Khói lửa Trung Đông đe dọa kéo lùi kinh tế toàn cầu

Trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng mạnh tại khu vực Trung Đông, các nhà phân tích cảnh báo hậu quả kinh tế của kịch bản xung đột lan rộng là rất nghiêm trọng.

Gaza tụt hậu 70 năm

Theo Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), xung đột Israel - Hamas đã tàn phá nền kinh tế Gaza và khiến phần lớn người dân tại dải đất này rơi vào cảnh đói nghèo với các chỉ số chất lượng sống như y tế, giáo dục chỉ tương đương giai đoạn cách đây 70 năm. Trong báo cáo công bố mới đây, UNDP cho biết nền kinh tế tổng thể của các vùng lãnh thổ Palestine hiện giảm 35% so với một năm trước, khi cuộc tấn công của Israel ở Gaza bắt đầu, với tỷ lệ thất nghiệp có khả năng tăng lên mốc 49,9%.

Nghiên cứu của UNDP cho thấy Chỉ số Phát triển Con người (HDI) của Gaza, thước đo thành tựu trung bình trong các khía cạnh quan trọng của phát triển con người, dự kiến sẽ giảm xuống mức ước tính của năm 1955. UNDP cho rằng điều này tương đương "xóa bỏ hơn 69 năm tiến bộ".

"Gaza đã tụt về chỉ số phát triển con người của 69 năm trước. Nhà nước Palestine nói chung đã tụt về 24 năm trước. Mọi thành tựu phát triển trong 24 năm đã biến mất. Đó là lý do tại sao khi chúng ta nghĩ đến việc phục hồi ở Gaza, không chỉ là xây dựng lại một số tòa nhà, bất chấp quy mô lớn của nhiệm vụ, vấn đề là tái phát triển hoàn toàn để lấy lại những thứ chúng ta đã mất trong cuộc chiến tàn khốc này”.

Ông Abdallah Al-Dardari, Giám đốc Văn phòng khu vực dành cho các quốc gia Arab tại UNDP.

Cũng theo nghiên cứu, tỷ lệ đói nghèo khắp các vùng lãnh thổ Palestine sẽ gần như tăng gấp đôi trong năm nay, lên tới 74,3%. Tổng cộng, 4,1 triệu người hiện được coi là sống trong nghèo đói trên khắp các vùng lãnh thổ Palestine, bao gồm Dải Gaza và Bờ Tây, với 2,61 triệu người mới rơi vào cảnh nghèo đói chỉ trong năm qua.

Liên hợp quốc cảnh báo nền kinh tế của Gaza đã bị “phá hủy hoàn toàn” bởi cuộc chiến kéo dài hơn một năm qua giữa Israel và Hamas, và sẽ mất 350 năm để phục hồi về mức trước xung đột.

Theo báo cáo về chi phí kinh tế của cuộc chiến do Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) thiết lập, cuộc giao tranh giữa Israel và Hamas kể từ ngày 7/10/2023 đã tàn phá những gì còn sót lại của nền kinh tế và cơ sở hạ tầng ở Gaza.

Báo cáo đã được trình lên Đại Hội đồng Liên hợp quốc vào tháng trước, cho biết hoạt động kinh tế ở Gaza - vốn đã suy yếu trước xung đột - đã bị đình trệ, ngoại trừ các dịch vụ y tế và thực phẩm nhân đạo tối thiểu được cung cấp trong điều kiện thiếu nước, nhiên liệu và điện nghiêm trọng, hạn chế đáng kể khả năng tiếp cận của người dân.

Các trường học và nhà dân bị hư hại hoặc phá hủy ở Gaza. Ảnh: Reuters

Tốc độ tăng trưởng xây dựng giảm 96%, sản lượng nông nghiệp giảm 93%, sản xuất giảm 92% và sản lượng ngành dịch vụ giảm 76%. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng tới 81,7% trong quý đầu tiên của năm 2024 và có khả năng sẽ trở nên tồi tệ hơn hoặc kéo dài trong bối cảnh hoạt động quân sự vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Báo cáo cho biết cuộc xung đột hiện nay ở Gaza diễn ra sau giai đoạn năm 2007 - 2022, khi nền kinh tế của Gaza vốn đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do những hạn chế mà Israel áp đặt. Liên hợp quốc nhấn mạnh doanh thu bị mất do các hạn chế và hoạt động quân sự là rất “khủng khiếp”.

Theo ước tính kỹ lưỡng được mô tả trong báo cáo hiện tại, nếu không có những hạn chế đó, ước tính đến cuối năm 2023, GDP của Gaza sẽ cao hơn trung bình 77,6% so với mức thực tế.

Trong ba quý đầu năm 2023 – trước khi xung đột nổ ra – nền kinh tế Gaza đã suy thoái với tốc độ hàng năm khoảng 3%. Nền kinh tế suy thoái 22,6% trong năm 2023 nói chung, trong đó 90% mức giảm này xảy ra trong quý IV.

Kinh tế Liban chìm trong khủng hoảng

Liên quan đến một điểm nóng xung đột khác, Liên hợp quốc cho biết, cuộc chiến giữa Israel và nhóm vũ trang Hezbollah dự kiến sẽ xóa sổ 9% tài sản quốc gia của Liban tính theo tổng sản phẩm quốc nội (GDP), với quy mô của các cuộc giao tranh và hậu quả kinh tế sẽ vượt qua cuộc xung đột gần đây nhất vào năm 2006. Đánh giá nhanh của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) về tác động của cuộc xung đột đối với GDP của Liban được công bố một ngày trước Hội nghị thượng đỉnh do Pháp tổ chức nhằm giúp huy động sự hỗ trợ quốc tế cho Liban. UNDP dự kiến cuộc xung đột sẽ kéo dài đến cuối năm 2024, khiến nhu cầu tài chính của Liban tăng 30%.

Báo cáo cho biết: "GDP dự kiến sẽ giảm 9,2% so với kịch bản không có chiến tranh, cho thấy hoạt động kinh tế sẽ suy giảm đáng kể do hậu quả trực tiếp của cuộc xung đột".

Theo UNDP, ngay cả khi chiến tranh kết thúc vào năm 2024, hậu quả vẫn sẽ kéo dài trong nhiều năm, với GDP có khả năng giảm 2,28% vào năm 2025 và 2,43% vào năm 2026. Liban đã phải chịu đựng cuộc suy thoái kinh tế kéo dài bốn năm và một cuộc khủng hoảng chính trị khi Hezbollah tấn công Israel vào năm ngoái để ủng hộ đồng minh Hamas.

Vào cuối tháng 9, Israel đã tăng cường các cuộc ném bom trên khắp Liban và không kích thường xuyên vào các vùng ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut, các thành phố lớn ở miền Nam Liban và một số khu vực ở phía Đông thung lũng Bekaa, bao gồm cả biên giới với Syria.

UNDP cho biết thiệt hại về cơ sở hạ tầng vật chất, nhà ở và năng lực sản xuất có thể sẽ gần bằng mức ước tính cho cuộc chiến năm 2006, là từ 2,5 tỷ đến 3,6 tỷ USD, nhưng cơ quan này cảnh báo về thiệt hại chung lớn hơn cho Liban. "Quy mô của hoạt động quân sự, bối cảnh địa chính trị, tác động nhân đạo và hậu quả kinh tế vào năm 2024 dự kiến sẽ lớn hơn nhiều so với năm 2006".

Khủng khoàng kinh tế Liban khiến người dân khó mua được thực phẩm. Ảnh: Financial Times.

Báo cáo của UNDP cũng nhận định việc đóng các cửa khẩu biên giới quan trọng đối với thương mại sẽ khiến các hoạt động thương mại giảm 21% và dự kiến sẽ xảy ra tình trạng mất việc làm trong các ngành du lịch, nông nghiệp và xây dựng.

UNDP nhấn mạnh việc tăng cường viện trợ quốc tế sẽ rất cần thiết cho quá trình phục hồi bền vững ở Liban - không chỉ để giải quyết nhu cầu nhân đạo gia tăng mà còn để ngăn chặn hậu quả xã hội và kinh tế lâu dài của cuộc xung đột.

Bộ trưởng phụ trách ứng phó khủng hoảng của Liban cho biết nước này cần 250 triệu USD mỗi tháng để giúp đỡ hơn 1,2 triệu người phải di dời do các cuộc không kích của Israel.

Bộ trưởng Kinh tế Liban Amin Salam cho biết, cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah đã khiến nước này thiệt hại 20 tỷ USD và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên. Ông Amin Salam cho biết xung đột đã khiến ngành du lịch và nông nghiệp gần như không hoạt động, đồng thời gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, cùng với đó là hơn 20% trong tổng số 5,5 triệu người dân Liban đã phải di dời. Ông Amin Salam cho rằng, ngay cả khi có lệnh ngừng bắn ngay lập tức, Liban cũng sẽ mất ít nhất 3-5 năm để phục hồi sau thiệt hại, đồng thời lo ngại về nguy cơ gia tăng bất ổn xã hội tại quốc gia này.

Liban đã phải chịu đựng một cuộc nội chiến tàn khốc từ năm 1975 đến năm 1990. Nền kinh tế quốc gia Trung Đông này lâm vào khủng hoảng trong nhiều năm khi vỡ nợ hàng tỷ USD trái phiếu quốc tế và hiện lạm phát đang ở mức 35%.

"Nhìn chung, tình hình kinh tế rất tệ, và chúng ta sẽ chứng kiến sự sụp đổ thậm chí còn lớn hơn nữa vì, ngay lúc này, không có sự lạc quan nào rằng tình hình sẽ được cải thiện. Trong tình cảnh kinh tế suy thoái này mọi người đang phải vật lộn để đảm bảo mức sống tối thiểu của họ”.

Ông Aly Al-Sharif, Chủ tịch Hiệp hội thương nhân thành phố Sidon.

Hội nghị quốc tế về Liban do Pháp tổ chức tại thủ đô Paris mới đây đã kêu gọi quyên góp được 1 tỷ USD viện trợ nhân đạo và hỗ trợ quân sự để giúp Liban khắc phục cuộc khủng hoảng đang ngày càng trầm trọng do xung đột giữa lực lượng Hezbollah ở nước này và Israel. Các quốc gia cam kết đóng góp nhiều nhất là Mỹ với 300 triệu USD, tiếp đó là nước chủ nhà Pháp với 100 triệu Euro (tương đương 108 triệu USD) và Đức với 96 triệu Euro (tương đương 103 triệu USD).

Kinh tế Israel thiệt hại ra sao vì chiến sự?

Về phía Israel, việc phải đương đầu với cuộc chiến ngày càng lan rộng trên nhiều mặt trận đã đẩy nền kinh tế nước này vào tình thế khó khăn. Ngành công nghệ, nông nghiệp, xây dựng, du lịch của Israel đều bị kéo tụt vì cuộc chiến được đánh giá kéo dài và tốn kém nhất lịch sử nước này. Theo giới quan sát, một khi xung đột lan rộng, chi phí kinh tế cũng sẽ tăng vọt đối với Israel.

Một năm sau cuộc tấn công bất ngờ của nhóm vũ trang Hamas vào Israel, quốc gia này đang cùng lúc triển khai chiến dịch trên bộ chống lực lượng Hezbollah ở Liban, không kích Dải Gaza và Beirut, và có màn trả đũa qua lại với Iran. Khi xung đột lan rộng ra khu vực, thiệt hại kinh tế cũng sẽ tăng lên, cả với Israel và các quốc gia khác ở Trung Đông.

Kinh tế Israel có thể còn giảm mạnh hơn thế, nếu theo kịch bản tệ nhất của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia thuộc Đại học Tel Aviv. Kể cả trong kịch bản nhẹ nhàng hơn, GDP nước này cũng giảm, do dân số đang tăng nhanh và mức sống đi xuống.

Một số nhà kinh tế hàng đầu cho rằng, lệnh ngừng bắn là cách tốt nhất để ngăn chặn thiệt hại.

"Nền kinh tế hiện đang chịu sự bất ổn rất lớn và điều này liên quan đến tình hình an ninh - cuộc chiến sẽ kéo dài bao lâu, mức độ khốc liệt ra sao và liệu có tiếp tục leo thang".

Ông Karnit Flug, cựu Giám đốc Ngân hàng trung ương Israel.

Năm ngoái, trước khi Hamas tấn công Israel, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Israel tăng trưởng 3,4% năm nay. Hiện tại, tốc độ này chỉ còn 1-1,9%. IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của nước này năm tới.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Israel lại không còn dư địa giảm lãi suất, do lạm phát đang tăng tốc, lương nhân công tăng và chi tiêu chính phủ leo thang do chiến sự. Hồi tháng 5, cơ quan này ước tính chi phí phát sinh từ cuộc chiến sẽ lên tới 250 tỷ shekel (66 tỷ USD) cho đến hết năm sau. Trong đó gồm cả chi tiêu quân sự và dân sự, như chi phí nhà ở cho hàng nghìn người Israel buộc phải rời bỏ nhà cửa. Con số này tương đương 12% GDP.

Thâm hụt ngân sách của Israel đã tăng gấp đôi so với trước chiến sự, lên tương đương 8% GDP. Chi phí đi vay của họ sẽ còn tăng mạnh, khi xếp hạng tín nhiệm của nước này bị cả Fitch, Moody's và S&P hạ bậc thời gian qua.

Sự suy giảm dự kiến về tốc độ tăng trưởng so với dự báo kinh tế trước chiến tranh, cùng với sự gia tăng chi tiêu quốc phòng, có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ suy thoái kinh tế. Điều này có thể gợi nhớ đến thập kỷ mất mát sau Chiến tranh Yom Kippur, khi Israel phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và những cắt giảm lớn trong các lĩnh vực công cộng như giáo dục, y tế, và phúc lợi.

Trong bối cảnh này, Chính phủ Israel sẽ phải đưa ra các quyết định khó khăn về việc cắt giảm chi tiêu ở các bộ ngành không cần thiết và ưu tiên các khoản đầu tư chiến lược nhằm duy trì tăng trưởng và hỗ trợ nỗ lực chiến tranh. Tuy nhiên, việc tăng thuế và thâm hụt có thể là điều khó tránh khỏi, dẫn đến những tác động tiêu cực đối với đời sống người dân và môi trường đầu tư.

Không bóng người qua lại tại một khu mua sắm tại Sderot, Israel . Ảnh: CNN.

Về mặt xã hội, sự kéo dài của chiến tranh và căng thẳng trong nước sẽ tạo ra sự phân hóa sâu sắc trong xã hội Israel. Các cuộc biểu tình và bất đồng về chiến lược quân sự và chính trị sẽ tiếp tục gia tăng, làm suy yếu khả năng đoàn kết quốc gia. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và niềm tin của người dân, làm tăng xu hướng di cư ra nước ngoài và gây thất thoát nguồn lực con người quan trọng cho nền kinh tế. Xung đột gia tăng và kinh tế đi xuống có thể gây ra tình trạng chảy máu chất xám tại quốc gia Trung Đông. Chỉ cần vài nghìn người là cũng đủ gây ra tác động lớn. Vì ngành công nghệ phụ thuộc vào số ít cá nhân sáng tạo và có tinh thần khởi nghiệp nhất. Công nghệ hiện đóng góp 20% GDP Israel.

Gần đây, hầu hết hãng công nghệ mới nước này đăng ký thành lập ở nước ngoài, dù có ưu đãi thuế nếu đăng ký tại địa phương. Nhiều hãng cũng đang xem xét chuyển hoạt động ra ngoài Israel.

Trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng mạnh tại khu vực Trung Đông, các nhà phân tích cảnh báo hậu quả kinh tế của kịch bản xung đột lan rộng là rất nghiêm trọng. Và nếu các bên không kiềm chế khiến một cuộc chiến tranh toàn diện nổ ra, bức tranh kinh tế của các quốc gia trong khu vực được dự báo sẽ là một màu xám u ám. Hậu quả mà một cuộc chiến tranh toàn diện để lại sẽ không giới hạn ở lãnh thổ một quốc gia. Chiến sự leo thang sẽ kéo theo những tổn thất gia tăng với nền kinh tế của tất cả quốc gia trong khu vực.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sáng 31/10, Nhật Bản cùng Hàn Quốc và Mỹ đã lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới nhất của Triều Tiên, cho rằng hành động này vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Theo hãng tin Yonhap, ngày hôm nay 31/10, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết nước này đã công bố danh sách các mặt hàng sử dụng để phát triển tên lửa đạn đạo nguyên liệu rắn phải giám sát xuất khẩu.

Theo chính quyền địa phương, ngày 31/10, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra ở quận Vũ Hầu thuộc thành phố Thành Đô, miền Tây Nam Trung Quốc, khiến hơn 20 người phải nhập viện.

Lưu lượng xe gia tăng để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân là điều tất yếu, nhưng đi cùng với đó, không khí ô nhiễm. Do đó, tại các nước phát triển, vùng phát thải thấp và vùng không phát thải đã được lập ra để cải thiện chất lượng không khí.

Một chiếc moto điện do châu Phi sản xuất, đã hoàn thành hành trình lịch sử dài 6.000 km trong vòng 17 ngày và chỉ sử dụng năng lượng mặt trời.

Những cây đàn piano lớn, thường chỉ có mặt tại các khán phòng lớn hoặc nhạc viện, thì nay đã được đặt tại một số địa điểm mang tính biểu tượng ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha để bất cứ ai cũng có thể chơi đàn và chia sẻ tình yêu âm nhạc của họ với công chúng.