Israel đột kích Gaza, giải cứu con tin bị giam 11 tháng

Quân đội Israel hôm 27/8 cho biết Lực lượng đặc nhiệm Israel đã giải cứu một con tin người Israel từ một đường hầm ở phía nam Dải Gaza trong "một chiến dịch giải cứu phức tạp". Người này được thả sau gần 11 tháng bị các tay súng Hamas bắt làm con tin hôm 7 tháng 10 năm ngoái.

Giải cứu con tin sau gần 11 tháng

Một đoạn video của quân đội Israel cho thấy cảnh bên trong một chiếc trực thăng đã giải cứu con tin người Israel Qaid Farhan Alkadi khỏi Dải Gaza. Reuters không thể xác minh độc lập vị trí của đoạn video trực thăng hoặc ngày mà đoạn video được quay.

Quân đội Israel cho biết người đàn ông được giải cứu là Qaid Farhan Alkadi, 52 tuổi, một thành viên của cộng đồng người Bedouin ở Rahat miền nam Israel. Ông là cha của 11 đứa con. Người này sau đó đã được chuyển đến Trung tâm y tế Soroka ở Beersheba, Israel và hiện trong tình trạng ổn định. 

Qaid Farhan Alkadi, 52 tuổi, người Israel được giải cứu sau 11 tháng bị giam giữ tại Gaza, hiện trong tình trạng ổn định. 

Theo người phát ngôn Lực lượng phòng vệ Israel (IDF), Chuẩn đô đốc Daniel Hagari, ông Alkadi đã bị giam giữ ở một số địa điểm tại dải Gaza trong thời gian 11 tháng qua.

Qaid Farhan Alkadi là con tin thứ tám được lực lượng Israel giải cứu kể từ hôm 7 tháng 10, và là người đầu tiên được tìm thấy còn sống dưới hầm sâu trong lòng đất. Ông cũng là một trong số hơn 250 người Israel và người nước ngoài đã bị Hamas bắt làm con tin trong vụ tấn công hôm 7/10 vào Israel, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng. Cuộc tấn công sau đó của Israel vào dải Gaza đã khiến hơn 40.000 người Palestine thiệt mạng, theo các viên chức y tế Gaza.

Chiến dịch giải cứu phức tạp

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết cuộc giải cứu là một phần trong "các hoạt động táo bạo của quân đội Israel được tiến hành sâu bên trong Dải Gaza".

IDF cho biết họ đã áp dụng kinh nghiệm rút ra từ các hoạt động trước đó để giải cứu Alkadi. Tờ Jerusalem Post cho biết, IDF đã tìm kiếm con tin trong khu vực trong một khoảng thời gian đáng kể. IDF cho biết họ đã thu thập được một số thông tin tình báo từ Alkadi, cả trên thực địa và tại Trung tâm Y tế Soroka.

IDF đã xác nhận rằng khi họ đột phá qua một số phần của hệ thống đường hầm vào phòng dưới lòng đất, nơi Alkadi bị giam giữ, ở độ sâu 20 mét, con tin này không bị canh gác tại thời điểm đó.

Theo AP, Qaid Farhan Alkadi cho biết ông được lực lượng Israel tìm thấy và giải thoát khi đang ở một mình trong một đường hầm dưới lòng đất sau 326 ngày bị giam cầm ở Gaza.

“Đột nhiên, tôi nghe thấy ai đó nói tiếng Hebrew bên ngoài cửa, tôi không thể tin được”, ông Alkadi kể lại khi nói chuyện điện thoại với Tổng thống Israel Isaac Herzog.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nói chuyện với ông Alkadi qua điện thoại ngay sau khi người này được đưa đến bệnh viện. Ông khen ngợi cuộc giải cứu và chào mừng con tin trở về nhà.

Người phát ngôn của IDF Daniel Hagari từ chối chia sẻ bất kỳ thông tin chi tiết nào về cuộc chiến giải cứu con tin và số lượng lực lượng Hamas mà lực lượng này phải đối đầu.

Đây là chiến dịch giải cứu con tin thành công thứ tư của Israel.

Kế hoạch tiếp theo của Israel

Cuộc giải cứu là lời nhắc nhở rằng vẫn còn hàng chục con tin đang bị giam giữ trong khi các nhà trung gian quốc tế đang cố gắng thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn và giải cứu con tin.  

Theo Reuters, sau nhiều lần trao đổi tù nhân Palestine và con tin, hiện vẫn còn 108 con tin người Israel và người nước ngoài bị giam giữ ở Gaza nhưng khoảng một phần ba trong số này được cho là đã chết, số phận của những người còn lại không rõ.

Hai chiến dịch giải cứu con tin trước đó của Israel đã khiến hàng chục người Palestine thiệt mạng. Phía Hamas cho biết một số con tin đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel và các nỗ lực giải cứu không thành công. Hồi tháng 12 năm 2023, quân đội Israel đã vô tình bắn chết ba con tin người Israel trốn thoát khỏi nơi giam cầm vào tháng 12 tại dải Gaza vì nghĩ rằng đó là các tay súng Hamas.

Mỹ, Ai Cập và Qatar đã dành nhiều tháng làm trung gian cho một thỏa thuận trong đó các con tin còn lại sẽ được trả tự do để đổi lấy lệnh ngừng bắn lâu dài. Các cuộc đàm phán đó vẫn đang diễn ra, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy có bất kỳ bước đột phá nào.

Thủ tướng Israel Netanyahu đã phải đối mặt với sự chỉ trích dữ dội từ gia đình các con tin và phần lớn công chúng Israel vì vẫn chưa đạt được thỏa thuận với Hamas để đưa các con tin trở về nhà.

Hamas hy vọng sẽ đổi các con tin để lấy lệnh ngừng bắn lâu dài, ​​Israel rút toàn bộ quân khỏi Gaza và thả một số lượng lớn tù nhân Palestine, bao gồm cả các chiến binh cấp cao của tổ chức này.

Người nhà các con tin Israel biểu tình hôm 11/7//2024 tại Tel Aviv, yêu cầu Thủ tướng Netanyahu nhanh chóng đạt được lệnh ngừng bắn và trao trả con tin với Hamas. 

Tuần trước, sau khi quân đội Israel nhận được thi thể của 6 con tin ở miền nam Gaza, người phát ngôn quân đội Israel Daniel Hagari cho biết quân đội Israel đang nỗ lực thu thập thêm thông tin tình báo cho các hoạt động giải cứu. Nhưng ông nói thêm rằng "chúng tôi không thể đưa tất cả mọi người trở về chỉ thông qua các hoạt động giải cứu".

Ông Netanyahu cho biết Israel sẽ cùng lúc tiến hành các hoạt động giải cứu và đàm phán để đưa những con tin còn lại trở về nhà.

"Cả hai cách đó cùng đòi hỏi sự hiện diện của quân đội trên chiến trường và áp lực quân sự không ngừng đối với Hamas", ông Netanyahu cho biết.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Năm 2024 được đánh dấu là một năm biến đổi khí hậu khắc nghiệt khi có thêm sự tác động từ El Nino và sắp tới đây sẽ là La Nina, với nhiều trận bão lớn hoành hành ở khắp các châu lục.

Chỉ huy lực lượng đặc biệt Akhmat của Nga, Thiếu tướng Apti Alaudinov vừa thông báo đã giành lại được hai ngôi làng ở phía Tây tỉnh Kursk.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin an ninh phương Tây cho hay quân đội Israel đã tham gia vào giai đoạn lên kế hoạch cho chiến dịch tấn công nhằm vào Hezbollah kéo dài hơn một năm.

Sản lượng những vườn nho ở miền Tây nước nước Pháp sụt giảm đã tác động không nhỏ tới ngành sản xuất rượu vang, một ngành kinh tế quan trọng của nước này.

Biến đổi khí hậu đang gây thiệt hại nặng nề cho ngành nuôi ong của Tunisia. Nhiệt độ tăng cao và hạn hán kéo dài đang đe dọa quần thể ong và sản lượng mật ong của nước này.

Phạm Trường Sơn là tiến sĩ hóa dược Việt Nam đầu tiên được Viện Hàn lâm Hungary công nhận. Sinh năm 1980, anh nổi tiếng với nhiều đề tài nghiên cứu khoa học.