Dấu ấn ngày Quốc khánh qua những hiện vật lịch sử

(HanoiTV) - 77 năm đã qua đi, mỗi hiện vật, tư liệu về giai đoạn Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh 2/9 không chỉ là câu chuyện của quá khứ mà còn là thông điệp của thế hệ trước gửi lại cho muôn đời sau.

Cuộc chiến giành chính quyền vào tháng 8/1945 đã lùi xa hơn 7 thập kỷ, nhưng phần hình ảnh, hiện vật về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945 vẫn được sưu tầm, lưu trữ, bảo tồn, trưng bày khá phong phú, đa dạng, từ văn bản, nghị quyết đến hiện vật chiến tranh, kỷ vật chiến sĩ tại các bảo tàng ở Hà Nội.

Bản nhạc Quốc gia Việt Nam (Tiến quân ca) do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác được cử hành trong Lễ chào cờ ngày 2/9/1945. (Ảnh: Baolaodong)

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Nơi đây hiện đang lưu trữ hơn số hơn 300 hình ảnh, hiện vật, tư liệu quý liên quan đến cuộc Cách mạng Tháng Tám và buổi Lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945.

Tấm ảnh đen trắng phóng to với dòng chú thích "Lễ đài tại quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn Độc lập" khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 2/9/1945" được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong khu trưng bày các tư liệu, hiện vật về Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945 trong Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Khu trưng bày về Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. (Ảnh: Trần Vương/ Baolaodong)

Phía bên dưới là dòng chữ vàng, trên nền đỏ trích từ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".

Bên cạnh đó, một trong những kỷ vật đặc biệt thu hút sự quan tâm của nhiều du khách chính là bộ kèn đồng được Ban nhạc Giải phóng quân sử dụng cử Quốc ca trong ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và bản Quốc ca của nhạc sĩ Văn Cao.

Bộ kèn đồng được Ban nhạc Giải phóng quân sử dụng cử Quốc ca trong ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. (Ảnh: Nhandan)

Ban nhạc Vệ quốc đoàn đã thu được bộ kèn đồng gồm 20 chiếc từ đội nhạc kèn của quân Pháp tại Hà Nội. Ngày 2/9/1945, âm thanh của bộ kèn đồng này hòa cùng bài hát "Tiến quân ca" đã vang lên trong ngày Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập trước toàn thể quốc dân đồng bào, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bộ kèn đồng đã được đồng chí Đinh Ngọc Liên trao tặng Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) vào năm 1959.

Hình ảnh, tư liệu trưng bày tại bảo tàng. (Ảnh: Trần Vương/ Baolaodong)

Thiêng liêng, tự hào là cảm nhận chung của nhiều người khi trực tiếp được chứng kiến những kỷ vật tại đây. Tại bảo tàng còn trưng bày, lưu trữ những tư liệu, hiện vật mà phía sau đó là một câu chuyện ý nghĩa lớn về lòng yêu nước.

Chiếc máy thu phát và bộ đàm của Bộ Chỉ huy Giải phóng quân sử dụng ở chiến khu Cao Bắc Lạng năm 1944 và giành chính quyền năm 1945. (Ảnh: Trần Vương)

Không chỉ các đoàn tham quan, nhiều người dân, du khách, hộ gia đình dịp này cũng tới bảo tàng để tìm hiểu về các hình ảnh, hiện vật của một giai đoạn lịch sử vàng son.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Hiện bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng đang lưu trữ hơn 1.000 hiện vật, tài liệu phong phú, đa dạng, phản ánh nhiều khía cạnh khác nhau của một giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của đất nước - Cách mạng Tháng Tám (giai đoạn 1941-1945) và Quốc khánh mùng 2/9/1945, trong số đó, có không ít những hiện vật độc bản.

Bản Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp Việt Nam hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử quốc gia. (Ảnh: baotanglichsu.vn)

Theo bà Lê Thị Hồng Thu, Phó phòng Quản lý hiện vật, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, bộ sưu tập này gồm nhiều nhóm hiện vật như: truyền đơn, báo chí trong cao trào Cách mạng Tháng Tám năm 1945; văn bản tài liệu phổ biến đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh; vũ khí và các phương tiện nhân dân sử dụng trong khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám năm 1945; hiện vật về các nhà cách mạng; hiện vật nói về nhân dân nuôi giấu, chở che bảo vệ cách mạng; Tài liệu của địch theo dõi các hoạt động cách mạng của ta...

Micro Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. (Ảnh: T.ĐIỂU/ Tuoitre)

Đến với trưng bày, khách tham quan có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về Cách mạng Tháng Tám thông qua các hiện vật, tài liệu tiêu biểu, như: Bản thảo (viết tay) Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII tháng 5/1941 tại Cao Bằng; Bản thảo của Nguyễn Ái Quốc về phát triển tổ chức quần chúng và Việt Minh năm 1941… hay những tài liệu tuyên truyền đã được xuất bản trong điều kiện bí mật như: Việt Nam ngũ tự kinh; sách Lịch sử nước ta của Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Một trong những sưu tập hiện vật quý giá về giai đoạn lịch sử trọng đại này chỉ có ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia như sưu tập truyền đơn, sưu tập báo chí cách mạng 1925-1945 (hầu hết được xuất bản bí mật) cùng những công cụ, phương tiện in ấn thô sơ: phiến đá in báo Việt Nam Độc lập ở Cao Bằng, ru-lô bằng gỗ, lư đựng mực in báo, con dấu gỗ dùng đóng trên báo Việt Nam Độc Lập từ 1941 đến 1945, hay sưu tập vũ khí tự tạo mà nhân dân Việt Nam sử dụng trong Cách mạng Tháng Tám…

hàng trăm truyền đơn cách mạng trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đang được lưu giữ tại bảo tàng. (Ảnh: Nhandan)

Một trong những hiện vật độc bản được lưu trữ tại Bảo tàng chính là bản gốc của 3 số họa bản và 124 số báo Việt Nam độc lập. Đây là tờ báo đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, là cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Việt Nam tại Cao Bằng. Kể từ khi xuất bản số đầu tiên vào ngày 1/8/1941, đến ngày 16/12/1945, báo ra được 135 số.

Nội dung bài đăng báo viết rất ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc, sử dụng văn vần lục bát, song thất lục bát phù hợp trình độ nhận thức của nhân dân. Nội dung kêu gọi nhân dân đoàn kết tham gia vào Mặt trận Việt Minh, đấu tranh chống thực dân Pháp, phát-xít Nhật để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa tháng 8.

Báo Việt Nam độc lập là tờ báo cách mạng duy nhất xuất bản hàng trăm số trong hoàn cảnh bí mật tại căn cứ địa Cao Bằng. (Ảnh: Nhandan)

Báo Việt Nam độc lập là tờ báo cách mạng duy nhất xuất bản hàng trăm số trong hoàn cảnh bí mật tại căn cứ địa Cao Bằng. Báo góp phần đáng kể vào việc tuyên truyền xây dựng lực lượng cách mạng, góp phần làm nên chiến thắng Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Tại bảo tàng, những tài liệu, hiện vật về Đảng Cộng sản Việt Nam, về lãnh tụ Hồ Chí Minh, về giai đoạn trước và về sự kiện Cách mạng Tháng Tám 1945 có vị trí đặc biệt. Những tài liệu tái hiện lại hành trình đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quá trình tiếp thu và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, quá trình chuẩn bị về chính trị, xây dựng tổ chức và lực lượng để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930). Hiện vật tiêu biểu trong giai đoạn này là cuốn sách “Đường Kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

77 năm đã đi qua nhưng những chứng tích của cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945 và Quốc khánh 2/9 vẫn còn vang mãi. Trong những ngày mùa thu lịch sử, những tài liệu, hiện vật được trưng bày tại các bảo tàng đã góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc của các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là đối với các thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
User
Ý KIẾN

0

Hà Nội sẽ tổ chức Festival bảo tồn và phát triển làng nghề năm 2025 theo Kế hoạch số 81 về phát triển ngành nghề nông thôn của UBND thành phố Hà Nội.

Cuộc thi sáng tác truyện thiếu nhi với chủ đề “Sáng tác cùng Dế” là sự kiện mở màn cho sân chơi văn học - nghệ thuật hoàn toàn mới, dành riêng cho các em thiếu niên và nhi đồng trên cả nước.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao ngày 29/3 đã tổ chức Lễ Phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt và Cuộc thi Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2025.

Để thu hút, hấp dẫn công chúng, ứng dụng công nghệ số là một trong những giải pháp thiết thực, phù hợp với xu hướng phát triển bảo tàng hiện đại.

Lễ hội văn hóa ẩm thực được tổ chức tại Khu du lịch Văn Thánh với hơn 600 món ngon của các địa phương và văn hóa ba miền đang thu hút đông đảo người dân và du khách tại TP. HCM.

Nhờ những ca khúc như "See tình", "Bắc Bling", giờ đây âm nhạc Việt đã không còn là nét riêng biệt mà đang dần trở thành sứ giả văn hoá, mang bản sắc dân tộc đến gần hơn với bạn bè quốc tế.