Cân nhắc yếu tố đặc biệt nếu sáp nhập quận Hoàn Kiếm

Theo Nghị quyết số 35 của UBTV Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã; quận Hoàn Kiếm với diện tích 5,29km2 sẽ là đơn vị cấp huyện duy nhất của Hà Nội thuộc diện phải sáp nhập. Tuy nhiên người dân và các chuyên gia mong muốn cơ quan chức năng cân nhắc kỹ lưỡng trong quá trình thực hiện.

 

Phát biểu tham luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định, Hà Nội sẽ thực hiện nghiêm túc chủ trương của Quốc hội và tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời khẳng định, đây là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Riêng với đơn vị hành chính cấp huyện là quận Hoàn Kiếm trong diện phải sắp xếp, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch, lập đề án chi tiết, cụ thể báo cáo Chính phủ từng bước thực hiện cẩn trọng, hiệu quả. Trong đó, Thành phố sẽ cân nhắc rất kỹ, đánh giá cụ thể cả những hệ quả, tác động về văn hóa, lịch sử, con người vì lợi ích phát triển bền vững của Thủ đô.

Là quận nội đô, Hoàn Kiếm gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Thăng Long Hà Nội. Ngoài những giá trị văn hóa riêng có, đặc sắc, nơi đây cũng là một trong những trung tâm kinh tế lớn của Thủ đô và là hình mẫu về phát triển kinh tế ban đêm, công nghiệp văn hóa.

Trước thông tin quận Hoàn Kiếm trong diện sáp nhập, người dân của quận nội đô lịch sử cũng có những tâm tư và băn khoăn. Với họ, Hoàn Kiếm không chỉ là địa danh, mà còn là niềm tự hào, là biểu tượng của Thăng Long nghìn năm văn hiến.

Năm nay đã ngoài 70 tuổi, ông Chử Bá Điệp - phường Hàng Trống - quận Hoàn Kiếm gắn bó với từng con phố cổ, với Liên khu 1 anh hùng này cũng từng ấy năm. Suy tư trước những thông tin Hoàn Kiếm thuộc diện những quận huyện sáp nhập, ông cho rằng “Người Hoàn Kiếm có đặc thù riêng, họ có cái gốc, nề nếp của người Hà Nội xưa. Những truyền thống, những mặt hàng mà người Hoàn Kiếm làm ra trong suốt quá trình lịch sử luôn giữ được vai trò gìn giữ những nét văn hoá. Đặc biệt là khách du lịch trong nước và quốc tế đến Hà Nội luôn muốn đến địa bàn này để thưởng thức những giá trị truyền thống, tham quan các di tích, thắng cảnh, ẩm thực của người Hà Nội. Duy trì nếp sống của Hoàn Kiếm là điều rất cần thiết trong sự phát triển chung của Thủ đô”. 

Cùng với ông Điệp, nhiều người dân gắn bó với Hồ Gươm cùng 36 phố phường Hà Nội chung một nỗi băn khoăn. Ông Nguyễn Thanh Hà - phường Hàng Đào - quận Hoàn Kiếm bày tỏ sự ngạc nhiên trước thông tin này. Theo ông, quận Hoàn Kiếm của Hà Nội là đặc trưng của Hà Nội và không thể thay thế. Chung dòng suy nghĩ, ông Nguyễn Văn Hiệp - phường Phan Chu Trinh - quận Hoàn Kiếm khẳng định “Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước, Hoàn Kiếm là trái tim của Hà Nội - một trái tim khỏe không cần phải thật to. Với những trầm tích lịch sử văn hóa lâu đời của quận Hoàn Kiếm, Hồ Gươm cùng với những di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, chúng tôi mong muốn Quốc hội, đặc biệt là Thành phố Hà Nội khi thực hiện đề án này cần lưu ý đến nguyện vọng, ý kiến của đông đảo người dân”.   

Còn với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quận Hoàn Kiếm mang trong mình các giá trị riêng có, mà không nơi nào có thể so sánh được. Việc sáp nhập là cần thiết nếu theo quy định của pháp luật, tuy nhiên cần có sự cân nhắc về các tiêu chí. Đặc biệt là với đô thị đặc biệt như Thủ đô Hà Nội. PGS. TS. Phạm Trọng Thuật - Chủ tịch Hội đồng Trường - Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội bày tỏ suy nghĩ: “Việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm là một quyết sách lớn nhưng khi sáp nhập chúng ta nên chú trọng đến các đặc thù rất riêng. Đó là cái ký ức đô thị. Ký ức đô thị giữ vai trò rất lớn, rất quan trọng giúp cho người dân và tất cả các du khách đến với Hà Nội lưu lại hình ảnh về một đô thị với những ký ức mang bề dày lịch sử. Và khi chúng ta sáp nhập đơn vị hành chính thì cần phải coi đây là một khu vực mang tính đặc thù để có những giải pháp riêng, ứng xử với nó thay vì chúng ta áp dụng chính sách hàng loạt như các đơn vị khác trong địa bàn”.

Trên thực tế, để quyết định sáp nhập một đơn vị hành chính hay không, còn phải căn cứ vào điều kiện giao thông, vị trí địa lý, truyền thống lịch sử. Bên lề hội thảo về sửa đổi Luật Thủ đô diễn ra sáng nay, ông Nguyễn Hữu Thành - Phó vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) - cho biết việc sắp xếp, sáp nhập lại đơn vị hành chính dựa trên các tiêu chí tại Nghị quyết số 1211 và Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, ngoài tiêu chí đảm bảo dân số và diện tích tự nhiên thì vẫn phải xét tới yếu tố đặc thù như đã ổn định từ năm 1945; liên quan tới văn hóa, lịch sử dân tộc. Vì vậy, với những quận, huyện đặc thù, vẫn còn phải nghiên cứu, xem xét. “Hiện nay mới đánh giá theo tiêu chí dân số, diện tích tự nhiên thì quận Hoàn Kiếm thuộc diện sắp xếp lại. Ngoài ra còn yếu tố đặc thù của quận Hoàn Kiếm, được nêu cụ thể trong Nghị quyết 35, gồm: Điều kiện giao thông, vị trí địa lý, truyền thống lịch sử… Các yếu tố này sẽ là căn cứ để quyết định có sáp nhập hay không”, ông Thành cho biết.

Vấn đề này cũng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ lưu ý, các địa phương phải xây dựng đề án cụ thể, vừa phải bảo đảm tiêu chí, tiêu chuẩn chung. Đồng thời chú trọng các yếu tố đặc thù, không làm cực đoan, phiến diện, phải rất khoa học và thực tiễn. Đặc biệt, trong đó phải tạo không gian phát triển mới với tư duy mới, tạo giá trị mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, chú trọng giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa lịch sử, bản sắc của các địa phương, cộng đồng dân cư.

 

 

Quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội với 18 phường, rộng 5,29 km2, dân số gần 156.000. 

Là quận có diện tích nhỏ nhất Hà Nội, tuy nhiên, Hoàn Kiếm có số thu ngân sách lớn nhất nhì thành phố, năm 2022 lên tới 12.500 tỷ đồng.

Quận Hoàn Kiếm là quận trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ đô, trong 190 di tích lịch sử văn hóa, di tích nổi tiếng có nhiều danh thắng không chỉ quen thuộc với người dân Việt Nam mà còn với bạn bè quốc tế như quần thể di tích Hồ Gươm - đền Ngọc Sơn - đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, cửa Ô Quan Chưởng, Nhà hát Lớn Hà Nội, nhà tù Hỏa Lò, Quảng trường 19/8, chợ Đồng Xuân…

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hà Nội với vẻ đẹp cổ kính và những phố phường rộn rã nhịp sống, từ lâu đã là nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ. Trong không gian tĩnh lặng của những bức tranh, Thủ đô hiện lên dịu dàng và thơ mộng.

Hà Nội không chỉ có bốn mùa quen thuộc xuân - hạ - thu - đông, mà còn có cả một mùa để lưu giữ những bức ảnh, những thước phim, những xúc cảm và kỷ vật vô giá của một thời học trò dấu yêu sẽ không bao giờ trở lại.

Trong môi trường học đường, các thầy, cô giáo Tổng phụ trách Đội không chỉ là một giáo viên mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc dìu dắt các thế hệ đàn em thân yêu, góp phần hình thành nhân cách và những giá trị tốt đẹp cho thế hệ măng non đất nước, giúp các em rèn luyện, phấn đấu để trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ.

Bảo tàng Sinh học, Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) được thành lập năm 1926. Đây là Bảo tàng Sinh học đầu tiên của Đông Dương. Trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, lần đầu tiên, Bảo tàng đặc biệt này mở cửa cho người dân tham quan.

Sau cơn bão Yagi tàn phá, những cánh đồng ở xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội, đã hồi sinh với vẻ đẹp tràn đầy sức sống.

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được gọi là đất Kẻ Chợ. Theo các ghi chép lịch sử, thành Đại La từ xưa là một khu chợ của cả lưu vực sông Hồng, vậy nên người dân khắp nơi đổ về đây trước hết là để buôn bán, dần dần về sau, họ lập thành các phường nghề, rồi làng nghề và hình thành nên các con phố "hàng" trên mảnh đất Kinh kỳ.