Hà Nội sẽ đầu tư hơn 300 tỷ đồng làm 29 cầu vượt cho người đi bộ | Hà Nội tin mỗi chiều

Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông - Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất bổ sung 29 cầu vượt cho người đi bộ qua đường tại các vị trí đông dân cư, cổng trường học, với tổng kinh phí đầu tư dự kiến hơn 300 tỷ đồng.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 70 cầu vượt bộ hành ở các nút, các tuyến giao thông có mật độ lưu thông lớn và tại các khu vực gần bệnh viện, trường học.

Chi phí xây dựng mỗi cầu từ 3 - 5 tỷ đồng, có cầu kinh phí xây dựng thậm chí còn cao hơn. Đa phần các cây cầu khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, cải thiện tình hình giao thông, giảm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, nhất là người đi bộ khi qua đường.

Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông vừa báo cáo Sở GTVT Hà Nội đề xuất UBND thành phố Hà Nội đầu tư xây dựng 29 cầu vượt dành cho người đi bộ tại các khu vực đông dân cư và trường học trên địa bàn thành phố, với số vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.

Việc xây dựng các cầu vượt tại các vị trí nút giao thông được kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông, đồng thời đáp ứng kiến nghị của cử tri cùng chính quyền các quận, huyện, thị xã, phục vụ nhu cầu đi bộ qua đường của người dân. Điển hình hiện nay, đường Vành đai 2 dưới thấp đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng sau khi hoàn thành tháng 1/2023, ô tô, xe máy lưu thông rất nhanh; trong khi đó, tại các điểm giao cắt với đường nhánh, lưu lượng người đi bộ qua đường nhiều, không ít vụ va chạm giao thông, thậm chí tai nạn thương tâm đã xảy ra.

Ưu tiên quy hoạch phát triển không gian đi bộ

Chủ tịch UBND phường Minh Khai Lê Thành Vinh cho hay, chính quyền, người dân phường Minh Khai rất lo lắng về nguy cơ tai nạn giao thông trên phố Minh Khai, tại vị trí điểm giao cắt với ngõ Hòa Bình. Vì vậy, chính quyền và người dân phường mong muốn thành phố sớm điều chỉnh lối mở sang đường ở điểm giao cắt đầu ngõ Hòa Bình 7, đồng thời bố trí thêm vạch kẻ đường, gờ giảm tốc, lắp đặt cầu vượt cho người đi bộ sang đường tại vị trí gần cổng Trường Tiểu học Quỳnh Lôi, nhằm bảo đảm thuận tiện và an toàn cho người dân.

Cũng trên đường Vành đai 2 đoạn trước cửa Khu đô thị Times City (thuộc phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, muốn sang đường, người dân phải di chuyển 400 - 500 m đến chỗ có lối mở, nên không ít người liều mình lách qua dòng xe cộ lao vùn vụt để sang đường.

Nguy cơ mất an toàn giao thông cho người đi bộ còn tiềm ẩn ở một loạt tuyến đường khác, trong đó có điểm trước tòa nhà N4B giữa nút giao Hoàng Minh Giám - Hoàng Đạo Thúy, đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân. Tại đây, cả hai bên đường khu vực này có nhiều trường học, chung cư, dân cư đông đúc.

Người dân sử dụng cầu vượt bộ hành trên đường Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Hà Nội mới.

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, vấn đề chính hiện nay của giao thông Hà Nội là sự gia tăng phương tiện cá nhân và tăng dân số cơ học, trong khi hạ tầng giao thông vẫn còn hạn chế. Điều này dẫn đến nguy cơ tắc nghẽn và tai nạn giao thông nhiều hơn. Để giải quyết vấn đề này cần hướng tới thiết kế những tuyến đường đa phương thức, đáp ứng nhu cầu của nhiều người, trong đó, cần đặc biệt ưu tiên cho người đi bộ.

Tiến sĩ Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhận định, đi bộ là một trong những nhu cầu cơ bản của mọi tầng lớp dân cư. Đi bộ cũng là yếu tố cấu thành của vận tải công cộng, nên nếu không gian đi bộ không liên tục, thuận tiện, an toàn thì vận tải hành khách công cộng sẽ rất khó phát triển. Bởi vậy việc quy hoạch phát triển không gian đi bộ cho các đô thị ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội cần được ưu tiên.

Qua thực tiễn quản lý, khai thác cũng như đánh giá của người dân, các cầu vượt bộ hành đã phát huy hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu từng bước kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là các cầu trên phố Chùa Bộc tại cổng Học viện Ngân hàng; cầu trước cổng Bệnh viện Bạch Mai; cầu trên phố Tây Sơn trước cổng Trường Đại học Thủy lợi; cầu tại cổng Trường Tiểu học Tân Mai.

Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Lê Hữu Hồng cho biết: "Vị trí xây dựng cầu vượt phải phục vụ phần lớn nhu cầu đi bộ qua đường của người dân, không trái với các quy hoạch được duyệt; phải đủ điều kiện về mặt bằng để bố trí trụ cầu, lề đường cho người đi bộ; đồng thời, không trùng với danh mục đầu tư các cầu vượt đang triển khai trên địa bàn thành phố".

Xây dựng ý thức và thói quen sử dụng cầu đi bộ khi sang đường

Xây cầu đi bộ rõ ràng là việc cần làm. Thế nhưng có một vấn đề mà chúng ta cần quan tâm đó là xây dựng ý thức và thói quen sử dụng cầu đi bộ khi sang đường. Thực tế hiện nay, nhiều khu vực trên địa bàn thành phố, nhiều con đường có mật độ phương tiện tham giao giao thông lớn như Nguyễn Trãi, Phạm Hùng, Xuân Thủy có nhiều cầu đi bộ nhưng tình trạng người dân bất chấp nguy hiểm băng qua đường vẫn rất phổ biến.

Mặt khác, nguyên nhân khiến nhiều người đi bộ phải băng qua đường còn là do một số vị trí cần cầu đi bộ thì lại chưa có, như khu vực Bến xe Nước Ngầm, Bến xe Giáp Bát, cổng Trường Đại học Y Hà Nội hoặc vị trí chưa thực sự sát với yêu cầu thực tế.

Một người đi bộ không đúng nơi quy định trên đường Minh Khai, đoạn trước Khu đô thị Times City (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Hà Nội mới.

Chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến một số cầu đi bộ chưa thu hút được người dân vẫn là do ý thức tham gia giao thông của nhiều người còn chưa cao, thói quen tiện đâu đi đấy còn phổ biến. Với người đi bộ không đi đúng phần đường quy định, vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn sẽ bị phạt, song mức xử phạt cao nhất là 100.000 đồng chưa đủ tính răn đe. Trên thực tế, lực lượng chức năng thường chỉ nhắc nhở chứ chưa xử phạt và cơ quan chức năng cũng không đủ lực lượng để thực hiện giám sát 24/24 giờ để xử phạt.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Thông, lực lượng chức năng có thể ghi lại những hình ảnh giao thông chưa đúng quy định để phục vụ công tác tuyên truyền; đồng thời, có biện pháp xử lý hành chính quyết liệt, cứng rắn hơn.

Xây dựng một nền tảng định hướng cho việc quy hoạch và phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông tại các thành phố lớn không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đô thị, mà còn cải thiện thói quen tham gia giao thông cho người dân an toàn hơn, văn minh hơn. Việc thành phố đầu tư thêm những câu cầu bộ hành, kiến tạo thêm không gian đi bộ, từng bước kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông, thông qua đó sẽ từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, thân thiện, an toàn.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

“Thanh âm Hà Nội” là sản phẩm đĩa than đặc biệt được Đài PT-TH Hà Nội phát hành nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và 70 năm thành lập Đài (14/10/1954 - 14/10/2024), nhằm mang lại cho công chúng Thủ đô và cả nước những trải nghiệm độc đáo và mới lạ về Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Trương Mỹ Lan hứa khắc phục hậu quả cho người dân; Ba Vì vận động hai đối tượng truy nã ra đầu thú; 'Cân não' phá án từ những dấu vết mong manh;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Trong nỗ lực quảng bá và phát triển làng nghề bền vững, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức hội chợ làng nghề lần thứ 20 năm 2024 trưng bày nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc, tinh xảo.

Du học trở về, Tuệ Lâm quyết định giúp bố phát triển công ty gia đình. Trong vai một nhân viên thử việc, cô đã nhanh chóng nắm bắt được tâm lý và tính cách của một số nhân vật nòng cốt ở công ty. Trong khi đó, sau khi chia tay bạn trai, Nhật Hạ đã tự vùi mình vào công việc để quên đi mối tình đầu.

Dạo quanh khu phố cổ, hẳn ai đi qua khu chợ Đồng Xuân cũng bị thu hút bởi một con ngõ nhỏ mang tên Đồng Xuân - một góc nhỏ giữa lòng Thủ đô đong đầy bao hương vị, bao kỉ niệm. Ngõ chợ Đồng Xuân làm biết bao người nhung nhớ theo một cách rất riêng bởi những món ăn bình dân, đậm đà bản sắc Hà Nội.

Với vai trò và vị thế của mình, việc xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần định hướng để Hà Nội tiên phong trở thành đô thị thông minh. Và để xây dựng một đô thị thông minh cần rất nhiều yếu tố, không chỉ là tạo dựng môi trường sống hiện đại mà Hà Nội còn phải giải quyết nhiều vấn đề đã và đang tồn tại như tình trạng ùn tắc giao thông, khói bụi, ô nhiễm môi trường.