Nhạc 'rác' từ lệch chuẩn đến loạn chuẩn

Hiện tượng nhạc "rác" với những lời lẽ thô tục, nhảm nhí, vô nghĩa đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn, nguy cơ tác động tiêu cực đến nhận thức của người nghe, nhất là giới trẻ.

Giới trẻ lạc vào ma trận nhạc 'rác'

Những bài hát rồi bài rap với tên gọi đầy độc hại như "Mua cho con chiếc còng tay", "Bốc bát họ", "Lái máy bay", "Đưa em vào nồi" với những ca từ như: "Anh mong em đánh bại được ung thư/Chỉ để bị ung thư thêm lần nữa"; hay "Chúc em khi bệnh không người thăm"... lại được sáng tác bởi những người được coi là nghệ sĩ và tồn tại trong môi trường âm nhạc.

Có thể thấy những sản phẩm “rác” dù lời lẽ phản cảm, vô nghĩa nhưng với phần nhạc nghe vui tai, việc lặp đi lặp lại sẽ khiến các bạn trẻ bị “nhiễm”, cứ thế bài hát sẽ nhanh chóng được lan rộng. 

Và trên thực tế, những sản phẩm này sẽ khiến cho thị hiếu âm nhạc của người trẻ dần trở nên lệch lạc, dễ dãi và chức năng giáo dục vốn dĩ của âm nhạc cũng sẽ dần mất đi. Thay vào đó, họ chỉ thấy những hình ảnh xấu, cổ súy cho những lối sống cá nhân phóng túng… điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của họ rất nhiều, thậm chí là làm lệch lạc, thay đổi hành vi, nhận thức. 

nhạc "rác" với những lời lẽ thô tục, nhảm nhí, vô nghĩa đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn

Bình Gold là cái tên không còn xa lạ với những khán giả yêu rap cũng như những bạn trẻ. Rapper này nổi tiếng nhanh chóng nhờ các ca khúc như: "Trơn", "Quan hệ rộng", "Bốc bát họ"… Đây đều là những sản phẩm có ca từ tục tĩu, cùng với đó là những hình ảnh phản cảm gây khó chịu cho người xem. 

Dù xuất hiện những ngôn từ nhảm nhí, nhưng lạ thay những MV này lại có lượng tương tác khủng trên các nền tảng và đa phần người tương tác là các bạn trẻ. 

Những MV ca nhạc có xu hướng xô bồ, ngôn từ dễ dãi, tục tĩu và phản cảm xuất hiện tràn lan, ồ ạt dường như đang phản ánh góc nhìn của một bộ phận giới trẻ không phân biệt được đâu là sáng tạo và đâu là dung tục. 

Bài "Fever" của tlinh và Coldzy bị khán giả nhận xét là phản cảm 

Thực tế các ca khúc có nội dung rác đã xuất hiện và tồn tại từ lâu trên không gian mạng. Đầu tháng 6, bài "Fever" của tlinh và Coldzy bị khán giả nhận xét là phản cảm vì các ngôn từ được sử dụng trong bài hát có ca từ ẩn ý hoặc công khai về chuyện tình dục. 

Điều đáng nói ngay sau khi được đăng tải lên YouTube, nó đã gây ra cơn sốt trên TikTok, "Fever" được sử dụng làm nhạc nền cho hơn 4 nghìn video mà không hề được gắn mác 18+. 

Không chỉ riêng "Fever", các sản phẩm âm nhạc khác như: Martini của nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền sáng tác nói về chuyện một cặp tình nhân thân mật, ở bên nhau từ đêm đến sáng. Bích Phương có bài "Đố anh đoán được" với lời lẽ đầy ẩn ý về chuyện ân ái nam nữ. Hay bài "Sashimi" của tác giả Hứa Kim Tuyền được ca sĩ Chi Pu thể hiện có từ tiếng Nhật "kimochi", vốn chỉ sự thỏa mãn khi quan hệ, thường xuất hiện trong các phim dán nhãn 18+. 

Bài "Sashimi" của tác giả Hứa Kim Tuyền được ca sĩ Chi Pu thể hiện có từ tiếng Nhật thường xuất hiện trong các phim dán nhãn 18+. 

Đặc biệt là các sản phẩm âm nhạc về rap của nhiều rapper có tiếng cũng đã gây nhức nhối khi sử dụng ngôn từ cũng như hình ảnh trong MV hết sức tục tĩu, phản cảm, gây phẫn nỗ đối với người xem.

Nếu như trước đây, một nghệ sĩ khi phát hành album băng đĩa thì cần phải qua nhiều các khâu kiểm duyệt của cơ quan quản lý văn hóa nhưng trên mạng thì khác. Chỉ cần một cú click chuột, bài hát đã được phát hành, không ai kiểm duyệt, không ai quản lý. 

Cứ như vậy dần dần thị trường âm nhạc sẽ dần được phủ kín bởi những sản phẩm âm nhạc đồi trụy, phản cảm. Điều này gây ảnh hướng trực tiếp đến nhận thức của các khán giả trẻ khi vô tình nghe phải những đoạn nhạc này.

Nhạc rác gậy hại người nghe

Thời đại số hiện nay, có một thực trạng là việc phát hành ca khúc quá dễ dàng. Cá nhân nào cũng có thể tự hát, tự thu quay MV rồi đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội như YouTube, TikTok. Vì vậy việc tràn lan ca khúc “rác” trên mạng xã hội cũng là điều dễ hiểu. 

Chỉ đến khi dư luận phản ứng, người nghe tẩy chay thì “cha đẻ” ca khúc đó mới lên tiếng xin lỗi, gỡ hoặc xóa để thể hiện trách nhiệm hoặc bị hậu kiểm, xử lý từ các cơ quan quản lý văn hóa.

Vào tháng 4/2022, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có văn bản về việc xử phạt tổ chức, cá nhân lưu hành bản ghi âm, ghi hình "There’s no one at all" của Sơn Tùng M-TP trên môi trường mạng. Sơn Tùng M-TP bị yêu cầu nộp phạt 70 triệu đồng và phải gỡ video ca khúc khỏi các nền tảng số. 

Hay như "Sashimi" của Chi Pu với câu hát “Sashimi kimochi/ Đồ ăn phải ngon thì anh mới thèm/ Phải tươi thật tươi thì anh mới quay lại” đã nhanh chóng bị phản ứng gay gắt vì quá phản cảm; 

Ca khúc "2, 3 con mực" gây ám ảnh người nghe bằng đoạn nhạc “2, 3 con mực/Anh yêu em cực” với nhiều biến tướng vô duyên khi chế lời, tác giả thậm chí còn bị nghệ sĩ nước ngoài tố đạo nhạc.

Dù nhiều bài hát với ca từ tục tĩu phản cảm, dù gây tranh cãi nhưng những MV này đã thu hút tới hàng triệu lượt xem, luôn đứng những vị trí thứ cao trong Top các MV thịnh hành của YouTube. Điều này đồng nghĩa với các nguồn thu về kinh tế.

Như  kênh YouTube của Chi Pu, Sơn Tùng M-TP… con số xử phạt vài chục triệu đồng so "không thấm vào đâu" so với con số thu nhập “khủng” mỗi tháng. 

Theo thống kê của Social Blade, với hơn chục triệu người đăng ký, ước tính mỗi tháng kênh YouTube của Sơn Tùng M-TP có doanh thu từ khoảng hơn 100 triệu đến hơn 1,6 tỉ đồng. Còn với hơn 1,46 triệu người đăng ký, Chi Pu cũng bỏ túi đến nửa tỉ đồng mỗi tháng. 

Phải chăng, công chúng hiện nay quá dễ dãi và vì lợi nhuận trước mắt mà một bộ phận nghệ sĩ Việt vẫn tung ra lắm chiêu trò với những sản phẩm nghệ thuật chất lượng thì ít mà lố lăng, phản cảm thì nhiều. Tuy nhiên để định hình được thẩm mỹ âm nhạc, là cho giới trẻ để không sa đà vào việc sáng tác câu view kiếm tiền là chuyện không hề dễ dàng.

Nhạc sĩ An Hiếu, Phó Chủ tịch Hội nghệ sĩ trẻ Hà Nội.

Nhạc sĩ An Hiếu được coi là ông bầu mát tay khi đào tạo được nhiều ca sĩ đến với đỉnh cao trong các cuộc thi âm nhạc như ca sĩ Tiến Hưng, Trần Hoàng Hiệp, Minh Chuyên, Hoàng Hồng Ngọc, Đỗ Tố Hoa, Lương Hải Yến.

Không chỉ nỗ lực giúp sức học trò của mình trở thành những ngôi sao, điều nhạc sĩ An Hiếu coi trọng hơn cả là vấn đề đạo đức. Vì theo anh, đó là yếu tố quan trọng nhất để người nghệ sĩ có thể mang đến cho khán giả những sản phẩm âm nhạc mang tính định hướng thầm mĩ cao, được khán giả tôn trọng và yêu mến lâu dài. 

Theo nhạc sĩ An Hiếu, Phó Chủ tịch Hội nghệ sĩ trẻ Hà Nội, âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung luôn mang tính giáo dục thẩm mĩ cho khán thính giả. Bởi vậy, với mỗi sản phẩm âm nhạc có chất lượng không tốt, độc hại, sẽ mang đến những điều tiêu cực cho người nghe, người xem.

Một ca khúc không có tính thẩm mĩ từ ngôn từ đến giai điệu sẽ dễ trở thành một sản phẩm độc hại với người nghe. Âm nhạc là một ngôn ngữ kỳ diệu của tâm hồn làm cho giá trị tinh thần của con người trở nên tốt đẹp hơn. Vì thế không thể mang nguyên những ngôn từ tục tĩu quá đời sống vào trong một bài hát. Những nguyên tắc của nghệ thuật cần được tôn trọng.

Âm nhạc luôn có tác động vô hình nhưng rất mạnh mẽ, không chỉ trong đời sống thường nhật của con người mà cả trong tất cả các hoạt động từ giáo dục đến văn hóa, kinh tế góp phần tạo ra một nền tảng tinh thần vững chắc cho con người. Vì thế không thể vì lý do sự thay đổi của thị hiếu, phát triển của công nghệ mà để rác tồn tại trong nhạc, hay thấy "rác" trong nhạc mà không nhặt.

Những sản phẩm âm nhạc chưa tốt, những sản phẩm âm nhạc dễ dãi, thậm chí là dung tục, phản cảm lại dễ hấp dẫn công chúng.

Vắng bóng nhà phê bình âm nhạc

Liệu những hệ lụy của nhạc "rác" có liên quan đến sự vắng bóng bấy lâu của phê bình âm nhạc hay không, khi rõ ràng chúng ta thấy ở những cuộc thi có chất lượng cao và tạo ảnh hưởng lớn đến xã hội, những nhà phê bình âm nhạc dám nói thẳng, nói thật, không né tránh cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Một xu hướng làm hài lòng ban tổ chức và thí sinh đã được tạo lập một cách đầy tự nhiên, đầy nguy hiểm. Ở đó, những lời hay ý đẹp luôn dễ sống hơn những sự chê bai trực diện. Và đơn giản, những lời nói giả tạo mà được lòng vẫn “an toàn” hơn trước lượng gạch đá sẵn sàng bay từ những fan cuồng thần tượng.

Trong âm nhạc, sẽ thật đáng buồn nếu giới phê bình để sự trung thực mai một theo thời gian. Sẽ thật nguy hiểm nếu chỉ vì tránh mất lòng ai đó, hoặc để bảo vệ sự nghiệp, mà những nhà phê bình âm nhạc sẵn sàng im lặng hoặc đưa ra những nhận xét trái với định hướng, năng lực thực sự của mình. 

Không khó để thấy rằng, những sản phẩm âm nhạc chưa tốt, những sản phẩm âm nhạc dễ dãi, thậm chí là dung tục, phản cảm lại dễ hấp dẫn công chúng.

Theo nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Nguyễn Lưu, các sản phẩm âm nhạc trên mạng xã hội và nền tảng số đều được đánh giá bằng số lượt truy cập. Khi giá trị tác phẩm do số đông quyết định thì càng khó với tới kiệt tác âm nhạc đỉnh cao. Quá nhiều thông tin trái chiều gây ô nhiễm môi trường âm nhạc, dẫn đến lệch lạc thẩm mỹ đại chúng.

Nhạc sĩ Nguyễn Lưu.

Hiện nay, cả nước có 3 hội chuyên ngành lớn về âm nhạc: Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội và Hội Âm nhạc, tuy nhiên những tiếng nói từ các chuyên gia lý luận phê bình âm nhạc vẫn chưa rõ nét. Nền âm nhạc Việt Nam đi qua nhiều biến động, định hình những xu hướng mới trong thời đại số, nhưng vai trò của giới lý luận phê bình vẫn mờ nhạt, yếu ớt.

Với sự phát triển của mạng xã hội và các nền tảng nhạc số, định nghĩa “âm nhạc thịnh hành” đã thay đổi. Nhiều năm qua, nhiều ca sĩ phát hành sản phẩm và lấy thước đo thành tích là lượt xem, lượt yêu thích, “top 1 thịnh hành” trên YouTube. Như một lẽ hiển nhiên, những con số và giá trị ảo dễ khiến nhân tố trẻ huyễn hoặc về tài năng bản thân, và những sản phẩm chạy theo thị hiếu của đám đông cứ thế xuất hiện trên thị trường âm nhạc trực tuyến. Khi nền âm nhạc vắng bóng phê bình âm nhạc tử tế thì chỉ còn lại những lệch lạc đến lệch chuẩn của giai điệu và ca từ.

Những nhận định từ nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Nguyễn Lưu đã phần nào cho thấy thực trạng và lý do vắng bóng những nhà phê bình âm nhạc hiện nay. 

Theo thống kê, chúng ta có hàng trăm nhà lý luận âm nhạc được đào tạo từ nhạc viện, tức là những nhà phê bình chính quy, từ trình độ cử nhân cho đến thạc sĩ. Tuy nhiên, hiện tại họ về đâu và làm gì khi nhạc rác vẫn hoảnh hành như hiện nay thì vẫn là một câu hỏi lớn.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngày 19/11, cuộc thi “Tiếng hát Hà Nội” 2024 đã bước vào ngày cuối của vòng Sơ khảo 1, nhiều thí sinh từ khắp nơi về thử sức với nhiều tiết mục dự thi hấp dẫn.

Tối 18/11, tại sân vận động Cột Cờ, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Chương trình chính luận nghệ thuật, truyền hình trực tiếp, với tên gọi “Cùng nhau giữ nước”.

Tối 18/11, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam phối hợp với thành phố Hà Nội tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”.

Tối 18/11, tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, chương trình truyền hình trực tiếp chính luận nghệ thuật với tên gọi "Cùng nhau giữ nước" do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Tổng cục Chính trị Quân đội, UBND thành phố Hà Nội tổ chức, đã diễn ra.

Tối 18/11, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam phối hợp với Thành phố Hà Nội tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”.

Đêm nhạc “Dòng thời gian” với chủ đề “Bài ca trên núi” đã diễn ra vào tối qua 17/11, trong không khí đầy thi vị, cùng giọng ca ngọt ngào của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Đúng như tên gọi đậm chất thơ, đêm nhạc được tổ chức giữa rừng núi Ba Vì hùng vĩ tạo nên nhiều cảm xúc trong lòng khán giả.