Israel được gì sau một tháng xung đột?

Kinh tế bị ảnh hưởng, vị thế trên chính trường quốc tế bị lung lay, uy tín của chính phủ và Thủ tướng đi xuống...đó là những gì mà Israel bị tổn thất sau một tháng tiến hành cuộc xung đột giữa quốc gia này với lực lượng Hồi giáo Hamas, làm hàng nghìn người thiệt mạng và hàng chục ngàn người khác bị thương.

Chiến dịch quân sự tốn kém

Cuộc xung đột mới nhất giữa Israel và Hamas đã nhanh chóng trở thành cuộc chiến đẫm máu và tàn khốc nhất trong 5 cuộc chiến giữa các bên kể từ khi Hamas giành quyền kiểm soát Dải Gaza vào năm 2007.

"Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến khó khăn. Đây sẽ là một cuộc chiến lâu dài. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, nhưng cũng có những tổn thất đau thương.”, Thủ tướng Israel nói.

Một tuần sau khi đưa lực lượng bộ binh vào Gaza, Israel cho biết quân đội của họ đã bao vây Thành phố Gaza ở phía bắc vùng lãnh thổ, tiêu diệt 10 chỉ huy Hamas và đạt được “những thành công ấn tượng”. Các lực lượng Israel dường như đang trong quá trình cắt đôi Dải Gaza. Đến thứ Sáu, họ đã tiến được khoảng 15km từ biên giới Gaza-Israel.

Israel tuyên bố, trại tị nạn Jabalia ở phía bắc thành phố Gaza là trung tâm của mạng lưới đường hầm của Hamas được sử dụng làm kho dự trữ vũ khí, vị trí bắn tên lửa và đường hầm dẫn đến bờ biển. Không có bằng chứng rõ ràng để chứng minh cho tuyên bố của mình, nhưng Israel đã san phẳng phần lớn Jabalia trong các cuộc không kích kéo dài ba ngày, làm it nhất 195 người Palestine thiệt mạng ở trại Jabalia.

Ước tính sơ bộ cho thấy, cuộc tấn công đã tiêu tốn của Israel hơn 2 tỷ USD mà hầu như không thu được lợi ích thực tế nào. Phản ứng đầu tiên của Israel với các cuộc tấn công của Hamas là lực lượng không quân ném bom Gaza. Lực lượng không quân được cung cấp một danh sách dài các mục tiêu tiềm năng, mà không cần biết nó có liên quan đến các cuộc tấn công của Hamas hay không. Logic là, để cho cả người Israel và người Palestine thấy rằng Israel không hề gục ngã mà có thể phản ứng nhanh chóng, kiên quyết và tàn bạo.

Israel ban đầu công bố các báo cáo về số lượng các cuộc không kích mà họ đang tiến hành, nhưng có lẽ họ nhận ra rằng việc thừa nhận đã ném bom Gaza hàng nghìn lần không có lợi về mặt dư luận quốc tế, nên Israel chuyển sang báo cáo số lượng “mục tiêu” mà họ đang tấn công. Con số cuối cùng được công bố khoảng một tuần trước cho biết, 12.000 mục tiêu đã bị tấn công.

Tuần qua, các quan chức Palestine báo cáo rằng 18.000 tấn bom đã được thả xuống Gaza. Sự tàn phá trên mặt đất chứng tỏ con số này cũng có lý.

Không quân Israel sử dụng ba loại máy bay cánh cố định chính, tất cả đều do Mỹ sản xuất. Máy bay chủ lực của chiến dịch ném bom Gaza là F-16, một chiếc máy bay cũ và đã được kiểm chứng tính hiệu quả. Chi phí cho loại bom cơ bản hàng ngày lên tới hơn 15 triệu USD. Cộng thêm các chi phí bổ sung khác, con số này tăng lên ít nhất 25 triệu USD mỗi ngày.

Cho đến nay, Israel có lẽ đã chi ít nhất 2 tỷ USD để ném bom Gaza và con số này có thể còn cao hơn, chưa tính đến chi phí huy động và trang bị vũ khí cho 360.000 quân dự bị và tiến hành cuộc chiến trên bộ.

Tất cả những điều đó chỉ đem lại những lợi ích quân sự rất đáng ngờ mà nạn nhân chủ yếu là dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự.

Các nguyên nhân chính ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong thời gian leo thang căng thẳng là do nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ giảm, sự thiếu vắng nhân công, hạn chế về an ninh, đóng cửa trường học, cũng như những khó khăn về cung ứng và vận chuyển.

Kinh tế bị ảnh hưởng

Nông dân Israel dọc biên giới với Dải Gaza đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động, trong bối cảnh xung đột Palestine-Israel leo thang. Khu vực biên giới ở Israel có nhiều cánh đồng trồng trọt và trang trại bò sữa, chiếm một phần đáng kể trong nền nông nghiệp của đất nước. Sản phẩm được tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu đi khắp thế giới. Nhưng, kể từ khi xung đột giữa Israel và Hamas leo thang, các công nhân nước ngoài đã bỏ đi để giữ mạng sống, trong khi công nhân Palestine đã làm việc tại các trang trại của Israel trong nhiều năm, thì bị cấm.

Israel có ngành nông nghiệp phát triển cao, mặc dù một nửa diện tích đất đai của nước này là sa mạc. Đây là nước xuất khẩu lớn các sản phẩm nông nghiệp và dẫn đầu thế giới về công nghệ nông nghiệp. Hiệp hội Nông dân Israel cho biết, khoảng 75% lượng rau trồng trong nước của nước này được đưa đến từ khu vực biên giới Gaza, cùng với 20% trái cây và 6% sữa. Tuy nhiên, nền nông nghiệp của Israel gần biên giới Gaza phụ thuộc rất nhiều vào lao động nước ngoài, hầu hết đến từ Thái Lan. Thống kê cho thấy, hàng ngày Israel cấp 17.500 giấy phép cho người Gaza sang làm việc ở Israel trước cuộc tấn công của Hamas cách đây 1 tháng. Nhưng giờ đây, giấy phép của họ đã bị thu hồi.

Khi còi báo động vang lên cảnh báo có tên lửa, các công nhân tại Cảng Ashdod của Israel ngừng làm việc và nhanh chóng tiếp tục công việc của họ vài phút sau đó khi mọi việc đã yên. Hoạt động của hải cảng diễn ra bất thường, nhưng đó là cách duy nhất để giữ cho các tuyến tiếp tế hoạt động trong thời chiến.

Bộ Tài chính Israel đã trình bày một kế hoạch hỗ trợ kinh tế, bao gồm khoản tài trợ 1 tỷ USD cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi xung đột. Các ý kiến chỉ trích cho rằng, số đó  chưa đủ. Ngân hàng trung ương Israel đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 từ 3% xuống 2,3% - nếu giao tranh chỉ hạn chế ở miền nam đất nước.

Uy tín của Israel và Thủ tướng giảm sút

Bình luận về mối quan hệ Israel-Colombia, nhà phân tích cấp cao của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế Elizabeth Dickinson nói với Anadolu rằng, trước khi xung đột ở Gaza leo thang vào đầu tháng trước, mối quan hệ giữa hai nước rất thân thiện.Tuy nhiên, mối quan hệ trở nên căng thẳng khi Colombia bày tỏ tình đoàn kết với người Palestine trong cuộc xung đột.

Bolivia trở thành quốc gia đầu tiên cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tel Aviv. Ngoại trưởng nước này cáo buộc Israel phạm tội ác chống lại loài người và "yêu cầu" chấm dứt các cuộc tấn công vào Dải Gaza. Chuyên gia về quan hệ quốc tế, Mariano de Alba khẳng định, không giống như Colombia, quan hệ giữa Israel và Bolivia đã gặp nhiều trắc trở trong nhiều năm.

Thứ trưởng ngoại giao Bolivi, Mamani cho biết: “Dựa trên lập trường nguyên tắc tôn trọng sự sống của người dân, (Bolivia) đã quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với nhà nước Israel, để bác bỏ và lên án cuộc tấn công quân sự hung hãn và không cân xứng của Israel đang diễn ra ở Dải Gaza, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. ”

Một quốc gia Nam Mỹ khác là Chile cũng đã triệu hồi đại sứ của mình ở Israel. Chính phủ Venezuela gọi các cuộc tấn công gần đây của Israel vào Bệnh viện al-Shifa ở Dải Gaza là một "cuộc thảm sát".

De Alba, cũng là cố vấn cấp cao của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho biết, quan hệ giữa Venezuela và Israel gần như không tồn tại trong nhiều năm kể từ khi tổng thống Hugo Chavez lên nắm quyền.

Trong một phân tích do Viện Hoàng gia Elcano ở Tây Ban Nha công bố, các chuyên gia nhận thấy rằng, trong cuộc khủng hoảng hiện nay, các quốc gia ủng hộ người Palestine có xu hướng có các nhà lãnh đạo cánh tả.

Về vai trò của các nhà lãnh đạo cánh tả, nhà phân tích Dickinson nói rằng, ở Mỹ Latinh, "chúng ta có một thế hệ lãnh đạo cánh tả mới, những người không chỉ thuộc phe cánh tả mà còn phản ứng khá mạnh mẽ về các vấn đề nhân quyền. Và, điều này thể hiện qua cách họ đang cố gắng đưa vấn đề này lên tầm toàn cầu."

Cả hai chuyên gia đều nhất trí rằng, các nước Mỹ Latinh đang mạnh mẽ ủng hộ và thúc đẩy giải pháp hai nhà nước, trong khi nhiều nước kêu gọi lệnh ngừng bắn và cứu trợ nhân đạo cho dân thường ở Gaza.

Thổ Nhĩ Kỳ vừa triệu đại sứ tại Israel về nước, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước ngày càng tăng. Tổng thống Tayyip Erdogan nhiều lần chỉ trích Israel về cuộc xung đột ở Dải Gaza và ủng hộ lệnh ngừng bắn trong cuộc xung đột. Trước đó, Israel triệu các nhà ngoại giao của họ tại Ankara về nước để phản đối việc ông Erdogan dẫn đầu một cuộc tuần hành ủng hộ Palestine.

Trong phát biểu tuần trước, ông Erdogan nói rằng Israel “đã công khai phạm tội ác chiến tranh trong 22 ngày, nhưng các nhà lãnh đạo phương Tây thậm chí không thể kêu gọi Israel ngừng bắn chứ đừng nói đến việc phản ứng lại điều đó.

Trước những thiệt hại lớn về quân sự, kinh tế và ngoại giao, uy tín của thủ tướng Israel Netanyahu đang giảm sút nhanh chóng. Chỉ có 27% người dân Israel cho rằng ông là người phù hợp để điều hành đất nước. Cuộc thăm dò do Viện nghiên cứu Lazar thực hiện cho nhật báo Maariv của Israel cho thấy, 49% người Israel, tức khoảng một nửa, tin rằng Benny Gantz, lãnh đạo Đảng Thống nhất Quốc gia là nhân vật phù hợp nhất để lãnh đạo chính phủ. Mức độ ủng hộ của đảng Likud do ông Netanyahu lãnh đạo đã giảm mạnh, còn đảng Thống nhất Quốc gia lại có sự gia tăng đáng kể.

"Chúng tôi biểu tình vì toàn bộ chính phủ này không hợp pháp. Họ đang đưa ra những quyết định liên quan đến mạng sống của các con tôi. Con cái của họ được miễn nghĩa vụ quân sự, còn con của chúng tôi thì chiến đấu và họ đang chiến đấu, những phụ nữ trẻ đã hy sinh mạng sống của mình cho đất nước.”

Theo Politico, tổng thống Mỹ Joe Biden và các trợ lý hàng đầu đã thảo luận về khả năng sự nghiệp chính trị của Benjamin Netanyahu không còn đứng vững được lâu. Kỳ vọng trong nội bộ Mỹ là Thủ tướng Israel có thể sẽ tại vị trong vài tháng, hoặc ít nhất là cho đến khi giai đoạn giao tranh ban đầu của chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza kết thúc. Và sau khi tin đồn này lan ra, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết chủ đề về tương lai của ông Netayahu “chưa được thảo luận”.

Ngay cả trước xung đột, ông Netanyahu đã là một nhân vật gây chia rẽ với cáo buộc tham nhũng và kế hoạch hạn chế quyền lực của cơ quan tư pháp khiến hàng trăm nghìn người xuống đường biểu tình. Giờ đây, có thể thấy rõ uy tín của thủ tướng Netanyahu đã bị suy yếu đáng kể bởi sự phẫn nộ của người Israel. Đồng thời, sự phản đối ngày càng tăng của quốc tế đối với chiến dịch quân sự hiện tại của Israel ở Gaza - khiến gần 10 nghìn người dân Palestine thiệt mạng - cũng làm lung lay thêm vị thế của ông.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa bế mạc tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil). Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này chính là vấn đề chống đói nghèo và bất bình đẳng.

Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Azerbaijan được coi là Hội nghị tài chính khí hậu vì các quốc gia đặt ra mục tiêu sau 10 năm nữa, nguồn tài chính khí hậu phải đạt ít nhất là 1.000 tỷ USD mỗi năm.

Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.

Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.

Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.