Niềm hạnh phúc khi thấy học sinh trưởng thành
Xưa nay nhà giáo vẫn được ví là những "người đưa đò" chở "khách" qua sông. Và trong suốt chặng đường ấy, họ phải vượt qua bao gian nan vất vả kể cả trong cuộc sống và công việc để đưa những “chuyến đò” học sinh đến với tri thức thành công. Lớp lớp những người thầy đã không quản khó khăn, mệt mỏi, dành cả cuộc đời để dạy dỗ cho học sinh. Cho dù phải thức khuya để soạn giáo án, cho dù ngày qua ngày, họ chỉ mãi lặp đi lặp lại những công thức, những bài giảng hàng nghìn lần nhưng họ không buồn chán, bởi vì trong tim họ chỉ có duy nhất một khát khao đó là truyền dạy tri thức, cách sống, cách làm người cho học sinh.
Vất vả là vậy, nhưng theo cô giáo Nguyễn Thị Bích, trường Trung học cơ sở Văn Quán (quận Hà Đông) thì nghề giáo đem lại niềm hạnh phúc mà ít nghề nào có được, đó chính là nhìn thấy sự trưởng thành của học trò theo từng năm tháng. Đến với nghề giáo cũng nhờ cái duyên dạy kèm các em nhỏ trong xóm học bài từ những năm tháng cấp 3, cho nên với cô Bích niềm vui của cô là sự tiến bộ trong học tập của các em học sinh. Cô Bích tâm sự, khi chứng kiến những em học sinh có hoàn cảnh rất khó khăn, tưởng chừng như các em không thực hiện được những ước mơ, nhưng rồi thông qua sự giúp đỡ, kèm cặp của cô, các em học sinh đó có thể vượt lên được hoàn cảnh của mình đã khiến cho cô có thêm niềm vui và động lực trong công việc. Cô cho biết, cô luôn có một ước mơ, sau này, khi nghỉ hưu, cô có thể mở nhiều lớp học miễn phí cho các em học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
28 năm trong nghề, cô giáo Trịnh Thị Lan Anh, trường THCS Văn Yên (quận Hà Đông) chia sẻ, cô luôn tâm niệm một người dù ở cương vị, ngành nghề nào thì cũng phải nhiệt tình, trách nhiệm với công việc. Cuộc sống của chúng ta được tạo nên từ những gì chúng ta chia sẻ chứ không phải từ những gì nhận được. Lấy sự thành công trên mỗi bước đường của học sinh làm niềm vui cho nghề, cho cuộc đời của cô. Theo cô Lan Anh, không chỉ được theo dõi sự trưởng thành của học sinh qua từng năm tháng mà niềm hạnh phúc của cô nói riêng cũng như nhiều giáo viên khác nói chung đó còn là tình cảm chân thành mà các học sinh dành cho mình. Nhiều lớp học sinh của cô giờ đã trưởng thành, nhưng tới ngày tết nhà giáo, các em dù đi làm ở đâu cũng tìm về gặp cô để chúc mừng, mặc dù lời chúc chỉ là cái bắt tay thôi. “Tình cảm chân thành - đó là hạnh phúc lớn nhất của người giáo viên”, cô cho biết.
Như một người cần mẫn nhặt những “viên sỏi” tri thức lấp đầy “chiếc túi” trí tuệ cho học sinh, cô giáo Trần Thị Thắm, trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông" giành được nhiều sự tin yêu của đồng nghiệp, học sinh và cha mẹ các em. Với cô, hạnh phúc của nghề giáo là khi thấy các em biết nỗ lực, biết cố gắng vượt lên chính mình để đạt kết quả cao trong học tập. Hạnh phúc còn là khi nhìn thấy các em biết nhận lỗi và sửa lỗi, hay đơn giản chỉ là những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt các em khi bài kiểm tra điểm cao, khi tham gia những buổi hoạt động ngoài giờ lên lớp đầy hăng say...
Với vai trò là những người truyền dạy tri thức, được xã hội tôn vinh, ở bất cứ giai đoạn nào các thầy giáo, cô giáo cũng ý thức được trách nhiệm của mình trong việc truyền dạy đạo đức, nhân cách cho học sinh. Nhiều giáo viên là những tấm gương tự học, sáng tạo và nhân cách sống cho các thế hệ học sinh. Trong thời kỳ đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay, việc dạy và học trong các nhà trường đang có sự thay đổi mạnh mẽ. Các thầy giáo, cô giáo ở tất cả các cấp học đang không ngừng học hỏi, hoàn thiện bản thân để dạy tốt hơn và truyền cảm hứng học tập cho học trò.
Theo Cô Trần Thị Thắm - giáo viên trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông), dù nghề giáo được xã hội tôn vinh nhưng mỗi giáo viên đang ý thức rất rõ trách nhiệm của mình, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong học tập của học sinh và cả phụ huynh.
“Trong thời đại công nghệ 4.0, xã hội phát triển và nền tảng khoa học kỹ thuật cũng ảnh hưởng rất lớn và tác động trực tiếp đến giáo dục đào tạo. Giáo viên rất cần phải học tập nghiên cứu, nếu mình chậm một chút thôi thì sẽ là tụt hậu lạc hậu với chính học trò của mình. Bởi vì bây giờ thông tin kiến thức các em tiếp cận được không chỉ qua thầy và cô như thế hệ của chúng tôi ngày xưa mà các em bây giờ có rất nhiều nguồn thông tin. Nếu thầy cô không được tiếp cận được sớm thì có khi còn thua học trò. Đó là điều mà thầy cô cần phải suy ngẫm”, cô Thắm cho biết
Còn với cô giáo Nguyễn Thị Bích, chương trình giáo dục mới tăng tính ứng dụng của các bộ môn vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đời sống. Chính vì thế, mỗi người giáo viên phải luôn cập nhật kiến thức. Với bộ môn Toán cô đang dạy, cô luôn tìm hiểu thêm các bài toán quốc tế, kết nối với các giáo viên ở nước ngoài nhằm nắm bắt được phương pháp giảng dạy mới để làm sao cho mỗi em học sinh được tiếp cận và giải quyết những bài toán thực tế nhiều hơn, tăng tính sử dụng vào trong thực tiễn.
Có sự chuẩn bị từ sớm từ xa, nên khi Bộ Giáo dục đào tạo triển khai chương trình phổ thông mới, cô giáo Trịnh Thị Lan Anh đã nhanh chóng cập nhật và áp dụng vào trong mỗi bài giảng của mình. Môn Ngữ văn là một môn tưởng chừng như dễ mà rất khó, chính vì vậy để các học trò cảm thụ được văn tốt hơn, cô sử dụng sơ đồ tư duy kết hợp với học nhóm, cho các em tham gia diễn kịch. Do đó mỗi tiết học của cô luôn đem lại cho các em thật nhiều kiến thức và niềm vui. Cô cũng cho biết, mỗi nhóm học sinh cô lại có một phương pháp dạy khác nhau, một màu sắc khác để các em thích thú trong việc học. Cô và học trò cùng nhau sáng tạo tiết học.
Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) hàng năm với những thầy giáo, cô giáo đã hoàn thành nhiệm vụ “người đưa đò” hay các giáo viên vẫn đang giảng dạy thì niềm vui lớn nhất đó chính là thấy được những lứa học trò của mình đã trưởng thành. Những câu chuyện về sự trưởng thành của học sinh khi đến thăm thầy cô, những tình cảm chân thành của học sinh dành cho các thầy giáo, cô giáo... là động lực để lớp lớp nhà giáo trên khắp mọi miền đất nước tiếp tục khắc phục khó khăn, không ngừng hoàn thiện bản thân để thực hiện tốt nhiệm vụ truyền dạy tri thức, đạo đức, nhân cách sống cho các thế hệ học sinh.
Tối 20/11, Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Khối các cơ quan Trung ương tổ chức vòng chung kết Sinh viên thanh lịch năm 2024.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nói Bộ chủ trương không cấm giáo viên dạy thêm, chỉ cấm nếu họ vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy trò Trường tiểu học Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng đã tổ chức 60 năm thành lập trường và đón nhận cờ thi đua của Chính phủ.
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, các trường học quận Hai Bà Trưng tổ chức lễ kỷ niệm và đón nhận Bằng khen của Thành phố và Bộ Giáo dục - Đào tạo; phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học hạnh phúc”; triển khai xây dựng “Văn hóa ứng xử, gắn với văn hóa học đường, vì một trường học hạnh phúc".
Sáng ngày 20/11, trường THPT Quang Trung, quận Hà Đông đã tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngành giáo dục và Đào tạo Thủ đô, 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và đón nhận cờ thi đua của Chính phủ.
Sáng 20/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Đề cập đến quy định về mức phụ cấp thâm niên với nhà giáo được điều động sang cơ quan quản lý giáo dục, nhiều đại biểu đề nghị cần bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên với nhà giáo được điều động.
0