Tại sao CEO Telegram bị bắt?
Tại sao CEO Telegram bị bắt tại Pháp?
Ngày 24/8, khi vừa từ Azerbaijan đến Pháp, CEO Telegram Pavel Durov đã bị bắt tại Sân bay Paris-Le Bourget, ở ngoại ô thủ đô Paris.
Ngày 27/8, Công tố viên thủ đô Paris của Pháp, bà Laure Beccuau, thông báo ông Durov bị bắt để điều tra về 12 cáo buộc hình sự. Bà cho biết vụ bắt giữ diễn ra trong khuôn khổ một cuộc điều tra tư pháp bắt đầu từ ngày 8/7, tiếp sau cuộc điều tra do đơn vị chống tội phạm mạng thuộc Văn phòng Công tố Paris khởi xướng.
Cuộc điều tra này liên quan đến các cáo buộc về các giao dịch bất hợp pháp, tàng trữ hoặc cung cấp hình ảnh khiêu dâm của trẻ vị thành niên… Ngoài ra, cảnh sát Pháp cũng điều tra xung quanh hành vi từ chối cung cấp thông tin hoặc tài liệu cần thiết khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu để thực hiện các hoạt động giám sát hợp pháp. Kênh truyền hình TF1 đưa tin, ông Durov sẽ phải ra hầu tòa và có thể phải đối mặt với mức án lên tới 20 năm tù, thậm chí có thể bị dẫn độ sang Mỹ để phục vụ một cuộc điều tra riêng về Telegram.
Cũng trong ngày 27/8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên tiếng phủ nhận việc bắt giữ ông Durov mang động cơ chính trị, nhấn mạnh việc đưa ra phán quyết vụ án tùy thuộc vào các thẩm phán điều tra.
Trong một tuyên bố trên mạng xã hội X, ông Macron viết: “Việc bắt giữ CEO Telegram trên lãnh thổ Pháp diễn ra trong khuôn khổ một cuộc điều tra tư pháp đang được tiến hành. Đây không phải là một quyết định chính trị. Quyết định tùy thuộc vào các thẩm phán”.
Tuy vậy, việc suốt 2 ngày sau khi CEO Telegram bị bắt, chính phủ Pháp không có phản ứng chính thức nào về vụ việc đã dẫn đến suy đoán về động cơ thực sự đằng sau vụ bắt giữ. Dư luận cũng dấy lên thêm những nghi ngờ khi tờ báo điều tra Le Canard Enchain cho biết, trong quá trình điều tra, người sáng lập Telegram Pavel Durov đã nói với cảnh sát rằng ông đã được lên lịch ăn tối với Tổng thống Pháp Macron vào ngày ông bị bắt.
Phủ Tổng thống Pháp đã nhanh chóng phủ nhận tuyên bố của tờ báo. Nhưng ông Florian Philippot, lãnh đạo của Đảng Les Patriots của Pháp đã cáo buộc ông Macron lừa dối, cho rằng vụ bắt giữ là một chiến thuật để bịt miệng những người bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
Về phía Nga, bà Maria Butina - Nghị sỹ Quốc hội Nga cho rằng ông Pavel Durov bị bắt vì mang quốc tịch Nga. “Việc bắt giữ ông Pavel Durov có nghĩa là không có tự do ngôn luận. Tự do ngôn luận ở châu Âu đã chết. Elon Musk được tự do, Mark Zuckerberg được tự do. Nhưng Pavel Durov hiện đang ở trong tù. Tại sao? Bởi vì ông ấy là người Nga”, bà Maria Butina - Nghị sỹ Quốc hội Nga nhấn mạnh.
Ông Pavel Durov, 39 tuổi, sinh ra ở Saint Petersburg, được mệnh danh là “Mark Zuckerberg của Nga”. Ông Durov là công dân của Pháp, Nga, quốc đảo St. Kitts và Nevis ở vùng Caribe và Các Tiểu vương quốc Ả-Rập Thống nhất (UAE). Theo ước tính của Forbes, CEO Telegram sở hữu khối tài sản khoảng 15,5 tỷ USD.
Ông Durov có sự nghiệp khá phức tạp. Ông rời Nga năm 2014 vì từ chối yêu cầu của chính phủ về việc đóng các nhóm đối lập trên mạng xã hội VK - sản phẩm ông tạo ra khi mới 22 tuổi. Rời bỏ VK, ông Durov tập trung phát triển Telegram, vốn là ứng dụng ông sáng tạo ra năm 2013 cùng anh trai Nikolai Durov.
Telegram là một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất hiện nay với gần 1 tỷ người dùng, chỉ xếp sau các mạng xã hội như Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok và Wechat….
Ứng dụng này nổi tiếng về mã hóa đầu cuối, theo đó chỉ cho phép những người liên lạc với nhau có thể đọc được tin nhắn và cam kết bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Sự tập trung vào bảo mật đã khiến Telegram trở thành nền tảng được một bộ phận người dùng yêu thích, nhưng tính năng này cũng khiến nó trở nên hấp dẫn đối với các tổ chức tội phạm và các nhóm cực đoan.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cần thiết vì ông Durov có quốc tịch Nga. Tuy nhiên, tình hình phức tạp hơn do ông Durov cũng là công dân Pháp. “Chúng tôi hy vọng rằng ông Durov có mọi cơ hội cần thiết để tổ chức biện hộ hợp pháp. Vì ông Durov là công dân Nga, nên chúng tôi sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết, nhưng tình hình trở nên phức tạp vì ông ấy cũng là công dân Pháp. Những cáo buộc rất nghiêm trọng và cần có bằng chứng xác đáng. Nếu không, đây sẽ là nỗ lực trực tiếp nhằm hạn chế quyền tự do giao tiếp và đe dọa người đứng đầu một công ty lớn”, ông Dmitry Peskov cho hay.
UAE cũng đã đề nghị bảo hộ lãnh sự cho nhà sáng lập Telegram. Bộ Ngoại giao UAE ra thông báo nêu rõ UAE theo dõi sát sao trường hợp của công dân này. UAE đã gửi đề nghị tới Chính phủ Cộng hòa Pháp để cung cấp cho ông này các dịch vụ lãnh sự cần thiết theo hình thức khẩn cấp.
Về phần mình, Telegram thông qua mạng xã hội X ngày 26/8 đã cho rằng “thật vô lý” nếu chủ sở hữu mạng xã hội phải chịu trách nhiệm khi nền tảng bị lạm dụng. Tài khoản của Telegram trên mạng xã hội X khẳng định nền tảng này tuân thủ luật pháp châu Âu, bao gồm Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số. Công ty nhấn mạnh việc kiểm duyệt của nền tảng “nằm trong tiêu chuẩn của ngành và liên tục được cải thiện”.
CEO Telegram có thể là 'mỏ vàng' cho tình báo phương Tây
CEO Telegram Pavel Durov bị bắt ở Pháp đã làm nổ ra hai cuộc tranh luận về kiểm duyệt thông tin không gian mạng và về tình trạng đối đầu chính trị giữa Nga và các nước phương Tây. Vụ ông Durov bị bắt được quan tâm vì đây là tỉ phú người Nga sở hữu nền tảng Telegram được sử dụng phổ biến tại Nga trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây gia tăng liên quan đến cuộc chiến Nga - Ukraine. Dù ít hay nhiều, ông Durov và Telegram vẫn có vai trò nhất định đối với an ninh thông tin của Nga. Giới quan sát nhận định CEO Telegram có thể là 'mỏ vàng' cho tình báo phương Tây. Với việc bắt giữ ông Durov, Pháp và các đồng minh có thể khai thác nhiều tin tình báo giá trị liên quan đến Nga.
Theo giới quan sát, việc bắt giữ Pavel Durov cho thấy vai trò quan trọng của Telegram trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Từ khi Moscow triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào tháng 2/2022 đến nay, Telegram luôn là công cụ mạnh mẽ được các mạng lưới quân sự Nga tin dùng.
Quân đội, các nhà hoạt động của cả Nga và Ukraine đều sử dụng nền tảng này để trao đổi thông tin, chia sẻ dữ liệu, đăng hình ảnh, video về hoạt động quân sự trên chiến trường. Các chính trị gia hàng đầu của Nga cũng dùng Telegram như một phương tiện truyền thông hàng ngày mà không phải lo ngại nguy cơ bị lộ lọt dữ liệu, do Telegram đặt trụ sở tại Dubai, UAE và gần như không chịu ảnh hưởng của phương Tây.
Nhà khoa học chính trị Sergey Markov - đồng minh thân tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin và là người chắp bút nhiều bài phát biểu cho Điện Kremlin - nhận định: “Binh sĩ quân đội Nga tích cực sử dụng Telegram trên chiến trường. Do đó vụ bắt ông Durov có thể là nỗ lực của Pháp và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm kiểm soát hệ thống liên lạc và khống chế quân đội Nga ở Quân khu Đông Bắc”.
Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vladislav Davankov cũng khẳng định việc phương Tây bắt ông Durov nhằm tiếp cận các thông tin được Telegram nắm giữ - điều “không được phép diễn ra” với Moscow.
Còn ôngAlexey Rogozin, cố vấn Ủy ban Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) về Chính sách kinh tế, Công nghiệp và Phát triển đổi mới, cảnh báo: “Nhiều người ví rằng, việc bắt giữ Pavel Durov tương đương bắt giữ người đứng đầu cơ quan liên lạc của Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga. Rất nhiều quyền kiểm soát quân đội ngày nay đều gắn liền với Telegram”.
Reuters dẫn một nguồn thạo tin tiết lộ, trước khi ông Pavel Durov bị bắt, Telegram có lẽ đã trở thành phương tiện chính cho công tác chỉ huy và kiểm soát của các đơn vị thuộc lực lượng Nga. Nhưng các quan chức an ninh nước này hôm 26/8 đã nhận được chỉ thị xóa ứng dụng khỏi điện thoại.
Cú đấm vào tự do ngôn luận ở phương Tây
Những cáo buộc nhắm vào ông Durov đặc biệt ở chỗ ông không phải là người trực tiếp thực hiện những hành vi này. Thay vào đó, các nhà chức trách Pháp cho rằng, nền tảng Telegram do ông sở hữu và điều hành đã buông lỏng việc kiểm duyệt nội dung và tạo điều kiện để tội phạm thực hiện những hành vi trên. Trong bối cảnh ấy, vụ bắt giữ CEO Telegram đang gây ra nhiều tranh cãi. Trong mắt nhiều người, đây là một cú đấm vào tự do ngôn luận ở phương Tây. Có ý kiến cho rằng Paris dường như đang áp dụng “tiêu chuẩn kép” khi Pháp cũng như các nước phương Tây vốn rất đề cao giá trị của quyền tự do ngôn luận.
Với gần 1 tỉ người dùng Telegram, từ năm 2014 đến 2021, ngày càng có nhiều nước giám sát nền tảng này và yêu cầu Telegram phải hợp tác để ngăn chặn các hành vi lan truyền những thông tin độc hại, cực đoan và các hoạt động bất hợp pháp. Tuy vậy, ông Durov liên tục từ chối kiểm duyệt và xây dựng hình ảnh mình là người ủng hộ mạnh mẽ quyền tự do ngôn luận. Quan điểm của Durov về quyền riêng tư và việc từ chối kiểm duyệt nội dung trên Telegram đã khiến tỷ phú trở thành gương mặt gây tranh cãi. Đáng chú ý, ông Durov liên tục từ chối giao dữ liệu người dùng cho các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo phương Tây, đồng thời từ chối cho phép họ thiết lập cái gọi là “cửa sau” vào nền tảng này có thể giám sát các cuộc trò chuyện trên ứng dụng.
Nhà báo và nhà bình luận chính trị người Mỹ Tucker Carlson nhận định, vụ bắt giữ người sáng lập ứng dụng Telegram Pavel Durov ở Pháp là một lời cảnh báo đối với các nền tảng trực tuyến phản đối sự kiểm duyệt. Trên X, ông Carlson tuyên bố vụ bắt giữ là một cuộc tấn công vào quyền tự do ngôn luận.
Ông Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) nổi tiếng vì tố giác Mỹ, cũng chỉ trích Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vì vụ bắt CEO Telegram, cho rằng ông Macron bắt “con tin” như một cách muốn tiếp cận các giao tiếp riêng tư của người dùng. Điều này hạ thấp không chỉ nước Pháp mà là cả thế giới.
Tỉ phú Elon Musk - CEO của X - ủng hộ phong trào đòi trả tự do cho ông Pavel Durov. Viết trên X, ông nhắc lại những lệnh cấm gần đây của các nước liên quan vấn đề tự do ngôn luận, gọi đây là “thời điểm nguy hiểm”.
Trong khi đó, CEO nền tảng video trực tuyến Rumble, ông Chris Pavlovski tuyên bố: “Pháp đã đe dọa Rumble và hiện đã vượt qua ranh giới đỏ khi bắt giữ CEO Telegram Pavel Durov, được cho là vì không kiểm duyệt nội dung. Rumble sẽ sử dụng mọi biện pháp pháp lý để đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận. Hiện tại chúng tôi đang đấu tranh tại tòa án Pháp và chúng tôi hy vọng Pavel Durov sẽ được trả tự do ngay lập tức”.
Ông Chris Pavlovski cho biết thêm rằng bản thân mình đã rời khỏi châu Âu sau khi thông tin ông Pavel Durov bị bắt được công bố.
Vụ bắt giữ cũng làm dấy lên câu hỏi về việc Pháp bắt người sáng lập Telegram có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho người đứng đầu các nền tảng truyền thông xã hội khác.
Fabrice Epelboin - chuyên gia và nhà phân tích truyền thông xã hội bày tỏ: “Hiện tại, không rõ tại sao Pháp lại nhắm mục tiêu vào Telegram trước. Có lẽ đó là một mục tiêu dễ dàng. Đối đầu với Pavel Durov dễ hơn nhiều so với Elon Musk. Nhưng đó là một thông điệp gửi đến tất cả các công ty kỹ thuật số, dù ở Pháp hay quốc tế.”
Việc bắt giữ CEO Telegram Pavel Durov cho thấy quyền riêng tư, bảo mật và vai trò của công nghệ trong thế giới kết nối đang là vấn đề thu hút sự chú ý của dư luận. Vụ việc sẽ có nghĩa gì đối với quyền riêng tư trong môi trường số? Nó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động giao tiếp trên toàn cầu như thế nào? Và điều gì đang chờ đợi Telegram? Dù vụ bắt giữ CEO Telegram xuất phát từ động cơ chính trị hay do nhằm điều tra những nội dung và các hoạt động tội phạm trên nền tảng này như Pháp khẳng định, thì vụ việc lần này cũng khiến người ta đặt câu hỏi liệu những ông chủ của các nền tảng mạng xã hội khác có phải chịu chung kết cục như vậy không. Câu trả lời cho những câu hỏi này có thể tái định hình bối cảnh kỹ thuật số toàn cầu.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang cân nhắc thay đổi ban lãnh đạo của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) bằng cách sa thải giám đốc hiện tại và đưa một cựu đặc vụ giàu kinh nghiệm và trung thành với chương trình Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại (MAGA) của ông vào vị trí đứng đầu cơ quan này.
Ngày 22/11, một người đàn ông đã tử vong và một người khác phải nhập viện sau khi một chiếc trực thăng rơi ở một vùng xa xôi của Australia.
Sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) quyết định ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant ngày 21/11 với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, hàng loạt các quan chức Mỹ đã có những phản ứng trái chiều trước vấn đề này.
Tân Hoa xã hôm 21/11 đưa tin, Cục địa chất tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc xác nhận một mỏ vàng khổng lồ với trữ lượng ước tính hơn 1.000 tấn đã được phát hiện ở miền nam Trung Quốc.
Đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD) của Đức xác nhận sẽ đề cử ông Olaf Scholz làm ứng cử viên thủ tướng vào ngày 25/11 tới.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã chỉ định bà Pam Bondi, cựu Tổng chưởng lý bang Florida làm lãnh đạo Bộ Tư pháp thay thế ứng cử viên Matt Gaetz vừa rút lui.
0