Tiêm kích F-16 và sự khởi đầu tồi tệ ở Ukraine

Một trong số sáu phi công Ukraine được đào tạo cấp tốc để lái F-16 đã tử nạn cùng chiếc máy bay chiến đấu vừa mới chuyển giao. Với sự khởi đầu tồi tệ này, F-16 liệu có thể trở thành vũ khí chiến lược giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến trường như kỳ vọng của Tổng thống Zelensky?

Ukraine mất tiêm kích F-16 đầu tiên

Ấn phẩm The Wall Street Journal của Mỹ viết rằng vào ngày 26 tháng 8, trong một cuộc tấn công tổng hợp của lực lượng vũ trang Nga, Kiev đã mất một trong sáu chiếc F-16 mới được chuyển giao. Nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn này được cho là do lỗi của phi công.

Các báo cáo ban đầu cho thấy máy bay chiến đấu không bị hỏa lực của đối phương bắn hạ, mặc dù vụ việc xảy ra đồng thời với  một cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn của Nga vào Ukraine. Nhiều khả năng vụ tai nạn là do lỗi của phi công.

Nhà báo Lara Seligman viết trên The Wall Street Journal.

Báo chí phương Tây cũng nhấn mạnh rằng việc mất F-16 là một thất bại nặng nề của  Kiev, khi mà Ukraine trong nhiều tháng qua đã nỗ lực đề nghị các đồng minh cung cấp loại phương tiện quân sự tối tân này. Những chiếc F-16 đầu tiên được cho là xuất hiện tại Ukraine vào đầu tháng 8. Theo WSJ, Kiev hiện chỉ nhận được sáu chiếc F-16, tương ứng với số lượng phi công được đào tạo. Một trong số các phi công đó, Trung tá Alexey Mes, đã thiệt mạng trong vụ tai nạn.

Di ảnh Trung tá Alexey Mes trong lễ tang hôm 29/8. Ảnh: Bộ tư lệnh Không quân Ukraine.

Phía Nga khẳng định, vào ngày 26/8, Nga đã phát động một cuộc tấn công lớn vào các cơ sở năng lượng của Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga báo cáo đã đánh bại tất cả các mục tiêu được xác định. Điện Kremlin cho rằng việc Ukraine được chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 sẽ là dấu hiệu kéo các nước phương Tây vào cuộc xung đột trực diện với Nga.

F-16 liệu có thể thay đổi cục diện cuộc xung đột Nga – Ukraine?

Sau rất nhiều lần Tổng thống Zelensky đề nghị các nước đồng minh cung cấp tiêm kích F-16, ngày 4/8, loại máy bay này được xác nhận đã xuất hiện tại Ukraine.

Trước đó, phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin rằng sáu máy bay chiến đấu đã được Hà Lan chuyển đến Ukraine, một số khác dự kiến sẽ được Đan Mạch cung cấp trong thời gian sớm nhất.

Kể từ ngày 6/8, đồng thời với việc mở các đợt tấn công vào Kursk – một khu vực nằm trong lãnh thổ Nga, Ukraine đã đề nghị với các nước đồng minh về việc sử dụng F-16 thực hiện các cuộc không kích để chiếm ưu thế chiến trường.

Ngay sau đó, Tướng Onno Eichelsheim của Không quân Hoàng gia Hà Lan đã tuyên bố rằng Ukraine có thể sử dụng máy bay chiến đấu F-16 do nước này cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.

Tướng Eichelsheim tuyên bố rằng Hà Lan không áp đặt bất kỳ hạn chế nào đối với việc sử dụng hoặc tầm bay của F-16, và Ukraine có thể sử dụng các nguồn lực do Hà Lan cung cấp theo ý muốn, miễn là họ tôn trọng luật chiến tranh. Hà Lan cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine 24 máy bay F-16.

F-16 có thể được Ukraine sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. F-16 được kỳ vọng sẽ trở thành một phương tiện chiến tranh có giá trị của Ukraine trong hoạt động phòng không, đánh chặn tên lửa hoặc bom lượn của Nga.

Ngoài ra, F-16 cũng sẽ trở thành một vũ khí tấn công hữu hiệu vào các vị trí chiến lược của Nga bởi loại tiêm kích này có khả năng tấn công chính xác, linh hoạt với tốc độ cao. Tuy nhiên khả năng phát huy sức mạnh của F-16 đối với Ukraine còn phụ thuộc vào các loại vũ khí, tên lửa được các nước đồng minh triển khai độc lập với quá trình bàn giao máy bay, phụ thuộc vào khả năng vận hành của những phi công mới được Mỹ và phương Tây đào tạo cấp tốc trong vòng vài tháng.

F-16 là một loại chiến đấu cơ đa năng hạng nhẹ, được sử dụng phổ biến trong không quân của 25 quốc gia bởi tính linh hoạt, cơ động, chi phí vận hành thấp và hiệu suất chiến đấu cao.

Vị tướng người Hà Lan Onno Eichelsheim cũng bình luận thêm rằng cùng với việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật và vũ khí công nghệ mới, Ukraine đang có những bước tiến đột phá trên mặt trận Kursk, chiếm đóng một khu vực rộng lớn và đẩy Nga vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Vụ phi công F-16 của Ukraine tử nạn vừa qua là một đòn giáng mạnh vào Ukraine. Những chiếc F-16 đầu tiên chỉ mới đến nước này vào đầu tháng, và Trung tá Alexey Mes là một trong số ít phi công được đào tạo để sử dụng tiêm kích do Mỹ sản xuất.

Nguyên nhân rơi máy bay là do lỗi của người điều khiển mà tờ WSJ đề cập cho thấy, chất lượng đào tạo phi công Ukraine của Mỹ và phương Tây đang có nhiều vấn đề. Trước đó, vào cuối tháng 7/2024, một báo cáo của Bộ Quốc phòng Romania thông tin rằng trong số 50 học viên phi công Ukraine tham gia chương trình đào tạo, chỉ có ba học viên có khả năng lái máy bay chiến đấu Mỹ một cách độc lập sau khi được huấn luyện.

Nếu thông tin này là đúng, kể cả trong trường hợp Ukraine nhận được hơn 100 máy bay F-16 như mong muốn thì cũng rất khó có thể sử dụng hiệu quả loại phương tiện quân sự tối tân này để giành ưu thế trong cuộc xung đột với Nga trên chiến trường.

Ngày 7/8, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova cho biết máy bay chiến đấu F-16 sẽ không trở thành "thuốc chữa bách bệnh" đối với Ukraine, không có khả năng tác động đến diễn biến chiến sự, và “sẽ bị lực lượng vũ trang Nga tiêu diệt liên tục”.

F-16 - Chiến đấu cơ chủ lực của không quân 25 quốc gia

F-16 là một loại máy bay chiến đấu phản lực đa năng một động cơ, được thiết kế và phát triển bởi hãng General Dynamics của Mỹ.

Hai chiếc F-16 trong lô đầu tiên Ukraine tiếp nhận từ phương Tây ngày 4/8. Ảnh: AFP.

F-16 ban đầu được thiết kế như một máy bay chiến đấu hạng nhẹ cho không quân Mỹ, nhưng sau đó đã được phát triển thành một máy bay đa nhiệm với khả năng thực hiện nhiều loại nhiệm vụ khác nhau, bao gồm không chiến, tấn công mặt đất, trinh sát, và hỗ trợ cận chiến.

THÔNG SỐ KỸ THUẬT CỦA CHIẾN ĐẤU CƠ F-16

- Chiều dài: 15,06 m

- Sải cánh: 9,96 m

- Chiều cao: 4,88 m

- Trọng lượng cất cánh tối đa: 19.187 kg

- Tốc độ tối đa: Mach 2.05 (2.175 km/h)

- Bán kính chiến đấu: khoảng 550 km

- Tầm bay: 4.220 km (với thùng nhiên liệu phụ)

- Động cơ: Động cơ phản lực Pratt & Whitney F100 hoặc General Electric F110, với lực đẩy khoảng 128 kN khi đốt sau

- Vũ khí:

• Pháo M61A1 20 mm với 511 viên đạn

• Tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder, AIM-120 AMRAAM

• Tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick, AGM-88 HARM

• Bom dẫn đường bằng laser, bom thông minh JDAM

- Hệ thống điện tử: Radar APG-68 hoặc APG-83 AESA, hệ thống nhắm bắn và điều hướng tiên tiến

- Số lượng ghế: 1 hoặc 2 ghế (tùy phiên bản)

Máy bay chiến đấu F-16. Ảnh: Reuters.

ĐIỂM ĐẶC THÙ CỦA F-16

- Khả năng cơ động cao:

F-16 nổi tiếng với khả năng cơ động cao nhờ thiết kế khí động học và hệ thống điều khiển fly-by-wire. Thân máy bay nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ và cánh tam giác giúp F-16 thực hiện những động tác nhào lộn và tránh né phức tạp trong các trận không chiến.

Khả năng cơ động cao mang lại lợi thế lớn trong các cuộc đối đầu trên không, cho phép F-16 nhanh chóng thay đổi hướng bay, tăng tốc hoặc hãm tốc để phát huy ưu thế chiến trường trước đối thủ.

- Tính linh hoạt trong nhiệm vụ:

F-16 được thiết kế như một máy bay đa năng, có khả năng thực hiện nhiều loại nhiệm vụ khác nhau bao gồm không chiến, tấn công mặt đất và trinh sát.

Máy bay có thể mang theo nhiều loại vũ khí, từ tên lửa không đối không, không đối đất, đến bom dẫn đường bằng laser, bom thông minh. Khả năng tích hợp nhiều loại vũ khí khác nhau giúp F-16 có thể đáp ứng yêu cầu của nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ tấn công chính xác vào mục tiêu trên mặt đất đến phòng thủ không phận.

- Hệ thống điện tử và radar tiên tiến:

F-16 được trang bị các hệ thống điện tử và radar hiện đại, giúp tăng cường khả năng phát hiện, theo dõi và tấn công mục tiêu. Các phiên bản mới nhất của F-16 sử dụng radar APG-83 AESA, cung cấp khả năng quét và theo dõi nhiều mục tiêu cùng lúc với độ chính xác cao.

Hệ thống khoá mục tiêu và điều hướng tiên tiến của F-16 giúp phi công có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác trong mọi điều kiện thời tiết, ban ngày hoặc ban đêm.

- Khả năng nâng cấp và tùy chỉnh:

F-16 có khả năng nâng cấp và tùy chỉnh linh hoạt, giúp loại chiến đấu cơ này duy trì tính cạnh tranh qua nhiều thập kỷ.

Các phiên bản nâng cấp của F-16 thường được trang bị hệ thống điện tử và vũ khí mới nhất, đáp ứng các yêu cầu tác chiến hiện đại. Khả năng tùy chỉnh này giúp F-16 không chỉ duy trì hiệu quả hoạt động mà còn phù hợp với nhu cầu và ngân sách của nhiều quốc gia.

- Chi phí vận hành và bảo trì thấp: So với nhiều loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư khác, F-16 có chi phí vận hành và bảo trì tương đối thấp.

Thiết kế đơn giản và khả năng bảo trì dễ dàng giúp F-16 trở thành một lựa chọn kinh tế, đặc biệt là đối với các quốc gia cần duy trì một lực lượng không quân mạnh mẽ nhưng với ngân sách hạn chế. Điều này đã góp phần vào sự phổ biến của F-16 với hơn 4.500 chiếc đã được sản xuất và phục vụ trong lực lượng không quân của 25 quốc gia.

Nếu bạn quan tâm tới thông tin về các loại vũ khí quân sự, hãy theo dõi thêm các bài viết phân tích chuyên sâu của Đài Hà Nội bằng cách bấm VÀO ĐÂY
Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Đảng Dân chủ đối lập ở Hàn Quốc đã kêu gọi quyền Tổng thống Han Duck-soo nhanh chóng ký ban hành dự luật bổ nhiệm cố vấn đặc biệt để điều tra Tổng thống Yoon Suk Yeol và đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ áp đặt thêm thuế quan với Liên minh châu Âu nếu lục địa già không tăng cường mua dầu khí của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký phê chuẩn thành luật - dự luật cấp ngân sách cho Chính phủ liên bang đến giữa tháng 3/2025, tránh được nguy cơ phải đóng cửa một phần chỉ vài ngày trước dịp lễ Giáng sinh.

Truyền thông Đức cho biết nghi phạm bị cáo buộc trong vụ lao xe vào đám đông ở một khu chợ Giáng sinh ở thành phố Magdeburg, đông bắc nước này, là Taleb Al Abdulmohsen, một công dân Ả Rập Xê-út. Đáng chú ý, nghi phạm là một bác sĩ tâm lý được đánh giá cao về chuyên môn.

Viện Thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp vừa công bố số liệu cho thấy nợ công của nước này tiếp tục tăng trong quý III/2024.

Tờ Financial Times dẫn nguồn thạo tin khẳng định Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa thay đổi yêu cầu với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó yêu cầu các quốc gia thành viên của khối tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP, gấp 2,5 lần so với mức hiện tại là 2%.