Trục sông Hồng, biểu tượng phát triển mới của Thủ đô
Trục không gian chủ đạo của đô thị trung tâm
Với 462/470 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, sáng 28/6, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Một trong những điểm nhấn của Luật Thủ đô là cho phép Thành phố trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô
Vị trí quan trọng của sông Hồng đã được cụ thể hóa rất rõ trong Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội. Giờ đây, với việc Luật thủ đô được thông qua, Thành phố Hà Nội sẽ được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch.
Nguồn lực đất đai khu vực hai bên sông cũng sẽ phát huy được tối đa giá trị và giúp Hà Nội xây dựng mô hình thành phố ven sông xứng tầm với nhiều quốc gia trên thế giới. Từ đó, đưa sông Hồng trở thành biểu tượng mới của Thủ đô.
Thời gian trước, quy hoạch phân khu sông Hồng đã được thành phố Hà Nội chú trọng triển khai. Đặc biệt, Kế hoạch số 68 ngày 3/3/2023 đã xác định đến năm 2025 thành phố sẽ đầu tư xây dựng 5 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng thành các quận nội thành. Tất cả các quận, huyện này đều nằm ở hai bên bờ sông Hồng. Đây cũng là sự khẳng định mạnh mẽ vị trí trục trung tâm chủ đạo của sông Hồng.
Trong 5 trục động lực của Thủ đô mà Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đề cập, trục sông Hồng cũng chính là trục không gian chủ đạo của đô thị trung tâm với đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử.
Video: Quy hoạch sông Hồng phát huy tối đa nguồn lực đất đai
Sông Hồng trở thành dòng sông nằm giữa khu vực đô thị phía Bắc - Nam Thủ đô, chảy qua trung tâm thành phố. Về mặt hình thái, đô thị của Thủ đô Hà Nội sẽ quay mặt ra sông. Hai bên sông sẽ xây dựng con đường di sản văn hóa tái hiện lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc và con đường giới thiệu cảnh quan, đất nước con người, hình ảnh đặc trưng của các vùng miền để phát triển các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng.
Đây cũng là không gian tái hiện các lễ hội văn hóa truyền thống từ mọi miền tổ quốc; kết nối với khu vực hồ Tây, khu vực cầu Long Biên và phố cổ hình thành không gian phát triển các hoạt động du lịch, giải trí và kinh tế ban đêm.
Trục sông Hồng sẽ phân thành ba đoạn.
- Đoạn một từ Ba Vì đến cầu Hồng Hà dài 90 km.
- Đoạn hai từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở dài 40 km qua đô thị trung tâm (thuộc địa giới hành chính của 55 phường xã, 13 quận huyện gồm: Đan Phượng, Mê Linh, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín).
- Đoạn ba từ Mễ Sở đến hết Phú Xuyên dài 30 km được phát triển vận tải đường thủy, khai thác du lịch, dịch vụ văn hóa, dịch vụ sinh thái, nông nghiệp.
Trong đó, đoạn hai từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở (hai cây cầu dự kiến khởi công vào tháng 10/2024) sẽ có có 3 phân đoạn. Phân đoạn từ cầu Hồng Hà tới cầu Thăng Long là khu vực phát triển không gian sinh thái, bảo tồn tính tự nhiên.
Từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì sẽ là phân đoạn trung tâm, đa chức năng với các công trình công cộng, văn hóa dịch vụ thương mại. Còn phân đoạn từ cầu Thanh Trì đến cầu Mễ Sở được quy hoạch cho không gian sinh thái, trọng tâm với các khu vực trồng rau màu cây cảnh khu vực nuôi trồng thủy sản cùng làng nông nghiệp truyền thống và công trình di tích lịch sử.
Những thành phố lớn trên thế giới như London (Anh), New York (Mỹ) hay Seoul (Hàn Quốc)… cũng đều rất chú trọng đến việc quy hoạch đô thị ven sông, lấy những con sông như Thames, Hudson hay sông Hàn làm trục phát triển trung tâm. Từ đó, các đô thị ven sông này tạo dựng được thêm những giá trị kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.
Với sông Hồng, Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 cũng đã tính đến việc khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng; lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch, tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng và bãi giữa sông Hồng.
Định hướng này sẽ là “điểm tựa” để đưa con sông Hồng chảy giữa lòng Hà Nội, trở thành khung thiên nhiên, trở thành điểm nhấn đặc sắc của đô thị Hà Nội trong tương lai. Sông Hồng sẽ trở thành trục không gian xanh, vừa thay đổi diện mạo ấn tượng cho những vùng đất hai bên bờ sông, vừa lan toả, tạo động lực phát triển cho thành phố Hà Nội và cả vùng Thủ đô.
Với quan điểm ấy, Thành phố đã giao các cơ quan liên quan triển khai nghiên cứu lập Đề án "Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa chức năng", thuộc địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ, hướng tới việc hiện thực hóa các mục tiêu được định hướng trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Việc cải tạo bãi giữa, bãi bồi sông Hồng thành Công viên văn hóa du lịch của Thủ đô có thể xem như một giải pháp mang tính đột phá nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của bãi giữa sông Hồng. Đồng thời, việc này cũng giúp tạo không gian mở, xanh, đáp ứng nhu cầu vui chơi và thể thao, tham quan du lịch hấp dẫn du khách, giải quyết bài toán thiếu các không gian công cộng, nhất là các không gian văn hóa, sáng tạo, vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi và triển lãm nghệ thuật của người dân Thủ đô.
Phát triển hệ thống giao thông hiện đại
Cũng liên quan đến những cây cầu, theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn tới, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng thêm 9 cây cầu qua sông Hồng. Những cây cầu mới không chỉ khai thác tiềm năng quỹ đất hai bên bờ sông, giúp giải bài toán ách tắc mà thành phố đang phải đối mặt, mà còn tăng kết nối, phát triển kinh tế-xã hội liên vùng Thủ đô, góp phần đưa trục sông Hồng trở thành một biểu tượng mới cho sự phát triển của Hà Nội.
Ðồ án quy hoạch Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 cũng đề xuất hệ thống tàu điện một ray (sky-monorail) bố trí dọc hai bên sông Hồng. Hệ thống tàu điện này sẽ kết nối với tuyến xe buýt đường sông, tạo nền tảng hệ thống giao thông công cộng, xóa sự ngăn cách về không gian của hệ thống đê tả và hữu Hồng, góp phần đưa đô thị phát triển hướng ra sông thay vì quay lưng lại sông như nhiều năm qua.
Với khổ tàu và đường ray bé, tàu có thể kết nối, trung chuyển khách vào khu vực phố cổ. Được biết, đơn vị tư vấn đã đề xuất ba lộ trình có thể thực hiện tuyến tàu một ray. Tuyến số 1 dài khoảng 11 km từ Liên Hà (huyện Ðông Anh) đến Tân Lập - An Khánh (huyện Hoài Ðức). Tuyến số 2 chạy từ Mai Dịch - Mỹ Ðình - Văn Mỗ - Phúc La - Giáp Bát - Thanh Liệt -đến Phú Lương dài khoảng 22 km. Tuyến số 3 từ Nam Hồng (huyện Ðông Anh) đến Ðại Thịnh (huyện Mê Linh) dài khoảng 11 km.
Phương tiện công cộng này có nhiều ưu điểm như cấu trúc gọn, di chuyển êm không gây ồn ào, hiệu quả vận chuyển hành khách cao và chi phí đầu tư cho loại hình này thấp hơn các loại hình tàu điện khác. Tàu điện một ray có thể dễ dàng đi vào các hành lang trong thành phố, mà không cần sự trợ giúp của hệ thống lưới điện quốc gia và các trạm điện…
Tại các điểm kết nối nhà ga của tuyến đường sắt một ray sẽ kết hợp với dịch vụ du lịch, văn hóa với các giá trị vật thể và phi vật thể như bãi tắm Chử Ðồng Tử, đền Nguyên Phi Ỷ Lan, làng cổ Bát Tràng... , qua đó khai thác hiệu quả hơn tiềm năng du lịch của Trục sông Hồng.
Hà Nội đánh thức tiềm năng du lịch sông Hồng
Sông Hồng với nhiều cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, làng cổ đã mở ra cơ hội cho doanh nghiệp xây dựng tour đặc trưng của Hà Nội. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch của con sông này vẫn đang ngủ đông khi chưa được khai thác xứng tầm.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, năm 2024, ngành du lịch Thủ đô chú trọng phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn dựa trên các lợi thế của từng địa phương.
Video: Đưa sông Hồng trở thành biểu tượng mới của Thủ đô
Ngày 21/6, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức chương trình khảo sát một số tuyến điểm du lịch dọc sông Hồng. Tuyến du lịch sông Hồng do Xí nghiệp Đầu tư và Phát triển du lịch sông Hồng khai thác từ nhiều năm qua, hiện có 6 tuyến tham quan chính với nhiều trải nghiệm hấp dẫn, như: Những nhịp cầu hạnh phúc; Ấn tượng sông Hồng và 4 chương trình Trên dòng sông Phật pháp với hành trình thăm các đình, đền, chùa từ huyện Gia Lâm, Thường Tín (Hà Nội) đến huyện Khoái Châu (Hưng Yên), Duy Tiên (Hà Nam), thị xã Từ Sơn và huyện Thuận Thành (Bắc Ninh).
Trong đó, tuyến Ấn tượng sông Hồng thăm đền Đại Lộ, đền Dầm (huyện Thường Tín, Hà Nội), đền Chử Đồng Tử - Tiên Dung (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã hình thành từ hơn 20 năm trước.
Trước đó, Sở Du lịch phối hợp với Tổng Công ty Du lịch Hà Nội khảo sát xây dựng tour du lịch đường thủy kết nối các điểm du lịch văn hóa, làng nghề trên khu vực sông Hồng nhằm đưa vào khai thác tour du lịch đường thủy kết nối phố cổ Hà Nội với làng gốm sứ Bát Tràng, di tích đền thờ Chử Đồng Tử.
Đây là một trong những hoạt động góp phần để ngành du lịch Hà Nội quảng bá hình ảnh Thủ đô đến với bạn bè trong nước và quốc tế, thúc đẩy việc đạt được mục tiêu đón 27 triệu lượt khách du lịch đến với Hà Nội trong năm 2024, trong đó, 5,5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 103 nghìn tỷ đồng.
Hạn chế lớn nhất hiện nay là hệ thống bến cảng, bến tàu thủy nội địa ở Hà Nội thiếu trầm trọng và không bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật khiến tàu du lịch khó cập bến, đặc biệt là vào mùa nước cạn từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau.
Sự chồng chéo trong các chính sách, quy định về cấp phép, quản lý bến tàu thủy nội địa và phương tiện đường thủy cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư không dám vận hành, khai thác sản phẩm du lịch đường sông tại Hà Nội.
Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bến bãi và cảnh quan hai bên sông; sản phẩm du lịch cũng như công tác xúc tiến quảng bá sản phẩm còn nghèo nàn, đơn điệu; thiếu hướng dẫn viên có trình độ ngoại ngữ tốt; thiếu tính liên kết, hoạt động tìm hiểu văn hóa và trải nghiệm tại các làng nghề, làng cổ ở các địa phương trên dọc tuyến sông còn hạn chế là những nguyên nhân khiến tuyến du lịch sông Hồng chưa thu hút được du khách trong nước và quốc tế.
Sau chương trình khảo sát, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các sở, ngành, các chuyên gia để xây dựng kế hoạch cụ thể. Từ đó, tham mưu, đề xuất với UBND thành phố về việc khai thác, phát triển tuyến du lịch sông Hồng.
Trong đó, ưu tiên đầu tư, xây dựng và quản lý bến tàu thủy nội địa; cải tạo cảnh quan môi trường; bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách; nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách gia tăng trải nghiệm cho du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ và đội ngũ phục vụ tàu, đội ngũ hướng dẫn viên, lắp đặt hệ thống audio guide (thuyết minh tự động) và hệ thống màn hình chiếu trên tàu để tăng cường thông tin về các điểm đến cho du khách.
Thực hiện: Đỗ Bắc
Đồ họa: Thanh Nga
Sau 11 tháng triển khai, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành 19 nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Đề án 06 do Chính phủ giao. Thông tin được nêu tại Hội nghị giao ban thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của đề án 06 trên địa bàn thành phố Hà Nội, diễn ra chiều 21/11.
Hôm nay, 21/11, Thành ủy - HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Sau 11 tháng triển khai, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành 19 nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Đề án 06 do Chính phủ giao.
Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Quy định áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn thành phố Hà Nội. Văn bản nhằm cụ thể hóa Điều 33 Luật Thủ đô năm 2024.
Sáng 21/11, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô.
Trên địa bàn huyện Quốc Oai, nhiều tuyến giao thông trọng điểm đang gấp rút thi công nhằm đạt các tiến độ, về đích trước ngày 31/12/2024.
0