Hậu Troussier, bóng đá Việt liệu đã hết ảo tưởng?

HLV Troussier có phải là nguyên nhân duy nhất khiến đội tuyển Việt Nam liên tục thất bại? VFF nghĩ gì khi từng đặt mục tiêu quá xa vời cho đội tuyển dẫn tới việc chọn HLV không phù hợp? Hậu Troussier, liệu "bánh vẽ" vươn tầm châu Âu với đội tuyển Việt Nam có còn được mang ra bàn thảo?

Sự lao dốc liên tục của bóng đá Việt Nam hơn một năm qua khiến người hâm mộ "nổi giận" về năng lực của cựu HLV Troussier. Thậm chí, nhiều người còn cực đoan cho rằng, ông đang "phá nát" nền bóng đá nước nhà. Tuy nhiên, liệu cựu HLV Troussier có phải là nguyên nhân duy nhất khiến đội tuyển liên tục thất bại? Người hâm mộ cũng đang hoài nghi rằng VFF đã không thực tế trong việc đặt mục tiêu quá xa vời cho đội tuyển Việt Nam dẫn tới việc chọn HLV không phù hợp. Tới lúc này, có lẽ những người hâm mộ tỉnh táo đang nhìn nhận vào thực tế tình trạng của bóng đá Việt Nam và kho "kinh nghiệm" của VFF thay vì việc đào xới hồ sơ các ứng viên nhằm "phát hiện" ra một HLV thay thế Troussier nhằm hiện thực hoá "bánh vẽ" vươn tầm châu Âu.

Sau những thành tích bết bát, ông Troussier đã ra đi. "Con thuyền" đội tuyển quốc gia Việt Nam một lần nữa thiếu vắng người thuyền trưởng. VFF đang xúc tiến tìm một HLV mới để thay thế chiếc ghế trống ấy, nhưng ngay cả khi tìm được một HLV phù hợp và đem lại thành tích khả quan ban đầu, thì liệu những vấn đề của bóng đá Việt Nam có thể giải quyết được trong một sớm một chiều?

Sau những thành tích bết bát, ông Troussier đã ra đi (Ảnh: Báo Thanh Niên).

Câu trả lời đã quá rõ ràng, điều này chắc chắn sẽ không xảy ra. Với người hâm mộ, việc tìm một HLV mới chỉ là một giải pháp tạm thời, còn về lâu về dài e rằng VFF nên nhìn nhận vào thực tế rằng bóng đá nước nhà vẫn còn quá nhiều vấn đề. Nền bóng đá vẫn luôn như một bãi biển với những con sóng mang theo kịch tính không hồi kết. Và kho "kinh nghiệm" của VFF gắn với những bước tụt thảm trên bảng xếp hạng FIFA cũng có nhiều vấn đề không kém. 

Chưa đầy 24 tiếng sau khi HLV Philippe Troussier chấm dứt hợp đồng với bóng đá Việt Nam, VFF đã tìm được người dẫn dắt đội tuyển U23 - HLV Hoàng Anh Tuấn.

Bất cứ một đội bóng nào cũng luôn có lúc thịnh, lúc suy, nhưng việc VFF đặt niềm tin và phó thác hoàn toàn tương lai của cả một nền bóng đá cho một huấn luyện viên, còn người hâm mộ kỳ vọng quá mức vào thành công của đội tuyển, là bản thân chúng ta đã mặc định tạo cho mình những thất vọng trong tương lai.

Đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo.

Nhìn thực tế, sau thời ông Park, đa phần các cầu thủ trụ cột của đội tuyển đều đã xuống phong độ. Thế nên, dù có cắt ghép thế nào thì ông Troussier cũng không thể giải được bài toán khó này. Nên nhớ, thành công của bóng đá Việt thời ông Park là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố: một thế hệ cầu thủ đạt độ chín và phong độ đang đạt đỉnh, trong khi các đội bóng trong khu vực Đông Nam Á đang khủng hoảng và đi xuống. Còn bây giờ, trong lúc chúng ta đang loay hoay, mất phương hướng để tìm lại chính mình, thì các đối thủ đang đi lên và ngày càng phong độ nhờ định hướng đúng đắn, thể lực các cầu thủ kế cận ngày càng tốt. Vậy sai lầm bấy lâu nay của VFF là gì?

Đặt mục tiêu quá cao xa, không nhìn vào thực tế tình trạng cầu thủ

Thể chất là một yếu tố rất quan trọng trong thể thao thành tích cao, đặc biệt là với bóng đá. Thế nhưng, cứ so sánh để thấy, lứa trước của chúng ta còn cao hơn khá nhiều lứa trẻ hiện tại. Trước đây, chúng ta có Hoàng Đức, Văn Hậu, Tấn Tài, Tiến Linh, Duy Mạnh, Quế Ngọc Hải... tới hơn nửa đội hình cao từ 1,8 m trở lên. Bây giờ, nhìn vào đội tuyển lại chỉ toàn cầu thủ thấp bé, nhẹ cân, chỉ vài ba cầu thủ cao đến 1,8 m (không kể thủ môn). Đó rõ ràng là một bước thụt lùi trong công tác tuyển chọn, đào tạo cầu thủ của bóng đá nước nhà.

Một bạn đọc đã gửi bình luận trong bài đăng tải của Đài Hà Nội trên mạng xã hội như sau: "'Nếu chúng ta cứ trông chờ vào dàn cầu thủ thấp bé như hiện nay, rồi chăm chăm thay HLV thì tấm vé dự World Cup chỉ là mơ hão."

Hay có một bạn đọc khác bình luận: "Thay HLV trưởng thực ra chỉ là phần ngọn của mớ bòng bong ở đội tuyển Việt Nam mà thôi. Tôi tin rằng, đó không phải là cách có thể giải quyết được triệt để những vấn đề của đội tuyển. Nhìn một cách khách quan, đa phần cầu thủ Việt đều có thể hình thấp bé, mỏng cơm, vậy họ lấy gì để có thể cạnh tranh được với những đối thủ cao lớn tại sân chơi World Cup?"

Indonesia không ngần ngại nhập tịch những cầu thủ ngoại cao và dày người hơn. 

Quả đúng là như vậy, có thể nhìn sang Indonesia bây giờ, họ không ngần ngại nhập tịch những cầu thủ ngoại cao hơn, dày người hơn. Đơn giản vì họ nhìn ra điểm yếu cố hữu ở thể hình của người Đông Nam Á, nên phải khắc phục trước khi nghĩ đến những chuyện xa hơn.

Tóm lại, nếu chúng ta vẫn cứ trông chờ vào một dàn cầu thủ như hiện nay rồi mơ mộng vào một tấm vé dự World Cup thì chắc chắn sẽ không có cửa để thắng các đối thủ lớn của châu lục như trước đây (khi Việt Nam còn là một ẩn số và các đội bóng mạnh chủ quan, không phòng bị). Vậy nếu chỉ thay HLV mà VFF vẫn không có động thái quyết liệt đối với việc tuyển chọn và đào tạo cầu thủ thì có thể giải quyết được vấn đề này không?

Các cầu thủ cũ đều xuống phong độ, trong khi những cầu thủ mới có thể đá nhanh được, nhưng kinh nghiệm lại thiếu và còn quá non nớt ở sân chơi lớn (Ảnh: VFF).

Ở đội tuyển bây giờ, các cầu thủ cũ đều xuống phong độ, trong khi những cầu thủ mới có thể đá nhanh được, nhưng kinh nghiệm lại thiếu và còn quá non nớt ở sân chơi lớn. Các vị trí trên sân đều không giữ được bóng, không thể tranh chấp tay đôi, không đủ thể lực, tốc độ để giữ được đội hình khi tấn công và phòng thủ... Với những con người như vậy, dù có là HLV đẳng cấp nhất châu Âu cũng phải chịu thua.

Mục tiêu giành vé dự World Cup mà VFF vẽ ra cũng là xuất phát từ tâm lý chung rằng chúng ta muốn "ra khỏi ao làng" càng nhanh càng tốt. Nhưng đối với những nhà chuyên môn có chút hiểu biết về bóng đá, họ sẽ chẳng bao giờ tin vào điều mơ mộng ấy, ít nhất là trong vòng 5 năm tới.

Công tác đào tạo trẻ thiếu tính kế thừa

Kể từ thời điểm của Nguyễn Quang Hải, Tuấn Anh, Văn Toàn, Công Phượng, Văn Hậu... nền bóng đá của chúng ta gần như chẳng có thêm một lứa đàn em đủ sức kế cận. Những cái tên như Thái Sơn, Minh Trọng, Văn Khang... phần nào đó đã thể hiện được mình, nhưng chất lượng chuyên môn vẫn không hơn được các đàn anh lúc ở cùng độ tuổi của họ.

Cầu thủ Nguyễn Quang Hải - Người được HLV Troussier "nhốt kỹ" trên băng ghế dự bị.

Vậy công tác đào tạo trẻ phải chăng đã đi xuống quá nhiều? Hãy nhìn sang những lò đào tạo nổi tiếng nhất Việt Nam như: HAGL, Hà Nội, Đà Nẵng, SLNA... bao năm nay ngụp lặn thế nào? Ngay cả lò đào tạo PVF với cơ sở vật chất ở tầm khu vực, mà gần 5 năm qua cũng chẳng có một gương mặt nào nổi trội được trình làng. 

Lò đào tạo PVF với cơ sở vật chất ở tầm khu vực nhưng gần 5 năm qua cũng chẳng có một gương mặt nào nổi trội được trình làng.

Xây dựng bóng đá trẻ bền vững, có tính kế thừa và gối đầu, lứa sau phải nổi trội hơn lứa trước là một nhiệm vụ tiên quyết để có một nền bóng đá phát triển bền vững. Nếu không phải chuyên môn thì ít nhất lứa trẻ cũng phải tiến bộ hơn về mặt thể hình, thể lực. Nhưng với những gì mà lứa cầu thủ trẻ thể hiện trong thời gian qua thì liệu có thể gọi là kế thừa, phát triển?

Chất lượng giải quốc nội quá yếu kém

Giải đấu lớn nhất của chúng ta càng ngày càng thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu sự thay đổi, đột phá, thậm chí giờ nhắc đến V-League, công chúng sẽ chỉ nhớ đến những sự việc lùm xùm như các vụ kiện tụng trọng tài, một ông bầu ôm quá nhiều đội bóng, tranh cãi về lịch nghỉ thi đấu... chứ ít ai có thể say sưa bàn luận về chuyên môn bóng đá.

Chất lượng chuyên môn của V-League cũng chẳng hơn là bao, một phần do các CLB không chịu đầu tư, chăm sóc sân bãi – một điều kiện cơ bản của bóng đá chuyên nghiệp.

Bao năm nay, cứ đến đợt đội tuyển U23 hay đội tuyển quốc gia tập trung thì V-League lại nghỉ cả tháng, khiến cho cả một hệ thống bóng đá phải ngừng lại để các cầu thủ trẻ (chưa chắc có nhiều đóng góp cho CLB) thi đấu. CLB không thể vận hành liên tục chỉ vì vài cầu thủ - điều khá lạ lẫm với bóng đá ở các nước lân cận.

Việc nghỉ V-League đã để lại những hậu quả khó lường (Ảnh: Nam Định FC).

Việc nghỉ V-League đã để lại những hậu quả khó lường. Với việc toàn bộ cầu thủ không thể thi đấu để duy trì thể trạng và cảm giác bóng, lối chơi của tuyển Việt Nam dần trở nên kém hiệu quả, thể lực của một số cầu thủ cũng không đảm bảo.

Đây chính là quyết định sai lầm của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Có thể thấy lỗi từ cách làm của ban tổ chức V-League khi chúng ta đang lầm tưởng rằng mình có một giải vô địch quốc gia hấp dẫn, có chất lượng chuyên môn cao, nhưng thực tế lại không phải vậy. Tất cả những gì chúng ta có là một giải đấu thiếu tính cạnh tranh, ăn xổi, trọng cầu thủ ngoại, đầy bạo lực và không có tính kế thừa.

Cầu thủ chỉ luôn ở trong ao nhỏ

Một đội tuyển muốn dự World Cup, ít nhất phải có vài cầu thủ đủ trình độ thi đấu ở các giải đấu hàng đầu châu Âu. Những quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc - những đại diện của châu Á tại World Cup đều có 3-4 cầu thủ thi đấu ở Ngoại hạng Anh, và chục cầu thủ khác đang chơi bóng ở các giải vô địch quốc gia khác ở châu Âu.

Trong khi đó, chúng ta có ai? Siêu sao hàng đầu như Quang Hải cũng chưa đủ khả năng để có mặt trong đội hình chính thức của một đội hạng Nhì nước Pháp. Còn những Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường thậm chí còn chẳng cạnh tranh được ở các giải đấu J-League, K-League hay các giải hạng Ba ở châu Âu. Vậy thì người hâm mộ còn đòi hỏi điều gì?

Khả năng của cầu thủ Việt Nam ở mức xuất sắc, nhưng họ cần nhiều cơ hội hơn để tiến bộ, như Nguyễn Quang Hải, Phan Văn Đức, Nguyễn Tiến Linh. Họ giống như những con cá lớn trong cái ao nhỏ. Có lẽ đã đến lúc họ dấn thân ra thế giới bên ngoài.

Như Chanathip Songkrasin, người đã có 4 năm ở J-League. Rõ ràng anh đã cho thấy sự khác biệt hoàn toàn khi trở về thi đấu ở giải Đông Nam Á.

Bản thân HLV Mano Polking của Thái Lan khi trả lời phỏng vấn cũng cho rằng trình độ của cầu thủ Việt Nam và Thái Lan không có nhiều khác biệt nhưng điều quan trọng là cầu thủ Việt Nam không được ra nước ngoài thi đấu nhiều như Thái Lan, do đó chất lượng và hiệu suất là kém hơn.

HLV Mano Polking của Thái Lan cho rằng trình độ của cầu thủ Việt Nam và Thái Lan không có nhiều khác biệt nhưng cầu thủ Việt Nam không được ra nước ngoài thi đấu nhiều như Thái Lan dẫn đến chất lượng và hiệu suất là kém hơn.

Bóng đá Việt Nam hiện tại vẫn còn quá nhiều vấn đề, nên việc thay đổi HLV chỉ là giải pháp tạm thời, giải quyết phần ngọn. Như HLV Park Hang Seo từng thành công chỉ ở một giai đoạn ngắn, và sau đó cũng không chọn gắn bó tiếp với bóng đá Việt Nam. Phải chăng chính ông cũng đã nhìn thấy trước được gốc rễ vấn đề? 

Sẽ có nhiều ý kiến cho rằng bất cứ đội tuyển quốc gia nào cũng có lúc thịnh, lúc suy, ngay cả như Đức, Hà Lan, Anh, Tây Ban Nha... cũng đều có những năm tháng huy hoàng lẫn thất bại ê chề. Song sự thất bại của những nền bóng đá lớn này chủ yếu đến từ đấu pháp của HLV chứ không phải nằm ở vấn đề của cả một hệ thống bóng đá như ở ta.

Hay ngay cả Thái Lan, bao năm nay cũng đầu tư rất nhiều cho cơ sở vật chất và giải đấu Thai League, nên cho dù đã có nhiều năm trồi sụt trên bảng xếp hạng của FIFA, người Thái vẫn giữ được đẳng cấp của mình ở tầm châu lục. Thái Lan mất 20 năm để đạt được đến vị trí số một Đông Nam Á, Indonesia cũng mất nhiều năm thua lên, thua xuống, mới có được vị trí như hôm nay.  Tuyển Việt Nam đã có những năm tháng thăng hoa dưới thời HLV Park Hang Seo. Nhưng nếu chỉ có vậy thì đã đủ để nuôi hy vọng cho một cuộc lột xác ngoạn mục để bơi ra biển lớn?

Đã đến lúc người Việt cần thay đổi trong cách làm bóng đá, đặc biệt là những người đứng đầu VFF.

Tóm lại, để một đội tuyển quốc gia có những nhân tố thực sự chất lượng để HLV trưởng có thể tùy nghi thi triển đấu pháp, bóng đá cần phải được xây dựng theo công thức: đào tạo trẻ có tính kế thừa, hệ thống CLB ngày càng chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất được đảm bảo. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, cả ba yếu tố đó hiện nay ở ta đều đang chững lại, thậm chí là đi xuống.

Đã đến lúc người Việt cần thay đổi trong cách làm bóng đá, đặc biệt là những người đứng đầu VFF. Mục tiêu hàng đầu phải là nâng tầm chất lượng V-League, thay đổi số lượng ngoại binh, tạo chính sách thông thoáng cho cầu thủ, quy định bắt buộc về tài chính với các đội tham dự V-League, chấm dứt tình trạng một nhà đầu tư nhiều đội bóng.

HLV Troussier đã thất bại với bóng đá Việt Nam. Đó là một thất bại chẳng thể bào chữa về mặt hiệu suất. Việc đem về một HLV giỏi và phù hợp có thể khiến bóng đá Việt Nam thành công trong nhất thời trong 5 năm hay 10 năm tới, nhưng chừng nào vẫn còn những tư duy cũ kỹ, vẫn còn hàng tá vấn đề chưa thể giải quyết, thì bóng đá Việt Nam vẫn sẽ mãi ngụp lặn trong "chiếc bánh vẽ" của chính mình mà thôi.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bóng đá Việt Nam đã trở lại sau gần 1 tháng nghỉ ngơi. Giải VĐQG – V-League sẽ tiếp tục vào cuối tuần này, trong khi đó, Cúp QG đã diễn ra vòng tứ kết. Cặp đấu đầu tiên là màn so tài giữa CLB Hà Nội và SHB Đà Nẵng trên sân Hàng Đẫy.

Sau thời kì vàng của bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) được cho là đang thương thảo những chi tiết cuối cùng để ký hợp đồng với ông Kim Sang Sik - một chiến lược gia người Hàn Quốc khác dẫn dắt Đội tuyển Quốc gia Việt Nam trong thời gian tới.

Kể từ khi chuyển đến CLB Inter Miami, Messi không chỉ chinh phục giới CĐV ở Nam Florida mà cả trên toàn nước Mỹ, ở những nơi anh đến thi đấu luôn tạo sức hút với người xem. Giờ đây, người hâm mộ ở Mỹ có thêm trải nghiệm mới thưởng thức Messi trong một không gian ảo theo một cách thậm chí còn thú vị hơn.

Trong khuôn khổ vòng 33 La Liga, Atletico Madrid được thi đấu trên sân nhà, tiếp đón Athletic Bilbao, đội bóng xếp ngay phía sau trên bảng xếp hạng. Bởi vậy, thầy trò Diego Simeone cần 3 điểm để củng cố vị trí thứ 4, bảo đảm suất dự Champion League mùa sau.

Tại giải VĐQG Italia, sau khi Inter Milan đăng quang ngôi vô địch, sự quan tâm giành cho cuộc đua đến ngôi vị á quân đang được tăng lên. Tại vòng đấu thứ 34, đội bóng đang xếp thứ 2 là AC Milan có màn đối đầu đội đang xếp thứ 3 là Juventus.

Tại giải bóng đá VĐQG Pháp, PSG sẽ đăng quang chức vô địch Leauge 1 trước 3 vòng đấu nếu đánh bại Le Havre trên sân nhà. Đây là nhiệm vụ hoàn toàn nằm trong tầm tay của PSG bởi đối thủ quá yếu. Vì vậy, HLV Luis Enrique đã quyết định để ngôi sao số 1 Kylian Mbappe ngồi dự bị.