Thực trạng thị trường BĐS: Thiếu lành mạnh và nhiều lãng phí

"Thiếu lành mạnh và nhiều lãng phí" là kết quả cuộc khảo sát nhanh mà Đài Hà Nội đã thực hiện khi hỏi về “Thực trạng của thị trường bất động sản (BĐS)”. Khẳng định ấy hoàn toàn không bất ngờ bởi nếu chỉ nhìn nhận hay đánh giá thị trường trong một thời gian ngắn sẽ thấy có rất nhiều câu hỏi được đặt ra.

Thị trường bất động sản 'thiếu lành mạnh'

Một khu đất tại huyện Hoài Đức, cách trung tâm Hà Nội khoảng 25 km, hơn một năm trước đã ba lần thông báo tổ chức đấu giá nhưng đều không thành công bởi không có nhà đầu tư tham gia.

Giữa tháng 7 năm 2024, vẫn khu đất đó, vẫn giá khởi điểm đó, cuộc đấu giá lại có cả ngàn người đăng ký. Giá được đấu lên tới hơn 100 triệu đồng, cao nhất lên tới hơn 133 triệu đồng/m² - nghĩa là có mảnh được trả gấp tới 18 lần so với giá khởi điểm. Sự nghi ngờ về thiếu lành mạnh trong đấu giá đất được đặt ra, bởi ngoài giá được bỏ quá cao so với thực tế giao dịch thì việc rao bán lại ngay các mảnh đất trúng đấu giá với giá cộng thêm vài trăm triệu đã khẳng định sự khuất tất. Đến khi hết thời hạn nộp tiền, hàng loạt người trúng đấu giá cao bỏ cọc, cho thấy rõ tính thiếu lành mạnh, và là nguồn cơn cho cụm từ “bỏ giá cao - tạo sốt ảo” mà người ta nói về cuộc đấu giá đất vùng ven. 

Cơn sốt đất nền tại các huyện vùng ven diễn ra suốt hai tháng qua đã đẩy mặt bằng giá chung cư và nhà đất ở Hà Nội lên một mức cao chưa từng có, mức giá mà với đồng lương viên chức, phải mất hàng chục năm nhịn ăn, nhịn tiêu mới đủ tiền mua nhà ở. 

Chị Thủy, anh Cường, chị Quyên, ba trong số những người đã bày tỏ quan điểm trong cuộc khảo sát của chúng tôi chứng minh sự thiếu lành mạnh của thị trường bất động sản. Chị Thuỷ đặt câu hỏi: "Liệu rằng đấy có phải giá tăng thật hay không hay có sự tác động ở bên ngoài nào đấy để làm cho giá nhà tăng ảo?".

Tại diễn đàn "Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển" do Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội tổ chức với sự tham dự  của lãnh đạo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, lãnh đạo thành phố Hà Nội cùng các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, bất động sản, một nội dung nhận được sự đồng thuận đó là: thị trường đang cho thấy nhiều biểu hiện thiếu tính lành mạnh, méo mó, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững và tiềm ẩn nhiều hệ lụy đối với kinh tế - xã hội. 

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết: “Thị trường bất động sản ở Việt Nam chưa bao giờ phát triển lành mạnh. Thị trường bất động sản Việt Nam nếu phát triển lành mạnh sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững, giúp người dân có thể mua nhà phù hợp túi tiền, giúp người nghèo được ở nhà ở xã hội còn người không có điều kiện mua nhà thì cũng có đủ tiền thuê nhà để ở”.

Thị trường bất động sản nhiều lãng phí

Nhiều mảnh đất qua tay nhiều người đến nỗi hàng xóm cạnh bên cũng chẳng biết rõ chủ đất là ai, và có chung hiện trạng bỏ hoang lâu dài trong sự tiếc nuối khi người làng thì nhiều, đất lại ngày một ít. 

Một khu đô thị mới cũng ở ven đô nhưng nó còn có tên gọi nữa là “khu đô thị ma” bởi sự bỏ hoang từ những dãy nhà. Và, tất cả đều đã có chủ, nhưng muốn tìm được chủ cách nhanh nhất chỉ có thể tìm tới môi giới vì ở đây lại không có hàng xóm! Sự bỏ hoang này để lại tiếc nuối và cả nỗi bất an cho nhiều người dân. 

Anh Nguyễn Ngọc Tuấn, phường Minh Khai, quận Nam Từ Liêm chia sẻ: "Những khu nhà như thế này rất lãng phí cho cả phía người dân và xã hội. Nó cũng tiềm ẩn nhiều bất an về trật tự, an ninh". 

Đất đai thay vì là nguồn tài nguyên hay tư liệu sản xuất giờ được xem là một thứ hàng hóa. Tại báo cáo tài chính của 10 doanh nghiệp bất động sản (đã niêm yết trên sàn chứng khoán), tính tới giữa năm 2024, lượng tồn kho bất động sản là hơn 269.000 tỷ đồng, trong số này có nhiều tên tuổi tập đoàn lớn. Cá biệt có doanh nghiệp - theo tính toán của tốc độ bán hiện tại - sẽ cần tới 149 năm mới bán hết được sản phẩm tồn! 

Và khi người ta đem tiền "chôn" vào bất động sản, dễ hình dung đó sẽ là “đồng tiền chết” bởi nó triệt tiêu nguồn lực, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Đây cũng chính là nguồn cơn gây ra lạm phát, tạo bất bình đẳng. Một đất nước không thể có nền kinh tế phát triển bền vững, thịnh vượng từ việc cất tiền vào đất  bởi nó làm hụt dòng tiền đổ vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Hệ lụy kéo theo là không có việc làm, không tạo ra hàng hóa, dịch vụ. 

Những khu đô thị bỏ hoang, nhiều dự án treo, đất vàng để không ở các đô thị đắt đỏ đang làm lãng phí tài nguyên, thất thoát ngân sách. Lúc này cần nhắc lại lời của Tổng bí thư Tô Lâm đã căn dặn: "Lãng phí có vấn đề dân hỏi mình ko trả lời được. Có mảnh đất vàng lãng phí, để cỏ mọc chục năm thì ai chịu trách nhiệm. Doanh nghiệp ko làm thì tôi thu lại. Doanh nghiệp nói tôi đang làm nhưng vướng thế vướng chỗ nào thì gỡ. Tiền của là nhân dân. Dân hỏi tại sao để thế, tỉnh làm hay trung ương làm phải có địa chỉ chứ. Tham ô, tham nhũng xử lý hết rồi kể ra thì nhiều lắm. Ruộng đất thì cứ lãng phí. Ở khâu nào, ở chính sách thì xem lại chính sách, luật thì xem lại luật".

Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định thời gian không chờ đợi ai cả. Không thể chậm trễ, để lỡ mất cơ hội phát triển của đất nước. Có thể nói, đất đai không chỉ là “tấc vàng” như dân gian vẫn nói, mà là một tài nguyên đặc biệt, một nguồn lực vô cùng quan trọng. Vì vậy, cần tiếp tục xem việc xử lý tình trạng lãng phí đất đai là một nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới. Và một trong những giải pháp quan trọng là phải lành mạnh thị trường bất động sản.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

"Thiếu lành mạnh và nhiều lãng phí" là kết quả cuộc khảo sát nhanh mà Đài Hà Nội đã thực hiện khi hỏi về “Thực trạng của thị trường bất động sản (BĐS)”. Khẳng định ấy hoàn toàn không bất ngờ bởi nếu chỉ nhìn nhận hay đánh giá thị trường trong một thời gian ngắn sẽ thấy có rất nhiều câu hỏi được đặt ra.

Trên thế giới, thuế bất động sản (BĐS) được đánh giá là một loại thuế quan trọng bởi đây là nguồn thu lớn và thường xuyên được dùng để đầu tư, tu bổ hạ tầng, chi trả cho các dịch vụ, đáp ứng an sinh xã hội tại địa phương. Khi tăng thuế chuyển nhượng sẽ dẫn đến giảm giá bất động sản và số lượng giao dịch trên thị trường.

Diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài Hà Nội chủ trì tổ chức đã quy tụ nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, bất động sản. Nhiều khuyến nghị, thảo luận chuyên sâu đã được đưa ra tại diễn đàn nhăm ngăn chặn tình trạng thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường, trong đó có đề xuất thuế bất động sản để hạn chế đầu cơ.

Sau hơn ba tháng tạm dừng để rà soát, đất đấu giá tại huyện Thanh Oai lại tiếp tục nóng khi 25 lô đất tại xã Đỗ Động được đưa ra đấu giá với mức khởi điểm thấp, chỉ từ 5,3 triệu đồng/1m², nhưng mức trúng lại cao hơn nhiều so với mặt bằng khu vực.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án, công trình tồn đọng để tránh lãng phí nguồn lực đất đai.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, thành phố hiện có 69 dự án nhà ở xã hội đã và đang triển khai; trong đó, từ năm 2021 đến nay đã hoàn thành khoảng 0,64 triệu m² sàn nhà ở xã hội, hơn 10.270 căn hộ.