Mỹ và Iran trước nguy cơ đối đầu quân sự

Cho đến nay, Mỹ và Iran vẫn tránh đối đầu trực tiếp với nhau. Tuy nhiên, các hành động quân sự “ăn miếng trả miếng” đang gia tăng tần suất trên khắp khu vực giữa một bên là lực lượng được Iran hậu thuẫn và bên kia là Mỹ, Israel và các đồng minh, cùng sự can thiệp trực tiếp của cả Iran và Mỹ ở Trung Đông trong những tuần gần đây đã làm gia tăng lo ngại “xung đột ủy nhiệm” có thể trở thành đối đầu trực tiếp.

Cuộc chiến mới đang thành hình

Theo giới chức Mỹ, kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra vào tháng 10/2023, các căn cứ Mỹ tại Trung Đông, đặc biệt là ở Iraq và Syria, đã hứng chịu hàng loạt cuộc tập kích nhằm phản đối vai trò hỗ trợ của Mỹ cho Israel liên quan đến xung đột giữa Israel và phong trào Hamas tại Dải Gaza. Tổng cộng từ tháng 10/2023 đến nay, lực lượng Mỹ và đồng minh đã bị tấn công hơn 160 lần.

Các căn cứ Mỹ tại Trung Đông, đặc biệt là ở Iraq và Syria, đã hứng chịu hàng loạt cuộc tập kích.

Trong đó, đỉnh điểm là cuộc tập kích bằng máy bay không người lái nhằm vào tiền đồn Tháp 22 của quân đội Mỹ tại Jordan, khiến ba binh sĩ thiệt mạng và ít nhất 34 người khác bị thương. Đây là lần đầu tiên binh sĩ Mỹ thiệt mạng ở Trung Đông kể từ khi cuộc xung đột Israel - Hamas nổ ra vào tháng 10/2023.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đổ lỗi cho các nhóm được Iran hậu thuẫn, tuyên bố sẽ đáp trả: “Trong khi chúng tôi vẫn đang thu thập thông tin về cuộc tấn công này, chúng tôi biết nó được thực hiện bởi các nhóm chiến binh cực đoan do Iran hậu thuẫn hoạt động ở Syria và Iraq.”

Một nhóm vũ trang ở Iraq thừa nhận đã tấn công các vị trí của Mỹ dọc biên giới Jordan-Syria, trong khi Iran phủ nhận mọi liên quan trực tiếp đến các cuộc tấn công.

Cuộc tấn công trên chỉ là một trong những diễn biến mới nhất của cuộc chiến ủy nhiệm đang thành hình tại Trung Đông. Trên thực tế, kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran luôn là thế lực đối đầu lớn nhất của Mỹ ở khu vực này. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhu cầu phát triển đất nước của Iran cùng việc Washington không còn muốn lún sâu vào các cuộc xung đột đẫm máu tại khu vực đã đưa hai nước vào giai đoạn hòa hoãn.

Mặc dù vậy, sau nhiều năm hạ nhiệt quan hệ qua đối thoại, những diễn biến mới nhất tại Trung Đông một lần nữa đưa Mỹ - Iran vào thế đối đầu. Lần này, đó là sự đối đầu quân sự trực tiếp giữa Mỹ, đồng minh Mỹ với các đồng minh của Iran và có thể cả chính Iran.

Mỹ bị kéo vào cuộc chiến với lực lượng Houthi.

Khởi nguồn là xung đột Hamas - Israel tại Dải Gaza bùng nổ ngày 7/10/2023. Tham chiến tại đây là Hamas và Hezbollah, các tổ chức hùng mạnh hàng đầu trong số những nhóm được Iran hậu thuẫn, và Israel - đồng minh lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông.

Xung đột ở Gaza bùng nổ chưa lâu, từ cuối tháng 10/2023, Mỹ trực tiếp bị kéo vào cuộc xung đột chưa có hồi kết với Houthi - nhóm phiến quân thân Iran hiện kiểm soát phần lớn lãnh thổ Yemen. Houthi thường xuyên tấn công vào các tàu chở hàng cùng đoàn tàu chiến Mỹ hộ tống đi lại trên Biển Đỏ - tuyến giao thương hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới.

Mới đây nhất, ngày 1/2, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ tại Trung Đông cho biết, liên minh hải quân quốc tế đã đánh chặn thành công một loạt cuộc tấn công bằng cả tên lửa, máy bay không người lái và xuồng tự sát của nhóm Houthi ở Yemen nhằm vào Biển Đỏ. Trước đó, ngày 26/1, phía Mỹ khẳng định Houthi đã phóng tên lửa thẳng vào tàu USS Carney, đánh dấu lần đầu tiên tổ chức này tấn công trực tiếp một tàu chiến Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ và đồng minh cũng đang hợp lực để khống chế hoặc làm suy yếu “trục kháng chiến” - mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm được Iran hậu thuẫn thông qua các cuộc tấn công nhằm vào các nhóm vũ trang có liên hệ với Iran ở Yemen, Syria và Iraq. Hôm 4/1, Mỹ ám sát một thủ lĩnh của nhóm dân quân Harakat al-Nujaba do Iran hậu thuẫn ở Thủ đô Baghdad (Iraq). Ngày 23/1, Mỹ tiếp tục nhắm mục tiêu vào “trụ sở, kho chứa và địa điểm huấn luyện của lực lượng dân quân về rocket, tên lửa và máy bay không người lái (UAV)” ở Iraq.

Quân đội Mỹ đã tấn công các cơ sở được cho là lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran IRGC.

Tại Syria, quân đội Mỹ đã tấn công các cơ sở mà Washington cho là được lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran IRGC và các nhóm liên kết sử dụng, trong khi để đối phó với lực lượng Houthi, từ tháng 1 năm nay, Mỹ và Anh đã không kích liên tục vào các vị trí và mục tiêu vũ khí của Houthi bên trong lãnh thổ Yemen.

Mỹ cũng đã liệt một số nhóm vũ trang trong các cuộc xung đột tại khu vực vào danh sách khủng bố, trong đó có Houthi và Hezbollah.

Trong bối cảnh tình hình ở Trung Đông vốn đã “căng như dây đàn”, vụ tấn công ở Jordan khiến ba binh sỹ Mỹ tử trận có nguy cơ thổi bùng hơn nữa ngọn lửa xung đột.

Thế tiến thoái lưỡng nan của Tổng thống Biden

Theo giới quan sát, chính sách của Mỹ ở Trung Đông giờ đây không chỉ còn là một nỗ lực nhằm ngăn chặn xung đột Israel-Hamas gây ra một cuộc chiến tranh khu vực lớn hơn, mà nhiệm vụ quan trọng hiện nay đối với Tổng thống Joe Biden là ngăn chặn cuộc chiến toàn khu vực vượt khỏi tầm kiểm soát. Tuy nhiên, làm thế nào để khẳng định sức mạnh của Mỹ trong một cuộc chiến tranh khu vực đang lan rộng theo cách không khiến cuộc xung đột trở nên nguy hiểm hơn, leo thang hơn và có khả năng vượt khỏi tầm kiểm soát lại đang là một câu hỏi khó đối với chính quyền của Tổng thống Joe Biden.

Cuộc xung đột đang diễn ra giữa Mỹ với các nhóm vũ trang ở Iraq và Syria đang xấu đi đáng kể sau cuộc tấn công nhằm vào căn cứ của Mỹ ở Jordan, khiến ba binh sỹ thiệt mạng.

Thế tiến thoái lưỡng nan của Tổng thống Biden.

Nhiều nhà lãnh đạo thuộc Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đã kêu gọi Washington ngay lập tức thực hiện các cuộc tấn công chống Iran. Thượng Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham nói rằng: “Hãy tấn công Iran ngay lập tức”. Trong khi Thượng Nghị sĩ Tom Cotton chỉ trích Tổng thống Biden "bỏ rơi" binh sĩ Mỹ, đồng thời kêu gọi “trả đũa quân sự mạnh mẽ” nhằm vào Iran.

Tuy nhiên, một số Thượng Nghị sĩ Đảng Dân chủ phản đối cách tiếp cận hiếu chiến của Đảng Cộng hòa và kêu gọi thận trọng. Bởi một cuộc tấn công nhằm vào Iran sẽ khiến Mỹ sẽ đối mặt nguy cơ bị Tehran và lực lượng ủy nhiệm trả đũa nặng nề, khiến Washington lún sâu thêm vào khủng hoảng ở Trung Đông.

Ông Seth Moulton – Thượng Nghị sỹ Đảng dân chủ phát biểu: “Hỡi những người 'diều hâu' đang kêu gọi chiến tranh với Iran, các bạn đang rơi vào 'bẫy' của kẻ thù. Liệu các bạn có chấp nhận cho con, cháu mình tham gia chiến đấu. Chúng ta phải có phản ứng hiệu quả, mang tính chiến lược theo các điều kiện và tiến trình của mình. Răn đe phải cứng rắn, nhưng chiến tranh sẽ tồi tệ hơn”.

Mỹ khẳng định sẽ đáp trả vụ tấn công nhưng không muốn tình hình leo thang.

Về phần mình, các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Biden khẳng định Nhà Trắng sẽ đáp trả vụ tấn công nhưng không muốn tình hình leo thang.

Theo giới quan sát, Tổng thống Joe Biden đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, vì năm nay là năm bầu cử Tổng thống Mỹ.

Những lựa chọn của Mỹ và Iran

Những gì diễn ra trong thời gian qua cho thấy một thực tế là dù không muốn nhưng Mỹ đã bị lôi kéo vào một cuộc chiến ở khu vực Trung Đông rộng lớn hơn, chưa đầy ba năm sau khi Tổng thống Biden chính thức ra lệnh chấm dứt sứ mệnh chiến đấu kéo dài hai thập kỷ ở Iraq khiến Mỹ kiệt sức và gây ra tổn thương chính trị sâu sắc. Những câu hỏi đặt ra hiện nay là Washington sẽ hành động như thế nào để đáp trả vụ tấn công ở Jordan, phản ứng của Iran sẽ ra sao và những hậu quả tiềm tàng đối với khu vực.

Trước áp lực ngày càng tăng, Lầu Năm Góc đang xem xét các phương án. Tổng thống Biden ngày 30/1 cho biết chính quyền của ông đã quyết định về cách ứng phó với cuộc tấn công ở Jordan. Theo truyền thông Mỹ, tấn công lực lượng Iran ở Syria, Iraq hoặc tài sản của hải quân Iran ở Vịnh Ba Tư nằm trong số những lựa chọn này.

Chính quyền của ông Biden đã quyết định về cách ứng phó với cuộc tấn công ở Jordan.

Bà Allison Mcmanus - Chuyên gia tại Trung tâm tiến bộ Mỹ cho biết: “Các lựa chọn ngay bây giờ có thể là các cuộc tấn công dữ dội hơn vào lực lượng dân quân Iran, đặc biệt là ở Syria và Iraq. Ngoài ra còn có các lựa chọn khác và chúng tôi đã thấy rằng một số người, bao gồm cả các thành viên Quốc hội, đang kêu gọi thực hiện tấn công trực tiếp vào Iran. Nhưng tôi không cho rằng Lầu Năm Góc sẽ đi xa đến thế, bởi vì điều đó chắc chắn sẽ làm gia tăng xung đột tổng lực theo cách mà tôi tin rằng chính phủ Mỹ không mong muốn.”

Các nguồn tin của Iran cho biết Tehran coi bất kỳ cuộc tấn công nào vào lãnh thổ của mình là “ranh giới đỏ” và sẽ phản ứng thích hợp. Họ lưu ý rằng Iran không muốn chiến tranh với Mỹ nhưng sẽ “đối đầu mạnh mẽ” với bất kỳ hành động nào của Washington.

Tướng Hossein Salami – Tư lệnh lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran chia sẻ: “Chúng tôi nghe thấy những lời đe dọa đến từ các quan chức Mỹ. Chúng tôi nói với họ rằng, họ đã thử thách chúng tôi và giờ chúng ta đã biết rõ nhau. Sẽ không có mối đe dọa nào không được đáp trả”.

Theo các chuyên gia, vụ tấn công ở Jordan diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Trung Đông và bất kỳ một cuộc xung đột nào khác cũng có thể mở rộng thành một cuộc chiến khu vực rộng lớn hơn. Một khi bị tấn công, Iran sẽ đáp trả. Khoảng 45.000 lính Mỹ đồn trú ở Trung Đông sẽ phải đặt trong tình trạng báo động cao suốt quãng thời gian dài để sẵn sàng ứng phó. Lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria, nơi đã bị tấn công hơn 160 lần kể từ giữa tháng 10/2023 sẽ gặp rủi ro lớn nhất.

Hành động trả đũa của Iran sẽ rất đa dạng, từ sử dụng tên lửa đạn đạo tấn công các căn cứ Mỹ ở Iraq và Syria cho đến tăng cường cung cấp vũ khí cho các lực lượng liên kết trong khu vực.

Iran sở hữu hàng nghìn tên lửa đạn đạo và hành trình.

Chỉ huy quân đội Mỹ ở Trung Đông ước tính Iran sở hữu hàng nghìn tên lửa đạn đạo và hành trình, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong vùng. Chúng có thể vươn tới các căn cứ lớn của Mỹ ở Qatar, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Jordan hay hạm đội 5 của hải quân Mỹ tại Bahrain. Iran cũng có thể trả đũa một cách kín đáo hơn và không trực tiếp đối đầu Mỹ.

Sức mạnh quân sự chính quy của Iran kém xa so với Mỹ, nhưng mạng lưới nhóm vũ trang mà họ hậu thuẫn rất đáng gờm và phù hợp với các chiến thuật bất đối xứng chống lại đối thủ vượt trội.

Lực lượng Hezbollah ở Lebanon sở hữu khoảng 150.000 tên lửa, một số có khả năng dẫn đường chính xác, đủ sức vươn tới tất cả thành phố lớn của Israel, đồng minh thân cận nhất với Mỹ trong khu vực.

Nhóm Houthi ở Yemen đã thể hiện quyết tâm đối đầu bằng cách thực hiện hàng chục cuộc tấn công nhằm vào tàu thương mại ở Biển Đỏ, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngay cả tàu chiến Mỹ cũng có thể trở thành mục tiêu của tên lửa chống hạm Houthi.

Các chuyên gia còn lưu ý rằng Tehran có những nhóm ủng hộ hoạt động âm thầm ở châu Âu và Mỹ Lati và họ có thể trỗi dậy nếu Mỹ tấn công Iran.

Một cuộc xung đột quân sự trực tiếp nổ ra sẽ dẫn đến tình trạng thiếu dầu trên thị trường quốc tế.

Không chỉ vậy, có một lý do chính đáng khiến chính quyền Tổng thống Biden phải cân nhắc cẩn trọng khi tiến hành tấn công vào lãnh thổ Iran. Đó là dầu mỏ. Một cuộc xung đột quân sự trực tiếp nổ ra sẽ dẫn đến tình trạng thiếu dầu trên thị trường quốc tế với số lượng 7,6 triệu thùng mỗi ngày, liên quan đến hai quốc gia: Iran – 3,3 triệu thùng/ngày và Iraq – 4,3 triệu thùng/ngày. Khối lượng của Iran và Iraq chiếm gần 7,4% tổng sản lượng dầu thế giới vào năm 2023. Giá dầu Brent sẽ ngay lập tức tăng lên hơn 100 USD/thùng trên sàn giao dịch chứng khoán và giá xăng ở Mỹ sẽ vượt quá 4 USD/gallon (mức trung bình cho đến nay là 3,1 USD).

Ngoài ra, việc xuất khẩu dầu lấy từ Syria của Mỹ cũng có thể bị gián đoạn. Iran, với vị trí gần eo biển Hormuz, cũng có thể gây ra làn sóng chấn động kinh tế toàn cầu khi 40% lượng dầu thô quốc tế đi qua eo biển này và nhờ khả năng tiếp cận dễ dàng Iran có thể gây ra gián đoạn nghiêm trọng đối với tuyến vận tải được cho là tối quan trọng.

Bất ổn an ninh kéo dài gần 4 tháng qua tại Trung Đông đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, đẩy hàng trăm người vào cảnh nghèo đói và khiến nền kinh tế khu vực chịu tổn thất có thể lên tới hàng chục tỷ USD. Trong khi đó, khủng hoảng trên Biển Đỏ khiến thời gian vận chuyển và chi phí vận tải tăng phi mã, nếu kéo dài, có thể khiến lạm phát toàn cầu tăng tới 2%. Trong bối cảnh ấy, nguy cơ về một cuộc tấn công của Mỹ vào Iran có thể dẫn đến thâm hụt lớn trên thị trường dầu mỏ thế giới không có gì có thể bù đắp được và giáng thêm một đòn nữa vào kinh tế toàn cầu.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong cuộc họp đầu tháng 5, Cục dự trữ liên bang Mỹ FED đã quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản hiện nay ở mức từ 5,25 đến 5,5% để kiềm chế lạm phát. Việc FED duy trì mức lãi suất cao khiến đồng USD tăng giá và gây ra nhiều tác động đến nền kinh tế của Mỹ cũng như toàn cầu.

Trí tuệ nhân tạo đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ, nhưng năm 2024 được đánh giá là năm hứa hẹn mở ra một loạt tiến bộ đột phá trong phát minh robot AI thế hệ mới.

Châu Á đã trở thành điểm nóng cho các nhà đầu tư quốc tế nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và thị trường tiêu dùng khổng lồ. Trong đó, các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia và Singapore được coi là những lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư.

Các cuộc biểu tình diễn ra tại hàng chục trường đại học từ bờ Đông đến bờ Tây của nước Mỹ. Làn sóng biểu tình của sinh viên trên khắp nước Mỹ đã làm nổ ra các cuộc tranh luận về quyền tự do ngôn luận, chủ nghĩa bài Do Thái và xung đột Israel - Palestine.

Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine mới đây cho biết, binh sĩ dưới quyền của ông đang trong tình thế cam go khi Nga đẩy mạnh tiến công để tận dụng lợi thế. Trong khi đó gói viện trợ quân sự mới của Mỹ vẫn chưa tới tay Ukraine vì vậy phòng tuyến của Ukraine đã bị Nga xuyên thủng.

Nhiều quốc gia đã đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng sạch. Trong đó, Mỹ, Trung Quốc và Australia là những quốc gia đang nỗ lực đầu tư để thúc đẩy các sáng kiến chống biến đổi khí hậu và sản xuất năng lượng sạch.