Cần 'vắc xin' trị bệnh loạn ngôn của người nổi tiếng

Thời gian qua, việc những người nổi tiếng phát ngôn bừa bãi, lệch chuẩn và sai sự thật, làm nhiễu loạn thông tin, gây bức xúc dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, với bệnh loạn ngôn này, cần có biện pháp xử lý mạnh tay, đó sẽ là liều "vắc xin" tốt nhất để chữa trị tận gốc căn bệnh này.

Những phát ngôn ngông cuồng, mất kiểm soát

Chưa bao giờ câu chuyện văn hóa ứng xử của người nổi tiếng trên mạng xã hội lại tạo nên nhiều tranh cãi trong công chúng như hiện nay. Đã có không ít nghệ sĩ phải trả giá cho những phát ngôn, hành vi lệch chuẩn của mình.

Một số nghệ sĩ tên tuổi, có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, thậm chí làm cán bộ lãnh đạo, quản lý, đã bị cách chức vì các phát ngôn thiếu chuẩn mực trên trang cá nhân. Không ít nghệ sĩ bị xử phạt vì đăng tải những thông tin thiếu kiểm chứng... 

Nhưng có lẽ hình phạt nặng nhất đối với nghệ sĩ là sự coi thường, mất niềm tin của người hâm mộ. Mặc dù sau đó họ đã có lời xin lỗi, thanh minh, nhưng để có thể lấy lại được sự yêu mến của công chúng là điều không hề dễ dàng. 

Sau một thời gian được xem là khá bình yên của giới showbiz Việt, mới đây, lùm xùm của người đẹp Nam Em, diễn viên Thương Tín lại tạo sóng dư luận về chuyện phát ngôn, hành xử của nghệ sĩ. 

Người đẹp Nam Em liên tục livestream chia sẻ chuyện hậu trường showbiz, khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều, bức xúc.

Vào cuối tháng 2, người đẹp Nam Em liên tục livestream chia sẻ chuyện hậu trường showbiz. Vì loạt livestream này, Nam Em đã bị phạt 37,5 triệu đồng. Sau đó, trong một livestream vào giữa tháng 3, Nam Em lại tiếp tục có hành vi lệch chuẩn khi bất ngờ leo ra ngoài ban công. Hành động này của cô đã gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng, là người của công chúng, những phát ngôn, hành động không đúng mực của Nam Em sẽ ảnh hưởng xấu tới giới trẻ. Mới nhất, Nam Em tiếp tục bị phạt 10 triệu đồng, đồng thời bị kiến nghị hạn chế các tài khoản mạng xã hội.

Nghệ sĩ Thương Tín, người đã từng có một thời là thần tượng của không biết bao người, thời gian qua cũng đã có những phát ngôn bừa bãi. Điển hình là vụ việc NSND Trịnh Kim Chi và nhạc sĩ Tô Hiếu, những người đã và đang đứng ra cưu mang, giúp đỡ ông vượt qua khó khăn, nhưng đã bị Thương Tín tố họ lợi dụng ông. Ban đầu, khán giả tin lời nam nghệ sĩ này khi nhìn vào vẻ ngoài khắc khổ, đáng thương của ông. Tuy nhiên, dần dà mọi việc vỡ lở, các phát ngôn sai lệch về chuyện tiền bạc và cát sê của Thương Tín khiến công chúng ngao ngán. 

Các phát ngôn sai lệch của Thương Tín với những ân nhân của ông khiến công chúng ngao ngán

Trước đó không lâu, người mẫu Ngọc Trinh bị tuyên phạt một năm tù, cho hưởng án treo về tội “gây rối trật tự công cộng” khi thực hiện các động tác lái xe nguy hiểm, đăng clip lên mạng xã hội, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận, đặc biệt là giới trẻ.

Có thể nói, sau hơn hai năm bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ có hiệu lực, tình trạng loạn “rác” văn hóa đã giảm, nhưng chưa giải quyết một cách triệt để. Đâu đó vẫn còn những nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử, lối sống… tạo ra dư luận không tốt, ảnh hưởng đến những người hoạt động nghệ thuật chân chính.

"Cấm sóng" nếu có scandal, vi phạm đạo đức

Nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan truyền thông, báo chí cần nghiêm khắc hơn khi mời nghệ sĩ lên sóng. Vì chỉ cần "cấm sóng" trên các phương tiện truyền thông đại chúng với những nghệ sĩ vi phạm đạo đức, chính là một hình phạt rất nặng và có tác động trực tiếp tới sự nghiệp và cuộc sống của họ. Nếu thực hiện nghiêm túc việc này, nghệ sĩ sẽ ý thức được nguy cơ bị "cấm sóng" nếu có những hành vi vi phạm. 

Nghệ sĩ Nguyễn Đồng Long, Chủ tịch Hội nghệ sĩ trẻ Hà Nội

"Hành vi lệch chuẩn của người nổi tiếng xuất phát từ việc chúng ta chưa có một hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn, đồng thời chúng ta cũng chưa có các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn các hành vi đó.

Nghệ sĩ Nguyễn Đồng Long, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ trẻ Hà Nội

Nghệ sĩ Nguyễn Đồng Long, Chủ tịch Hội nghệ sĩ trẻ Hà Nội, lên tiếng trên rất nhiều diễn đàn về những hành vi lệch chuẩn, những phát ngôn không chuẩn mực trên không gian mạng xã hội của một bộ phận nghệ sĩ. Theo anh, hình thức kỷ luật “cấm sóng” hay hạn chế lên sóng đối với những nghệ sĩ gây ra nhiều tai tiếng sẽ là điều cần thiết để làm gương cho những nghệ sĩ trẻ mới vào nghề.

Nghệ sĩ Nguyễn Đồng Long cho rằng sự nguy hại của những thông điệp không đúng, lệch chuẩn được phát ra từ những người nổi tiếng, sẽ có tác động rất lớn tới công chúng, đặc biệt là giới trẻ, bởi những người trẻ thường có xu hướng "bắt trend", vì thế chỉ một câu nói hay hành động của thần tượng sẽ có tác động rất mạnh tới tâm lý và tinh thần của những người trẻ. Chính vì vậy, việc các cơ quan, ban, ngành cùng vào cuộc quyết liệt ngăn chặn, xử lý các hành vi lệch chuẩn của người nổi tiếng sẽ là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần kết hợp với các biện pháp tuyên truyền, giáo dục để những nghệ sĩ vi phạm có cơ hội được sửa sai.

Siêu mẫu Hạ Vy, người quản lý CLB người mẫu Hà Nội.

"Với những nghệ sĩ có sức ảnh hưởng lớn trong công chúng, nếu có những phát ngôn, hành động lệch chuẩn thì việc "phong sát" với họ là chuyện nên làm.

Siêu mẫu Hạ Vy

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, siêu mẫu Hạ Vy, người quản lý CLB người mẫu Hà Nội, cho biết, Việt Nam nên đưa ra giải pháp mạnh hơn với nghệ sĩ khi sử dụng mạng xã hội. Bản thân cô rất ủng hộ việc "cấm sóng" đối với những nghệ sĩ có những vi phạm về phát ngôn, hành xử. Theo siêu mẫu Hạ Vy, nghệ sĩ là người có được tình cảm từ khán giả, người hâm mộ, bởi vậy, nếu bản thân, nghệ sĩ có bất cứ hành vi lệch chuẩn, không đúng thuần phong mỹ tục thì điều đầu tiên là họ mất là tình cảm từ người hâm mộ và khán giả. Các nhà sản xuất, công ty, nhãn hàng... cũng sẽ tự hạn chế việc sử dụng hình ảnh của người nghệ sĩ có ảnh hưởng xấu. Nếu nghệ sĩ làm sai về pháp luật thì đã có pháp luật xử lý. 

" Thực tế hiện nay, có một bộ phận nghệ sĩ đang bị ảo tưởng quyền lực trước sự cưng chiều từ fan hâm mộ. Từ sự ảo tưởng đó khiến một số nghệ sĩ có những hành vi, hành xử không đúng mực.

Nhà báo Ngô Bá Lục

Mức xử phạt hành chính đối với các nghệ sĩ, người nổi tiếng phát ngôn lệch chuẩn, sai sự thật hiện nay được cho là chưa đủ sức răn đe. Trong năm 2024, Bộ TT-TT sẽ tham mưu tăng mức phạt tiền cũng như là hình phạt bổ sung đối với các hành vi vi phạm trên không gian mạng. 

Nhiều chuyên gia đồng quan điểm nghệ sĩ và KOLs có tầm ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng và đặc biệt là giới trẻ, vì vậy, họ phải có trách nhiệm đối với việc phát sóng, biểu diễn, quảng cáo một cách có đạo đức và đúng đắn. Thời gian qua, hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng hồn nhiên quảng cáo thổi phồng cho các loại thuốc, thực phẩm chức năng. Không có chuyên môn y tế, nhưng với sức ảnh hưởng với cộng đồng, họ bỗng trở thành “chuyên gia y tế”, gây ra những hiểu lầm cho người tiêu dùng, tin tưởng mua sản phẩm. Tuy nhiên các hành vi này vẫn chưa được xử lý rốt ráo.

Chế tài hiện chưa đủ sức răn đe

Để thuê nghệ sĩ hay KOLs đăng một bài trên mạng xã hội, các doanh nghiệp, nhãn hàng phải tốn hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, khi họ có những phát ngôn, hành vi lệch chuẩn trên mạng xã hội thì mức phạt chỉ có 7,5 triệu đồng cho vi phạm pháp luật. Mức phạt này được ví như 'nhẹ tựa lông hồng'.

Theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, mức phạt cho những phát ngôn, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội chỉ từ 5 đến 10 triệu đồng và cơ quan chức năng thường chọn mức ở giữa 7,5 triệu đồng.

Theo đại diện một công ty hoạt động trong lĩnh vực truyền thông tại TP.HCM, mức phạt này không hề tương xứng với thu nhập mà các nghệ sĩ hay KOLs đang có. Chẳng hạn, với các sự kiện, để thuê nghệ sĩ đăng một thông báo trên Facebook, phải chi trung bình 25 triệu đồng trở lên, có người phải chi 50 - 60 triệu đồng. Trong khi đó, đối với KOLs, thì tuỳ theo "level" (mức độ ảnh hưởng) mà có mức giá khác nhau. Với những người có "level" tầm trung hay cao, mức giá lên đến 40 - 60 triệu đồng. Đặc biệt, nếu thuê nghệ sĩ hay KOLs chạy theo một kế hoạch dài hạn trên mạng xã hội, mức thù lao phải trả lên vài trăm triệu, thậm chí đến cả tỷ đồng.

Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ về Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội:

* Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

  • Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
  • Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
  • Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;
  • Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.

* Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Mức phạt 7,5 triệu đồng/lần vi phạm là không hề tương xứng với thu nhập mà các nghệ sĩ hay KOLs có được khi làm dịch vụ đăng bài trên MXH.

Bộ TT&TT đang trình Chính phủ nghị định thay thế nghị định cũ, trong đó có các quy định về hoạt động phát ngôn trên không gian mạng. Dự kiến giữa năm 2024 nghị định này sẽ được Chính phủ ban hành. Khi đó, bộ sẽ tham mưu tăng mức phạt tiền, cũng như thêm các hình phạt bổ sung cao hơn mức xử phạt hành chính đối với các hành vi sai phạm trên không gian mạng.

PGS.TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, những người nghệ sĩ nhận được sự chú ý rất lớn từ cộng đồng và những hành vi ứng xử của họ có thể tạo ảnh hưởng tới một thế hệ. Bởi vậy, bất cứ phát ngôn, lời ăn tiếng nói đến trang phục… đều có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến cộng đồng, vì thế họ phải có trách nhiệm nhiều hơn với người khác trong việc phát ngôn hoặc hành xử ở những nơi công cộng như môi trường mạng xã hội. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ chịu sự giám sát khắt khe hơn từ những cơ quan quản lý vì tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng của họ. 

Theo PGS.TS. Nguyễn Thành Nam, cần sự đánh giá hành vi của công dân số trên môi trường mạng. Những người nào không đáp ứng được các tiêu chuẩn có thể chịu hình phạt như cách ly khỏi mạng xã hội. Người nghệ sĩ chân chính sẽ đi lên bằng tài năng thay vì những chiêu trò. 

Khi mà mức xử phạt không đủ sức răn đe đối với người nổi tiếng lệch chuẩn, hình thức hạn chế phạm vi tiếp cận đông đảo khán giả là một hình thức xử phạt đảm bảo tính răn đe cao hơn. Cần hạn chế các hoạt động: phát sóng, biểu diễn, quảng cáo đối với các đối tượng vi phạm nhằm mục đích từng bước làm lành mạnh không gian mạng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, nhất là đối với giới trẻ. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát video trước khi phát sóng cũng là một giải pháp.

"Đối những video livestream cả bằng hình ảnh và ngôn ngữ không phù hợp, phải kiểm duyệt, gỡ bỏ nó. Hiện nay chúng ta đang sử dụng công tác hậu kiểm nhiều hơn. Nhưng hậu kiểm đến khi phát hiện đã ảnh hưởng đến cộng đồng rất nhiều. Cần phải suy nghĩ đến hình thức kiểm duyệt tức thời, sử dụng công nghệ hoặc cơ chế tiền kiểm, đặc biệt đối với nghệ sĩ nào đã có lịch sử dính đến việc tung những tin đồn không chính xác thì tài khoản của họ không được phép livestream nữa, thậm chí khi đăng gì lên phải được kiểm duyệt trước trên mạng xã hội", PGS.TS. Nguyễn Thành Nam bày tỏ quan điểm.

PGS.TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Những nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho xã hội

Trong bối cảnh Internet phát triển mạnh mẽ, các nghệ sĩ phải hiểu biết pháp luật, tuân thủ quy tắc ứng xử văn hóa trên không gian mạng; đồng thời phải cẩn trọng, suy nghĩ trước khi phát ngôn, bình luận, khi chia sẻ thông tin, hình ảnh với công chúng. Người nghệ sĩ phải lường trước được kết quả, hậu quả và phải chịu trách nhiệm trước dư luận, công chúng và pháp luật về những hành vi lệch chuẩn của mình.

Ngoài các quy định, quy tắc, những người nghệ sĩ cần ứng xử với vai trò là những người làm văn hóa, đem hiểu biết, uy tín cá nhân để lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp, trợ giúp những người yếu thế. Không những vậy, những người nghệ sĩ còn trở thành tấm gương tuân thủ pháp luật trên mạng xã hội cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Ðó là những điều mà một người nghệ sĩ đích thực sẽ làm và có trách nhiệm trên mạng xã hội, truyền cảm hứng tích cực cho cộng đồng.

Những nghệ sĩ tai tiếng với những phát ngôn và hành động lệch chuẩn chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, bởi thực tế, trong thế giới showbiz, hiện có rất nhiều những nghệ sĩ với tài năng và trái tim thiện nguyện hướng về cộng đồng mong muốn lan tỏa những giá trị tốt đẹp. 

Năm 2023, một trong những dự án từ thiện nổi bật nhất của Đen Vâu là MV “Nấu ăn cho em” và liveshow “Show của Đen”. Chỉ sau 5 ngày ra mắt, MV “Nấu ăn cho em” của Đen Vâu đã lên vị trí số 1 trending của Youtube với hơn 5 triệu lượt xem. Nhiều khán giả đã bày tỏ sự cảm kích và xúc động khi được biết mục đích ra MV của Đen là dành toàn bộ lợi nhuận từ lượt xem MV cho dự án hỗ trợ nuôi các em bé vùng cao ở các trường phổ thông dân tộc nội trú. Từ khi MV được phát hành, đã có khoảng 4.000 em nhỏ được nhận nuôi và 6.000 người khác đang xếp hàng chờ nhận mã nuôi em. 

Năm 2023, với nhiều dự án từ thiện cho trẻ em vùng cao, Đen Vâu là nghệ sĩ duy nhất trong 10 cá nhân nhận giải thưởng Tình nguyện quốc gia do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng.

Mỹ Tâm cũng là một trong những nghệ sĩ làm từ thiện lặng lẽ của showbiz Việt. Ngày 8/4, nữ ca sĩ cho ra mắt bộ phim “Người giữ thời gian” thu hút 140 nghìn lượt khán giả, chỉ chiếu rạp trong một thời gian rất ngắn, vỏn vẹn 9 ngày, đã thu về 12 tỷ đồng. Điều đáng nói, toàn bộ doanh thu của phim “Người giữ thời gian” được dành để giúp đỡ các học sinh nghèo hiếu học. Thông tin này được công bố ngay sau khi bộ phim đã rời khỏi các rạp chiếu.

Ca sĩ Hà Anh Tuấn cũng là cái tên được nhắc đến nhiều khi nói về các dự án từ thiện. Năm 2020, trong đại dịch Covid-19, Hà Anh Tuấn đã hỗ trợ trang thiết bị phòng chống dịch tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 10/2019, nam ca sĩ đã tham gia khởi động một dự án trồng rừng, với nhiệm vụ tái tạo hệ sinh thái rừng ở Lâm Đồng. Đến tháng 10/2021, dự án “Chồi Việt Nam” của Hà Anh Tuấn, nhằm chăm sóc sức khỏe cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tiếp tục được khởi động.

Những nghệ sĩ như Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn và Đen Vâu, không kêu gọi ồn ào, không đánh bóng tên tuổi và đặc biệt là không dính dáng đến thị phi, họ lặng lẽ cống hiến, phụng sự cho xã hội, cho cộng đồng 

Nhiều quốc gia xử lý mạnh tay nghệ sĩ lệch chuẩn

Để tồn tại trong làng giải trí, những nghệ sĩ càng nổi tiếng càng phải nhận áp lực lớn từ dư luận. Tại một số quốc giá châu Á có ngành giải trí cực kỳ khắc nghiệt như Hàn Quốc, Trung Quốc, khi các ngôi sao vướng vào lùm xùm, bê bối đời tư đều phải đối mặt với làn sóng tẩy chay mạnh mẽ, hầu như đều không thể quay trở lại hoạt động nghệ thuật.

Tại Trung Quốc, không ít ngôi sao đã từng điêu đứng, thậm chí tiêu tan sự nghiệp vì vướng phải bê bối. Bên cạnh việc họ phải nhận lấy làn sóng chỉ trích từ phía công chúng, nhiều người còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Điển hình, nữ diễn viên Phạm Băng Băng ở thời điểm đỉnh cao của sự nghiệp đã được xem là ngôi sao hàng đầu của ngành giải trí Trung Quốc.Tháng 10/2018, Cục Quản lý thuế nhà nước Trung  Quốc và Cục Thuế Giang Tô tuyên bố Phạm Băng Băng phạm tội trốn thuế. Tổng số tiền thuế phải nộp và tiền phạt của nữ diễn viên lên tới 884 triệu NDT (hơn 3.100 tỷ đồng) - một con số lớn chưa từng có trong giới giải trí nước này. Cho dù Phạm Băng Băng đã nhanh chóng nộp phạt và đăng tải lời xin lỗi trên mạng xã hội nhưng cô vẫn bị dư luận tẩy chay, buộc phải rời khỏi giới giải trí.

Kể từ khi bị phanh phui bê bối trốn thuế vào năm 2018, Phạm Băng Băng bị dư luận “tẩy chay”, buộc phải rời khỏi giới giải trí.

Hay trong ngành giải trí Hàn Quốc, các ngôi sao, thần tượng thường được xây dựng hình tượng hoàn hảo, chịu ràng buộc bởi những quy định khắt khe từ công ty quản lý. Do đó, khi bê bối đời tư bị phanh phui, hệ lụy mà các ngôi sao hứng chịu không hề nhỏ, không chỉ phải chịu phạt vi phạm hợp đồng mà còn phải đón nhận làn sóng chỉ trích, tẩy chay mạnh mẽ từ dư luận. 

Chính các công ty giải trí ở Hàn Quốc cũng không mặn mà, sẵn sàng “đóng băng” hoạt động vô thời hạn và chấm dứt hợp đồng với nghệ sĩ có nhân phẩm kém, dính vào bê bối tình ái và tình dục, hay vi phạm pháp luật. Ngoài ra, những thương hiệu, nhà làm phim cũng đồng loạt cắt hợp đồng với nghệ sĩ vướng phải scandal. 

Seo Ye Ji vướng ồn ào thao túng bạn trai cũ Kim Jung Hyun và bị công chúng tẩy chay.

Những nghệ sĩ như Seo Ye Ji, Na Eun, Seol Hyun và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác của Hàn Quốc đã mất sự nghiệp vì ồn ào đời tư. Seo Ye Ji vướng ồn ào thao túng bạn trai cũ Kim Jung Hyun khi yêu cầu anh này hành xử thô lỗ với đồng nghiệp trong thời gian yêu nhau. Hậu quả là Seo Ye Ji mất vai diễn, hình ảnh quảng cáo bị gỡ, các hãng mỹ phẩm, thời trang, sức khỏe thông báo cắt đứt hợp đồng với cô.

Với người nghệ sĩ, hình phạt lớn nhất là sự quay lưng của công chúng. Bị khán giả quay lưng là thất bại của nghệ sĩ.

 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong chuyến thăm tới các địa điểm được xem là biểu tượng cho quan hệ Việt - Pháp, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Olivier Brochet đã tới thăm Cầu Long Biên và Đại học Dược Hà Nội. Đây là hai trong số nhiều công trình kiến trúc Pháp cổ được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20.

Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 5 điểm dịp Tết Dương lịch năm 2025 và 30 điểm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 .

Sáng 20/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam khai mạc Triển lãm "Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ".

Cung Thanh niên Hà Nội vừa phối hợp nền tảng số mở YooLife tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Tự hào Việt Nam” với chủ đề “Hát mãi khúc quân hành” và ra mắt dự án mô phỏng hành trình chiến đấu và trưởng thành của QĐND Việt Nam bằng công nghệ thực tế ảo.

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức triển lãm nghệ thuật với chủ đề “Những trang sử bằng hình sắc” tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm - Số 2 Lê Thái Tổ.

Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức triển lãm tư liệu "Quân đội anh hùng, Quốc phòng vững mạnh".