Nhìn lại đại án Vạn Thịnh Phát trước ngày xét xử

Ngày mai (5/3), Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh sẽ đưa ra xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan. Theo đó, thời gian xét xử vụ án dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 29/4/2024.

Trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các đơn vị có liên quan, hành vi của Trương Mỹ Lan

Năm 1992, Trương Mỹ Lan thành lập Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát, hoạt động trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng - khách sạn. Thời gian sau, doanh nghiệp này lấn sân sang ngành bất động sản. Sau 15 năm kinh doanh, Công ty TNHH Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, được thành lập với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng.

Là một tập đoàn với hệ sinh thái hàng trăm công ty con, Vạn Thịnh Phát cần một nguồn vốn lớn để phục vụ việc kinh doanh của tập đoàn và các doanh nghiệp liên kết.

Toàn cảnh đại án Vạn Thịnh Phát.

Phương thức thao túng SCB của Trương Mỹ Lan và đồng phạm

Trương Mỹ Lan đã lợi dụng hoạt động của ngân hàng trong việc huy động vốn, thâu tóm ba ngân hàng tư nhân rồi hợp nhất lại thành một. Ngày 26/11/2011, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (viết tắt là Ngân hàng SCB) được thành lập, trên cơ sở hợp nhất ba ngân hàng gồm: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng TMCP Đệ Nhất. Đồng thời bố trí người thân tín của mình nắm giữ các vị trí chủ chốt trong Ban quản trị, Ban điều hành.

Trong suốt nhiều năm qua, Trương Mỹ Lan đã sử dụng SCB như một công cụ tài chính, huy động vốn, rút ruột hơn một triệu tỷ đồng để sử dụng vào mục đích cá nhân. Cơ quan điều tra chỉ rõ thủ đoạn được nhóm Trương Mỹ Lan sử dụng để vay, hay nói đúng hơn là rút tiền từ SCB gồm:

1.    Tạo lập khách hàng vay vốn khống, thuê/nhờ người đứng tên tài sản

2.    Tạo lập hồ sơ vay khống

3.    Đưa ra tài sản bảo đảm được định giá trị để tạo hồ sơ đúng quy định nhằm che giấu, đối phó với các cơ quan thanh tra, kiểm tra

Hầu hết các khoản vay của Trương Mỹ Lan - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được giải ngân trước và hợp thức hóa sau. Các hồ sơ cho vay, giải ngân của nhóm này đều có ký hiệu theo dõi riêng như "HSTT", "phương án, dự án" để nhân viên ngân hàng nhìn vào đều hiểu là cho vay các công ty trong "hệ sinh thái".

Để hợp thức hóa hồ sơ “rút” tiền, “Kho pháp nhân” đã được tạo lập, hàng ngàn pháp nhân, cá nhân làm đại diện pháp luật, đứng tên cổ đông, đứng tên ký hồ sơ vay vốn, đứng tên tài sản bảo đảm để thức việc rút tiền.

Theo thống kê, ngân hàng SCB đã cho 2.527 khoản vay liên quan đến Trương Mỹ Lan và đồng phạm với số tiền 1.066.608 tỷ đồng.

Nâng khống giá trị tài sản đảm bảo

Trương Mỹ Lan bị Viện Kiểm sát xác định đã thông đồng, câu kết với Công ty thẩm định giá để cấp chứng thư nâng khống giá trị tài sản bảo đảm, đưa vào hồ sơ vay vốn; đưa tài sản đảm bảo không đủ pháp lý; không đăng ký giao dịch bảo đảm; rút tài sản có giá trị lớn hoán đổi bằng tài sản có giá trị thấp hơn.

Kết quả điều tra xác định, SCB thuê 19 Công ty thẩm định giá/46 đối tượng là Giám đốc, Phó Giám đốc, Thẩm định viên, nhân viên thực hiện phát hành tham gia phát hành 378 chứng thư có liên quan đến các khoản vay còn dư nợ của nhóm Trương Mỹ Lan.

Để hợp thức hồ sơ, rút được tiền, Trương Mỹ Lan và các đồng phạm đã dùng nhiều tài sản chưa đủ điều kiện pháp lý, nâng khống giá để đưa vào làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay.

Cơ quan điều tra xác định trong số 1.284 khoản vay có 1.166 mã tài sản có giá trị sổ sách, phân bổ là 1.265.504 tỷ đồng. Số còn lại không định giá được vì lý do các tài sản là cổ phần cổ phiếu, quyền tài sản, bất động sản không đủ hồ sơ, pháp lý tài sản.

Khi cần rút các tài sản có pháp lý, có giá trị để bán hoặc sử dụng cho các mục đích khác, Trương Mỹ Lan chỉ đạo các đồng phạm thực hiện việc hoán đổi, rút các tài sản đảm bảo có giá trị ra khỏi SCB, thay thế bằng các tài sản khác, hầu hết có giá trị thấp hơn tài sản đã rút ra.

Để hợp thức việc rút tiền, tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, truy vết dòng tiền, bà Lan chỉ đạo các bị can tại SCB và Vạn Thịnh Phát sử dụng các phương án vay vốn khống thực hiện giải ngân, chuyển tiền vào các tài khoản của những cá nhân, pháp nhân "ma" hoặc cho họ rút tiền mặt để "cắt đứt dòng tiền". Từ ngày 26/2/2019 đến ngày 12/9/2022 108.878 tỷ đồng và 14.757.677 USD đã được vận chuyển khỏi SCB.

Hành vi phạm tội của bà Lan và đồng phạm là nguyên nhân căn bản, cốt yếu dẫn đến việc Ngân hàng SCB hoàn toàn mất thanh khoản, dư nợ tín dụng rất lớn không có khả năng thu hồi, vốn chủ sở hữu âm hơn 443.000 tỷ đồng.

Để che giấu những thủ đoạn, hành vi sai trái tại SCB, bà Trương Mỹ Lan đã mua chuộc, đưa hối lộ các cơ quan quản lý nhà nước, khiến sai phạm không được phát hiện kịp thời và ngăn chặn.

Truy tố bị can Trương Mỹ Lan 3 tội; truy tố bị can Đỗ Thị Nhàn về hành vi nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn

Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan.

Các bị can trong vụ án bị truy tố về các tội: “Tham ô tài sản”; “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”; “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Trong đó, bị can Trương Mỹ Lan bị truy tố về các tội: “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” và tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Các bị can còn lại có 41 lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước…

Đáng chú ý, Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước) bị truy tố về hành vi nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn lên đến 5,2 triệu USD.

Xét xử vắng mặt với các đối tượng bỏ trốn trong vụ án Vạn Thịnh Phát

Với các bị can Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB), Trầm Thích Tồn (nguyên thành viên HĐQT Ngân hàng SCB), Nguyễn Thị Thu Sương (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB), Nguyễn Lâm Anh Vũ (Phó Giám đốc SCB chi nhánh Bến Thành) và Chiêm Minh Dũng (nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) đã xuất cảnh ra nước ngoài trước khi khởi tố bị can, hiện không xác định được đang ở đâu.

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định truy nã, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, phát thư kêu gọi ra đầu thú, chỉ định luật sư bào chữa, giao các quyết định tố tụng cho luật sư và thân nhân để thông báo cho các bị can, tổ chức nhận dạng trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết của các bị can trên các hồ sơ vay.

Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận và xã hội quan tâm. Các bị can trên đã áp dụng đầy đủ các biện pháp để thực hiện quyền bào chữa theo quy định. Trường hợp không ra đầu thú coi như từ bỏ quyền bào chữa và bị truy tố, xét xử vắng mặt theo Điều 290 Bộ luật Tố tụng Hình sự để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung. Đó là thông tin được ông Nguyễn Văn Yên – Phó trưởng Ban nội chính Trung ương khẳng định.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp Cảnh sát Interpol ra quyết định truy nã quốc tế đối với bị can Lê Khắc Ngọ (Sinh năm 1990; Hộ khẩu thường trú: Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Ngày 22/12, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) cùng Công an quận Hà Đông cho biết đang điều tra làm rõ vụ gãy đổ cột báo làn đường BRT tại ngã tư Vạn Phúc - Tố Hữu, quận Hà Đông.

Ban chỉ đạo 197 quận Long Biên đã tổ chức ra quân cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường dịp cuối năm 2024 và Xuân hội 2025.

Sáng 22/12, đoạn qua ngã tư đèn đỏ trên đường Tố Hữu (Hà Đông, Hà Nội), một chiếc xe Mercedes màu trắng phóng nhanh đã lao thẳng lên dải phân cách giữa đường, tông đổ biển báo.

Công an huyện Thanh Oai vừa phát hiện và kịp thời ngăn chặn nhóm đối tượng tự chế và sử dụng pháo nổ.

Từ ngày 1/1/2025, Luật quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ chính thức có hiệu lực và đi vào cuộc sống. Thời gian này lực lượng Công an đã và đang nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ.