Hiến mô, tạng - cho đi là còn mãi

"Mô, tạng là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác" - đó là thông điệp được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Lễ phát động “Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người - cho đi là còn mãi” tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Cơ hội có cuộc đời mới cho nhiều bệnh nhân

Ngay sau lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng một số vị lãnh đạo Đảng, Quốc hội, bộ, ngành đã đăng ký hiến tặng mô tạng cứu người.

Những năm gần đây, phong trào "cho đi là còn mãi" với hành động hiến tạng - cứu người, đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống của cộng đồng.

Việt Nam triển khai ghép tạng muộn hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á 20 năm.  Nhưng trong hai năm 2022 và 2023, mỗi năm đã ghép hơn 1.000 ca, trở thành nước có số lượng ghép tạng/năm cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. 

Tính từ ca ghép thận đầu tiên năm 1992 đến nay, cả nước ghi nhận có 8.607 ca ghép tạng được thực hiện; trong đó ghép thận 7.914 ca, ghép gan 593 ca, ghép tim 82 ca, ghép phổi 10 ca, ghép tụy 1 ca, còn lại 8 ca là ghép ruột, gép đa tạng khác.

Nếu như trước đây chỉ có 5 bệnh viện Trung ương (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân Y 103, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy) thực hiện được kỹ thuật ghép tạng, thì đến nay Bộ Y tế đã cấp phép cho 26 bệnh viện thực hiện kỹ thuật này.

Trong tháng 4 vừa qua, gần 120 y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của các bệnh viện, với tinh thần hết sức khẩn trương, sự tập trung cao độ và phối hợp nhịp nhàng đã kịp thời lấy, vận chuyển và ghép tạng thành công cho 7 người bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Trung ương Huế.

Việc thực hiện thành công những ca ghép tim, gan, phổi… từ người cho chết não mở ra cơ hội có cuộc đời mới cho nhiều bệnh nhân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng của ngành y tế Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ đăng ký hiến và ghép tạng từ người chết não của Việt Nam đang ở mức thấp nhất thế giới, số lượng ca ghép tạng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ghép tạng của người bệnh.

Theo báo cáo của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, hiện nay chỉ hơn 86.000 người đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, chiếm 0,086%. Chỉ số người chết não hiến mô tạng tại Việt Nam là 0,15 so với Tây Ban Nha là 49 - nước có chỉ số chết não hiến mô tạng cao nhất thế giới, nghĩa là 49 người chết não hiến mô tạng/1 triệu dân/năm.

Em bé 10 tuổi được ghép tim từ người lớn đầu tiên tại Việt Nam. 

Hiến mô, tạng - cho đi là còn mãi

Ghép tạng có thể hiểu là cái phao cuối cùng để giành lại sự sống cho những bệnh nhân  không có lựa chọn nào khác. Không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới hiện có nhiều người đang khắc khoải hàng giờ, hàng ngày chờ được ghép tạng. 

Các y, bác sĩ đã góp phần giúp cho các mô tạng được hiến tặng được tiếp tục hành trình của sự sống, nhưng là ở bên trong một cơ thể khác. Giữa hai con người không quen biết nhau, không phải máu mủ ruột rà, nhưng sự ra đi của người này chưa phải là dấu chấm hết cho một cuộc đời, mà đã giúp cho một cuộc đời khác được nối dài.

Thạc sĩ, nữ hộ sinh Lộ Thị Thùy Linh không may mắc bệnh hiểm nghèo bị ngừng tim đột ngột. Sau khi được đưa vào Bệnh viện E cấp cứu, hồi sức, mặc dù tim đã đập trở lại, nhưng bệnh nhân rơi vào tình trạng chết não. Gia đình chị Linh đã đồng ý hiến toàn bộ tạng, giúp hồi sinh cuộc sống cho 4 bệnh nhân, trong đó 1 bệnh nhân được ghép tim, 2 bệnh nhân được ghép thận và 1 bệnh nhân được ghép gan.

Câu chuyện của nữ hộ sinh Linh không chỉ thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc mà còn thể hiện tình người, nghĩa cử cao đẹp của tinh thần “tương thân, thương ái”, có sức lan tỏa trong cộng đồng.

Cô gái trẻ 21 tuổi này đã tự thở những hơi thở đầu tiên từ hai lá phổi mới mà mình may mắn nhận được từ chàng trai không quen biết.

Dễ dàng đăng ký hiến tặng mô, tạng

Theo hướng dẫn của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, cá nhân có mong muốn hiến tạng sau khi qua đời cần thực hiện những thủ tục sau:

Cách 1: Người đăng ký ở bất cứ tỉnh, thành nào trong cả nước đều có thể thực hiện.

Người đăng ký điền theo mẫu đơn có trên website của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, gửi tới Trung tâm kèm theo 01 ảnh thẻ (không yêu cầu kích cỡ), 01 bản photo chứng minh thư nhân dân (hoặc thẻ căn cước công dân, hộ chiếu - không cần công chứng) tới địa chỉ: Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia - Phòng 230 - Nhà C2 - Bệnh viện hữu nghị Việt Đức - Số 40 Tràng Thi - Hoàn Kiếm - Hà Nội.

Trên phong bì thư ghi số điện thoại: 0915060550

Cách 2: Người đăng ký đến trực tiếp Trung tâm để làm thủ tục theo địa chỉ: Phòng 230 - Nhà C2 - Bệnh viện Việt Đức.

Khi đến Trung tâm, người đăng ký vui lòng  mang theo 01 ảnh thẻ (không yêu cầu kích cỡ), 01 bản photo chứng minh thư nhân dân (hoặc thẻ căn cước công dân, hộ chiếu - không cần công chứng)

Đối với người đăng ký ở các tỉnh phía Nam, người đăng ký có thể đến trực tiếp Bệnh viện Chợ Rẫy. Việc gửi hồ sơ có thể qua đường bưu điện hoặc nhờ người mang trực tiếp đến Trung tâm, Bệnh viện Chợ Rẫy. 

Việc đăng ký hiến tặng mô/ tạng sau khi chết/ chết não chỉ cần chữ ký của chính cá nhân đăng ký. Việc đăng ký là tự nguyện nên người đăng ký không cần xét nghiệm hay khám sức khỏe vào thời điểm đăng ký.

Theo các quy định hiện hành, công dân đủ 18 tuổi và đủ năng lực hành vi dân sự có thể đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não. Việc đăng ký và cấp thẻ hoàn toàn miễn phí.

Sau khi nhận được hồ sơ của người đăng ký, Trung tâm sẽ làm thẻ và gửi về địa chỉ đã đăng ký trong đơn. Thời gian nhận thẻ từ 3 - 4 tuần.

Khi có người thân qua đời, chết não, gia đình có nguyện vọng hiến tặng mô tạng của người đó, hãy liên hệ đến đường dây nóng của Trung tâm (bất cứ thời gian nào) qua số điện thoại 0915060550.

Việc đăng ký hiến mô tạng sẽ càng trở nên dễ dàng hơn khi sắp tới sẽ có các app trên điện thoại, để mọi người dân, dù ở đâu, cũng có thể dễ dàng đăng ký trao tặng sự sống cho những người khác, để cho đi là còn mãi. 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sáng nay (22/12), tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh, Metro Bến Thành - Suối Tiên chính thức được đưa vào khai thác thương mại.

Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe, cùng với đề xuất sửa đổi quy định về sân tập lái xe.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký Công văn số 4291/UBND-ĐT về việc nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Trong đó, đặc biệt xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông.

Ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu cột mốc lịch sử trong hành trình phát triển giao thông đô thị của TP.HCM, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Sở GTVT Hà Nội ra thông báo cấm tất cả các phương tiện và người tham gia giao thông lưu thông trên tuyến đường Văn Khê (trước tòa nhà V3 Victoria Văn Phú) trong khung giờ từ 23h00 ngày 22/12/2024 đến 3h00 ngày 23/12/2024, để phục vụ thi công cầu vượt cho người đi bộ (quận Hà Đông, TP Hà Nội).

Cầu Phong Châu mới trên Quốc lộ 32C, tỉnh Phú Thọ đã chính thức triển khai thi công theo lệnh khẩn cấp, yêu cầu hoàn thành xây dựng và đưa công trình vào khai thác trong năm 2025 nhằm nhanh chóng giải quyết tình trạng đứt gãy giao thông.