Dấu ấn Hà Nội tại Liên hoan Phim quốc tế HANIFF 2024
Hành trình 14 năm của Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội
Năm 2010, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội với tên gọi là VNIFF, lần đầu tiên được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây không chỉ là hoạt động có ý nghĩa vào dịp Thủ đô nghìn năm tuổi, mà còn là sự kiện đánh dấu mốc mới trong việc tạo dựng một thương hiệu liên hoan phim chuyên nghiệp.
Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ I có 96 phim đăng ký từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 50 phim được lựa chọn và công chiếu. Năm tổ chức đầu tiên, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội đã đón đạo diễn Hollywood nổi tiếng Phillip Noyce làm Trưởng Ban Giám khảo phim truyện dài, cùng với hai diễn viên Hồng Kông (Trung Quốc) rất được khán giả Việt Nam yêu thích là Ngô Ngạn Tổ và Trương Gia Huy.
Năm 2012, sự kiện tiếp tục được duy trì và thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng yêu điện ảnh với tên gọi là HANIFF 2012. Liên hoan phim lần thứ II thu hút sự tham gia của 117 bộ phim từ 38 quốc gia, mang đến những màu sắc khác biệt, thể hiện rõ nét tinh thần: "Điện ảnh châu Á - Thái Bình Dương thống nhất và phát triển". Nam diễn viên Hollywood Cliff Curtis và nữ diễn viên Iran Taraneh Alidoosti là hai trong số các khách mời nổi tiếng của kỳ liên hoan phim ấy.
Năm 2014 và 2016 là những bước tiến phát triển nổi bật - khẳng định tầm vóc của Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội. HANIFF 2014 ghi dấu mốc với 130 bộ phim đến từ 32 quốc gia, 190 buổi chiếu phim miễn phí, thu hút hơn 30.000 lượt người xem.
Năm 2016, việc mở rộng quy mô hạng mục phim dự thi đã tạo nên những con số ấn tượng: 146 bộ phim đến từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm 2018, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội có chủ đề "Điện ảnh hội nhập và bền vững". Các hạng mục phim dự thi đã nhận được nhiều tác phẩm chất lượng, lan tỏa giá trị thông điệp sâu rộng.
Năm 2020, khán giả và nghệ sĩ lỡ hẹn một kỳ liên hoan phim do dịch Covid-19. Phải sau đó 2 năm, khi dịch bệnh cơ bản được khống chế, các hoạt động xã hội trở lại bình thường, Liên hoan Phim quay lại với tinh thần mạnh mẽ, với chủ đề "Điện ảnh - Nhân văn, Thích ứng và Phát triển".
Năm 2024 này, với tinh thần "Điện ảnh: Sáng tạo - Cất cánh", Liên hoan phim dự kiến đón tiếp khoảng 800 đại biểu và khách mời, trong đó có hơn 100 khách quốc tế và 400 đại biểu trong nước. Từ hơn 500 bộ phim đăng ký tham dự, các ban sơ tuyển và chung tuyển của Liên hoan đã tuyển chọn được 117 bộ phim của 51 quốc gia và vùng lãnh thổ để chiếu trong các chương trình phim của Liên hoan Phim.
Những bộ phim đa sắc màu, phong cách thể hiện độc đáo, sáng tạo, hứa hẹn một kỳ liên hoan phim sôi nổi, sống động, giàu bản sắc. Năm nay Chợ Dự án nhận được số dự án đăng ký kỷ lục gần 70 dự án từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bước sang năm thứ 14 tổ chức tại Hà Nội, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội 2024 tiếp tục khẳng định một địa chỉ văn hóa, một điểm hẹn đối với những người yêu nghệ thuật thứ 7, yêu Hà Nội và một điểm đến thú vị đối với những nghệ sĩ, nhà làm phim quốc tế.
Khán giả chờ đón liên hoan phim lớn nhất năm
Là một người đam mê điện ảnh, ngay khi Trung tâm Chiếu phim Quốc gia mở cấp vé miễn phí, chị Trần Bích Thảo (phường Nam Đống, Đống Đa) đã có mặt để xếp hàng lấy vé xem các bộ phim hay của Việt Nam và quốc tế. Hơn 100 bộ phim từ 40 quốc gia sẽ được trình chiếu cho công chúng Thủ đô trong dịp liên hoan phim quốc tế này.
Chị Thảo chia sẻ: "Mình đã theo dõi trang Facebook của HANIFF từ rất lâu rồi. Ngay khi biết được thông tin về chương trình phát vé miễn phí, mình đã chia sẻ cho bạn bè, người thân đến rạp và nhận vé xem phim. Đây là cơ hội để mình có thể được xem những bộ phim kinh điển của Việt Nam và quốc tế".
Ngoài những bộ phim dự thi, công chúng yêu điện ảnh còn được thưởng thức 9 phim điện ảnh đặc sắc về Hà Nội. Tác phẩm "Em bé Hà Nội" của NSND Hải Ninh là một trong những bộ phim được nhiều bạn trẻ lựa chọn.
Dù đang trong ngày chuẩn bị cho sự kiện khai mạc Liên hoan, nhưng công chúng tỏ ra háo hức chờ đón. Sức hút mạnh mẽ của Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội 2024 với công chúng Thủ đô trong những ngày Hà Nội đầu Đông là không nhỏ. Người xem không chỉ được thưởng thức những bộ phim chất lượng mà còn có cơ hội được trải nghiệm không gian văn hóa điện ảnh quốc tế ngay giữa lòng Thủ đô.
Dấu ấn Hà Nội tại Liên hoan Phim quốc tế HANIFF lần thứ VII
Thành phố Hà Nội đã sẵn sàng tiếp đón các vị khách quý và các nghệ sĩ tham dự liên hoan phim. Các rạp chiếu phim có chất lượng tốt nhất và địa điểm chiếu phim ngoài trời tại Hà Nội đã được chọn lựa để chiếu các bộ phim tham dự, nhằm phục vụ khán giả một cách tốt nhất.
Lễ khai mạc, bế mạc và trao giải liên hoan phim đều được tổ chức tại Nhà hát Hồ Gươm. Nhà hát Hồ Gươm có thể xem là công trình biểu tượng cho sự tiếp nối từ "Thành phố vì hòa bình" tới "Thành phố sáng tạo", kế thừa dòng chảy văn hóa, nghệ thuật trong lòng Hà Nội. Là thiết chế văn hoá hiện đại, đồng bộ, Nhà hát Hồ Gươm là công trình nghệ thuật đẳng cấp quốc tế mang đậm bản sắc dân tộc.
Lễ khai mạc và bế mạc của Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội năm nay được đầu tư với những màn biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc dân gian, trình diễn ánh sáng bằng thiết bị bay không người lái với 500 chiếc drone tạo hình các di sản văn hóa độc đáo của Hà Nội và những biểu tượng nổi bật thời đương đại.
Hà Nội tổ chức đón tiếp các vị khách quý, đạo diễn, diễn viên trong không gian cụm di tích Hồ Gươm, di tích Nhà tù Hoả Lò. Qua đó, thu hút sự quan tâm của khán giả Thủ đô Hà Nội và đại biểu quốc tế, đồng thời quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội và đất nước Việt Nam tươi đẹp, yêu hòa bình, mến khách.
Những người tổ chức mong muốn Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội tiếp tục là một điểm đến điện ảnh hấp dẫn của đất nước và khu vực.
Đài Hà Nội tham gia tổ chức Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội 2024
Liên hoan Phim quốc tế Hà nội 2024 sẽ khai mạc vào tối ngày 7/11. Lần đầu tiên Đài Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị khác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và thành phố Hà Nội tham gia vào công tác tổ chức.
Đảm nhận vai trò truyền thông chính thức, Đài Hà Nội không chỉ là đơn vị truyền hình trực tiếp Sự kiện Thảm đỏ và Lễ Khai mạc Liên hoan phim mà còn là cầu nối giúp khán giả Thủ đô và các vùng lân cận nắm bắt thông tin về các hoạt động đặc biệt của Liên hoan phim năm nay.
Trong khuôn khổ những ngày diễn ra Liên hoan phim, Đài Hà Nội sẽ trình chiếu các bộ phim trong Chương trình phim Việt Nam chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô do Công ty cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam và Viện phim Việt Nam cung cấp, thời gian 20h00 hàng ngày trong khung giờ vàng "Phim của một thời" trên kênh Hà Nội 2, phim hoạt hình 17h00, bắt đầu từ ngày 7/11, với những bộ phim nổi tiếng như: Em bé Hà Nội, Long Thành cầm giả ca, Nữ tướng Mê Linh, Truyền thuyết gươm thần...
"Ngày xưa có một chuyện tình" liệu có làm nên chuyện lớn?
Trong 117 phim dài và phim ngắn tham dự Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII có 65 phim nước ngoài và 52 phim Việt Nam. 09 phim dài nước ngoài dự thi là của các nước Thụy Sĩ, Liên bang Nga, Bỉ, Thụy Điển, Đức, Pháp… và 01 phim truyện dài dự thi của Việt Nam là phim "Ngày xưa có một chuyện tình".
"Ngày xưa có một chuyện tình" dựa trên tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đây cũng là phim được chọn chiếu khai mạc HANIFF VII. Chính thức ra mắt tại các rạp chiếu phim toàn quốc từ 1/11, ngay từ những suất chiếu sớm tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, bộ phim "Ngày xưa có một chuyện tình" của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đã được khán giả nồng nhiệt đón nhận và nhanh chóng tạo viral trên mạng xã hội.
Theo dõi bộ phim có thể nhận thấy sự dụng công, tỉ mỉ của đạo diễn khi làm sống lại bối cảnh, đời sống của vùng thôn quê Việt Nam khi chưa bị làn sóng đô thị hóa ùa vào, mà rất có thể nhiều người trẻ hôm nay không khỏi thấy lạ lẫm.
Bộ ba Vinh - Miền - Phúc đã thực sự ghi điểm trong lòng khán giả. Trong đó Ngọc Xuân vai Miền là được ví như làn gió mới, mang đến cho người xem nhiều cảm xúc.
Tham gia tranh tài tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII, Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh hy vọng "Ngày xưa có một chuyện tình" sẽ góp phần như "cửa ngõ" Việt Nam cho những khán giả quốc tế, khiến họ thấy nhiều hơn về một Việt Nam êm đềm của 20, 30 năm trước, khác với sự sôi động của thời đại bây giờ.
Chương trình "Khúc quân hành vang mãi non sông" do Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức sẽ diễn ra vào tối 22/12 tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Đây là một sự kiện nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Chiều 22/12, buổi tổng duyệt cho chương trình “Khúc quân hành vang mãi non sông” đã diễn ra tại sân Đoan môn – Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.
Chương trình nghệ thuật "Dòng thời gian" số 10 với chủ đề “Bản tình ca người lính” do Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức như một lời tri ân gửi tới những người lính Bộ đội Cụ Hồ nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Để chuẩn bị cho sự thăng hoa của đêm nhạc, các nghệ sĩ đã hào hứng tham gia buổi tổng duyệt. Chương trình sẽ được được truyền hình trực tiếp lúc 20h tối nay trên các hạ tầng của Đài Hà Nội.
Trong đĩa than “Như gió heo may”, các bài hát được sắp xếp nhằm diễn tả hành trình của người nghệ sĩ, ít nhiều gắn với những trải nghiệm thực tế của chính ca sĩ Tuấn Hiệp.
Sau khi công bố dàn diễn viên “vừa lạ, vừa quen” cho dự án Tết “Bộ tứ báo thủ”, ngày 20/12, đạo diễn Trấn Thành đã tổ chức buổi showcase để giới trailer chính thức của bộ phim.
Bộ phim ‘Hà Nội trong mắt em’ đang nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Bên cạnh những diễn viên trẻ đảm nhận vai chính như: Quỳnh Kool, Huỳnh Anh, B Trần... nhân vật mẹ chồng do diễn viên Thanh Tú thủ vai khiến khán giả vô cùng ấn tượng.
0