Mồi lửa chiến tranh nằm sau cuộc tập kích Mỹ-Anh vào Houthi

Các cuộc tập kích mới đây của liên quân Mỹ - Anh nhằm vào các mục tiêu liên quan tới lực lượng Houthi tại Yemen, làm dấy lên lo ngại mồi lửa chiến tranh có thể lan ra khắp Trung Đông, đồng thời đặt ra hàng loạt câu hỏi về tác động của chúng đến các lực lượng ủy nhiệm của Iran trong khu vực và cả chính trường Mỹ.

Theo các quan chức Mỹ, trong 2 ngày, liên quân Mỹ - Anh đã không kích hơn 60 địa điểm của Houthi, bao gồm các trung tâm chỉ huy, kho đạn dược, cơ sở sản xuất vũ khí. Đây được cho là cuộc tấn công đầu tiên mà lực lượng liên quân thực hiện chống lại Houthi – nhóm vũ trang hiện kiểm soát hầu hết Yemen, và cũng là lần đầu tiên những đợt tấn công Houthi được tiến hành kể từ khi nhóm này bắt đầu chiến lược tấn công vận chuyển quốc tế ở Biển Đỏ từ cuối năm ngoái.

Vì sao Mỹ tấn công Houthi?

Houthi là nhóm phiến quân ở Yemen, được phương Tây nhìn nhận do Iran hậu thuẫn. Lực lượng này được đặt theo tên người sáng lập Hussein Badreddin al-Houthi, đại diện cho nhánh Zaidi của dòng Hồi giáo Shia.

Houthi nổi lên từ những năm 1990, có khoảng 20.000 tay súng. Lực lượng này hoạt động ở hầu hết các khu vực thuộc phía Tây Yemen và duyên hải Biển Đỏ.

Khoảng 20.000 tay súng Houthi hoạt động ở các khu vực thuộc phía Tây Yemen và duyên hải Biển Đỏ.

Ngay sau khi cuộc xung đột ở Gaza nổ ra, Houthi đã thực hiện hàng loạt cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào các tàu ở Biển Đỏ, hành động mà họ cho là nhắm mục tiêu vào Israel và các tàu liên kết với Israel để thúc đẩy chấm dứt xung đột ở Dải Gaza.

Biển Đỏ là một trong những tuyến thương mại hàng hải quan trọng nhất thế giới. Thế nên các cuộc tấn công của Houthi đã gây ra tác động sâu rộng, với hơn 50 quốc gia có mối liên hệ với các tàu bị Houthi tấn công và gây gián đoạn thương mại quốc tế.

Các cuộc tấn công buộc nhiều hãng tàu phải định lại tuyến đường vận chuyển dài hơn quanh mũi Hảo Vọng ở Nam Phi. Việc tăng chi phí giao hàng đang làm dấy lên lo ngại có thể gây ra một đợt lạm phát toàn cầu mới.

Houthi thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào các tàu ở Biển Đỏ.

Ông Abdul Hakim Al-Hakimi - Chủ một công ty vận tải biển ở Vịnh Aden chia sẻ: “Các cuộc tấn công của lực lượng dân quân Houthi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá vận chuyển. Sau các cuộc tấn công này, chi phí vận chuyển hàng hóa đã tăng từ 150% đến 200%.”

Trong nhiều tuần, Mỹ đã tìm cách tránh tấn công trực tiếp vào Yemen vì lo ngại xung đột leo thang ở khu vực vốn đang sục sôi căng thẳng do cuộc chiến Israel - Hamas. Nhưng việc Houthi liên tục dùng máy bay không người lái và tên lửa tấn công vào tuyến hàng hải quốc tế đã buộc liên minh Mỹ - Anh do Mỹ dẫn đầu phải hành động.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu: “Chúng tôi cùng với các đồng minh đã quyết định thực hiện những gì tôi tin là cần thiết, tương xứng và hành động có mục tiêu chống lại các mục tiêu quân sự nhằm làm suy giảm và phá vỡ năng lực của Houthi. Chúng tôi sẽ không ngần ngại bảo vệ sinh mạng và đảm bảo an toàn cho hoạt động vận chuyển thương mại”.

Hiện vẫn còn những tranh cãi về các cuộc không kích của Anh và Mỹ có đủ cơ sở pháp lý theo luật quốc tế hay không. Nhưng có một điều rõ ràng là các cuộc tấn công đã chính thức đưa Mỹ và Anh trở thành một bên tham gia trực tiếp vào các điểm nóng hiện nay ở Trung Đông.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Tổng thống Mỹ Biden 

Cuộc tập kích của liên quân Mỹ - Anh nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen đánh dấu sự leo thang đáng kể trong cuộc xung đột ở Trung Đông. Trong khi Mỹ và Anh bảo vệ tính hợp pháp của các cuộc tấn công, thì Nga và Trung Quốc cáo buộc các nước phương Tây này đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres cũng bày tỏ cực kỳ quan ngại về những rủi ro có thể xảy ra đối với Yemen và toàn bộ khu vực Trung Đông sau các cuộc tấn công của liên quân Mỹ - Anh.

Theo giới quan sát, các cuộc tấn công nhằm vào Houthi có thể giúp củng cố hình ảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden trước cuộc so găng vào cuối năm, nhưng cũng có nguy cơ làm xung đột Trung Đông lan rộng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải tìm cách cân bằng giữa những lợi ích và rủi ro chính trị sau khi tiến hành các cuộc không kích vào Yemen, ngay giữa lúc chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 đang tăng tốc.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Tổng thống Mỹ Biden.

Vị Tổng thống 81 tuổi của Đảng Dân chủ hy vọng các cuộc tấn công vào phiến quân Houthi sẽ tạo ra một hình ảnh mạnh mẽ cho chính quyền của ông, trước những chỉ trích gay gắt của Đảng Cộng hòa về kỹ năng lãnh đạo toàn cầu và chính sách đối ngoại của ông.

Hai ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa là Ron DeSantis và Nikki Haley đã chỉ trích Tổng thống Biden hành động quá chậm trễ để bảo vệ lực lượng và tài sản của Mỹ ở Trung Đông.

Dù chính quyền của ông Biden đã cố gắng hết sức để tránh bị cuốn vào một cuộc xung đột mới, nhưng trong bối cảnh uy tín, sức mạnh của Mỹ trong khu vực đang bị đe dọa, việc không hành động có thể phát đi tín hiệu xấu.

Các cuộc không kích của Mỹ được cho là nhằm mục đích thiết lập lại khả năng răn đe.

Các cuộc không kích của Mỹ được cho là nhằm mục đích thiết lập lại khả năng răn đe. Về cơ bản, nó gửi đi một tín hiệu cảnh báo rằng các cuộc tấn công tiếp tục ở Biển Đỏ sẽ phải đối mặt với vũ lực, qua đó khiến Houthi, và nói rộng ra là Iran, lùi bước.

Tuy vậy, trong một môi trường đầy biến động, đặc biệt là khi quân đội Mỹ đang ở trong tầm bắn của các lực lượng thân Iran ở cả Iraq và Syria, khả năng trả đũa và bùng nổ xung đột liên khu vực không chỉ còn là nguy cơ mà đã trở thành một thực tế nguy hiểm.

Những diễn biến đáng báo động ở Trung Đông cho thấy nhiều thách thức đặc biệt mà một ứng cử viên đương nhiệm đang phải đối mặt. Trong khi các đối thủ tương lai của ông Biden không phải chịu trách nhiệm trực tiếp, thì đương kim Tổng thống Mỹ phải tính đến những tác động địa chiến lược và nhân đạo trong bất kỳ hành động nào. Nếu các cuộc tấn công hiệu quả, Tổng thống Biden sẽ được tín nhiệm nhiều hơn, nhưng ngược lại, tình hình leo thang nguy hiểm có thể đe dọa sinh mệnh chính trị của ông.

Ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump đã lấy cuộc tấn công để chỉ trích chính quyền của ông Biden “thả bom khắp Trung Đông, một lần nữa”, cũng như vụ rút quân đầy hỗn loạn khỏi Afghanistan năm 2021.

Không chỉ có sức ép từ Đảng Cộng hoà, Tổng thống Biden cũng phải đối mặt với sự phản đối từ phe cánh tả trong Đảng Dân chủ, vốn cũng phản đối việc ông ủng hộ cuộc tấn công của Israel ở Dải Gaza.

Bà Rashida Tlaib, người Mỹ gốc Palestine duy nhất tại Quốc hội Mỹ, đã cáo buộc ông Biden vi phạm Hiến pháp Mỹ khi thực hiện các cuộc không kích vào nhóm Houthi ở Yemen mà không có sự chấp thuận của Quốc hội.

“Chiến lợi phẩm” của Houthi

Tổng thống Mỹ đang đặt cược sinh mệnh chính trị của mình vào Trung Đông. Các cuộc tập kích của liên quân Anh-Mỹ đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng, Mỹ sẽ không dung thứ cho các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng của Mỹ và đối tác, cũng như các tàu thương mại ở Biển Đỏ.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Houthi sẽ khó có thể bị cản trở bởi các cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu, thậm chí có thể còn hưởng lợi từ việc bị tấn công

Ngay sau khi liên quân Mỹ - Anh thực hiện các cuộc không kích đầu tiên, Houthi đã tiến hành tấn công trả đũa nhằm vào các tàu chiến của Mỹ và Anh ở Biển Đỏ.

Ông Yahya Sarea - Người phát ngôn quân sự của Houthi cho biết: “Hành động của Mỹ và Anh không thể không bị trừng phạt hoặc đáp trả. Các lực lượng vũ trang Yemen sẽ không ngần ngại nhắm vào các nguồn đe dọa và tất cả các mục tiêu thù địch trên đất liền và trên biển, để bảo vệ Yemen, chủ quyền và độc lập của đất nước”.

Theo các nhà phân tích, sự thách thức này không chỉ là lời nói suông. Houthi đã lật đổ Chính phủ Yemen để chiếm quyền lực vào năm 2014. Một liên minh quân sự khu vực do Saudi Arabia dẫn đầu và có sự hỗ trợ của Mỹ đã phát động các chiến dịch tập kích nhằm đánh bại Houthi. Tuy nhiên, trong gần một thập kỷ qua, họ vẫn chưa đạt được mục tiêu đó.

Houthi cho biết sẽ đáp trả các cuộc không kích của Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin từng cho biết, mục tiêu của cuộc không kích là nhằm làm gián đoạn và làm suy yếu khả năng của Houthi. Song, giới phân tích cho rằng việc đạt được mục tiêu đó sẽ khó khăn. Houthi đã cho thấy khả năng chống chọi trước các cuộc không kích tương tự và ngày càng trở nên mạnh hơn với sự hậu thuẫn của Iran.

Ông Ibrahim Jalal - nhà phân tích thuộc Viện Trung Đông, chia sẻ: “Houthi thiệt hại quá ít, trong khi lại thu được quá nhiều. Cuộc chiến tại Gaza đã giúp nhóm vũ trang này định vị bản thân như một người bảo vệ Palestine trong khu vực, giành được sự ủng hộ của công chúng trong nước và quốc tế, làm lu mờ đi sự bất mãn lâu nay của người dân Yemen đối với sự kiểm soát của Houthi."

Kể từ khi khởi xướng như một phong trào thanh niên ở miền bắc Yemen hàng thập kỷ trước, Houthi đã nhìn nhận họ không chỉ là một nhân tố địa phương, mà còn tham vọng trở thành thế lực khu vực. Giờ đây, khi đối đầu trực tiếp với Mỹ và các đồng minh của Washington, ước muốn của Houthi đã thành sự thật. Nhóm này đã chứng minh khả năng tấn công các mục tiêu nằm ngoài biên giới Yemen.

Iran không được lợi nếu nổ ra chiến tranh tổng lực

Căng thẳng tại Trung Đông đã được đẩy lên một nấc thang mới với các cuộc không kích của liên quân Mỹ - Anh nhằm vào Houthi, lực lượng được cho là do Iran hậu thuẫn. Thời gian qua, mạng lưới các nhóm vũ trang người Shia thân Iran ở khu vực đã tập hợp lại xung quanh một mục tiêu chung, đó là đạt được một lệnh ngừng bắn ở Gaza, trong bối cảnh dải đất của người Palestine này đang bị Israel tàn phá với con số thương vong thảm khốc.

Trong khi Houthi đã tiến hành một loạt cuộc tấn công vào các tàu thương mại và tàu quân sự phương Tây ở Biển Đỏ thì lực lượng Hezbollah ở Liban tham gia các cuộc đối đầu hàng ngày với lực lượng Israel ở khu vực biên giới; còn các lực lượng được Iran hậu thuẫn ở Iraq và Syria đã thực hiện hàng chục cuộc tấn công nhằm vào các vị trí quân sự của Mỹ, dẫn đến một số cuộc tấn công cận chiến.

Làn sóng bạo lực dưới danh nghĩa bảo vệ người Palestine đang khiến tên tuổi và uy tín của các nhóm này tăng vọt tại khu vực. Tuy vậy, theo giới quan sát, mặc dù đã đưa tàu chiến vào Biển Đỏ, nhưng Iran sẽ không được lợi hoàn toàn nếu nổ ra một cuộc chiến tổng lực tại khu vực.

Iran không được lợi nếu nổ ra chiến tranh tổng lực.

Theo giới quan sát, việc gây căng thẳng chỉ mang lại lợi ích cho Iran ở một mức độ nhất định. Nếu những cuộc đối đầu ở mức độ tương đối thấp này cuối cùng leo thang thành cuộc chiến tổng lực với Mỹ, các đối tác bán quân sự của Tehran có thể sẽ bị tan rã.

Trên thực tế, thời gian qua, các nhóm vũ trang thân Iran đều đã phải chịu tổn thất nhất định trong cuộc đối đầu với Israel và Mỹ. Tại Liban, Hezbollah đã mất gần 200 chiến binh kể từ ngày 8/10/2023. Tại Iraq, các cuộc tấn công của Mỹ đã giáng đòn nặng nề vào cơ sở hạ tầng của các chiến binh được Iran hậu thuẫn.

Còn tại Yemen, thiệt hại do các cuộc không kích vẫn chưa rõ ràng, nhưng ngoài những thiệt hại về cơ sở hạ tầng, đã có ít nhất 5 tay súng Houthi thiệt mạng, 6 người khác bị thương. Tổn thất của các lực lượng uỷ nhiệm sẽ làm tổn hại đến ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran trong khu vực, giáng một đòn mạnh vào chính sách đối ngoại của nước này và gây rắc rối ở trong nước.

Biển Đỏ và Trung Đông đang đối mặt với những cơn sóng dữ. Theo giới quan sát, trong bối cảnh hiện nay, các biện pháp quân sự không phải là lời giải. Trong bối cảnh cuộc xung đột đẫm máu giữa Israel và lực lượng Hamas kéo dài hơn ba tháng qua, đã cướp đi mạng sống của ít nhất 25.000 người thuộc cả hai phía, đồng thời đẩy toàn khu vực Trung Đông vào một cục diện khủng hoảng cực kỳ phức tạp, rối ren và bất định chưa từng có, điều cần thiết hiện nay chính là một lệnh ngừng bắn ở Gaza, từ đó tiến tới thành lập một Nhà nước Palestine độc lập có chủ quyền.

Lịch sử đã chứng minh sử dụng vũ lực chưa bao giờ là giải pháp cho các cuộc xung đột. Xu thế đối thoại, đàm phán và giải quyết xung đột bằng con đường ngoại giao là điều tất yếu và cần được các bên, nhất là các bên khơi mào cho hành động quân sự, tận dụng khi căng thẳng vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Những ưu tiên chính sách của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong nhiệm kỳ mới gồm tiếp tục thúc đẩy kinh tế Nga phát triển vượt bậc trở thành một trong 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới, cải thiện đời sống của người dân, hoàn thành các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt và thắt chặt hơn nữa quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia đang phát triển.

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đã có cuộc trao đổi với Đài Hà Nội về ý nghĩa của thắng lợi vĩ đại này. Một thắng lợi mà ông cho rằng có thể xem như hình mẫu của chiến tranh nhân dân, hình mẫu của việc huy động sức mạnh toàn dân tộc.

Trong cuộc họp đầu tháng 5, Cục dự trữ liên bang Mỹ FED đã quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản hiện nay ở mức từ 5,25 đến 5,5% để kiềm chế lạm phát. Việc FED duy trì mức lãi suất cao khiến đồng USD tăng giá và gây ra nhiều tác động đến nền kinh tế của Mỹ cũng như toàn cầu.

Trí tuệ nhân tạo đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ, nhưng năm 2024 được đánh giá là năm hứa hẹn mở ra một loạt tiến bộ đột phá trong phát minh robot AI thế hệ mới.

Châu Á đã trở thành điểm nóng cho các nhà đầu tư quốc tế nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và thị trường tiêu dùng khổng lồ. Trong đó, các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia và Singapore được coi là những lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư.

Các cuộc biểu tình diễn ra tại hàng chục trường đại học từ bờ Đông đến bờ Tây của nước Mỹ. Làn sóng biểu tình của sinh viên trên khắp nước Mỹ đã làm nổ ra các cuộc tranh luận về quyền tự do ngôn luận, chủ nghĩa bài Do Thái và xung đột Israel - Palestine.