Thất bại của ông Biden là 'cơn ác mộng' với Đảng Dân chủ
Lời thừa nhận của Tổng thống Biden
Phần thể hiện của Tổng thống Joe Biden tại cuộc đối đầu ở Atlanta, được hơn 50 triệu người theo dõi, đã gây ra sự hoảng loạn, bất ổn. Hàng loạt bài xã luận và nhà bình luận kêu gọi ông Biden (81 tuổi) rời bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng.
Tôi biết tôi không còn trẻ, nói năng rõ ràng như xưa. Vâng, tôi biết. Tôi không còn đi lại dễ dàng như trước nữa. Tôi không nói trôi chảy như trước. Tôi không còn tranh luận như trước nữa. Nhưng tôi hiểu biết, tôi biết đâu là đúng, đâu là sai. Tôi biết cách hoàn thành công việc. Tôi biết, giống như hàng triệu người Mỹ biết, khi bạn vấp ngã, bạn sẽ đứng dậy.
Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Đó là lời thú nhận của Tổng thống Joe Biden về cuộc tranh cử đáng thất vọng của ông trước cựu Tổng thống Trump. Cuộc tranh luận đầu tiên giữa các ứng cử viên tổng thống đầu tiên thường khó khăn đối với những người đương nhiệm, đặc biệt là với một người đã 81 tuổi như ông Biden.
Vài phút sau cuộc đối đầu do CNN tổ chức, Đảng Dân chủ rơi vào hoang mang. Huấn luyện viên tranh luận chính của ông Biden, Ron Klain, có câu nói nổi tiếng rằng “bạn có thể thua trong một cuộc tranh luận, nhưng nhất định phải thắng trong 30 phút đầu tiên”. Nhưng điều bất ngờ là ông Biden thất bại ngay phút đầu tiên.
Đối với ông Biden, việc vượt qua khủng hoảng không có gì mới. Sau hơn nửa thế kỷ ở Washington, ông đã nhiều lần phải chịu đựng những thất bại, kể cả khi nhiều đảng viên Đảng Dân chủ và các học giả phản đối ông vào năm 2020. Nhưng ông Biden cuối cùng vẫn chiếm ưu thế trong cuộc đua đó, đánh bại tổng thống lúc bấy giờ là Donald Trump.
Sau cuộc tranh luận, các đảng viên Đảng Dân chủ cảnh giác hơn về khả năng ông Trump trở lại Nhà Trắng. Sự việc tuần vừa qua cho thấy rõ rằng việc giành chiến thắng trong trận tái đấu sẽ không phải là điều dễ dàng.
Không thể thay đổi ứng cử viên vào thời điểm này. Nếu làm vậy, có nghĩa là ông Trump sẽ thắng. Ông Biden là ứng cử viên sáng giá nhất có cơ hội chiến thắng ông Trump.
Anh Kareem Abdullah (37 tuổi, đến từ bang Arizona).
Trong lịch sử, các cuộc tranh luận tổng thống không có tác động lớn đến sự ủng hộ của cử tri dành cho một ứng cử viên, mà những thay đổi lớn nhất trong thái độ của cử tri thường xảy ra sau đại hội của các đảng lớn.
Nhưng năm nay thì khác. Sau cuộc tranh luận đầu tiên của cuộc bầu cử năm 2024, ông Trump nổi bật hơn hẳn sau màn trình diễn run rẩy, ngập ngừng của ông Biden cho dù cựu tổng thống đưa ra một loạt tuyên bố cường điệu hoặc sai sự thật.
Chưa có dấu hiệu công khai nào cho thấy ông Biden không thể hoàn thành nhiệm vụ tổng thống, kể cả các quyết định cứng rắn liên quan đến an ninh quốc gia. Nhưng cuộc tranh luận này cho thấy rõ khả năng giao tiếp với người dân và thuyết phục họ tin vào tầm nhìn của chính mình trong nhiệm kỳ thứ hai của ông đã bị suy giảm nghiêm trọng.
Sự lúng túng trong nội bộ Đảng Dân chủ
Một cuộc thăm dò của CBS News/YouGov cho thấy chỉ 55% cử tri Đảng Dân chủ nói rằng ông Biden nên tiếp tục tranh cử, 45% cho rằng ông nên bỏ cuộc. Cho đến nay, ông Biden vẫn cho rằng việc ứng cử là con đường duy nhất phía trước. Và vì đã thắng tất cả các cuộc bầu cử sơ bộ nên ông kiểm soát hầu hết các đại biểu, điều đó có nghĩa là họ chỉ có thể bỏ phiếu cho người khác nếu ông quyết định rút lui. Thay ứng cử viên tổng thống vào phút cuối quả thực là điều chưa từng có tiền lệ.
Hơn hai chục quan chức hàng đầu của Đảng Dân chủ, các nhà hoạt động chính trị và các nhà tài trợ thú nhận rằng kịch bản nào cũng đáng lo ngại, cho dù là tiếp tục đề cử ông Biden, hay đề cử Phó Tổng thống Kamala Harris.
Sau màn trình diễn run rẩy của Tổng thống Joe Biden trong cuộc tranh luận với cựu Tổng thống Donald Trump, một số đảng viên Đảng Dân chủ công khai đặt câu hỏi liệu có nên thay thế ứng cử viên của họ trong cuộc bầu cử năm 2024 hay không. Dù có quy trình để thực hiện việc này, nhưng sẽ rất lộn xộn.
Hiện nay, ông Biden vẫn chưa phải là ứng cử viên chính thức của Đảng Dân chủ. Việc đề cử sẽ được thực hiện tại đại hội của đảng vào tháng 8 tới, vì vậy vẫn còn thời gian để thay đổi.
Ông Biden có thể quyết định rời bỏ cuộc đua trước khi được đề cử; ứng cử viên khác sẽ cố gắng thu phục các đại biểu mà ông đã giành được phiếu ủng hộ; hoặc ông có thể rút lui sau đại hội Đảng Dân chủ ở Chicago vào tháng 8, khi đó Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ bầu chọn ứng cử viên khác.
Một số ứng cử viên tiềm năng hàng đầu có thể thay thế ông Biden bao gồm: Phó Tổng thống Kamala Harris; Thống đốc bang California Gavin Newsom; Thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer; Thống đốc bang Kentucky Andy Beshear và Thống đốc bang Illinois JB Pritzker.
Ông Biden sẽ phải đồng ý từ chức hoặc chấp nhận thách đấu. Cho đến nay, ông Biden không tỏ ý muốn bỏ cuộc và không có đối thủ nào trực tiếp thách đấu với ông. Trong thời gian qua, ông Biden đã giành được 4.000 phiếu đại biểu của Đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử sơ bộ ở các tiểu bang và vùng lãnh thổ của Mỹ.
Những đại biểu đó thường sẽ bỏ phiếu cho ông, nhưng các quy tắc không bắt buộc họ phải làm như vậy; nghĩa là họ có thể dành phiếu bầu của mình cho người khác. Nếu ông Biden bỏ cuộc và không giữ các phiếu đại biểu, các đảng viên Đảng Dân chủ có thể cạnh tranh để giành phiếu đại biểu và trở thành ứng cử viên.
Nếu ông Biden đột ngột rút lui, ông sẽ phải đưa ra định hướng cho đảng của mình và có thể ông sẽ trông cậy vào Phó Tổng thống Harris. Phó Tổng thống cũng sẽ là người duy nhất có đủ khả năng hợp pháp để tiếp quản toàn bộ hoạt động hiện tại, cùng với tất cả số tiền đã huy động được. Bà hiện cũng đứng ngang hoặc dẫn trước một chút so với bất kỳ ứng cử viên nào khác trong hầu hết các cuộc thăm dò về việc thay thế ông Biden.
Nhưng kể từ cuộc tranh luận giữa ông Biden và Trump đến nay, bà luôn là người bảo vệ tận tụy nhất và trung thành nhất đối với Tổng thống Biden.
Bà Harris cũng sẽ có những lợi thế khác. Đó là sự gắn bó với Tổng thống Biden, sự ủng hộ của các cử tri da màu và phụ nữ. Nhưng, có được đề cử của Đảng Dân Chủ cũng sẽ không dễ dàng. Một số người đang chờ đợi bà thất bại ở đại hội Đảng Dân chủ để thay thế.
Ông Trump thắng lớn ở Tòa án tối cao
Ngay sau cú ngã ngựa của ông Biden, lần đầu tiên kể từ khi thành lập đất nước vào thế kỷ XVIII, Tòa án tối cao Mỹ tuyên bố rằng không thể truy tố các cựu tổng thống vì những việc làm mà Hiến pháp cho phép tổng thống được thực hiện.
Hai việc này rộng đường cho ông Trump vào Nhà Trắng. Các chuyên gia pháp lý cho rằng phán quyết của Tòa án tối cao có thể có tác động sâu rộng đến hệ thống chính trị Mỹ, mở rộng quyền lực và quyền miễn trừ truy tố của các tổng thống tương lai. Đây là một phán quyết mang tính bước ngoặt. Lần đầu tiên, quyền miễn truy tố của tổng thống được công nhận.
Phán quyết của Toà án tối cao được đưa ra trong bối cảnh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải đối mặt với một loạt cáo buộc, bao gồm bốn tội danh liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, cáo buộc rằng ông “âm mưu” lật ngược kết quả bằng cách truyền bá “những tuyên bố cố ý sai sự thật” về gian lận để cản trở việc thu thập, kiểm phiếu và chứng nhận kết quả.
Giáo sư Claire Wofford của Đại học Charleston cho rằng phán quyết này sẽ gây khó khăn lớn cho Công tố viên đặc biệt Jack Smith theo đuổi vụ kiện chống lại ông Trump vì tội lật ngược kết quả bầu cử. Sự bảo vệ mà tòa án dành cho các tổng thống quá lớn đến mức nó “không chỉ định hình lại cương vị tổng thống” mà còn “định hình lại toàn bộ hoạt động của hệ thống pháp luật Mỹ”.
Nếu một tổng thống có thể thực hiện tất cả các loại hành động mà một công dân hoặc thành viên khác của chính phủ không thể thực hiện và tổng thống không phải chịu trách nhiệm hình sự, đối với tôi đó không phải là sự phân chia quyền lực giống với hệ thống dân chủ mà chúng ta có hiện nay. Người ta đang tiến gần hơn với một chế độ độc tài, khiến nhiều người lo ngại.
Bà Claire Wofford - Trường Đại học Charleston.
Với phán quyết này của tòa án, ông Trump giành thêm lợi thế khi sắp về đích trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024.
Đồng minh chuẩn bị cho kịch bản Trump 2.0
Những diễn biến mới này ở Mỹ đã làm dấy lên lo ngại với các đồng minh của Mỹ - đặc biệt là NATO và châu Âu. Nhìn chung, các đồng minh của Mỹ cho rằng Biden là một người nhạy cảm, và xung quanh ông là những người nhạy cảm. Do đó, dù có chuyện gì xảy ra, họ sẽ tiếp tục đưa ra những quyết định hợp lý. Trên thực tế, cho dù không làm tổng thống thì ông cũng vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến chính trị Mỹ theo cách nào đó. Các cuộc thăm dò cho thấy, ông Trump đã trở lại. Và có lẽ ông sẽ thắng nếu cuộc bầu cử được tổ chức hôm nay.
Những chính sách mà ông Trump sẽ theo đuổi bao gồm trục xuất hàng triệu người di cư không có giấy tờ, áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu, chiến tranh thương mại toàn cầu sâu rộng, không tài trợ cho Ukraine và rút khỏi NATO.
Ông Donald Trump tuyên bố những người ủng hộ ông đã bị truy tố vì tham gia vụ tấn công vào Điện Capitol ngày 6/1/2021 nên được trả tự do,
Hãy trả tự do cho các con tin J6 (ngày 6 tháng 1) ngay bây giờ. Nên trả tự do cho họ ngay bây giờ vì những gì họ đã trải qua. Họ đã chờ đợi quyết định này từ lâu. Họ đã chờ đợi rất lâu.
Ông Donald Trump, Cựu Tổng thống - ứng cử viên Đảng Cộng hòa.
Các đồng minh của Mỹ lo ngại rằng quốc gia lớn nhất thế giới không thể đem lại điều mà họ mong muốn nhất. Đó là sự ổn định. Việc loại bỏ một ứng cử viên vào cuối quy trình bầu cử có thể làm suy yếu toàn bộ quá trình, tạo cơ hội các đối thủ đả kích hệ thống dân chủ Mỹ, khiến hệ thống này suy yếu.
Một loạt câu hỏi được đặt ra. Liệu ông Biden có thể thúc đẩy những vấn đề như viện trợ cho Ukraine thông qua Hạ viện không? Liệu ông có đủ vốn chính trị để thực hiện hành động có thể gây mất lòng dân ở Trung Đông hoặc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nếu những khu vực đó tiếp tục bất ổn? Và liệu có khuyến khích các đối thủ toàn cầu của Mỹ hành động quyết liệt hơn ở sân sau của chính họ không? Để ứng phó với tất cả những thách thức này một cách hiệu quả đòi hỏi sự ổn định.
Nhiều người châu Âu tin rằng nếu ông Trump thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11, tương lai của châu Âu nhất là vấn đề an ninh sẽ không được đảm bảo. Ông Trump từng tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột Nga - Ukraine ngay lập tức. Nếu cuộc xung đột kết thúc với nguyên trạng hiện tại, thì có thể được coi là một thất bại đối với NATO hơn là đối với Ukraine.
Các nhà lãnh đạo khối đồng minh NATO gồm 32 thành viên sẽ nhóm họp tại Washington từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 7 để kỷ niệm 75 năm thành lập. Nhưng quan điểm của ông Trump về NATO và Ukraine đã phủ bóng đen lên hội nghị thượng đỉnh.
Trong cuộc tranh luận, ông Trump một lần nữa chỉ trích các thành viên NATO châu Âu vì không đóng góp đủ vào ngân sách của liên minh. Ngoài ra, xung đột ở Ukraine sẽ là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự, bao gồm cả vấn đề Ukraine trở thành thành viên NATO.
Châu Âu không chỉ lo ngại quan điểm của ông Trump về NATO và Ukraine. Trong nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất của ông Trump, một số thỏa thuận và quan hệ đối tác quốc tế quan trọng đã bị hủy bỏ hoặc đàm phán lại, khiến các đồng minh châu Âu lo lắng. Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, thỏa thuận hạt nhân Iran và nhiều hiệp định thương mại khác đã tạo ra những rạn nứt đáng kể. Các nhà lãnh đạo châu Âu coi trọng các thỏa thuận này vì sự ổn định toàn cầu và bảo vệ môi trường, lo ngại rằng việc ông Trump tái đắc cử sẽ dẫn đến các chính sách theo chủ nghĩa biệt lập hơn và vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ bị suy giảm.
Khả năng ông Trump trở lại Nhà Trắng đã khiến châu Âu bắt đầu chuẩn bị phòng ngừa. Nhiều nước châu Âu đã bắt đầu xây dựng lại khả năng phòng thủ của mình, vốn đã bị suy giảm kể từ khi NATO bắt đầu đảm bảo an ninh vào năm 1949.
Một khảo sát trong tháng 6/2023 tại hơn 30 quốc gia cho thấy phần lớn tin tưởng Tổng thống Joe Biden sẽ đưa ra các quyết định ngoại giao đúng đắn cho nước Mỹ hơn là người tiền nhiệm Donald Trump. Chính sự lo ngại về ông Trump đã buộc các đồng minh của Mỹ chuẩn bị cho kịch bản ông trở lại nắm quyền và chăc chắn Washington sẽ lại chuyển hướng trong nhiều vấn đề đối ngoại.
Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.
Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.
Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.
Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.
Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.
0