Nhiều quốc gia trên thế giới sẽ cấm Tiktok
Tiktok nỗ lực để được tiếp tục hoạt động tại Mỹ
TikTok đã có những nỗ lực cuối cùng để được tiếp tục hoạt động tại Mỹ. Ngày 16/12, công ty này đã gửi đơn đề nghị khẩn cấp lên Tòa án Tối cao Mỹ để xin lệnh tạm dừng thực thi đạo luật buộc ByteDance, công ty mẹ của TikTok, phải thoái vốn khỏi nền tảng này ở Mỹ trước ngày 19 tháng 1 năm 2025. TikTok và ByteDance cho biết việc đóng cửa dù chỉ trong một tháng cũng sẽ khiến TikTok mất khoảng 1/3 số người dùng tại Mỹ, các doanh nghiệp nhỏ trên TikTok cũng sẽ mất hơn 1 tỷ đô la Mỹ doanh thu và những người sáng tạo sẽ phải chịu gần 300 triệu đô la Mỹ
Vào ngày 24 tháng 4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một dự luật yêu cầu ByteDance, công ty mẹ của TikTok có trụ sở tại Bắc Kinh, phải bán lại ứng dụng video ngắn nổi tiếng TikTok tại Mỹ cho một công ty không phải của Trung Quốc trong vòng 270 ngày, tức là đến ngày 19/1/2025, nếu không sẽ bị cấm sử dụng ở quốc gia này. Bộ Tư pháp Mỹ đánh giá rằng ứng dụng video ngắn của Trung Quốc, TikTok gây ra "mối đe dọa an ninh quốc gia ở mức độ sâu sắc và quy mô to lớn" cho nước Mỹ vì có thể truy cập vào lượng lớn dữ liệu người dùng, từ vị trí người dùng đến tin nhắn riêng tư và có khả năng bí mật thao túng nội dung mà người Mỹ xem trên ứng dụng này.
Việc cấm nền tảng này sẽ ảnh hưởng đối với hơn 170 triệu người dùng Mỹ. Vào ngày 7/5, TikTok đã đệ đơn kiện tìm cách ngăn chặn dự luật này. Ứng dụng video ngắn này cho rằng lệnh này vi phạm Tu chính án thứ nhất của hiến pháp Mỹ. Tuy nhiên Tòa phúc thẩm liên bang Mỹ khu vực Đặc khu Columbia đã bác đơn kháng cáo vào ngày 6/12 và cho hay tòa không thấy đạo luật vi phạm các bảo vệ quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ nhất.
TikTok và ByteDance vào ngày 9/12 đã tiếp tục đệ đơn kiến nghị khẩn cấp lên Tòa phúc thẩm Mỹ khu vực Đặc khu Columbia, yêu cầu có thêm thời gian để đưa vụ việc của họ lên Tòa án Tối cao Mỹ. Nhưng ngày 13/12 Tòa phúc thẩm của Mỹ đã từ chối yêu cầu này của TikTok.
Tiktok đã thực hiện nỗ lực cuối cùng bằng cách đệ trình đơn khiếu nại lên Tòa án tối cao Mỹ vào ngày 16/12, yêu cầu Tòa án Tối cao Mỹ ra một lệnh cấm tạm thời để ngăn chặn việc thực thi đạo luật giữa lúc phía ByteDance kháng cáo phán quyết của một tòa cấp thấp hơn ủng hộ tính hợp hiến của đạo luật trên. Một yêu cầu tương tự đã được một nhóm người dùng TikTok Mỹ đệ trình.
“Chúng tôi đang yêu cầu tòa án thực hiện những gì họ thường làm trong các vụ kiện về quyền tự do ngôn luận: áp dụng biện pháp giám sát chặt chẽ nhất đối với các lệnh cấm ngôn luận và kết luận rằng nó vi phạm bản sửa đổi đầu tiên”.
Ông Michael Hughes, người phát ngôn của Tiktok
TikTok cũng yêu cầu Tòa án Tối cao Mỹ đưa ra quyết định trước ngày 6/1 để có thời gian thực hiện hoạt động phức tạp là đóng cửa nền tảng trong trường hợp yêu cầu của họ bị từ chối.
Nếu được thi hành, đạo luật sẽ cấm hoàn toàn các dịch vụ dành cho TikTok, bao gồm cả việc cung cấp nền tảng này trên những cửa hàng ứng dụng do Apple và Google điều hành. Lệnh cấm có thể tạo tiền lệ cho các nỗ lực siết chặt kiểm soát đối với những ứng dụng thuộc sở hữu nước ngoài khác trong tương lai.
TikTok khẳng định họ không đặt ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ và cho rằng việc trì hoãn thực thi đạo luật trên sẽ cho phép Tòa án Tối cao Mỹ xem xét tính hợp pháp của lệnh cấm cũng như cho phép chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump đánh giá đạo luật.
Cổ phiếu của Meta Platforms, đối thủ cạnh tranh với TikTok trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, đã đạt mức cao kỷ lục trong ngày sau phán quyết, tăng hơn 3%. Alphabet, công ty mẹ của Google, nền tảng video YouTube cũng cạnh tranh với TikTok, đã tăng hơn 1% sau phán quyết.
Theo hãng tin Reuters, ByteDance được định giá 268 tỷ USD vào tháng 12 năm 2023 khi công ty này đề nghị mua lại số cổ phiếu trị giá khoảng 5 tỷ USD từ các nhà đầu tư.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Tiktok bị cấm ở Mỹ?
TikTok là một ứng dụng truyền thông xã hội nổi tiếng với các video dạng ngắn. Người dùng có thể tạo, đăng và tương tác với các video trên ứng dụng. TikTok nổi tiếng nhờ thuật toán cuộn và cho phép người dùng đăng video dài từ 3 giây đến 10 phút. TikTok có khả năng dễ dàng tiếp cận nhiều người dùng khi mang lại lợi ích về tinh thần và thậm chí còn có thể kiếm tiền qua nền tảng này. Tháng 1/2024, Mỹ là quốc gia có lượng tài khoản TikTok lớn nhất cho đến nay. Vậy nếu TikTok bị cấm ở Mỹ thì điều gì sẽ xảy ra.
Đạo luật Bảo vệ người Mỹ khỏi các ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát được Tổng thống Joe Biden kí vào tháng 4 vừa qua sẽ khiến TikTok trở thành bất hợp pháp ở Mỹ, nếu ByteDance không thể bán nền tảng này trước ngày 19 tháng 1 năm 2025. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet sẽ được yêu cầu làm cho ứng dụng không thể truy cập được trên các trình duyệt internet của Mỹ. Ứng dụng này cũng sẽ bị coi là bất hợp pháp khi phân phối thông qua các cửa hàng ứng dụng như Apple App Store và Google Play.
Theo Forbes, Google, Apple, cùng các công ty hiện lưu trữ dữ liệu cửa hàng ứng dụng như Oracle và Amazon Web Service, có thể đối mặt khoản tiền phạt rất lớn nếu như tiếp tục làm việc với TikTok sau thời hạn.
Trừ khi TikTok có thể thuyết phục tòa án thêm thời gian hoặc ngăn chặn luật có hiệu lực, ứng dụng video của ByteDance sẽ phải loại khỏi Play Store và App Store sau mốc thời gian trên. Apple, Alphabet (công ty mẹ của Google) và TikTok hiện chưa đưa ra bình luận.
"170 triệu người Mỹ sử dụng TikTok để tạo và xem tất cả các hình thức biểu đạt tự do cũng như tương tác với nhau và với thế giới. Tuy nhiên, một phần chính xác là do khả năng mở rộng của nền tảng này. Quốc hội và nhiều Tổng thống đã xác định rằng việc thoái vốn của ByteDance là điều cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia của chúng ta. Bởi vì hồ sơ phản ánh rằng quyết định của Quốc hội đã được xem xét, phù hợp với thông lệ quản lý lâu đời và không có mục đích thể chế nhằm ngăn chặn các thông điệp hoặc ý tưởng cụ thể, chúng tôi không có quyền gạt nó sang một bên."
Ông Sri Srinivasan, Thẩm phán tòa phúc thẩm Mỹ
Bộ Tư pháp Mỹ mới đây cho biết nếu lệnh cấm đối với TikTok có hiệu lực, họ sẽ không trực tiếp cấm sử dụng TikTok đối với hơn 170 triệu người dùng hàng tháng của ứng dụng. Nhưng các cửa hàng ứng dụng sẽ bị cấm cung cấp các bản cập nhật phần mềm TikTok trong tương lai.
Nếu ByteDance bán TikTok trước ngày 19/1/2025, ứng dụng này sẽ vẫn có sẵn ở Mỹ.
Tòa án Tối cao có thể nhanh chóng đưa ra phán quyết có cấm hay không khi cả TikTok và chính phủ liên bang trước đó đều yêu cầu Tòa Phúc thẩm xúc tiến phán quyết để việc kháng cáo có thể diễn ra trước lệnh cấm ngày 19/1 tới.
Tuy nhiên, luật sư Josh Schiller của công ty luật Boies Schiller Flexner, nhận định hồi đầu tháng rằng Tòa án Tối cao với đa số thẩm phán bảo thủ, có khả năng sẽ giữ nguyên lệnh cấm TikTok vì lý do an ninh quốc gia.
Ông Gautam Hans, Giáo sư tại Trường Luật Cornell, cho rằng Tòa án Tối cao Mỹ có thể quyết định không xem xét lại vụ việc, và nếu điều đó xảy ra, TikTok sẽ hết hy vọng.
Tổng thống Biden có thể gia hạn thời gian trước khi áp dụng lệnh cấm trong 90 ngày một lần duy nhất nếu ông nhận thấy ByteDance có những tiến triển đáng kể trong việc bán lại TikTok.Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, ông Biden chưa đưa ra bất kỳ tín hiệu nào cho thấy ông sẽ làm như vậy.
Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ bắt đầu nhiệm kỳ một ngày sau khi lệnh cấm TikTok có hiệu lực. Ông Trump từng thất bai trong việc cố gắng cấm TikTok trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình vào năm 2020, nhưng giờ đây dường như ông đã thay đổi lập trường và hứa trong cuộc đua tổng thống năm nay rằng ông sẽ cố gắng cứu TikTok. Ngày 16/12, ông Trump cho biết chính quyền của ông sẽ "xem xét" liệu ứng dụng mạng xã hội TikTok do Trung Quốc sở hữu có nên bị cấm ở Mỹ hay không. Tuy nhiên ông vẫn chưa công bố bất kỳ cam kết cụ thể nào về việc làm như vậy hoặc đề xuất cách ông có thể phản đối lệnh cấm. Trong cuộc họp báo tại khu nghỉ dưỡng của ông ở Palm Beach, Florida, trước cuộc gặp được cho là giữa ông với Giám đốc điều hành của công ty, ông Trump nói rằng ứng dụng này đã giúp ông kết nối và đến gần hơn với các cử tri trẻ tuổi.
Theo phân tích, Trung Quốc có thể sẵn sàng chấp thuận bán TikTok cho chủ sở hữu Mỹ nếu ông Trump rút lại lời đe dọa áp thuế cao đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Nếu ByteDance đồng ý bán TikTok thì thương vụ này cũng đứng trước rất nhiều trở ngại. Nền tảng này đã đạt doanh thu 16 tỷ đôla trong năm 2023, vì vậy giá bán Tik Tok có thể lên đến hàng chục tỷ đô la. Trong trường hợp này, chỉ có một vài hãng khổng lồ về công nghệ như Google, Meta, Amazon hay Walmart mới có khả năng thu mua. Song các hợp đồng mua bán sẽ bị chính phủ Mỹ soi xét rất kỹ và có thể sẽ bị ngăn cản bởi những luật chống độc quyền của Mỹ.
EU mở cuộc điều tra chống lại mạng xã hội
Ủy ban châu Âu đã ra thông báo mở một cuộc điều tra chống lại mạng xã hội TikTok, do những nghi ngờ nền tảng này ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Romania. Chính quyền Romania nghi ngờ TikTok đã không thực hiện nghĩa vụ của mình khi truyền thông những nội dung có lợi cho ứng cử viên Calin Georgescu - vốn có sự thân thiết với các nước đối địch.
Ông Calin Georgescu đã giành chiến thắng trong vòng bầu cử đầu tiên vào ngày 24/11, gây ngạc nhiên cho nhiều người. Trên thực tế, ông đang bị chính quyền Romania nghi ngờ đã hưởng lợi từ một chiến dịch hỗ trợ bất hợp pháp được triển khai trên TikTok.
“Chúng ta phải bảo vệ các nền dân chủ của mình khỏi mọi hình thức can thiệp từ nước ngoài", đồng thời kêu gọi hành động "nhanh chóng và chắc chắn. Sau những dấu hiệu nghiêm trọng cho thấy các tác nhân nước ngoài đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Romania bằng cách sử dụng TikTok, chúng tôi đang tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng để xác định xem liệu nền tảng có vi phạm Luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) hay không".
Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen
Cuộc điều tra của Ủy ban sẽ tập trung vào quản lý rủi ro bầu cử, đặc biệt liên quan đến hệ thống khuyến nghị của TikTok - bị nghi ngờ đã được sử dụng để "phối hợp thao túng".
TikTok bị cấm ở nhiều quốc gia
Mạng xã hội TikTok được ra mắt phiên bản quốc tế lần đầu tiên vào tháng 9/2016 và nhanh chóng trở thành một trong những nền tảng mạng xã hội có lượng người dùng lớn nhất thế giới. Chỉ sau hơn 4 năm, TikTok đã hoàn thành mục tiêu về số người dùng, điều mà Facebook và Instagram phải làm trong 10 năm. Với hơn 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn cầu, được dịch sang 39 ngôn ngữ khác nhau, TikTok đang thu hút người dùng mới với tốc độ nhanh hơn đáng kể so với bất kỳ nền tảng truyền thông xã hội lớn nào khác trên thế giới. Tuy nhiên, chính phủ nhiều quốc gia lại đang lo ngại mạng xã hội này bị sử dụng như một công cụ gián điệp, có thể thu thập thông tin, sở thích và thói quen người dùng.
Là quốc gia đông dân nhất thế giới, Ấn Độ từng là thị trường lớn nhất của TikTok với gần 200 triệu TikToker. Tuy nhiên, vào tháng 6/2020, quốc gia này đã bất ngờ ban hành lệnh cấm với TikTok và hàng chục ứng dụng khác, bao gồm cả ứng dụng nhắn tin WeChat với lý do bảo vệ an ninh quốc gia và quyền riêng tư của người dùng nước này. Quyết định bất ngờ này đã gây ra "cơn sốc" đối với người dụng Tiktok tại Ấn Độ. Nhưng sau 4 năm, các nhà sáng tạo nội dung ở quốc gia tỷ dân này cũng đã quen với việc không có TikTok. Các nước khác như Canada, Đan Mạch, Bỉ, New Zealand, Pháp, Hà Lan, Vương quốc Anh, và một số tổ chức của Liên minh châu Âu (EU) như Nghị viện châu Âu (EC) đã cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị chính thức do chính phủ cấp. Cơ quan này đồng thời yêu cầu những nhân viên đã cài đặt ứng dung này phải xóa khỏi thiết bị càng sớm càng tốt. Pháp thậm chí còn yêu cầu các nhân viên của chính phủ gỡ bỏ Twitter, Instagram và một số ứng dụng khác trên điện thoại vì vấn đề bảo mật.
Chính quyền Taliban ở Afghanistan và Jordani cũng cấm TikTok vì cho rằng nền tảng này không phù hợp với luật Hồi giáo. Indonesia và Pakistan cũng từng cấm TikTok với những lý do là có nội dung không phù hợp. Tuy nhiên, lệnh cấm được bãi bỏ sau khi nền tảng đồng ý kiểm duyệt một số nội dung. Lý do chung về việc cấm nền tảng Tik Tok ở các quốc gia này chủ yếu là lo ngại về an ninh quốc và cấm sử dụng trên các thiết bị làm việc của nhân viên nhà nước, còn các thiết bị cá nhân hay của những người dân bình thường vẫn được sử dụng.
Mạng xã hội TikTok được ra mắt phiên bản quốc tế lần đầu tiên vào tháng 9/2016 và nhanh chóng trở thành một trong những nền tảng mạng xã hội có lượng người dùng lớn nhất thế giới. Chỉ sau hơn 4 năm, TikTok đã hoàn thành mục tiêu về số người dùng, điều mà Facebook và Instagram phải làm trong 10 năm. Với hơn 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn cầu, được dịch sang 39 ngôn ngữ khác nhau, TikTok đang thu hút người dùng mới với tốc độ nhanh hơn đáng kể so với bất kỳ nền tảng truyền thông xã hội lớn nào khác trên thế giới. Tuy nhiên, chính phủ nhiều quốc gia lại đang lo ngại mạng xã hội này bị sử dụng như một công cụ gián điệp, có thể thu thập thông tin, sở thích và thói quen người dùng.
Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc hôm nay đã tổ chức phiên họp toàn thể đầu tiên của các thẩm phán kể từ khi tiếp nhận hồ sơ của Quốc hội về việc luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol.
Một nhóm các nhà khoa học Anh và Đức đã phát triển một phần mềm trí tuệ nhân tạo mới có thể đọc bản quét não của bệnh nhân bị đột quỵ để xác định chính xác hơn thời điểm xảy ra đột quỵ, cung cấp phương pháp điều trị khẩn cấp nhanh chóng và chính xác hơn cho bệnh nhân trong môi trường bệnh viện.
Thủ đô New Delhi của Ấn Độ và các vùng lân cận bị nhấn chìm trong khói bụi độc hại. Chất lượng không khí ở New Delhi đã vượt quá mức nguy hiểm khiến chính quyền thành phố phải tăng cường các biện pháp đối phó để đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Quyết định giảm lãi suất của Fed là điều mà thị trường đã dự báo từ trước, tuy nhiên, sự thận trọng của Chủ tịch Fed Jerome Powell và các quan chức Fed đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất thêm 0,25%, nâng tổng mức giảm trong năm 2024 lên 1%. Đây là lần giảm lãi suất thứ ba liên tiếp của Fed kể từ tháng 9/2024.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tổ chức cuộc họp báo cuối năm thường niên tại Moscow, kết hợp với phiên hỏi đáp “Đường dây trực tiếp”, nhằm giải đáp thắc mắc của người dân Nga cũng như phản hồi câu hỏi từ các nhà báo trong nước và quốc tế.
0