Khát vọng hòa bình từ khúc bi tráng về lòng quả cảm

Khi trên thế giới vẫn còn chất chứa những giao tranh, xung đột với những mất mát đau khổ của con người thì ‘khát vọng hòa bình’ sẽ luôn là vấn đề được đặt ra không chỉ ở tầm quốc gia mà cho toàn cầu, cho nhân loại. Trong âm nhạc cổ điển, bản nhạc “1812 Overture” được coi như một biểu tượng của hòa bình và độc lập, một trong những tác phẩm hay nhất của nền âm nhạc cổ điển Nga - vẫn âm vang và còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay.

Những giá trị nghệ thuật to lớn của “1812 Overture” của nhà soạn nhạc hàng đầu Pyotr Ilyich Tchaikovsky vượt qua lãnh thổ nước Nga trở thành một trong những tác phẩm được yêu thích nhất trên toàn thế giới bởi những giai điệu không chỉ ca ngợi sự quả cảm của người lính đã ngã xuống trên sa trường cho hai từ tổ quốc, tái hiện sự dữ dội khốc liệt của chiến tranh mà còn là thanh âm của tự do, của khát vọng hòa bình và độc lập.

Bản nhạc được Tchaikovsky sáng tác vào năm 1880 trong 6 tuần theo một lời gợi ý về một tác phẩm lớn mang tính tưởng niệm để sử dụng trong những hoạt động lễ hội lớn sắp diễn ra ở thời điểm đó như lễ tưởng niệm 70 năm chiến thắng của Nga đánh bại quân đội Pháp, Lễ kỉ niệm đăng quang lần thứ 25 của Sa hoàng vào năm 1881, Triển lãm nghệ thuật và công nghiệp Moscow dự tính diễn ra vào năm 1882…Bản thân ông không nhiệt huyết lắm nếu không muốn nói là miễn cưỡng để viết theo đặt hàng.  

Cuộc chiến tranh năm 1812 được gọi là Chiến tranh Vệ quốc Nga lần thứ I khi người dân Nga đã ‘ đồng lòng đứng lên đoàn kết để đương đầu với đại quân của Napoleon”. Theo lời vị thống lĩnh Nga Mikhail Kutuzov, ngày tháng này là “tượng đài vĩnh cửu của lòng can đảm và dũng cảm của những người lính ”. Đây được coi là trận chiến lớn thứ 3 và đẫm máu nhất trong các cuộc chiến tranh xâm lược của Napoléon Bonaparte, với sự tham gia của trên 25 vạn quân từ cả hai phía và được mô tả là một trận đánh khốc liệt và dữ dội nhất trong lịch sử loài người tính đến thời điểm đó. Quân Pháp dưới sự chỉ huy của Napoleon đã không giành được chiến thắng quyết định trước quân Nga. 80.000 lính Pháp và Nga đã bỏ mạng, 49 tướng lĩnh Pháp thương vong, trong khi con số đó ở phía Nga là 23. Các binh sĩ Nga đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng – và bởi thế, Napoleon đã vô cùng kinh ngạc khi chỉ thấy trên chiến trường khi tan khói súng và đại bác, thây người chất lên nhau nhưng tuyệt nhiên không bắt được một tù binh người Nga nào.

Với tâm thế đem quân xâm lược nước Nga nhằm bá chủ châu Âu, nhưng do tính toán sai lầm trong công tác chuẩn bị khi không nhận định hết được sự khắc nghiệt của mùa đông nước Nga , vị hoàng đế Pháp đã thất bại nặng nề trong cuộc chiến này. Nạn đói, thời tiết giá lạnh và lực lượng quân đội Nga chặn hết mọi đường rút lui - thiếu nơi đồn trú mùa đông, Napoleon buộc phải rút quân. Chiến thắng lẫy lừng của Nga được coi là một sự kiện trọng đại dẫn đến sự kiện giải phóng toàn châu Âu thoát khỏi ách chiếm đóng của Hoàng đế Pháp Napoléon Bonaparte

 

Trong tổng phổ Overture, Tchaikovsky đã cho xuất hiện mười sáu phát đại bác. Bắt đầu bằng bản thánh ca buồn “God Preserve Thy People” (Chúa chở che những đứa con của người) vốn là bài quốc ca cũ của nước Nga - tác phẩm gợi lên bức tranh phong cảnh đồng quê và những người lính, khắc hoạ cảnh khốn cùng ngày một nặng nề của dân tộc Nga dưới bàn chân của quân xâm lược Pháp. Tại thời điểm quyết định của cuộc chiến - trận Borodino - xuất hiện 5 tiếng đại bác của Nga với những phân khúc trong “La Marseillaise” - quốc ca Pháp lặp đi lặp lại một cách khoa trương. Nếu như ở đầu tác phẩm “La Marseillaise” hùng hồn và khí thế bao nhiêu thì ở phần sau khi quân Pháp thất trận ngôn ngữ âm nhạc chuyển tải lại trầm buồn và da diết bấy nhiêu..

Không khí trầm lắng xuống nhờ đoạn giãn của bộ dây tái hiện sự tiêu hao lực lượng tiếp sau đó của quân đội Pháp, tiếp theo bằng hồi chuông chiến thắng và hân hoan lặp lại bài thánh ca “Chúa chở che những đứa con của người” khi Moscow bốc cháy để tránh trở thành nơi đồn trú mùa đông của quân Pháp. Một cảnh rượt đuổi âm nhạc xuất hiện, nổi lên bài thánh ca “Chúa cứu Sa hoàng”, tiếp đó vang lên như sấm 11 tiếng đại bác. Để chuẩn bị cho sự an toàn và chính xác của những tiếng đại bác – vào năm 1880 – cần sử dụng 16 khẩu pháo nạp đằng nòng bởi nếu nạp lại đạn cho một khẩu để có được 16 phát bắn sẽ không đạt được sự an toàn cũng như chính xác cần có. Riêng thời gian chậm trễ cũng phá vỡ việc thực hiện ý đồ của âm thanh Những giai điệu trong bản nhạc đầy cao trào “ đôi khi mang lại cảm giác hỗn loạn”,  miêu tả cảnh xung đột, cuộc chiến gian khổ đầy vinh quang của người Nga; đồng thời ca ngợi sự hy sinh của người lính bảo vệ tổ quốc.

Bản nhạc trở nên nổi tiếng với hàng loạt tiếng đại bác khi cuộc chiến kết thúc trong cao trào và tiếng chuông nhà thờ ăn mừng chiến thắng. Việc sử dụng đại bác trong tác phẩm thể hiện sự mới lạ, là điều khiến người nghe nhớ nhất về tác phẩm. “1812 Overture” trở thành một trong những tác phẩm độc đáo nhất trong âm nhạc cổ điển, thể hiện khí phách, lòng quả cảm và sự hy sinh anh hùng của những người lính vệ quốc.

Trong tác phẩm của mình, Tchaikovsky đã lưu ý trong bản thảo rằng: "Những chiếc chuông phải lớn và có cùng âm vực; chúng nên được đánh theo kiểu rung chuông ăn mừng", và khẩu súng thần công phải là "Dụng cụ được sử dụng trong rạp hát để mô tả cảnh bắn đại bác”

Buổi biểu diễn đầu tiên của “1812 Overture” diễn ra vào ngày 20 tháng 8 năm 1882 tại buổi hòa nhạc giao hưởng thứ sáu. Trong một chương trình bao gồm toàn bộ các tác phẩm của Tchaikovsky, tại hội trường của Triển lãm Công nghiệp và Nghệ thuật Toàn Nga ở Moscow , do nhạc trưởng Ippolit Altani chỉ huy.

Với “1812 Overture”, Tchaikovsky đã dành cho bản nhạc một sự ưu ái vô cùng đặc biệt khi từng chỉ huy bản này tới 13 lần - nhiều hơn bất kỳ tác phẩm nào khác của ông.

Cũng vì sức ảnh hưởng vô cùng lớn lao, “1812 Overture” - bản trường ca sôi động, thấm đẫm tinh thần vệ quốc và khát khao hòa bình, ngay sau khi ra đời đã được đón chào nồng nhiệt không chỉ ở Nga mà ở nhiều quốc gia trên thế giới và thường xuyên được biểu diễn trong các sự kiện trọng đại cùng những bản nhạc mang tinh thần yêu nước khác.

 

Vào ngày 4 tháng 7 năm 1976, buổi biểu diễn "1812 Overture" của Arthur Fiedler và dàn nhạc Boston Pops diễn ra tại sân khấu Hatch Memorial Shell trên khu vực Charles River Esplanade ở Boston, Massachusetts nhân dịp kỷ niệm 200 năm Độc lập của Mỹ đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng Mỹ. Ước tính có khoảng từ 400.000 - 500.000 người đã tới tham dự buổi biểu diễn, trở thành một trong những sự kiện âm nhạc đông đảo và đáng nhớ nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Bản nhạc "1812 Overture" đã tạo nên một sự kết nối đặc biệt giữa nước Mỹ và nhân dân Mỹ trong ngày lễ Độc lập bởi họ nhận thấy nội dung bản “1812 Overture” với các tiết tấu diễn tả cuộc chiến gian khổ mà vinh quang của người Nga hoàn toàn trùng khớp với diễn biến cuộc chiến tranh 1812 giành độc lập của nước Mỹ. Tiếng đại bác và hiệu ứng nổ trong bản nhạc tạo ra một sự kết nối với cuộc chiến đấu của người Mỹ để đạt được độc lập và tự do. Họ cảm nhận từ bản nhạc giai điệu oai hùng đầy bất hủ, ca ngợi sự chiến đấu và hy sinh quả cảm của người lính mà không còn giới hạn ở sắc tộc và quốc gia nào nữa.

 

Đến nay, "1812 Overture” là một phần đặc biệt không thể thiếu trong lễ kỷ niệm ngày Độc lập của nước Mỹ và trong các buổi hòa nhạc ngoài trời. Điều này càng khẳng định sự hùng tráng của bản nhạc, với tiếng đại bác, chuông nhà thờ và pháo hoa tạo nên một không khí kỷ niệm trang trọng và đầy cảm xúc.

Đây là một bản nhạc nổi tiếng đã từng được nhiều dàn nhạc giao hưởng trên khắp thế giới biểu diễn trong đó có Nhà hát Giao hưởng Leningrad trình diễn trong Gala nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của nhà soạn nhạc lừng danh Tchaikovsky. Nhà hát nhạc giao hưởng thành phố Leningrad (The Leningrad Philharmonic) là lực lượng chủ lực làm nên bản nhạc bất hủ này nhưng điều đặc biệt nhất của bản nhạc là nó được sự giúp sức của dàn kèn đồng thuộc nhà hát Hồng Quân Leningrad (The Leningrad Military Ochestra).

 

Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Yuri Temirkanov, các nghệ sĩ tài danh đương đại như Violoist hàng đầu thế giới người Nhật YoYoMa, Pianist người Nga Boris Berezovsky hay giọng ca Soprano người Mỹ Jessye Norman cũng đã từng hợp tác trình diễn bản nhạc nổi tiếng này.

Năm 1954, Antal Dorati là nhạc trưởng và nhà soạn nhạc người Hungary đã thực hiện bản nhạc này với Dàn nhạc Giao hưởng Minneapolis, sử dụng khẩu đại bác Pháp bằng đồng nạp đạn năm 1775 từ Học viện Quân sự Hoa Kỳ ở West Point, New York và chiếc carillon 74 chuông ở Nhà thờ Riverside.

Nằm trên dải đất hình chữ S, Hà Nội đã từng oằn mình trong bom đạn, chứng kiến những tàn phá, những đau thương mất mát của hai cuộc chiến tranh. Đằng sau sự hy sinh vô cùng to lớn đó, hơn ai hết, mỗi người dân Hà Nội hôm nay đều nâng niu, trân trọng giá trị của hòa bình. Danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" do tổ chức UNESCO trao tặng Hà Nội năm 1999 chính là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam sau bao đau thương và mất mát.

Để nhắc nhớ cho thế hệ trẻ về những giá trị của hòa bình và tri ân và tưởng nhớ công lao to lớn của những người lính, thương binh, bệnh binh đã hy sinh xương máu viết nên biết bao trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, chương trình Hòa nhạc Mùa hè với chủ đề “ Giai điệu người lính” sẽ được Đài Hà Nội tổ chức nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7.  Và lần đầu tiên, tiếng đại bác trong “1812 Overture” sẽ được tái hiện và vang lên tại Nhà Hát Lớn Hà Nội như một khúc bi tráng, một tượng đài âm nhạc để ca ngợi tinh thần quả cảm, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những người lính cùng với những tác phẩm âm nhạc kinh điển của Việt Nam như "Chiến sĩ Việt Nam","Người chiến sĩ ấy", "Bước chân trên dải Trường Sơn", "Hát mãi khúc quân hành"…dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Nhật tài ba Honna Tetsuji.

“1812 Overture” và những bản nhạc bất hủ của Việt Nam cùng hòa vang, tất cả sẽ mang đến những cung bậc cảm xúc khó quên, tạo nên một sự kết nối đặc biệt về hòa bình và lan tỏa thông điệp: “Hãy cùng chung tay vun đắp, dựng xây vì một nền hòa bình cho nhân loại”. Lịch sử không phải là những dòng thuật lại bằng con chữ đơn điệu trên giấy trắng, mà khi được tái hiện qua ngôn ngữ của nghệ thuật, của âm nhạc và từ xúc cảm mạnh mẽ từ trái tim người nghệ sĩ, lịch sử khoác lên mình lấp lánh những giá trị của loài người, của tình yêu và  khát vọng hòa bình để những nỗi đau, những tàn khốc trong quá khứ sẽ không bao giờ lặp lại./.

 

Bài viết: Bích Thảo

Đồ họa: Thanh Nga

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nhân kỷ niệm 20 năm phố cổ Hà Nội được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia, 19 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024)) và 20 năm hoạt động của không gian đi bộ trên địa bàn quận (2004 - 2024), Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức 20 hoạt động trưng bày, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật để tôn vinh những giá trị di sản.

Phụ nữ xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội, đã biến những bức tường rêu mốc thành tranh sinh động, kể lại những câu chuyện đầy ý nghĩa về văn hóa và lịch sử truyền thống địa phương.

Là cây ưa khô ráo, nắng hạn, cách đây hơn 2 tháng, hàng nghìn cây hoa giấy ở Phù Đổng có nguy cơ bị thối rễ do ngập nước. Người dân làng Phù Đổng đã kiên trì hồi sinh cho những cây hoa giấy, để giờ đây, các nhà vườn lại rực rỡ sắc màu.

Ông Hoàng Thanh Khiết, đại diện Hội đồng xác lập Kỷ lục Việt Nam, đã trao chứng nhận xác nhận kỉ lục cho Bảo tàng Hoa Cương của Nhà giáo Nguyễn Quang Cương, đồng thời đánh giá Bảo tàng Hoa Cương sở hữu một bộ sưu tập hiện vật vô cùng phong phú, đa dạng về chủ đề và chất liệu.

Với mong muốn bảo tồn di sản và phát huy, ứng dụng các giá trị văn hóa Việt vào đời sống hiện đại, cuộc Triển lãm với tên gọi “Tôn cựu, nghênh tân” đang diễn ra tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cũ, 46 Hàng Bài.

Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024 với chủ đề "Gastronomy of Unity - Ẩm thực kết nối" sẽ diễn ra trong hai ngày 7 và 8/12, tại khu Ngoại giao Đoàn - 298 Kim Mã, Hà Nội.