏ. Nhưng giờ đây, nhu cầu dùng nước giếng của người dân cũng đã có những sự thay đổi.

Chiếc giếng nhỏ bé nằm lọt thỏm trong con ngõ giữa phố cổ nhưng lại có nhiều ý nghĩa với những người Hà Nội giống như bà Phạm Thị Minh. Giếng khơi không chỉ lưu giữ kí ức về một thời khó khăn mà còn tạo nên sự gắn kết vô hình giữa mọi người.

Trước sự phát triển nhanh và hiện đại, không ít công trình ở Hà Nội đã không còn được gìn giữ nguyên vẹn, nhường chỗ cho những công trình hiện đại và khang trang hơn. Thế nhưng, những chiếc giếng khơi mát lành còn sót lại giữa lòng Thủ đô vẫn gợi cho chúng ta nhớ về một thói quen sinh hoạt xưa, một nét đẹp văn hóa một thời ở đất Thăng Long.

Những chiếc giếng đã gắn bó với nhiều thế hệ người dân ở phố cổ. Dù hiện nay, khi nhà nhà đều sử dụng nước máy thì giếng cổ vẫn được xem là một điểm nhấn đặc trưng của Hà Nội, nhắc nhớ về một thời khó khăn, vất vả nhưng vô cùng sẻ chia, chan chứa tình của người hàng phố.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hồ Gươm không chỉ là một danh thắng nổi tiếng của Hà Nội, mà còn là di sản văn hóa, gắn liền với lịch sử ngàn năm văn hiến của mảnh đất Hà thành.

Tối 16/11, tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ khánh thành và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đối với công trình tượng đài kỷ niệm "Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954".

Đình làng Mui tại xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội, là di tích lịch sử có từ lâu đời, thờ 4 vị thành hoàng - những anh hùng từng sát cánh cùng Hai Bà Trưng trong cuộc chiến chống quân xâm lược Hán.

Đã từ lâu, đối với người dân Việt Nam khi nói đến hồ Gươm là lại nhớ đến tháp Rùa, cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn. Đây không chỉ là những điểm đến hấp dẫn gắn liền với văn hóa và lịch sử của người Hà Nội mà còn là nơi tham quan và thư giãn lý tưởng.

Phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhân dân quận Ba Đình đã gìn giữ di tích đền Cống Yên và những giá trị văn hoá tinh thần của cha ông để lại.

Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 40km về phía Tây, đền Hát Môn, huyện Phúc Thọ, là một trong 3 ngôi đền thờ Hai Bà Trưng lớn và lâu đời nhất cả nước.