5 người tử vong vì sử dụng thực phẩm chức năng Kobayashi
5 người tử vong vì thực phẩm chức năng Kobayashi
Vụ bê bối nghiêm trọng của hãng dược phẩm Kobayashi khiến hãng này phải liên tục thu hồi sản phẩm và bị thanh tra các nhà máy sản xuất.
Hôm 31/3, các quan chức y tế thuộc chính quyền Trung ương và địa phương đã kiểm tra hoạt động sản xuất tại nhà máy của Kobayashi ở thành phố Kinokawa, thuộc tỉnh Wakayama, phía Tây Nhật Bản. Đây là nhà máy thứ hai của Kobayashi bị tiến hành thanh tra. Trước đó, cuộc thanh tra đầu tiên diễn ra tại nhà máy ở Osaka ngày 30/3.
Các cuộc kiểm tra diễn ra sau khi nhà chức trách ghi nhận tổng cộng 5 trường hợp tử vong và 157 người phải nhập viện điều trị sau khi sử dụng sản phẩm do Kobayashi sản xuất. Tất cả sản phẩm của công ty này đều sử dụng một loại gạo men đỏ được gọi là Beni-koji, được quảng cáo là giúp giảm nồng độ cholesterol xấu trong cơ thể. Nguyên nhân tử vong chưa được kết luận chính thức, nhưng một số người đã mắc bệnh thận.
Hiệp hội Thận Nhật Bản đã tiến hành một cuộc khảo sát trực tuyến đối với 47 người từng sử dụng hai loại thực phẩm chức năng của hãng Kobayashi là Beni-koji choleste-help và Naishi-help plus cholesterol. Trong số này, 90% ở độ tuổi từ 40 đến 69 tuổi, trong đó 66% là phụ nữ. Kết quả khảo sát công bố hôm 1/4 cho thấy khoảng 80% người sử dụng gặp các vấn đề về sức khỏe sau khi sử dụng thực phẩm bổ sung gạo men đỏ của Kobayashi. Dù không có trường hợp tử vong trong số 47 người này, nhưng ít nhất 50% cảm thấy khó chịu, chán ăn, tiểu tiện bất thường, rối loạn thận, và phải đến khám ở bệnh viện. Về điều trị, 25% trong số bệnh nhân trên được điều trị bằng steroid, trong khi số còn lại chỉ được yêu cầu ngừng dùng các sản phẩm chức năng của Kobayashi. Hai bệnh nhân cần phải chạy thận, song một người đã có dấu hiệu hồi phục.
Khoảng một triệu thùng sản phẩm chức năng đã được bán ra trong ba năm qua. Kobayashi cũng bán gạo men đỏ Beni-koji cho các nhà sản xuất khác và một số sản phẩm đã được xuất khẩu. Người dân có thể mua các sản phẩm thực phẩm chức năng tại các hiệu thuốc mà không cần đơn thuốc của bác sĩ.
Mặc dù gạo men đỏ đã được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm từ nhiều năm qua, song đến cuối năm 2023 mới xuất hiện những báo cáo về vấn đề sức khỏe đối với người dùng. Sau khi nhận được những báo cáo chính thức, Kobayashi đã quyết định thu hồi sản phẩm từ ngày 22/3 vừa qua. Khoảng 50 công ty dùng nguyên liệu của hãng hoặc có liên quan cũng đã thông báo thu hồi các sản phẩm của mình.
Tại cuộc họp báo ngày 29/3, đại diện Kobayashi cho biết kết quả kiểm tra của công ty đã tìm thấy puberulic acid trong các sản phẩm men gạo đỏ, một hợp chất tự nhiên được sinh ra từ nấm mốc xanh mà công ty không lường trước được. Dù vậy, Kobayashi cho biết hiện vẫn chưa rõ liệu chất này có liên quan đến các vấn đề về sức khỏe của người dùng hay không.
Chúng tôi vô cùng xin lỗi vì các vấn đề sức khỏe và lo lắng mà chúng tôi đã gây ra cho nhiều người do tiêu thụ các sản phẩm liên quan đến gạo men đỏ do công ty chúng tôi sản xuất, và thực tế là điều này đã trở thành một vấn đề xã hội. Chúng tôi sẽ hợp tác với cuộc điều tra của chính phủ và tiến hành phản hồi chân thành.
Ông Akihiro Kobayashi - CEO hãng dược phẩm Kobayashi.
“Khủng hoảng” lòng tin người tiêu dùng
Các trường hợp tử vong nghi do gạo men đỏ của Kobayashi được xem là vụ bê bối đầu tiên liên quan tới thực phẩm chức năng ở Nhật Bản – một thị trường vốn được coi là rất đáng tin cậy nhờ các tiêu chuẩn gắt gao trong sản xuất. Mặc dù Kobayashi đã thu hồi các sản phẩm có liên quan, nhưng hãng vẫn bị chỉ trích bởi không công bố kịp thời các mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với sức khỏe người dùng. Nỗi lo lắng về sức khỏe đang làm rung chuyển thị trường thực phẩm chức năng Nhật Bản – lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ sau khi chính quyền nới lỏng những quy định về ghi nhãn.
Thị trường thực phẩm chức năng của Nhật Bản ngày càng mở rộng trong vài năm qua sau khi công chúng chú ý hơn tới sức khỏe sau đại dịch. Thị trường này được dự báo sẽ tăng 4,1% lên 212,3 tỷ yên (1,4 tỷ USD) cho năm tài chính 2023, và 1,46 tỷ USD trong năm tài chính 2024.
Vụ bê bối của Kobayashi đã làm dấy lên mối lo ngại đáng kể trong công chúng Nhật Bản về cách thức phân loại thực phẩm chức năng y tế của nước này, đặc biệt là hệ thống ghi nhãn được đưa ra vào năm 2015. Nhiều người cho rằng nó có thể mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp nhưng gây tổn hại đến sự an toàn của người tiêu dùng.
Trước năm 2015, Nhật Bản phân loại thực phẩm chức năng tốt cho sức khỏe thành hai nhóm chính, gồm “Thực phẩm dành cho mục đích sức khỏe cụ thể” và “Thực phẩm chức năng dinh dưỡng”. Từ năm 2015, Cơ quan Các vấn đề Người tiêu dùng (CAA) của Nhật Bản đã phát động sáng kiến ghi nhãn “Thực phẩm có Công bố Chức năng” (FFC). Hệ thống mới này cho phép các công ty như Kobayashi đánh giá và báo cáo lại một cách độc lập các lợi ích sức khỏe cũng như thuộc tính chức năng của sản phẩm trước khi tiếp thị mà không cần phải có sự chấp thuận của cơ quan Chính phủ Nhật Bản.
Việc ghi nhãn thực phẩm chức năng của Kobayashi chỉ yêu cầu nộp hồ sơ đăng ký, cho phép công ty tự kiểm chứng độ an toàn. Điều này thiếu khách quan và ẩn chứa rủi ro. Thực phẩm tốt cho sức khỏe cần đem lại lợi ích cho cơ thể. Nhưng nếu thành phần mơ hồ, không được phân tích kỹ lưỡng, các vấn đề tương tự có thể phát sinh.
Ông Tanada – Người dân Tokyo.
Nhiều người đã lên tiếng lo ngại rằng một số tập đoàn lớn của Nhật Bản quá chú trọng đến lợi ích kinh tế mà bỏ qua sự an toàn của người tiêu dùng.
Bác sĩ Eiji Kusumi cho hay: “Người ta khẳng định rằng sản phẩm sức khỏe có chứa gạo men đỏ có thể làm giảm cholesterol. Có lẽ nó có thể làm được, nhưng nó chưa trải qua quá trình xác nhận khoa học nghiêm ngặt. Mục đích của việc giảm cholesterol là giảm các bệnh do tắc nghẽn mạch máu, chẳng hạn như nhồi máu não và nhồi máu cơ tim. Những tác dụng này chưa được chứng minh chút nào. Việc bán những sản phẩm như vậy ra thị trường khiến người tiêu dùng hiểu lầm rằng chúng có hiệu quả. Từ góc độ của các chuyên gia y tế, điều này rất không phù hợp.”
Theo một cuộc điều tra gần đây của Teikoku Databank, vụ bê bối của Kobayashi có thể ảnh hưởng đến 33.000 doanh nghiệp ở Nhật Bản, bao gồm hơn 5.000 nhà bán lẻ thực phẩm và đồ uống. Kobayashi đã cung cấp nguyên liệu gạo men đỏ cho 225 công ty, một số được bán trực tiếp và một số khác được chế biến rồi bán lại. Ngoài ra, hơn 5.000 doanh nghiệp bán lẻ khác, 3.800 doanh nghiệp y tế và hơn 3.000 nhà hàng cũng bị ảnh hưởng.
Bộ Y tế Nhật Bản cảnh báo số người bị ảnh hưởng có thể tăng lên. Nhằm ngăn chặn những nguy cơ sức khỏe liên quan đến sản phẩm thực phẩm bổ sung, Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu các cơ quan chức năng đánh giá lại hệ thống phê duyệt sản phẩm trước khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Dù lãnh đạo hãng dược Kobayashi đã cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng và cam kết khắc phục hậu quả, nhưng vụ việc đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành thực phẩm bảo vệ sức khỏe ở Nhật Bản. Niềm tin của công chúng sẽ không được khôi phục chỉ sau một đêm. Giới chuyên gia cũng cho rằng nhà chức trách nên thắt chặt các quy định ghi nhãn thực phẩm chức năng để bảo vệ người tiêu dùng.
Khủng hoảng y tế tại Hàn Quốc vẫn chưa hạ nhiệt
Một cuộc khủng hoảng sức khỏe khác cũng đang diễn ra tại Hàn Quốc, khi làn sóng đình công của các bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú vẫn tiếp diễn căng thẳng mà chưa có hồi kết, gây áp lực đè nặng lên hệ thống chăm sóc y tế. Đã hơn 6 tuần trôi qua mà Chính phủ Hàn Quốc và các bác sĩ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Làn sóng đình công bắt đầu từ tháng 2, khi khoảng 12.000 bác sĩ nội trú và bác sĩ thực tập nộp đơn nghỉ việc để phản đối quyết định tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y thêm 2.000 sinh viên bắt đầu từ năm tới để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ của Chính phủ Hàn Quốc. Những người phản đối kế hoạch tuyển sinh cho rằng họ đang làm việc quá sức, bị trả lương thấp và không được lắng nghe. Các bác sĩ lập luận việc tăng chỉ tiêu sẽ làm giảm chất lượng đào tạo và dịch vụ y tế, đồng thời tạo ra tình trạng dư thừa bác sĩ.
Tình trạng bất ổn đã khiến 5 bệnh viện đa khoa lớn của Hàn Quốc thiệt hại hơn 1 tỷ won (khoảng 740.000 USD) mỗi ngày, trong khi hệ thống y tế bị ảnh hưởng nặng nề. Số ca phẫu thuật tại các bệnh viện đa khoa giảm 50% và số bệnh nhân nhập viện giảm 24%. Các phòng cấp cứu tại các bệnh viện quân đội đã được cung cấp cho người dân sử dụng, trong khi chính phủ ủy quyền cho các y tá tiến hành các thủ tục y tế thường do bác sĩ thực hiện.
Thêm vào đó, các giáo sư y khoa, vốn là bác sĩ cấp cao tại các bệnh viện lớn, cũng bắt đầu cắt giảm giờ làm việc từ đầu tháng 4 do ngày càng mệt mỏi sau khi các bác sĩ tập sự nghỉ việc kéo dài. Họ sẽ tập trung vào việc điều trị các bệnh nhân nặng và bệnh nhân cấp cứu, nhưng số lượng các ca phẫu thuật và dịch vụ dành cho bệnh nhân ngoại trú sẽ tiếp tục bị cắt giảm.
Đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có này, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol lại khá cứng rắn và không nhượng bộ.
Tôi muốn nhắc lại một lần nữa rằng việc tăng thêm 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y là mức tăng tối thiểu bắt buộc để thực hiện các trách nhiệm theo hiến pháp là bảo vệ tính mạng và sự an toàn của người dân, cũng như để ứng phó với sự thay đổi nhanh chóng của một xã hội đang già đi.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.
Theo Chính phủ Hàn Quốc, việc có thêm bác sĩ là điều rất quan trọng để đối phó với một xã hội già đi nhanh chóng và sự chênh lệch giữa các khu vực. Ước tính Hàn Quốc sẽ thiếu 15.000 bác sĩ vào năm 2035 để đáp ứng nhu cầu thay đổi nhân khẩu học. Đất nước này cần nhiều bác sĩ hơn khi người cao tuổi chiếm 20% dân số vào năm 2025 và 30% vào năm 2035.
Một cuộc thăm dò được công bố hôm 1/4 cho thấy gần 86% số người dân Hàn Quốc được hỏi vẫn ủng hộ đề xuất tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y. Tuy nhiên, việc chưa thể đáp ứng quyền và lợi ích của các bác sĩ nội trú đã dẫn đến cuộc khủng hoảng y tế hiện nay. Kết quả thăm dò cũng cho thấy hơn 57% không hài lòng với cách chính phủ xử lý khủng hoảng.
Dù không nhượng bộ về con số chỉ tiêu tuyển sinh ngành y, Chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố sẵn sàng đối thoại với các bác sĩ nếu họ đưa ra giải pháp thống nhất và hợp lý để phá vỡ thế bế tắc hiện nay. Thái độ mềm mỏng hơn này được cho là liên quan đến áp lực từ dư luận trong bối cảnh cuộc bầu cử Quốc hội sắp diễn ra vào ngày 10/4 tới. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc khủng hoảng y tế Hàn Quốc sẽ hạ nhiệt.
Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.
Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.
Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.
Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.
Việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ được dư luận quốc tế nhìn nhận như một thách thức mới cho quan hệ Mỹ - Trung, vốn đã trải qua nhiều sóng gió trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
0