Tổng thống Trump muốn Mỹ nắm quyền kiểm soát Gaza

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất Mỹ "tiếp quản" Dải Gaza, phát triển lại khu vực này sau khi đưa người dân Palestine đến tái định cư ở các quốc gia khác. Đây là một kế hoạch gây sốc, nếu được thực hiện có thể thay đổi cục diện Trung Đông.
Video Player is loading.
Current Time 0:00
Duration -:-
Loaded: 0%
Stream Type LIVE
Remaining Time -:-
1x

Biến Gaza thành 'Riviera của Trung Đông' 

Ngày 4/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng, Washington có kế hoạch tiếp quản Gaza, trục xuất người Palestine và biến nó thành "Riviera của Trung Đông". Ý tưởng mà ông Trump đưa ra dường như vượt xa mọi tưởng tượng, là kế hoạch can thiệp gây chấn động nhất trong lịch sử xung đột kéo dài giữa Israel và Palestine.

Tương lai của Dải Gaza “hậu Hamas” là một chủ đề được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mang theo hành trang tới Washington để thảo luận với Tổng thống Mỹ Donald Trump, bên cạnh các vấn đề lớn khác như tiến trình bình thường hóa quan hệ với Ả Rập Xê Út. Trong cuộc gặp tại Phòng Bầu dục hôm 4/2, nhà lãnh đạo Mỹ đã đưa ra một gợi ý.

Tôi nghĩ rằng, Gaza lúc này là một vùng đất bị phá hủy. Hầu như không có tòa nhà nào đứng vững và không thể sống ở Gaza bây giờ. Tôi nghĩ chúng ta cần một địa điểm khác. Đó phải là một địa điểm khiến mọi người hạnh phúc. Hãy nhìn lại, nhiều thập kỷ qua, ở Gaza đều là cái chết. Nếu chúng ta có thể có một khu vực đẹp đẽ để tái định cư vĩnh viễn cho mọi người trong những ngôi nhà đẹp - nơi họ có thể hạnh phúc, không bị bắn, không bị giết, giống như những gì đang xảy ra ở Gaza.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Trump đã cụ thể hóa gợi ý này hơn bằng đề xuất rằng, để người Palestine tái định cư ở các nước khác - bất kể họ có muốn rời đi hay không - và biến vùng lãnh thổ này thành "Riviera của Trung Đông". Riviera là khu vực dọc bờ Địa Trung Hải kéo dài từ miền Đông Nam nước Pháp tới đông bắc Italia, nổi tiếng về khí hậu và cảnh quan tuyệt đẹp.

Tổng thống Trump không loại trừ khả năng điều quân đội Mỹ đến bảo vệ Gaza, dù không đưa ra ngay chi tiết về phương pháp Mỹ sẽ quản lý Gaza, cũng như kế hoạch hành động của họ với dải đất này. 

Tôi thấy một vị thế sở hữu lâu dài và tôi thấy nó mang lại sự ổn định lớn cho khu vực đó của Trung Đông, có thể là toàn bộ Trung Đông. Đây không phải là một quyết định được đưa ra một cách dễ dàng. Tất cả mọi người tôi từng nói chuyện đều thích ý tưởng về việc Mỹ sở hữu mảnh đất đó, phát triển và tạo ra hàng ngàn việc làm với một thứ gì đó tuyệt vời trong khu vực mà giờ không ai có thể nhìn thấy, bởi vì tất cả những gì họ thấy là cái chết, sự hủy diệt, những đống đổ nát và những tòa nhà bị phá hủy đổ xuống khắp nơi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đề xuất mà ông Trump đưa ra là sự đảo ngược đáng kinh ngạc đối với lần tranh cử đầu tiên vào năm 2016, khi tuyên bố sẽ đưa Mỹ ra khỏi Trung Đông. Việc giành quyền kiểm soát Dải Gaza có thể sẽ đưa Mỹ vào cuộc xung đột Israel - Palestine theo cách mà các Tổng thống Mỹ luôn né tránh, đó là không triển khai đông đảo bộ binh Mỹ đến Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine.

Với đề xuất dành cho Gaza, ông Trump tiếp tục cho thấy tư duy mở rộng đất đai rõ nét trong nhiệm kỳ thứ hai, khi ông từng nói muốn kiểm soát lại kênh đào Panama, muốn mua đảo Greenland và muốn Canada trở thành một bang của Mỹ. Là một ông trùm bất động sản, vị Tổng thống tỷ phú của Mỹ có lẽ đã hình dung ra một thương vụ hấp dẫn ở dải đất dọc bờ biển dài 45 km và rộng 10 km. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau tuyên bố của ông Trump, các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ là Ngoại trưởng Marco Rubio và Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt đã phải lên tiếng đính chính, cho biết ông Trump chỉ có ý định di dời tạm thời người Palestine khỏi Gaza bởi mảnh đất đó đã trở thành một nơi không thể ở được đối với con người.

Dư luận giận dữ về đề xuất của Tổng thống Trump

Khi đưa ra đề xuất về việc tiếp quản Dải Gaza, ông Trump tuyên bố rằng, những người ông đối thoại đều thích kế hoạch đó. Tuy nhiên, phản ứng từ cộng đồng quốc tế lại không hẳn như vậy. Gaza thuộc về người Gaza, đó là những gì mà dư luận tại nhiều nước đang lên tiếng để kêu gọi sự tôn trọng đối với quyền tự quyết của người dân Palestine đối với mảnh đất của họ.

Dải Gaza từng là nơi có những con phố đông đúc với các đại lộ, nhà thờ Hồi giáo, những khu vườn tuyệt đẹp, nhưng giờ đây đã bị san phẳng và trở thành những đống đổ nát. Từ ngày 7/10/2023, Gaza đã chứng kiến những cuộc ném bom và tấn công trên bộ chưa từng có của Israel. Hầu hết người dân nơi đây đã phải di dời nhiều lần.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, có tới 85% dân số Gaza - một trong những khu vực đông dân nhất thế giới - đã phải rời bỏ nhà cửa. Cuộc xung đột mới nhất giữa Hamas và Israel hiện đang tạm dừng nhờ một thỏa thuận ngừng bắn mong manh. Với nhiều người Palestine ở Gaza, niềm vui được trở về nhà của họ mới chỉ bắt đầu.

Kế hoạch của Tổng thống Trump về việc đưa người Palestine di tản tới các quốc gia khác đã khiến họ quay trở lại nỗi ám ảnh về cơn ác mộng Nakba năm 1948. "Nakba", tiếng Ả Rập có nghĩa là “thảm họa”, ám chỉ cuộc di dời lớn nhất lịch sử Palestine khi 750 nghìn người bị mất nhà cửa và phải di dời vĩnh viễn trong cuộc chiến tranh xảy ra sau khi Israel được thành lập vào năm 1948.

Chúng tôi sẽ ở đây, chúng tôi còn có thể đi đâu nữa? Chúng tôi không muốn đến Mỹ hay bất kỳ nơi nào khác. Chúng tôi muốn ở lại đất nước và quê hương của mình, chúng tôi muốn ở lại và chết ở đây. Chúng tôi từ chối tất cả những lời kêu gọi chúng tôi rời đi và trở thành người di tản. Bất kỳ ai muốn rời đi đều không có cách nào khác ngoài cái chết. Chúng tôi sẽ chết ở Palestine, đây là đất nước của chúng tôi và cuộc sống của chúng tôi.

Ông Rashad Mansour - Người dân Gaza.

Chính phủ Palesine và một loạt quốc gia trên thế giới đã lên tiếng phản đối kế hoạch của Tổng thống Mỹ, đồng thời kêu gọi tôn trọng nguyện vọng của người Palestine muốn ở lại Gaza.

Tổng thống Mahmoud Abbas và người dân Palestine bác bỏ hoàn toàn những yêu cầu của Tổng thống Mỹ. Vùng đất này là của Palestine, đó là luật pháp quốc tế, đó là Sáng kiến Hòa bình của người Ả Rập, chúng tôi từ chối bất kỳ hình thức di chuyển nào với người dân Palestine và chúng tôi đánh giá cao lập trường của Ả Rập Xê Út, Ai Cập và Jordan liên quan đến vấn đề này. Chúng tôi phản đối bất kỳ sự chiếm đóng nào, dù là sự chiếm đóng của Israel hay sự chiếm đóng của Mỹ đối với vùng đất của Palestine. Chúng tôi đang sống trong đất nước của chúng tôi và chúng tôi sẽ không rời đi mãi mãi.

Ông Nabil Abu Rudeineh - Người phát ngôn của Tổng thống Palestine.

Về phần mình, Ả Rập Xê Út tuyên bố lập trường của họ về một nhà nước Palestine độc lập là kiên định và không thể thay đổi, đồng thời nhấn mạnh rằng, nhiệm vụ của cộng đồng quốc tế là giảm bớt đau khổ cho người Palestine chứ không phải ép họ rời bỏ quê hương.

Trong khi đó, Ai Cập và Jordan - hai đồng minh quan trọng của Mỹ tại Trung Đông cũng bác bỏ ý tưởng tái định cư người Palestine. Họ cảnh báo việc di dời cưỡng ép này có thể đe dọa sự ổn định khu vực, làm leo thang xung đột và phá hoại những nỗ lực hòa bình kéo dài nhiều thập kỷ. Hamas, lực lượng kiểm soát Gaza, tuyên bố kế hoạch của Tổng thống Trump là "một công thức cho hỗn loạn và căng thẳng", đồng thời cam kết sẽ không để điều này xảy ra.

Kế hoạch liệu có khả thi? 

Một tương lai Gaza phần lớn không liên quan đến người Palestine - đó là những gì có thể hiểu được qua đề xuất vừa qua của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhưng kế hoạch của ông Trump liệu có khả thi khi bị các quốc gia Ả Rập phản đối gay gắt, do đòi hỏi tiền bạc và đất đai của họ để thực hiện. Thêm vào đó, không có cơ sở pháp lý nào cho phép Mỹ đơn phương khẳng định quyền kiểm soát đối với lãnh thổ của quốc gia khác hoặc cưỡng bức di dời toàn bộ dân số ở lãnh thổ đó, bởi điều này là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.

Việc tái định cư gần 2 triệu người Palestine là một thách thức to lớn về hậu cần và tài chính, chưa kể vấn đề mâu thuẫn chính trị và nguy cơ gây ra nhiều xung đột bạo lực hơn. Đối với nhiều người, ý tưởng mà ông Trump đưa ra là vô căn cứ.

Tôi cảm thấy bị sốc, giống như hầu hết mọi người, trước những tuyên bố về việc sở hữu Gaza. Dường như ý tưởng này xuất hiện một cách đột ngột mà không có tiền lệ nào, cũng không có bất kỳ thỏa thuận nào được đưa ra trước đó hoặc bất kỳ sự hiểu biết nào từ các quốc gia khác ngoài Israel, rằng điều này liệu có khả thi.

Ông Benjamin Radd - Trung tâm quan hệ quốc tế Burkle, Đại học California Los Angeles, Mỹ.

Một số nhà quan sát cho rằng, ông Trump có thể đang sử dụng chiến thuật đưa ra lập trường mạnh mẽ, thậm chí cực đoan, để dọn đường cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đôi khi đưa ra các tuyên bố chính sách đối ngoại cứng rắn, nhưng phần lớn không được thực hiện.

Chỉ mới đầu tháng 2/2025, một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và các đồng minh đã vãn hồi sau khi ông Trump tạm hoãn việc áp thuế bổ sung với Canada và Mexico, sau khi đạt được thỏa thuận với lãnh đạo các nước này về vấn đề an ninh biên giới và ngăn chặn tội phạm ma túy.

Giải pháp hai nhà nước – Chìa khóa cho hòa bình Trung Đông 

Cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua giữa Palestine và Israel chỉ có thể được giải quyết dựa trên giải pháp hai nhà nước. Đây cũng được coi là con đường duy nhất chấm dứt cuộc xung đột ở Dải Gaza hiện nay. Ngay sau đề xuất của Tổng thống Mỹ về việc tiếp quản Dải Gaza, nhiều quốc gia đã lên tiếng tái khẳng định sự ủng hộ đối với giải pháp trên, nơi cả Israel và Palestine chung sống trong hòa bình và an ninh.

Phát biểu tại một cuộc họp của Ủy ban Liên hợp quốc về các quyền bất khả xâm phạm của người dân Palestine, Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng, trong quá trình tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột ở Trung Đông, không được làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn và phải trung thành với nền tảng của luật pháp quốc tế.

Chúng ta phải tái khẳng định giải pháp hai nhà nước. Bất kỳ nền hòa bình bền vững nào cũng đòi hỏi sự tiến triển hữu hình, không thể đảo ngược và lâu dài hướng tới giải pháp hai nhà nước, chấm dứt sự chiếm đóng và thành lập một nhà nước Palestine độc lập, với Gaza là một phần không thể tách rời. Một nhà nước Palestine có chủ quyền, khả thi, chung sống hòa bình và an ninh với Israel là giải pháp bền vững duy nhất cho sự ổn định của Trung Đông.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. 

Hai đồng minh quan trọng của Mỹ là Australia và Anh cũng đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Trung Đông.  

Trung Quốc, Nga, Brazil cũng tái khẳng định rằng, hòa bình Trung Đông chỉ có thể được thực thi trên cơ sở giải pháp hai nhà nước.

Trong tất cả những tuyên bố gần đây của ông Trump về Gaza, có một yếu tố quan trọng bị bỏ qua: liệu người Palestine có quyền tự quyết hay không?

Điều này đã được minh chứng qua việc hàng trăm nghìn người Palestine trở lại Bắc Gaza, nơi họ dựng lều tạm trên đống đổ nát của những ngôi nhà bị phá hủy sau những đợt tấn công kéo dài hơn 15 tháng qua của Israel. Tổng thống Mỹ dường như cố tình cho rằng, họ sẽ thích một khu đô thị hiện đại ở nơi khác hơn là quê hương của mình. Để đem lại nền hòa bình thực sự cho mảnh đất vốn chịu nhiều đau thương này, điều quan trọng là phải xây dựng được những đề xuất dựa trên sự tôn trọng đối với cuộc sống và phẩm giá của người Palestine, cũng như đối với toàn bộ Trung Đông. 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
User
Ý KIẾN

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới ký một sắc lệnh đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đào tạo 1,5 triệu người điều khiển máy bay không người lái trong vòng 5 năm tới.

Máy bay chiến đấu của Mỹ đã tiến hành 16 cuộc không kích vào các tỉnh Saada và Sanaa của Yemen trong đêm 29/3, như một phần trong loạt cuộc không kích nhằm vào các khu vực mà Mỹ cho là do lực lượng vũ trang Houthi kiểm soát.

Khi siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Hải quân Mỹ được triển khai vào cuối năm nay, nhóm tác chiến của tàu sẽ bao gồm các khu trục lớp Arleigh Burke được trang bị các hệ thống đánh chặn máy bay không người lái Coyote của Raytheon và Roadrunner-M của Anduril.

Tổng thống Iran kiên quyết bác bỏ đề xuất đàm phán trực tiếp với Mỹ về vấn đề hạt nhân.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẵn sàng thảo luận về giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt xung đột tại Dải Gaza, với điều kiện phong trào Hamas hạ vũ khí và rời khỏi vùng đất này.

Các bệnh viện ở Myanmar đang nỗ lực điều trị cho bệnh nhân sau trận động đất kinh hoàng hôm 28/3; nhiều nơi thiếu nhân lực, cạn kiệt thuốc men, cơ sở hạ tầng bị tàn phá.