Hoài niệm Hà Nội xưa tại không gian 'Đêm Trúc Bạch'
Không gian hoài cổ, nhân văn
Trong khuôn khổ Chương trình quảng bá sản phẩm du lịch đêm Hà Nội 2024 với chủ đề “Đêm Trúc Bạch”, Sở Du lịch đã công bố quyết định công nhận ba điểm du lịch cấp thành phố tại quận Ba Đình gồm: Di tích quốc gia đặc biệt đền Quán Thánh, đền Voi Phục và Đảo Ngọc - Trúc Bạch và hai nghề truyền thống của quận Ba Đình. Đó là nghề truyền thống đúc đồng Ngũ Xã, niềm tự hào về một di sản văn hóa lâu đời của vùng đất ven kinh thành Thăng Long. Cùng với đó là nghề truyền thống sản xuất các sản phẩm từ cốm phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực.
Cũng nhân sự kiện này, các không gian văn hóa Hà Nội xưa trên Tuyến tàu điện số 6 đã mở ra, như một sản phẩm văn hóa ý nghĩa và quen thuộc, đưa du khách đến với một không gian nhân văn, hoài cổ, gợi nhớ đến những ký ức Hà Thành.
Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, chương trình quảng bá du lịch “Đêm Trúc Bạch 2024” có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục khẳng định nỗ lực và vai trò của thành phố đối với việc tập trung phát triển kinh tế đêm thông qua các sản phẩm du lịch, nhằm khai thác tiềm năng của Thủ đô một cách toàn diện và bền vững. Đêm Hà Nội, với sự lung linh của ánh đèn và hơi thở lịch sử qua từng góc phố, là một mô hình độc đáo, giúp du khách khám phá một Hà Nội quyến rũ, đậm chất thơ và sâu lắng.
Du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị và quay trở lại với ký ức của một trong những thời kỳ đặc biệt của đất nước: Thời kỳ bao cấp của thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ trước. Lần đầu tiên tại Hà Nội, toàn bộ không gian sự kiện sẽ được thiết lập như một phim trường với bối cảnh là một khu phố thật sự, với các toa tàu điện, các cửa hàng bách hoá. Trong một không gian đậm chất xưa cũ, gợi nhớ rất nhiều kỷ niệm của Hà Nội một thời gian khó nhưng đầy ắp tình người ấy, du khách sẽ được tham quan và trải nghiệm “Bảo tàng đường phố Hà Nội” với các hoạt động nghệ thuật đặc sắc, thưởng thức ẩm thực phong phú và những câu chuyện đậm chất Hà Nội; tận hưởng không khí sôi động, náo nhiệt của các hoạt động biểu diễn.
Còn từ góc nhìn của địa bàn trung tâm phát triển du lịch của Thủ đô, ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho rằng: Ba Đình thực sự là vùng lõi của du lịch Hà Nội, địa phương đang phát huy thế mạnh của truyền thống lịch sử và văn hóa, với 74 di tích lịch sử văn hóa và cách mạng kháng chiến, trong đó đặc biệt nhất phải kể đến Di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long, khu di tích đặc biệt Phủ Chủ tịch, Cột cờ Hà Nội, chùa Một Cột, Di tích quốc gia đặc biệt đền Voi Phục, đền Quán Thánh… Những năm qua, UBND quận Ba Đình đã tập trung đẩy mạnh việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, quảng bá rộng rãi các giá trị văn hóa du lịch gắn với các di tích lịch sử, lễ hội, sản phẩm văn hóa truyền thống, sản phẩm ẩm thực đặc sắc.
“Chúng tôi cũng đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, vườn hoa cây xanh, tạo cảnh quan môi trường văn minh, hiện đại, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, gắn với những đặc thù về văn hóa, lịch sử, kết hợp phát triển du lịch với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của quận” - ông Tạ Nam Chiến cho biết thêm.
Trong ba ngày diễn ra sự kiện, du khách và người dân Thủ đô được tham gia các hoạt động trải nghiệm không gian văn hóa bao gồm: tham quan trải nghiệm, cảnh đẹp tại một số địa điểm tham quan xung quanh khu vực diễn ra sự kiện như: Đền Thủy Trung Tiên, hồ Trúc Bạch, Đảo Ngọc Ngũ Xá; tham gia workshop trải nghiệm theo chủ đề trang trí tem phiếu bao cấp, trò chơi ghép hình, cho thuê trang phục, chụp ảnh; tham gia các gian hàng bao cấp.
“Bước vào trong không gian này, em cảm giác như là mình đang được ngược dòng thời gian về với thời của bố mẹ, ông bà của mình và có thể biết thêm về nhiều nét văn hóa của Việt Nam”, chị Trần Minh Phương - một tình nguyện viên sự kiện “Đêm Trúc Bạch” chia sẻ.
Còn với những người đã có tuổi, “Đêm Trúc Bạch” như là đêm mà họ có thể nhìn lại những ký ức tuổi thơ của một thời son trẻ: “Tàu điện, những món đồ cổ, cái chạn bát, cái mâm, cái đũa, những đồ thời bao cấp, đến những đồ ăn, những sản phẩm của làng đúc đồng Ngũ Xã đã gợi lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm xưa”, ông Đào Đức Toàn - một người dân phường Ngọc Hà, Ba Đình bồi hồi xúc động.
Nét văn hóa thời bao cấp
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”
Nhắc đến văn hóa Hà Thành không thể không nhắc đến nét văn hóa phong phú, giàu bản sắc và tinh tế được thể hiện qua ẩm thực, tín ngưỡng, trang phục. Nét đẹp ấy được tái hiện trong ba ngày xuyên suốt của sự kiện “Đêm Trúc Bạch” (từ ngày 29/11 đến 1/12). Với rất nhiều các hoạt động trình diễn và biểu diễn, người dân đã được hòa cảm xúc của mình vào những bức tranh phố cổ, những gói hoa thời bao cấp, được mãn nhãn với các show trải nghiệm “Dòng chảy của phở”, show trải nghiệm “Hương cốm”, show trải nghiệm “Ký ức ẩm thực thời bao cấp”.
Chị Hạnh Trinh cùng con trai là Quốc Huy (quận Tây Hồ) đã có chuyến đi bộ "ngược thời gian" thông qua những triển lãm, trưng bày đa màu sắc về quá khứ tại phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xá. Chị Trinh chia sẻ: "Thông qua hoạt động văn hóa tại đây, các bạn trẻ được hiểu thêm về một thời khó khăn đã qua, thấu hiểu những gì ông bà, bố mẹ đã trải qua để có được hiện tại đủ đầy như ngày nay. Đồng thời, những con người từng đi qua gian khó có được chút hoài niệm về quá khứ, thương nhớ những gì đã rời đi và thêm trân trọng những điều còn ở lại".
Có nhiều điều nếu không được tái hiện lại qua những hoạt động tại sự kiện "Đêm Trúc Bạch", nhiều bạn trẻ sẽ không biết được tường tận về chúng. Kể đến như nghề làm hoa cúng đang dần bị mai một tại Hà Nội, nhiều bạn trẻ không khỏi trầm trồ khi chiêm ngưỡng mẹt hoa đa sắc, thơm tho được các bà, các chị nhiệt tâm chuẩn bị để dâng lên tổ tiên. Nào hoàng lan, ngọc lan, cúc bách nhật hay hồng tỉ muội... từng đóa hoa như gom góp hương đất trời và cả lòng người thơm thảo gói vào phiến lá xanh. Ngày nay, rất khó để tìm được một gánh hoa cúng đúng "chất" Hà Nội thuở xưa. Có chăng đó là những gánh hàng của các cụ bà lớn tuổi, trong một chợ cóc nho nhỏ tại một góc yên bình nào đó giữa phồn hoa đô thành.
Bạn trẻ Lưu Tuệ Anh (Cầu Giấy) bày tỏ: "Không gian bao cấp được tái hiện thật đẹp và được khéo léo lồng ghép những gợi nhắc tinh tế về sự khó khăn đã qua trong quá trình đất nước đổi mới. Là một người trẻ, mình cho rằng những giá trị tinh thần của thời kỳ bao cấp cần được chú trọng hơn nữa. Thế hệ đi trước dù bất tiện, gian lao đến đâu vẫn tìm ra được chất thơ, cái đẹp từ những điều giản dị, gần gũi nhất. Đó là điều mình cho rằng giới trẻ chúng mình ngày nay còn thiếu sót.
Chúng mình mải chạy theo những điều xa xôi, hào nhoáng mà đôi lúc quên đi việc quay đầu nhìn lại phía sau, nhìn xung quanh bản thân để ghi nhớ và trân trọng những gì mình đang có. Giờ mình đã hiểu tại sao bố mình luôn kể: "Ngày ấy bạn bè chia nhau cái kẹo là quý lắm, thân lắm, đến bây giờ vẫn còn chơi chung. Cái quý giá của tình thân, tình bạn thời ấy là sự gắn bó, sẻ chia chân thành giữa người với người. Nó khắc ghi trong tâm khảm của những con người đi qua khốn khó, để giờ đây lúc đủ đầy vẫn luôn nhắc đến với niềm hạnh phúc và biết ơn sâu sắc dành cho nhau".
Thông qua những trải nghiệm đặc sắc tại Lễ khai mạc tour du lịch "Đêm Trúc Bạch", một góc Hà thành xưa của những năm 80 - 90 hiện về đầy giản dị nhưng không kém phần nhộn nhịp, đông vui và nên thơ.
Ngày 4/1, huyện Thanh Trì tổ chức lễ phát động phong trào thi đua “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” trên địa bàn.
Sáng 4/1, Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Tổng kết phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động Công đoàn năm 2024; triển khai nhiệm vụ và phát động thi đua năm 2025.
Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần chuyển dịch sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá có đầy đủ cơ hội trở thành một trong các trung tâm công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu. Với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế đặc thù, Hà Nội đang có tiềm năng để phát triển, thu hút đầu tư trong lĩnh vực này đúng như định hướng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 là trở thành thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo thêm hành lang pháp lý, cơ chế đặc thù vượt trội để Hà Nội có những điều kiện thuận lợi, phát triển công nghiệp văn hóa.
Hơn một năm nay, người dân sinh sống ở phố Phó Đức Chính (phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình) luôn bất an bởi điểm sạt lở bờ kè thuộc cụm dân cư số 1. Tình trạng này đang có nguy cơ gây hư hại đến các công trình giao thông, nhà cửa và đe dọa tính mạng của cư dân.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thương vong về người tại các vụ cháy nhà riêng lẻ chủ yếu do không có lối thoát hiểm. Vấn đề này đã được khắc phục bước đầu khi có sự tuyên truyền, vận động của chính quyền cơ sở.
0