Hà Nội: Một ngày trọn vẹn bốn mùa

Chúng ta đang sống trong những ngày đẹp nhất của Hà Nội. Trong sắc thu, Hà Nội dường như chứa đựng trọn vẹn cả bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông trong chỉ một ngày.

Hà Nội, thành phố nghìn năm văn hiến, không chỉ là trái tim của đất nước Việt Nam mà còn là nơi mang trong mình sự giao thoa tinh tế giữa quá khứ và hiện tại. Với sự kỳ diệu của khí hậu, Hà Nội đôi khi mang đến cảm giác như bốn mùa chỉ nằm trong 1 ngày. Từ buổi sáng se lạnh, trưa nắng ấm, chiều mát mẻ và trở lạnh vào buổi tối, thành phố này luôn khiến người ta phải dừng lại để cảm nhận từng nhịp chuyển động của thiên nhiên và con người.

Mùa Xuân trong buổi sáng

Ngày thu đáng yêu đến thế, nên muốn cảm nhận rõ thu Hà Nội, hãy tạm gác lại những ngày biếng nhác để dậy thật sớm, nhẩn nha đi bộ để hít căng lồng ngực làn không khí thơm tho hương thu.

Trong bầu không khí trong lành, mát mẻ, bạn sẽ thấy phố xá đang chầm chậm khởi động cho một ngày mới lạ lẫm và tình hơn hẳn. Không khí buổi sáng những ngày này thật sự dễ chịu, những cơn gió heo may đầu mùa se se lạnh khiến phố phường buổi sáng trở nên nhẹ nhàng, hiền hòa hơn. Và cái không khí tươi mới của của buổi sáng càng khiến cho con người ta thêm sảng khoái và hứng khởi để bắt đầu 1 ngày mới.

Điều thi vị nhất của mùa thu, có lẽ là cảm giác lang thang trên con đường rộng và vắng, nắng thu lấp lánh núp sau những tán cây cổ thụ, tạo thành những tia xiên xiên, tựa như bầu trời đang chơi ú òa với người phía dưới.

Có lẽ cái thú vui nhất trong ngày thu Hà Nội chính là dậy sớm, tản bộ chầm chậm nơi phố sách Nguyễn Xí hay con đường thơ mộng Phan Đình Phùng. Buổi sáng, khi dạo bước trên các con phố của khu phố cổ, người dân và du khách có thể cảm nhận một chút se lạnh như mùa xuân dịu dàng, nhẹ nhàng đưa bước chân về với những ký ức vàng son của Hà Nội.

Có lẽ cái thú vui nhất trong ngày thu Hà Nội chính là dậy sớm, tản bộ chầm chậm dọc những con phố.

Không khí mùa thu lại càng đặc biệt hơn khi Hà Nội của chúng ta trong những ngày này được trang hoàng cờ hoa chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô. Vào ngày 10/10/1954, Hà Nội chính thức được giải phóng, đánh dấu sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô không chỉ là dịp để chúng ta nhìn lại quá khứ oai hùng, mà còn là thời điểm để người Hà Nội và cả nước tri ân những người anh hùng đã ngã xuống vì độc lập, tự do.

Mùa Hạ khi trưa về

Buổi trưa, giữa ngày thu, người Hà Nội lại trở lại cảm giác mùa hạ, mặc dù chỉ là khoảng khắc thoáng qua mà thôi, khi mùa hè đã qua với người dân Thủ đô từ mấy tháng trước.

Tại khu vực ngã ba phố Đinh Lễ, quận Hoàn Kiếm, chị Trần Thu Hoài chọn cho mình một quán café để thư thái đọc cuốn sách yêu thích và tận hưởng thời tiết giao mùa giữa nắng hè sang thu - đông này. "Thời tiết Hà Nội giống như anh chàng mà mình phải lòng ấy, thực ra về tổng thể như dở hơi nhưng chỉ vì 1 vài khoảnh khắc lại khiến cho mình lưu luyến ấy, mình có thể ở ngoài từ sáng tới tối vì mình cảm thấy dễ chịu. Thông thường mình chỉ ngồi ở ngoài vào mùa thu hay mùa đông thôi vì mùa hè quá nóng. Vì cái nắng Hà Nội quá gay gắt nên mình không thể ngồi ngoài trời được. Ngồi ở ngoài trời vào mùa hè mình chưa kịp uống hết 1 cốc nước thì đã đổ hết 9 cốc mồ hôi rồi", Thu Hoài mô tả.

Mùa thu cũng là mùa chị Đỗ Thị Hằng Nga (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai) mong chờ nhất trong năm, để có những giây phút thư giãn bên gia đình ngày cuối tuần tại quán café quen thuộc: "Tôi thấy mùa thu Hà Nội là một cái gì đó rất tuyệt vời, vì chỉ trong mùa thu Hà Nội chúng ta mới được thưởng thức khí hậu 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, buổi sáng thì se lạnh, buổi trưa có thể có chút nắng ấm, buổi chiều có thể có chút nắng mùa hè, còn buổi tối ta có thể cảm thấy hơi lạnh mùa đông. Đấy là giây phút mà ta cảm thấy tĩnh lặng hơn, tôi được ngồi bên gia đình, bên ly cafe, ngồi ngắm phố phường trong tiết thu Hà Nội, cảm giác rất dễ chịu, rất hạnh phúc".

Vào buổi trưa mùa thu Hà Nội, nước hồ Gươm cũng dường như trong xanh hơn, bởi những tia nắng lấp lánh chiếu xuống mặt hồ. Soi rọi tháp Rùa cổ kính, những du khách nước ngoài khi đi dạo tại đây cũng cảm thấy nét duyên ngầm của mùa thu dịu dàng mà không nơi nào có được. Chị Hanna Domann, du khách người Đức, cho biết: “Lần đầu tiên chúng tôi đến du lịch tại Hà Nội cảm thấy rất thoải mái. Bởi vì thời tiết ở nước Đức của chúng tôi rất lạnh. Khi chúng tôi đi dạo tại đây cảm thấy thời tiết có nắng dịu rất ấm áp, gió mát. Tôi rất yêu thời tiết mùa thu Hà Nội”.

Hồ Gươm trong tiết thu.

Từ lâu, vẻ đẹp của Hà Nội mùa thu đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm thi ca, nhạc họa, khắc sâu trong tâm thức của những người yêu Hà Nội. Hà Nội vào thu như khoác lên mình một tấm áo mới. Khí hậu mát mẻ hơn, thiên nhiên tươi đẹp hơn và lòng người cũng dịu dàng hơn. Để từng cơn gió len qua góc phố cổ thì thầm kể chuyện ngàn xưa.

Mùa Thu trong ánh chiều

Chiều buông, mùa thu bỗng trở nên rõ nét nhất. Những chiếc lá vàng trải khắp các góc phố, ánh nắng cuối ngày chiếu xuống làm không gian trở nên huyền ảo và ấm áp.

Hoàng hôn Hà Nội nhuốm màu vàng ươm, đặc biệt là quanh khu vực hồ Gươm, và cả không gian xung quanh hồ, khi những vệt nắng vàng cuối chiều nhuộm vàng không gian phố cổ.

Thu đến vào những ngày cuối tháng tám, đẹp dịu dàng, mê đắm rồi lại vội vã dời gót vào tầm cuối tháng mười, khi heo may đã se se lạnh, sắc lá vàng chuyển dần sang màu cam rồi đỏ sẫm.

Thu Hà Nội, qua lời ca, tiếng hát nồng nàn, da diết của những người con Hà Nội, gắn bó sâu sắc với Hà Nội nhưng lại phải xa rời mảnh đất ấy như nhạc sỹ Phú Quang, ca sỹ Hồng Nhung, Thu Phương... càng trở nên khao khát, khắc khoải, bỏng cháy hơn bất kỳ ai.

Không chỉ là những chiếc lá vàng rơi lãng mạn, mùa thu còn mang đến một hương thơm thật đặc biệt cho ta cảm nhận. Mùi hương ấy không chỉ đơn thuần là mùi của lá cây khô, mà còn là cả một câu chuyện về sự thay đổi của thời tiết, về sự sống đang chuyển mình.

Buổi chiều thu trên phố phường Hà Nội.

Và mỗi người lại cảm nhận mùi hương mùa thu theo một cách rất riêng. Có người liên tưởng đến những buổi chiều đạp xe trên con đường làng, lá vàng rơi lả tả, có người lại nhớ đến hương cốm mới, đến những buổi tối quây quần bên bếp lửa hồng.

Đó là bởi vì, mùi hương không chỉ tác động đến khứu giác mà còn khơi gợi những ký ức sâu thẳm trong tâm trí chúng ta.

Vậy nên, mùa thu không chỉ là một mùa của thiên nhiên, mà còn là một mùa của cảm xúc, của những hoài niệm. Mỗi khi ngửi thấy mùi hương đặc trưng của mùa thu, chúng ta như được trở về với những ký ức đẹp, được sống lại những khoảnh khắc đẹp đẽ trong cuộc đời.

Ngày mùa thu vì thế mà cũng rất dài, và ai cũng mong muốn ở giữa thu, để cảm nhận mùa này bằng tất cả các giác quan. Và ký ức về tuổi thơ, về một thời thanh xuân nằm gọn trong khoảnh khắc chuyển giao giữa ngày và đêm như thế này.

Mùa Đông trong đêm

Khi trời tối, không khí lạnh dần bao trùm, như báo hiệu mùa đông đang ghé qua. Nhiệt độ giảm xuống, người dân Hà thành bắt đầu khoác lên mình những chiếc áo mùa thu đông.

Phố phường cũng trở nên nhộn nhịp hơn khi mọi người tụ tập, quây quần bên những quán trà nóng, ấm cúng. Trong cái se lạnh của đêm, Hà Nội không hề cô quạnh mà trở nên ấm áp hơn bởi sự gần gũi, chia sẻ. Lúc này, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng thích đi dạo buổi tối Hà Nội qua các con đường, thưởng thức các món ăn ngon

Làm nên sự sôi động cho ẩm thực đêm Hà thành là vô vàn món ăn khác nhau, từ những món ăn “chơi chơi” như ốc, mực nướng, nem chua rán, nộm, trứng cút lộn... cho đến những món điểm tâm làm ấm lòng những người đang cồn cào đói như cháo, bún, phở, bánh mì...

Hà Nội có hẳn những con phố bán hàng ăn đêm chuyên biệt. Người Hà Nội quen với hàng ăn đêm “của mình”, ít khi vào quán lạ. Thông dụng hơn cả là phở, “thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng ở Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon” - như nhà văn Thạch Lam từng khẳng định.

Có lẽ vì thế mà các quán phở đêm có ở khắp nơi: Phở Thìn “Lò Đúc”, phở Thìn “Bờ Hồ”, phở “mậu dịch” Lý Quốc Sư, phở “Thịnh” Tôn Đức Thắng...

Nổi tiếng nhất trong “làng phở đêm” có lẽ là quán phở gánh Hàng Chiếu, mở bán từ 3h sáng đến khi hết khách. Hành trang làm nghề của chủ quán rất đơn giản, vỏn vẹn đôi quang gánh đựng nồi nước dùng, thịt bò tái, chín, sốt vang và vài chiếc ghế nhựa. Chẳng cần cửa hàng hay biển hiệu nhưng nhiều người vẫn đứng chờ bà chủ dọn hàng để được thưởng thức. Bát phở nóng, miếng thịt bò vừa vặn, bánh phở mềm, hành mùi thơm nức khiến những ai đi qua khó có thể kiềm chế.

Quán phở nổi tiếng về đêm khác là hàng phở Thìn ở số nhà 13 phố Lò Đúc. Bánh phở mỏng tang và dẻo, thịt bò xào lăn mềm và nước dùng trong vắt, ngọt đậm vị xương bò ninh khéo. Giản dị thế thôi nhưng để ăn được một bát phở ở đây có khi phải xếp hàng. Người Hà Nội trong “cái sự ăn” cũng cầu kỳ đến lạ.

Sau phở, cháo cũng là một món ăn khó bỏ qua khi nhắc đến món ăn đêm Hà Nội. “Bản đồ” cháo được đánh dấu bằng những cái tên nổi tiếng như hàng cháo trên phố Trần Quý Cáp, ở khu vực Cửa Nam, ngõ Cấm Chỉ hay hàng cháo gà bà “Quát” ở phố Lý Quốc Sư...

Cháo đêm Hà Nội có nét thú vị riêng, thường được nấu đặc chứ không loãng như nhiều nơi khác. Gạo thường dùng là loại đã được ngâm trước, giã dập, đun nhỏ lửa cho cháo quánh lại. Không chỉ hấp dẫn bởi vị ngọt của thịt, cháo đêm Hà Nội đậm đà hương thơm hành hoa, tía tô, vị cay nồng của hạt tiêu, ớt bột...

Nổi tiếng về cháo khuya phải nhắc đến quán của chị Huyền Anh ở gần khu vực ẩm thực chợ Đồng Xuân. Không gian chưa đầy 15m2 nhưng quán của chị lúc nào cũng đông khách. Quán mở từ 18h hôm trước đến 2h ngày hôm sau, thời gian đông khách nhất chỉ kéo dài chừng 3 tiếng đồng hồ (từ 21h đến 22h và từ 24h đến 2h).

Nhắc đến thú ăn đêm, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến phố Tống Duy Tân và ngõ Cấm Chỉ, những điểm ăn uống về đêm quy tụ nhiều món ăn như gà tần, cơm đảo gà rang, phở bò “đường tàu”, bánh cuốn, chim quay... Đi dọc phố nhỏ, ngõ nhỏ, dù từ bất cứ hướng nào cũng có thể cảm nhận được sự nhộn nhịp và mùi thức ăn thơm nức.

Còn một nơi nữa thường được giới trẻ nhắc đến, đó là ngã tư phố “Tây” Tạ Hiện. Tại đây, từ 18h đến nửa đêm được xem là “giờ vàng” của “bia hơi bình dân”. Bia ở đây không được xếp vào dạng thơm ngon nức tiếng nhưng nhờ giá rẻ cùng không gian thoáng đãng, phong cách phục vụ chu đáo, con phố này vẫn là sự lựa chọn số một cho những “tín đồ” bia hơi, trong đó có khá đông du khách nước ngoài.

Với một số người, sức hấp dẫn của “ngã tư quốc tế” là ở sự sôi nổi, trẻ trung, nhiều món ăn vặt phong phú, hấp dẫn, giá rẻ hơn nhiều nơi khác. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến họ có thể ngồi thâu đêm ở đây.

Các món ăn đêm ở Hà Nội ngày một đa dạng hơn. Dọc phố Hàng Bồ đến đầu Lương Văn Can là các hàng mực nướng, ốc luộc. Đồ ăn được bày trên các mẹt nan nhỏ. 5 - 7 người mua vài con mực nho nhỏ cùng đồ uống và ngồi lai rai.

Dọc phố Lãn Ông, phố Cầu Gỗ là các quán bún thang, phở trộn, mì vằn thắn... Trong góc phố Gầm Cầu ngào ngạt mùi lòng nướng, bò nướng. Qua ngõ Tạm Thương sẽ có nem chua rán, qua phố Tố Tịch có ngay cốc hoa quả dầm, qua đầu phố Hàng Than là được ăn bát bánh trôi tàu nóng hổi...

Đặc biệt, người ăn đêm có một cái thú là được ngắm cảnh vật phố đêm. Người ta “thưởng thức” nó có khi nhiều hơn món ăn. Đó có thể là một con đường hun hút dài. Một vòm cây lao xao tiếng lá. Vài ngọn gió lẻ loi vỗ về oi bức phố phường. Để mà nhớ, để mà thương hơn thành phố nơi mình đang sống.

Mùa thu Hà Nội vào buổi tối đem đến cho chúng ta những xúc cảm đặc biệt.

Hà Nội trong những ngày này là vậy, vừa tinh khôi, rạo rực, lại vừa trầm mặc, sâu lắng. Một ngày thôi nhưng như ôm trọn cả bốn mùa, tạo nên một bức tranh thiên nhiên hoàn hảo, khiến bất kỳ ai cũng không khỏi say mê.

Hà Nội là thế, là rất đẹp và rất thơ với tiết thu, giống như một đặc sản, bởi những sắc thái rất riêng và đánh thức mọi giác quan khiến ta lưu lại trong lòng mình rất nhiều cảm xúc.

Và để rồi mỗi khi đi xa nhớ về Hà Nội, ta sẽ thấy nao nao nhớ về từng hàng cây, con phố, nhớ về những khuôn mặt đã qua, nhớ về một mùa mang những nỗi niềm khó gọi tên – người ta gọi đó là mùa Thu, mùa của thương nhớ…

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngày 26/12, TAND Cấp cao tại Hà Nội dự kiến sẽ xét xử phúc thẩm đối với Trịnh Văn Quyết và 25 bị cáo trong vụ "đại án" xảy ra tại Tập đoàn FLC và các công ty liên quan.

Sáng 21/12, nhân kỷ niệm 52 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", Ủy ban Hòa bình thành phố Hà Nội phối hợp với Thành hội Phật giáo Hà Nội tổ chức lễ cầu siêu và dâng hương tại Đài tưởng niệm phố Khâm Thiên.

Sau khi kiểm tra hiện trường vụ phóng hỏa làm 11 người tử vong ở đường Phạm Văn Đồng, Bộ Xây dựng đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố siết quản lý trật tự xây dựng và an toàn PCCC cho nhà ở riêng lẻ, nhiều tầng và căn hộ.

Thực hiện phong trào thi đua "Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp" trên toàn TP. Hà Nội, sáng 21/12, Ban Tổ chức và 16 thí sinh tham dự vòng Chung kết “Tiếng hát Hà Nội 2024”, cùng CTCP Công nghệ xanh GODA đã tham gia tổng vệ sinh sân chơi Công viên rừng Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm).

Từ đầu tuần qua, đợt sinh hoạt chính trị nghiên cứu, quán triệt tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về "Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" đã được toàn Đảng bộ thành phố triển khai sâu rộng.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính là một nhiệm vụ quan trọng, gắn liền với thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương.