Tác phẩm làm từ 1.000 vỏ trứng xác lập kỷ lục

Bức tranh chân dung mang tên "Vị tướng vì hòa bình" do họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng sáng tác từ 1.000 vỏ trứng trong hơn 2 năm, được ghi nhận là "Bức tranh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng chất liệu vỏ trứng lớn nhất tại Việt Nam".

Ngày 07/10, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng chứng nhận và huy chương kỷ lục Việt Nam cho họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng - tác giả bức tranh "Vị tướng vì hòa bình" bằng chất liệu vỏ trứng, vẽ chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Hoạ sĩ Nguyễn Quốc Vượng tại lễ công bố kỷ lục Việt Nam. 

Họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng (44 tuổi, trú tại P.Phú Hải, TP.Đồng Hới, Quảng Bình) tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Huế, hiện là cán bộ Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh Quảng Bình. Là người đã tìm lối đi riêng trong con đường nghệ thuật của mình - làm tranh bằng vỏ trứng. Tranh của họa sĩ Vượng được giới chuyên môn đánh giá cao tại các cuộc triển lãm và không ít bức đã được những người yêu tranh nước ngoài mua với giá cao.

Từ tấm lòng yêu quý và kính trọng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng đã bắt tay vào thực hiện trong hơn 2 năm tác phẩm “Vị tướng vì hòa bình” và hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 112 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2023).

Họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng và bức tranh bằng vỏ trứng "Vị tướng vì hòa bình"

Có chiều rộng 1,4m, chiều dài hơn 1,7m, tác phẩm nghệ thuật này được tạo thành từ loại vật liệu độc đáo gồm 1.000 vỏ trứng các loại như: trứng gà, trứng vịt, trứng chim cút, cùng biện pháp nung nóng để tạo ra sự tương phản sáng - tối trước khi được ghép lại bằng keo để tạo thành bức tranh hoàn chỉnh.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng cho biết, ý tưởng sử dụng vỏ trứng để sáng tác một tác phẩm nghệ thuật đến với anh một cách tình cờ vào năm 2022, để rồi sau đó, anh đã dành nhiều tâm huyết và công sức để tìm tòi nghiên cứu phương pháp để hiện thực hóa ý tưởng này thành bức tranh đặc tả vị tướng tài ba Võ Nguyên Giáp, cũng là người con của quê hương Quảng Bình.

Chia sẻ tại buổi lễ do VietKings tổ chức, họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng cho biết, anh đã đọc kỹ nhiều tư liệu viết về Đại tướng, từ đó phác thảo ý tưởng để thể hiện được tầm vóc, bắt đúng thần thái của Đại tướng, chọn nền, bối cảnh sao cho phù hợp. Cuối cùng, anh quyết định chọn bức chân dung Đại tướng với gương mặt cương nghị, tay nắm chặt thành nắm đấm thể hiện quyết tâm chiến thắng quân thù, với lá cờ đỏ sao vàng làm nền và điểm xuyết những chú chim bồ câu màu trắng đang vỗ cánh – biểu tượng cho cánh chim hòa bình.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng chia sẻ: "Vẽ chân dung vốn đã khó, tạo chân dung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng vỏ trứng càng khó gấp vạn lần. Ngoài việc làm sao để bức tranh phải giống Đại tướng, cốt lõi nhất của bức tranh này là phải làm toát lên thần thái của một vị tướng từng đánh thắng “hai đế quốc to” nhưng luôn yêu chuộng hòa bình”. Mong muốn của họa sĩ Vượng là tặng bức tranh này cho bảo tàng hoặc gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một sự tri ân đối với công lao trời biển của Đại tướng.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng mất hơn 2 năm để hoàn thành bức tranh chân dung đặc biệt này (Ảnh: Vượng Art).

Mặc dù chất liệu vỏ trứng trông có vẻ mỏng manh dễ vỡ, thế nhưng họa sĩ Vượng vẫn rất tự tin về độ bền của loại tranh mới lạ này, bởi vỏ trứng vốn là chất sừng, chứa nhiều canxi nên nếu không bị chôn dưới đất thì khó có thể hư hỏng. Khi hoàn thiện, anh còn phủ một lớp vật liệu bóng để bảo vệ nên tuổi thọ của bức tranh có thể lên đến cả trăm năm.

Với việc xác lập kỷ lục "Bức tranh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng chất liệu vỏ trứng lớn nhất tại Việt Nam" cho tác phẩm “Vị tướng vì hòa bình”, đại diện của VietKings kỳ vọng tác phẩm này sẽ góp phần làm phong phú thêm kho tàng các sáng tác nghệ thuật về vị tướng tài danh của đất nước, giúp người xem cảm nhận sâu sắc hơn về công lao, tầm vóc của Đại tướng, qua đó khơi gợi niềm tự hào dân tộc cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tại Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam, số 16 Ngô Quyền, Hà Nội đang diễn ra Triển lãm “Hành trình sống và yêu - 2024” của của nhà giáo, họa sĩ Nguyễn Thị Thúy Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai).

Trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức hội thảo “Du lịch văn hóa vùng Đông Bắc – khơi nguồn và phát triển”.

Chào mừng Ngày Di sản văn hoá Việt Nam 23/11, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khai mạc Triển lãm thư pháp Thăng Long - Hà Nội với chủ đề “Hương sắc Thăng Long”.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn khai mạc các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ 11 năm 2024 vào ngày 2/11.

Tại Triển lãm ảnh “Sắc màu các dân tộc Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức, 200 tác phẩm của 87 tác giả đã được giới thiệu tới công chúng.

Trong tháng 11/2024, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc với chủ đề “Về miền di sản tinh hoa và bản sắc”.