Bước tiến mới của EU trong việc bảo tồn thiên nhiên

Liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua luật khôi phục thiên nhiên, một trong số những chính sách môi trường lớn nhất của EU.

EU thông qua luật khôi phục thiên nhiên

Khí hậu Trái đất ngày càng khắc nghiệt, các hiện tượng thiên tai xảy ra với cường độ ngày càng mạnh hơn và tần suất dày đặc hơn. Một phần nguyên nhân là do tác động của con người. Sự mở rộng của đô thị, các hoạt động sản xuất đang thu hẹp các không gian xanh, gây tổn hại tới hệ sinh thái.

Tại châu Âu, hơn 80% môi trường sống được đánh giá là trong tình trạng suy thoái. Để ngăn chặn tình trạng này, Liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua luật khôi phục thiên nhiên. Đây là luật xanh đầu tiên được thông qua kể từ cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu trong tháng này.

Đạo luật yêu cầu 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu đưa ra các biện pháp nhằm khôi phục ít nhất 20% diện tích đất liền và không gian biển. Mục tiêu đến năm 2030 đạt mức độ khôi phục tối thiểu là 30%, năm 2040 là 60% và năm 2050 là 90%.

Hơn 80% môi trường tự nhiên của châu Âu đang trong tình trạng không tốt. Ảnh: AFP.

Luật cũng đưa ra quy định riêng với hệ sinh thái. Các nước châu Âu cần nâng cao hai trong ba chỉ số gồm: quần thể bướm đồng cỏ, trữ lượng carbon hữu cơ trong đất khoáng, đất trồng trọt và đất nông nghiệp có cảnh quan đa dạng cao; đồng thời tăng số lượng loài chim, côn trùng thụ phấn và đảm bảo không có tổn thất về không gian xanh đô thị cũng như độ che phủ của tán cây, đến cuối năm 2030.

Luật cũng đặt ra yêu cầu các nước sẽ phải trồng thêm ba tỷ cây xanh và khôi phục lại dòng chảy tự nhiên của 25.000 km đường thủy. Tăng độ che phủ cây xanh đô thị, phục hồi vùng đất than bùn. Vì đây là một trong những cách tiết kiệm chi phí nhất để giảm lượng khí thải trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo tính toán của Ủy ban châu Âu (EC), luật mới sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể khi 1 Euro đầu tư cho khôi phục thiên nhiên sẽ mang lại lợi ích ít nhất là 8 Euro.

Đề xuất về Luật Phục hồi thiên nhiên đã được Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra từ năm 2022 và được thiết kế để khắc phục thiệt hại hàng thập kỷ đối với động vật hoang dã trên cạn lẫn dưới nước.

Sẽ không có an ninh lương thực trên thế giới nếu thiên nhiên bị tàn phá. Chúng ta đã đạt được thỏa hiệp và đặc biệt là chú ý đến mối quan tâm của cộng đồng nông dân.

Đây là cơ hội thực sự để trả lời những gì nông dân đang phản đối, đặc biệt là những nông dân thiệt thòi nhất trong liên minh của chúng ta, rằng họ cần một giải pháp, thu nhập công bằng để bảo vệ thiên nhiên.

Ông Eamon Ryan - Bộ trưởng Môi trường Ireland.

Các nước EU và Nghị viện châu Âu đã đàm phán một thỏa thuận về luật này vào năm ngoái nhưng nó đã bị một số chính phủ chỉ trích trong những tháng gần đây, trong bối cảnh nông dân phản đối vì các quy định tốn kém của EU.

Một số nước cũng bày tỏ quan ngại chính sách này sẽ làm chậm lại việc mở rộng các trang trại điện gió và các hoạt động kinh tế khác.

Brazil công bố kế hoạch bảo vệ rừng Amazon

Rừng Amazon chiếm hơn một nửa diện tích rừng mưa trên thế giới và được coi là lá phổi của Trái đất. Chính vì vậy, việc bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm tại khu vực này chính là bảo vệ sự tồn tại và phát triển của thế giới loài người.

Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, rừng bị tàn phá nghiêm trọng. Các nhà nghiên cứu cảnh báo rừng Amazon đang phải đối mặt với hàng loạt áp lực, có thể khiến hệ sinh thái khổng lồ này sụp đổ sau năm 2050.

Tổng thống Brazil Lula da Silva mới đây đã công bố triển khai kế hoạch đặc biệt để bảo vệ lá phổi xanh của thế giới. Tổng thống Lula da Silva nhấn mạnh chưa bao giờ trong lịch sử Brazil, việc triển khai các biện pháp đặc biệt để bảo vệ rừng Amazon lại thu hút sự quan tâm lớn của thế giới như hiện nay.

Nhà lãnh đạo tuyên bố cần nhanh chóng hành động, nếu không sẽ không thể hoàn tất kế hoạch này trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào cuối năm 2026. Ông Lula đã phải mất một năm để lên kế hoạch an ninh cho Amazon. Ngân sách dành cho kế hoạch này là 221 triệu USD.

Tổng thống Brazil và Pháp đã công bố kế hoạch đầu tư 1,1 tỷ USD vào Amazon, bao gồm các phần của rừng nhiệt đới ở vùng Guiana thuộc Pháp lân cận. Ảnh: Getty Images.

Kế hoạch này có tên gọi chính thức là "Kế hoạch Amazon: An ninh và Chủ quyền". Ngân sách cho dự án được chi từ Quỹ Amazon, một sáng kiến do quốc tế tài trợ với sự đóng góp của các nước và tổ chức như Đức, Anh, Đan Mạch, Liên minh châu Âu và Mỹ.

Kế hoạch an ninh Amazon nhằm tăng cường các phương tiện như tàu thuyền và trực thăng để đấu tranh chống nạn chặt cây và đốt rừng Amazon, khu vực có diện tích lên tới 6,3 triệu km2.

Kế hoạch này cũng bao gồm việc thiết lập một trung tâm hợp tác cảnh sát quốc tế tại thành phố Manaus, là thủ phủ của bang Amazonas.

Trung tâm này sẽ do cơ quan chức năng các nước Nam Mỹ có lãnh thổ trong khu vực Amazon điều hành. Tuy nhiên, bất chấp những thành tựu gần đây trong việc giảm nạn phá rừng, Bộ trưởng Môi trường Brazil Marina Silva cảnh báo thế giới vẫn còn nhiều việc phải làm.

Ngay cả khi chúng ta không phá rừng, nhưng nếu thế giới không thực hiện phần việc của mình bằng cách giảm lượng khí thải CO2 do sử dụng nhiên liệu hóa thạch, chúng ta thậm chí vẫn sẽ mất Amazon vì rừng có thể rơi vào tình trạng bị hoang hóa.

Bà Marina Silva - Bộ trưởng Môi trường Brazil.

Ngay từ khi trở lại nắm quyền hồi tháng 1 năm ngoái, Tổng thống Lula Da Silva coi bảo vệ môi trường là ưu tiên, với mục tiêu đầy tham vọng là chấm dứt nạn phá rừng bất hợp pháp trước năm 2030.

Với Tổng thống Lula Da Silva, ‘‘Brazil có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc bảo vệ sự cân bằng khí hậu toàn hành tinh. Giảm việc phá rừng Amazon cũng là giúp giảm đà nóng lên toàn cầu’’.

Số phận mong manh của nhiều loài sinh vật

Thiên nhiên bị tàn phá là một trong những nguy cơ dẫn tới biến đổi khí hậu. Điều này đang tác động nghiêm trọng tới đời sống của nhiều loài sinh vật từ vùng đất băng giá đến vùng núi cao.

Theo một nghiên cứu mới đây, khí hậu toàn cầu nóng lên khiến băng tan chảy nhanh hơn làm mất môi trường sống của loài gấu Bắc Cực sống tại khu vực Vịnh Hudson của Canada. Chúng có thể phải đối mặt với tình trạng đói kém hơn nữa và cuối cùng là tuyệt chủng cục bộ trong những thập kỷ tới.

Ba trong số 19 quần thể gấu Bắc Cực còn lại trên thế giới sống trong và xung quanh Vịnh Hudson rộng lớn của Canada, nơi nối liền biển Bắc Cực và Đại Tây Dương.

Một con gấu trắng Bắc cực kiệt quệ vì không thể tìm được thức ăn. Ảnh: sciencetimes.com.

Khu vực này là khu vực độc nhất ở Bắc Cực vì chỉ có tại vùng vịnh này băng tan hoàn toàn vào mùa hè. Hằng năm, kể từ cuối tháng 6, gấu Bắc Cực phải di chuyển lên bờ để bắt đầu bước vào giai đoạn nhịn ăn bắt buộc bởi không còn băng để chúng có thể săn hải cẩu. Khi nhiệt độ trung bình toàn cầu ngày càng tăng thì giai đoạn nhịn ăn của gấu Bắc Cực cũng bị kéo dài thêm.

Phạm vi băng biển bao phủ Vịnh Hudson của Canada đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 5, làm tăng thêm mối lo ngại về số phận của khoảng 4.000 con gấu Bắc Cực sống ở khu vực này.

Băng ở Bắc Cực đang tan nhanh do tình trạng nóng lên toàn cầu. Ảnh: Reuters.

Theo các nghiên cứu, hiện nay thế giới đang trên đà vượt qua mức nóng lên 1,5 độ C vào những năm 2030. Số lượng gấu Bắc Cực ở Vịnh Hudson phía Tây đã giảm một nửa kể từ năm 1987.

Gấu Bắc Cực là một loài động vật ăn thịt, với nguồn thức ăn chính là mỡ của hải cẩu. Tuy nhiên, ngày nay, loài động vật săn mồi Bắc Cực này đôi khi phải ăn rong biển.

Suy giảm số lượng quần thể ong đe dọa trực tiếp đến nghề săn mật ong truyền thống ở Nepal.

Khí hậu toàn cầu nóng lên cũng làm giảm số lượng đàn ong tại vùng núi Himalya của Nepal.

Loài ong đóng vai trò quan trọng đối với nông nghiệp và sinh kế của người dân. Ở các ngôi làng vùng núi Himalaya của Nepal, săn mật ong là một nghề truyền thống được truyền qua nhiều thế hệ và là nguồn thu nhập ngoài lúa, ngô, kê và lúa mì của người dân.

Nhưng dân làng ngày càng lo lắng vì số lượng ong và tổ ong đang giảm dần. Ông Surendra Raj Joshi, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Phát triển Núi tích hợp Quốc tế Nepal và cũng là chuyên gia về ong, cho biết biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến loài ong vách đá Himalaya theo nhiều cách.

Mưa quá nhiều hoặc quá ít, mưa thất thường và dữ dội, khô hạn kéo dài,  thời tiết nóng và lạnh bất thường gây căng thẳng cho việc duy trì sức mạnh của tổ ong và trữ lượng mật ong.

Ông Surendra Raj Joshi.

Ông Joshi cũng cho biết sự suy giảm quần thể ong đồng nghĩa với việc cây trồng vùng núi cao và hệ thực vật hoang dã không được thụ phấn đầy đủ - năng suất cây trồng giảm và khả năng đậu quả hoặc hạt ít hơn.

Các nhà khoa học nhận định rằng số phận ngày càng mong manh của các loài sinh vật chính là lời cảnh tỉnh cho nhân loại, bởi chúng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái.

Kazakhstan đưa ngựa hoang trở lại thảo nguyên sau 200 năm

Nhiều quốc gia đang nỗ lực bảo tồn các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng để khôi phục lại sự đa dạng sinh thái. Các nhà chức trách Kazakhstan đã lần đầu tiên đưa những con ngựa hoang trở lại thảo nguyên sau gần 200 năm. Đây là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của nước này nhằm đưa những con ngựa hoang cuối cùng trên thế giới trở lại môi trường sống ban đầu của chúng.

Những con ngựa màu nâu cát có nguy cơ tuyệt chủng đã từng lang thang trên khắp đồng cỏ Trung Á. Chúng được đặt theo tên của nhà địa lý người Nga Nikolai Prewalski, người đã phát hiện ra chúng vào cuối thế kỷ XIX.

Vào thời điểm đó, phạm vi phân bố của ngựa Prewalski đã giảm xuống chỉ còn một phần ở phía tây Mông Cổ. Tuy nhiên, việc săn bắn, sự thay đổi môi trường sống do các hoạt động của con người và mùa Đông khắc nghiệt đã đẩy loài này đến bờ vực tuyệt chủng vào những năm 1960 và chỉ còn lại những con ngựa được bảo tồn trong điều kiện nuôi nhốt.

Ngựa Przewalski được thả tại thảo nguyên ở thị trấn Arqalyk, Kazakhstan, ngày 4/6/2024. Ảnh: AFP.

Sau này, ngựa Prewalski đã được du nhập trở lại Trung Quốc và miền Tây Mông Cổ, nơi số lượng của chúng hiện nay là 850 con.

Hiện nay, Vườn thú Praha ở Cộng hòa Séc, nơi quản lý sổ ghi chép về loài này, muốn đưa chúng trở lại Altyn Dala, được mệnh danh là "Thảo nguyên vàng" ở miền Trung Kazakhstan. Đây là một vùng đồng cỏ và vùng đất ngập nước rộng lớn có diện tích khoảng 7.000 km2, là môi trường sống ban đầu của loài ngựa Przewalski.

Đầu tháng 6 vừa qua, 7 con ngựa đầu tiên đã được đưa đến Kazakhstan. Máy bay quân sự của Cộng hòa Séc đã vận chuyển chúng từ Praha và Berlin đến thành phố Arkalyk của Kazakhstan, từ đó chúng tiếp tục di chuyển bằng xe tải cùng với những người trông coi vườn thú.

Những con ngựa sẽ ở trong chuồng trong vòng một năm để học cách thích nghi với mùa đông khắc nghiệt của thảo nguyên. Khoảng 40 con khác đang được lên kế hoạch chuyển tới đây trong 5 năm tới. Kế hoạch tái phục hồi loài ngựa này là một phần quan trọng trong nỗ lực bảo tồn tự nhiên của Kazakhstan.

Nếu thế giới vi phạm mục tiêu của thỏa thuận về hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp, thì trong tương lai không xa, rất nhiều loài sinh vật sẽ biến mất, đe dọa nghiêm trọng tới sự ổn định sinh thái và cuộc sống của con người.

Chính vì vậy, việc bảo tồn thiên nhiên là cần thiết để duy trì khả năng chống chịu, phục hồi và thích ứng với biến đổi khí hậu của môi trường. Và việc đó trước hết phải bắt đầu từ chính những hành động bảo vệ môi trường hàng ngày của mỗi chúng ta.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Khi cuộc chiến Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 4, nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết cuộc xung đột khi ông chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.

TikTok có thể xem là một trong những ứng dụng "xấu số" nhất thế giới. Dù có lượng người dùng đông đảo, ứng dụng này cũng đang bị cấm tại rất nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều lý do khác nhau.

Sáng 17/12, một thiết bị nổ được cài trong một chiếc xe scooter điện đã phát nổ gần lối vào của một tòa dân cư trên Đại lộ Ryazansky ở Moscow, vào đúng thời điểm người đứng đầu Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga Igor Kirillov cùng trợ lý của ông đi ngang qua, khiến hai người thiệt mạng.

Theo các nguồn tin Ukraine, tính đến tháng 11 năm nay, ít nhất 18 tướng, một đô đốc Nga đã thiệt mạng. Tuy nhiên, phía Nga mới xác nhận 8 trường hợp, và thêm trường hợp mới nhất là Trung tướng Igor Kirillov.

Ở tuổi 73, ông Francois Bayrou trở thành thủ tướng thứ 4 của nước Pháp chỉ trong vòng một năm. Ông sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua và vực dậy nền kinh tế.

Israel đã tận dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để ném bom các mục tiêu trên khắp đất nước nước này. Israel tuyên bố chiến dịch quân sự của họ ở Syria chỉ là “biện pháp tạm thời” để đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn vũ khí của Syria rơi vào tay những kẻ cực đoan.