5 trục phát triển nâng tầm Thủ đô

Với 462/470 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, sáng 28/6, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó, Hà Nội theo Quy hoạch thủ đô vừa được Quốc hội thông qua sẽ là một siêu đô thị hiện đại và hài hòa với 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế - xã hội, 5 vùng đô thị…. Miền đât kinh kỳ nghìn năm văn hiến sẽ được nâng lên xứng tầm một Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Trên cơ sở kế thừa các đồ án quy hoạch qua các thời kỳ, hai bản Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua vào ngày 28/6 đã điều chỉnh các định hướng phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với thực tiễn. Trong đó, cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội sẽ gồm: 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế - xã hội, 5 vùng đô thị. 

Video: Quy hoạch chất lượng để phát triển Thủ đô xứng tầm

 

NĂM KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN 

 

1/ Không gian trên cao:

Không gian trên cao là không gian trên mặt đất gắn với khoảng không để phát triển các công trình xây dựng theo chiều cao thay cho phát triển mở rộng trên bề mặt; phát triển các công trình trên cao không giới hạn bởi mặt đất hoặc phát triển kiến trúc tạo giá trị gia tăng cho công trình.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông giúp giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông trong đô thị và tận dụng khoảng không gian trên cao.

 

2/ Không gian công cộng:

Không gian dành cho các hoạt động công cộng để mọi người dân được tiếp cận và thụ hưởng, gồm các công viên, cây xanh, sông, hồ mặt nước, là nét đặc trưng riêng của đô thị Hà Nội.

3/ Không gian văn hóa - sáng tạo:

Không gian các di tích lịch sử, di sản văn hóa, tổ chức các lễ hội truyền thống, các hoạt động văn hóa nghệ thuật và sinh hoạt văn hóa công đồng, các không gian sáng tạo hướng tới phát triển ngành công nghiệp văn hóa tương xứng với tiềm năng và lợi thế và giá trị ngàn năm văn hiến Thủ đô.

4/ Không gian số:

Không gian mạng và viễn thông gắn với phát triển Chính quyền số - kinh tế số - xã hội số, đưa Hà Nội đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực về dữ liệu số và Trí tuệ nhân tạo (AI).

5/ Không gian ngầm:

Không gian phát triển giao thông có khối lượng vận chuyển lớn, các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm; không gian phát triển các hoạt động kinh doanh dịch vụ đô thị

NĂM HÀNH LANG VÀ VÀNH ĐAI KINH TẾ 

 

Trên cơ sở các tuyến hành lang kinh tế được xác định trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định vị trí đầu mối, hội tụ, đóng vai trò lan tỏa phát triển của Hà Nội tới các tỉnh, thành dọc theo các tuyến hành lang quốc gia để Thủ đô Hà Nội trở thành đầu mối giao lưu, kết nối và lan tỏa phát triển, đóng vai trò hạt nhân dẫn dắt, tạo điều kiện kích thích phát triển các địa phương vùng trung du miền núi Bắc bộ, vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng nằm trên các tuyến hành lang. 

1/ Hành lang Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh:

Hành lang này có tính chất kết nối quốc tế với Vân Nam - Trung Quốc tại Hà Khẩu, Lào Cai: là trục kết nối chủ đạo của vùng động lực phía Bắc và kết nối vùng Trung du và miền núi phía Bắc với các trung tâm kinh tế, cảng biển lớn của cả nước; thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa các địa phương của Việt Nam và khu vực phía Tây Nam Trung Quốc. Trước năm 2030, tập trung phát triển mạnh mẽ tại khu vực Nội Bài - Sóc Sơn, giao cắt với QL18, hình thành trung tâm logistics phía Bắc, kết nối các tỉnh vùng trung du miền núi Bắc Bộ với 3 động lực phát triển phía Bắc của đất nước và vùng đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh). Ưu tiên tập trung phát triển thương mại, trung tâm phân phối hàng hóa khu vực phía Bắc và công nghiệp công nghệ cao, có khối lượng nhẹ, vận chuyển theo đường hàng không, các ngành công nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn vận chuyển theo hướng QL18 ra cảng Cái Lân - Quảng Ninh, QL5 ra cảng Hải Phòng.

2/ Hành lang Đông Bắc: (Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) 

Đây là tuyến hành lang đối ngoại quan trọng của quốc gia về kết nối trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, kết nối giữa Thủ đô Hà Nội và tỉnh Nam Ninh (Trung Quốc). Tập trung đầu tư tại khu vực huyện, Long Biên, Gia Lâm. Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao; trung tâm logistics hiện đại gắn với cảng thủy nội địa Giang Biên và tuyến đường sắt tốc độ cao Yên Viên - Cái Lân.

3/ Hành lang Bắc Nam: (theo trục hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Cà Mau) 

Hình thành trên cơ sở trục giao thông Bắc - Nam (đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Quốc lộ 1A; đường sắt Bắc - Nam và đường sắt tốc độ cao…). Đây là hành lang kinh tế có vị trí đặc biệt quan trọng, kết nối các vùng động lực, các đô thị lớn, trung tâm kinh tế, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, tạo tác động lan tỏa thúc đẩy sự phát triển đất nước, trong đó Thủ đô Hà Nội đóng vai trò là cực tăng trưởng. Tập trung đầu tư trung tâm logistics cấp vùng, tiến tới cấp quốc gia tại khu vực Ngọc Hồi - Thường Tín. Tập trung phát triển dịch vụ logistics, thương mại, công nghiệp hỗ trợ vận tải đường bộ, công nghiệp đường sắt. Trước năm 2030, tập trung mở rộng cửa ngõ phía Nam Thủ đô, đặc biệt là các nút giao thông kết nối QL1A, 1B với nội đô.

4/ Hành lang phía Tây - Bắc: (kết nối các tỉnh Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình -Hà Nội)

Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng phục vụ trực tiếp thị trường rộng lớn là Thủ đô Hà Nội; Hình thành trung tâm đầu mối nông sản, chuỗi liên kết cung ứng - tiêu thụ nông sản dọc theo cao tốc Hà Nội – Hoà Bình – Sơn La, có tính chất thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tiểu vùng Tây Bắc; là tuyến hành lang kết nối năng lượng của Thủ đô.

5/ Vành đai kinh tế vùng Thủ đô

Đây là vành đai kết nối phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại và logistics của khu vực vùng Thủ đô dọc theo các tuyến đường vành đai 4, vành đai 5 - vùng Thủ đô đang được hình thành, có chức năng kết nối các tỉnh trung du miền núi phía Bắc với các tỉnh Nam đồng bằng sông Hồng. 

NĂM VÙNG ĐÔ THỊ

1/ Vùng Đô thị trung tâm 

Vùng này  gồm khu vực nội đô lịch sử; nội đô lịch sử mở rộng; khu vực mở rộng đô thị về phía Tây và Nam – Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì.

Với khu vực này, cần thực hiện bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của khu vực phố cổ, các di sản văn hóa, các tích lịch sử, các khu kiến trúc Pháp, khu trung tâm hành chính Ba Đình, hệ thống các di tích văn hóa lịch sử, cảnh quan sinh thái, làng truyền thống có giá trị… trở thành trung tâm văn hóa của Hà Nội; Thực hiện các chính sách khuyến khích người dân sinh sống tại khu vực bảo tồn di dời nơi ở, cải tạo khu bảo tồn thành không gian phát triển thương mại, lưu trú phục vụ du lịch, tạo thêm cơ hội việc làm mới.

Cùng với đó là cải tạo, tái thiết khu vực nội đô, các khu vực đô thị hiện hữu. Phân loại đô thị hiện hữu thành các khu vực: giữ lại chỉnh trang; khu vực cải tạo bổ sung hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khu vực chuyển đổi, tái thiết đô thị như các khu tập thể cũ, các khu sản xuất chuyển đổi, khu dân cư đô thị hóa tự phát, nhà ở tự xây không đảm bảo an toàn,không phù hợp các tiêu chí đô thị văn hiến, văn minh, hiện đại, theo hình thức và lộ trình phù hợp. Áp dụng mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD) tại các khu vực có quy hoạch ga đường sắt đô thị. 

Áp dụng mô hình thu gom điều chỉnh đất tại các khu vực phù hợp trên nguyên tắc đảm bảo các tiêu chuẩn về cứu hỏa, cứu nạn, diện tích kích thước tối thiểu, mật độ và chiều cao xây dựng. Có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với người dân khi thực hiện các mô hình cải tạo, chỉnh trang đô thị.

Thực hiện bảo tồn, phát huy các giá trị của các khu vực Hoàng thành Thăng Long, Phố cổ, phố cũ, di tích văn hóa lịch sử, cảnh quan sinh thái và các khu vực quy hoạch kiến trúc có giá trị. Tái thiết đô thị các khu tập thể cũ, khu dân cư đô thị hóa tự phát, các khu vực làng xóm đô thị hóa. Kiểm soát hài hòa giữa xây dựng mới, xây dựng cải tạo và bảo tồn các khu vực có giá trị. Tập trung vào cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông công cộng, cải thiện cảnh quan môi trường hệ thống sông hồ mặt nước, bổ sung hạ tầng xã hội thiết yếu, kiểm soát chặt công trình cao tầng. Phát triển sáng tạo, tạo sức hấp dẫn cho đô thị.

2/ Vùng đô thị phía Đông 

Khu vực này gồm Long Biên, Gia Lâm Khu vực đô thị phía Đông gồm Long Biên, Gia Lâm sẽ phát triển các dịch vụ đầu mối về thương mại logistics, dịch vụ hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, y tế, văn hóa chất lượng cao, thương mại tài chính cho vùng phía Đông thuộc đồng bằng Sông Hồng, giảm áp lực trực tiếp vào khu vực Nội đô. Khai thác các khu vực chuyển đổi, phát triển các khu đô thị nén tập trung cao tầng, gắn với các dịch vụ hiện đại, thông minh của vùng.

3/ Vùng đô thị phía Bắc 

Khu vực này gồm gồm Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn phát triển với hạt nhân là sân bay quốc tế Nội Bài gắn với dịch vụ sân bay, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao giải trí; trung tâm y tế phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh khu vực phía Bắc, thu hút phát triển các trung tâm về nghiên cứu phát triển, dịch vụ tài chính, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ hỗ trợ. Phát triển hệ thống các công trình kiến trúc điểm nhấn tại sông Hồng, mở rộng không gian mặt nước từ sông Hồng vào sông Ngũ Huyện Khê, Cà Lồ, đầm Vân Trì... theo mô hình đô thị nước. Xây dựng các khu đô thị nén tập trung, hiện đại, thông minh với dịch vụ chất lượng cao để thu hút chuyên gia, người dân đến sinh sống và làm việc

Đây là nơi có cả không gian đô thị, các vùng nông thôn và khu công nghiệp, với trung tâm là khu vực sân bay quốc tế Nội Bài với hệ thống các dịch vụ và trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa, hành khách theo đường hàng không,trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao giải trí; trung tâm y tế phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh khu vực phía Bắc, thu hút phát triển các trung tâm về nghiên cứu phát triển, dịch vụ tài chính, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ hỗ trợ.

4/ Vùng đô thị phía Tây 

Khu vực này bao gồm thị xã Sơn Tây và các huyện Phúc Thọ, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ. Đây là trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao, ứng dụng phát triển các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm bán dẫn, công nghiệp phần mềm và trí tuệ nhân tạo; xây dựng thành phố Khoa học và Đào tạo tại khu vực Hòa Lạc.

Khu vực Sơn Tây – Ba Vì là trung tâm du lịch văn hóa, thăm quan các làng cổ, di tích lịch sử, du lịch sinh thái, kết hợp nghỉ dưỡng. Tại đây sẽ phát triển hành lang sinh thái dọc sông Đáy, sông Tích gắn với phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, sạch, công nghệ cao kết hợp với du lịch trải nghiệm.

Phát triển các sản phẩm công nghiệp làng nghề, hình thành không gian văn hóa du lịch sản phẩm kỹ nghệ nghề truyền thống. Thu hút phát triển dân cư gắn với thị trấn sinh thái Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn, bổ sung cơ sở hạ tầng dịch vụ hiện đại, chất lượng tương đương đô thị tại các làng xóm hiện hữu, hạn chế việc mở rộng lan tỏa, tự phát.

5/ Vùng đô thị phía Nam

Khu vực này gồm các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Oai, Mỹ Đức. Định hướng nơi đây sẽ trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh hiện đại; là trung tâm đầu mối logistics lớn của vùng Thủ đô kết nối khu vực phía Nam; là trung tâm công nghiệp hỗ trợ vận tải, phân phối và công nghiệp đường sắt; là trung tâm du lịch văn hóa, tín ngưỡng trên tuyến du lịch văn hóa, tín ngưỡng kết nối với Hà Nam và Ninh Bình, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng trên vùng hồ nước. Hình thành vùng đô thị sân bay khi xây dựng sân bay thứ hai trên địa bàn Thủ đô.

NĂM TRỤC ĐỘNG LỰC

 

1/ Trục sông Hồng: 

Đây là trục không gian chủ đạo của đô thị trung tâm với đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử. Sông Hồng trở thành dòng sông nằm giữa khu vực đô thị phía Bắc - Nam Thủ đô, chảy qua trung tâm Thành phố. Về mặt hình thái, đô thị của Thủ đô Hà Nội sẽ quay mặt ra sông. 

Hai bên sông sẽ xây dựng con đường di sản văn hóa tái hiện lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc và con đường giới thiệu cảnh quan, đất nước con người, hình ảnh đặc trưng của các vùng miền để phát triển các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng; là không gian tái hiện các lễ hội văn hóa truyền thống từ mọi miền Tổ quốc; kết nối với khu vực Hồ Tây, khu vực cầu Long Biên và phố cổ hình thành không gian phát triển các hoạt động du lịch, giải trí và kinh tế ban đêm.

Trục sông Hồng sẽ phân thành 3 khu vực gồm: đoạn 1 từ Ba Vì đến cầu Hồng Hà dài 90km; đoạn 2 từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở dài 40km qua đô thị trung tâm; đoạn 3 từ Mễ Sở đến hết Phú Xuyên dài 30km được phát triển vận tải đường thủy, khai thác du lịch, dịch vụ văn hóa, dịch vụ sinh thái, nông nghiệp.

Phối cảnh cầu Trần Hưng Đạo

 

2/ Trục Hồ Tây - Cổ Loa: 

Đây là trục kết nối di sản đô thị lịch sử, với cảnh quan, danh thắng, không gian văn hoá khu vực Hồ Tây và không gian văn hóa Cổ Loa; hình thành đại lộ với cầu Tứ Liên cùng với các công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Thủ đô tạo điểm nhấn thu hút du khách thăm quan, ngắm cảnh hai bên sông Hồng. 

3/ Trục Nhật Tân - Nội Bài: 

Đây là trục động lực kinh tế phía Bắc sông Hồng, là trục thông minh, đối ngoại, đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện hình ảnh của Thủ đô Hà Nội và Việt Nam ra thế giới; nơi thu hút các tổ chức quốc tế, các tập đoàn lớn nước ngoài đặt trụ sở và là trung tâm tài chính phía Bắc Thủ đô. Hình thành các trung tâm phát triển mới như: Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, Trung tâm công cộng, thương mại tài chính, đô thị thông minh, dịch vụ logistics, vui chơi giải trí, nơi tổ chức các sự kiện của khu vực và quốc tế.

Dự án thành phố Thông minh Bắc Hà Nội (North Hanoi Smart City) có diện tích 272 ha tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ (huyện Đông Anh).

 

4/ Trục Hồ Tây - Ba Vì: 

Đây là trục di sản văn hóa, kết nối khu vực trung tâm nội đô với các làng cổ, các di tích, danh thắng xung quanh Hồ Tây với vùng văn hóa xứ Đoài…; kết nối giữa trung tâm văn hóa Hồ Tây với trung tâm văn hóa xứ Đoài tạo nên trục di sản thu hút phát triển du lịch văn hóa, lịch sử và nghỉ dưỡng; là khu vực xây dựng các công trình văn hóa mang tính biểu tượng thời đại của Thủ đô Hà Nội. 

5/ Trục liên kết phía Nam: 

Đây là trục đóng vai trò kết nối giữa đô thị trung tâm với khu vực phía Nam để thúc đẩy sự phát triển vùng huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức. Khi sân bay thứ 2 vùng Thủ đô được đầu tư phát triển, đây sẽ là trục kết nối đô thị trung tâm với sân bay quốc tế thứ hai và đô thị Phú Xuyên, Ứng Hòa; là trục kết nối di sản Thăng Long - Hoa Lư, gắn với vùng di tích Hương Sơn - Tam Chúc, kết nối giữa khu đô thị trung tâm với khu vực kinh tế tiềm năng phía Nam, liên kết Thủ đô với các tỉnh phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh động lực phía Bắc vùng duyên hải miền Trung.

Thực hiện: Đỗ Bắc
Đồ họa: Thanh Nga
Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bên cạnh hệ thống giao thông liên huyện, các trục tỉnh lộ và quốc lộ liên tục được nâng cấp, cải tạo, thời gian qua, huyện Phú Xuyên cũng chú trọng vào các dự án giao thông nội đồng, các trục liên xã.

Sáng 21/12, nhân kỷ niệm 52 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", Ủy ban Hòa bình thành phố Hà Nội phối hợp với Thành hội Phật giáo Hà Nội tổ chức lễ cầu siêu và dâng hương tại Đài tưởng niệm phố Khâm Thiên.

Thực hiện phong trào thi đua "Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp" trên toàn TP. Hà Nội, sáng 21/12, Ban Tổ chức và 16 thí sinh tham dự vòng Chung kết “Tiếng hát Hà Nội 2024”, cùng CTCP Công nghệ xanh GODA đã tham gia tổng vệ sinh sân chơi Công viên rừng Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm).

Từ đầu tuần qua, đợt sinh hoạt chính trị nghiên cứu, quán triệt tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về "Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" đã được toàn Đảng bộ thành phố triển khai sâu rộng.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính là một nhiệm vụ quan trọng, gắn liền với thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương.

Sáng 21/12, Quận ủy - HĐND - UBND - Uỷ ban MTTQ quận Hoàn Kiếm đã tổ chức Lễ kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân Dân Việt Nam và tri ân những đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.