Luận về chữ An trong lời chúc đầu năm
“An” (安) là một từ Hán Việt thường được biết đến với một cấu tạo tượng hình mang ý nghĩa sâu xa. Chữ 安 / ān/ trong tiếng Hán gồm 6 nét, có kết cấu gồm bộ Miên 宀 (có nghĩa là mái nhà) ở bên trên và bộ Nữ 女 (có nghĩa là đàn bà, con gái) ở bên dưới.
Đây là kiểu chữ hội ý và được lý giải là một mái nhà, có một người phụ nữ ở trong nhà, thì đấy là “an”. Có thể thấy, với xuất phát gốc từ nền văn hóa truyền thống Trung Hoa vốn đề cao vai trò của đàn ông, thì ngay từ hình ảnh, chữ “an” đã mang ý nghĩa về một sự an toàn, yên ổn, đầy đủ, cả về vật chất (mái nhà) và tinh thần, tình cảm, sự chăm sóc (người phụ nữ).
Cũng nhìn từ thuyết âm dương ngũ hành phổ biến trong văn hóa phương Đông, chữ “an” (安) trong ngũ hành là Thổ, từ nghĩa đen là vững chãi, gốc rễ, nền tảng, sẽ mang thêm ý nghĩa là an toàn, yên ổn. Các từ điển chữ Hán đều giải nghĩa “an” là an ổn, bình yên. Với ý nghĩa như thế, lời chúc nhau ngày Xuân thường là lời chúc bình an, và trong tôn giáo, tín ngưỡng, những tín đồ khi lễ Phật, cầu Chúa… thường cũng xin được bình an. Lời chúc bình an có thể thấy ở những thiệp chúc Xuân, lời chúc mừng nhau những dịp lễ Tết như lễ Giáng sinh, Tết Nguyên đán… Trong những bài hát về ngày xuân, cũng không ít bài có lời chúc nhau bình an.
Chữ “An” còn gắn với một loạt những từ ngữ như an lạc, an tâm, an lành, an khang, an bình, an quốc, an dân… và cũng là một trong những chữ được viết thư pháp, được cho tặng nhiều nhất vào đầu năm mới theo phong tục “xin chữ đầu Xuân” ở nhiều quốc gia Châu Á.
Mở đầu áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi đã viết: “Nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân” (Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân). Như vậy, trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, chữ “An” luôn được coi trọng như một giá trị sống cốt lõi, cũng là một thái độ hành xử giữa người với người.
Lời chúc “thân tâm an lạc” hay “tâm an, vạn sự an” không chỉ là lời chúc của Phật tử , mà đã trở thành lời chúc tụng chung của mọi người. Từ đó có thể thấy, để có một cuộc sống an lành, một chất lượng sống an lạc, thì điều đầu tiên cần phải có là ý thức của con người về cách sống “An”. Nói một cách khác, muốn bản thân có một cuộc sống an lành, hạnh phúc, thì chính con người phải có cách hành xử và thái độ sống tương ứng.
Sự yên ổn sẽ khó có thể đến với ai mà bản thân tâm hồn, suy nghĩ, cách sống của họ không hề “An”. Tự bản thân mỗi con người biết “An” trong ý niệm, không tranh chấp, hơn thua, khen chê, được mất… thì môi trường mà họ sống, từ gia đình đến nơi làm việc và rộng ra là xã hội, sẽ cũng đều có vạn sự lành.
Gia đình là gốc rễ của con người. Không phải ngẫu nhiên mà có nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình hạnh phúc, yên ấm thì có những năng lực và cơ hội thành công nhiều hơn những đứa trẻ khác. Hạnh phúc, yên ấm ở đây không phải là đầy đủ về vật chất, về tiền bạc, mà là ở tình thân, là thái độ sống của các thành viên trong gia đình. Một gia đình biết hạn chế tối đa những tranh cãi, mâu thuẫn, sự áp đặt - mọi thành viên biết ngồi lại với nhau, tôn trọng lắng nghe nhau, đó là nền tảng của sự bình an.
Một nghiên cứu xã hội học gần đây cho thấy, trẻ em có biểu hiện bất thường về tâm lý, tinh thần thì 25% nguyên nhân là do hệ lụy của đời sống gia đình. Báo cáo quốc gia về bạo lực trong gia đình Việt Nam năm 2021 do Tổng cục Thống kê thực hiện đưa ra con số 63% phụ nữ từng bị bạo lực tinh thần hay thể xác bởi chồng hay người yêu. Trẻ em là đối tượng bị hứng chịu bạo lực nhiều nhất bởi các em còn nhỏ tuổi, không có khả năng chống cự, kêu cứu và đáng báo động là trong số những trẻ em bị bạo lực thì có đến 72,84% là do chính người thân. Bạo lực không chỉ là tác động về thể xác, bạo lực còn là từ những lời nói hung bạo, hủy hoại cảm xúc. Do vậy, môi trường gia đình an toàn, yêu thương là điều hết sức quan trọng. Ngôi nhà của con người phải là một mái ấm tràn đầy tình yêu thương , an vui và ấm áp.
Một nơi chữa lành những nỗi không vui để người ta muốn được trở về chứ không phải là nơi chốn đầy nặng nề, bất ổn, ám ảnh các thành viên.
Người giàu nhất thế giới Elon Musk từng nói về người mẹ của mình trong một cuộc phỏng vấn: "Bà không bao giờ phàn nàn về cuộc sống. Mỗi khi nhìn thấy mẹ, tôi đều thấy bà nở nụ cười tươi. Thái độ sống như vậy là tài sản quý giá nhất mà mẹ đã ban tặng chúng tôi." Trong gia đình, vai trò của cha mẹ cũng như cách thức họ sống luôn ảnh hưởng trực tiếp đến con cái. Để lan tỏa tinh thần của chữ “An”, để gia đình trở thành chỗ dựa an lòng, bản thân mỗi thành viên trong đó gồm nhiều thế hệ không chỉ yêu thương, gắn bó với nhau, mà còn cần nhẫn nại, cảm thông và lắng nghe nhau, kính trên nhường dưới, tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội học tập và phát triển, trở thành người có ích cho xã hội. Đó cũng là hàm nghĩa, là cách hiểu hiện đại của chữ “An” trong dòng chảy văn hóa truyền thống của dân tộc.
Môi trường tại nơi làm việc luôn là có những yếu tố phức tạp và cũng là nơi dễ bùng nổ những mâu thuẫn hơn cả, bởi liên quan đến nhiều vấn đề như trách nhiệm, quyền lợi, cách thức làm việc, sự công bằng… Trong một tập thể đông người, sự xuất hiện của những cá nhân có lòng tham lam, sự ích kỷ chỉ biết đến lợi ích của bản thân, đặt cái tôi của bản thân lên cao nhất, không quan tâm đến người khác, lười nhác nhưng hay chê bai, bình phẩm tiêu cực, không đồng thuận trong công việc nơi cơ quan, công ty, … cũng là nguyên nhân của sự bất an.
Bản thân không là người tốt, không sống an lành, hành xử kém thì cũng sẽ đến lúc, mình nhận lại hậu quả những điều đó từ sự phản ứng của đồng nghiệp. Nếu con người có thể tự điều chỉnh được hành vi cũng như cách sống của mình, thì họ sẽ không phải hứng chịu những sự bất ổn do chính mình gây ra tại nơi làm việc.
Một ngày có 8 tiếng làm việc ở cơ quan, 8 tiếng của hòa khí, của những nụ cười, của sẻ chia sẽ mang lại cho bạn hiệu quả làm việc cao hơn, tạo ra nhiều giá trị hơn.
Một môi trường làm việc chuyên nghiệp thì không thể không nhắc đến văn hóa doanh nghiệp, phong cách làm việc cởi mở tạo tâm lý thoải mái để có thể phát huy tối đa sức sáng tạo và tinh thần làm việc. Những đồng nghiệp thân thiện, có chuyên môn cao, biết hợp tác với nhau một cách hiệu quả, biết học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau, đối xử với nhau thân thiện… chính là chìa khóa để mỗi thành viên cảm thấy an ổn tại nơi làm việc.
Không thể không có những lúc bất đồng, nhưng nếu ta xác định đây lả môi trường gắn kết thì sẽ dễ dàng có sự vị tha để quãng thời gian làm việc còn lại trong năm trở nên thoải mái, không chú tâm vào chất chứa những định kiến. Trên con đường cống hiến, cái gì của mình rồi cũng sẽ thuộc về mình. Phấn đấu, đoạt tranh để giành vị trí, giành sự ngợi khen… rốt cuộc thường đem lại những nhọc lòng, phiền não. Môi trường làm việc có an toàn hay không, có mang lại lợi ích và trở thành điểm đến vui vẻ mỗi ngày khi đặt chân đến cơ quan, công ty, nhà máy hay không… phụ thuộc hoàn toàn vào chính những con người làm việc trong đó.
Với một tâm thế an lành, trong một môi trường yên ổn, con người sẽ có cơ hội để phát huy hết khả năng làm việc của mình, từ đó gặt hái được những thành công trong sự nghiệp.
Con người không thể kiểm soát được những hiểm họa như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh… khi chúng ập đến. Con người cũng không thể lường được hết những sự cố có thể xảy ra với bản thân. Nhưng con người có thể hành xử hay ứng phó để đạt được sự yên ổn, an toàn cao nhất khi bước chân ra ngoài xã hội.
Một cách sống thiện lương, đối xử nhân hậu, làm những điều tốt cho mọi người xung quanh trong khả năng của mình, thì không chỉ mang lại sự an lành cho mọi người, mà trước hết còn mang lại sự bình yên cho bản thân. Sự bình yên không thể đến với những ai ưa gây gổ, cãi vã, những ai luôn nhìn cuộc đời với con mắt khắt khe, xét nét, thiếu thiện cảm khi giao tiếp bên ngoài xã hội. Thái độ thiện chí, sự thành khẩn, rộng lòng thông cảm có thể giúp hóa giải những mâu thuẫn, xô xát trong cuộc sống đời thường.
Trong cuộc đời thực, chúng ta chứng kiến không ít những án mạng, những tội ác bắt đầu từ những xô xát, cãi vã dẫn đến những kích động về tâm lý, không kìm chế được, từ một tiệc nhậu có lời ra tiếng vào, hay một vụ va quệt xe cộ trên đường… Những lúc ấy nếu biết mình sai, thay vì cãi vã hơn thua bạn có thể dùng tĩnh khí nở một nụ cười làm hòa nhận lỗi, dùng lời lẽ thiện chí để giải quyết cho mọi sự được hóa giải an lành.
Khi ý thức rằng bản thân cần phải “An” trong bất kỳ sự bất như ý thì con người sẽ điều chỉnh được hành động tương ứng. Trong lịch sử, mọi cuộc chiến tranh đa phần đều được bắt đầu bằng vũ khí, bạo lực, súng đạn, với những mất mát, đau thương… nhưng đều được kết thúc bằng đàm phán, đối thoại để lập lại hòa bình, mang lại sự yên ổn cho các bên tham chiến.
“An” là khi ta không lấy của người khác làm của mình vì luật trời đất công bằng, của thiên trả địa. “ An” là khi ta không làm đau, làm tổn thương người khác để thỏa mãn sự cao ngạo của mình mà làm người sinh lòng oán hận. “ An” là khi ta gieo vào đời những hạt thiện lành để thời gian và lòng người nuôi dưỡng thành cây trổ hoa.
Nói rộng ra, chữ “An” không chỉ là mơ ước hay mong mỏi, là cách sống, cách ứng xử của con người trong gia đình, tại nơi làm việc và bên ngoài xã hội, mà còn là cách ứng xử với chính mình. Để có một cuộc sống an lành, con người phải chủ động sống bằng thái độ “An”, việc làm “An”, hành vi “An”. Làm chủ được chữ an của bản thân, bạn sẽ thấy cuộc sống nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn rất nhiều lần, dù cho hoàn cảnh sống của bạn vẫn vậy, không thay đổi.
Như vậy, lời chúc an lành đến với mọi người trong những dịp Tết đến Xuân về không chỉ là một mong ước tốt đẹp, mà còn là khát vọng hướng đến những giá trị cao hơn của chân, thiện, mỹ. Sâu xa hơn nữa, đó là lời nhắc nhở chúng ta rằng an lành không chỉ là lời chúc, là ước mơ - mà chúng ta hoàn toàn có thể biến ước mơ đó thành hiện thực, bằng chính thái độ sống, bằng nhân sinh quan của mình.
Và ở thời khắc những ngày đầu Xuân Quý Mão 2023, chúng ta luận về chữ “An” để hy vọng vào một năm mới an lành sau rất nhiều những bất ổn, bất toàn của năm cũ, bước qua những nỗi buồn, dịch bệnh, tai ương… để hướng đến những bình yên, hạnh phúc và thành công.
Xin được khép lại bài viết với những lời sẻ chia, chắt lọc đầy tâm huyết của tác giả Như Nhiên – Thích Tánh Tuệ:
- Vì biết trong bùn còn có sen, trong sen có lẫn bùn, không vì quá thích sen mà chối bỏ bùn, từ đó có Bình An.
- Vì biết trong ta có cả đen lẫn trắng, không khước từ đen để hãnh diện vì mình trắng, không quá vui khi mình trắng mà cay đắng lúc mình đen, từ đó có Bình An.
-Vì biết nhìn người và vật không thể nhìn bề ngoài. Cái vỏ ngoài chỉ là giả tướng, từ đó có Bình An..
- Vì biết cảm hóa người khác là chuyện không dễ dàng, không quá mong mỏi người khác thay đổi theo ý mình, từ đó có Bình An.
- Vì biết không thể nói về biển với con ếch đáy giếng, không thể bàn về băng tuyết với côn trùng mùa hè, từ đó có Bình An..
- Vì biết đánh giá tình cảm của con người không chỉ nhìn qua hành động tạm thời trước mắt, mà qua hoạn nạn mới rạng chân tình, từ đó có Bình An..
- Vì biết nhìn người ta mà sống là nô lệ, và sống cho người ta nhìn là sống ảo, từ đó có Bình An.
- Vì biết chắc chắn ta sẽ già, sẽ bệnh, sẽ chết. Trừ bậc Thánh, chẳng một ai thoát ra ngoài cái quy luật muôn đời ấy, từ đấy có Bình An..
- Vì biết chịu trách nhiệm những hành động thiện ác lớn bé trong tam nghiệp của mình, từ đó có Bình An..
- Vì biết bất cứ điều gì hễ có khi bắt đầu sẽ có lúc kết thúc, từ đó có Bình An.
- Vì biết cái Ác chỉ có thể thắng cái Thiện nhất thời rồi nhanh chóng nhường lại chỗ ngồi cho Chân Lý, từ đó có Bình An..
- Vì biết cái có thể mang theo được ở cuối con đường sinh mệnh đó là Tình Thương, Trí Tuệ và Nụ Cười, mỗi ngày sống với ba điều đó, từ đó có Bình An...
Tác giả: Hà Thanh Vân
Đồ họa: Thanh Nga
Với nhiều giá trị ý nghĩa lịch sử, văn hóa, Đình làng Thành Công thuộc phường Thành Công (quận Ba Đình) đã được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp thành phố.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phối hợp với Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức Hội nghị cơ chế chính sách và giải pháp thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Dấu ấn Di sản công nghiệp là chuyên đề đang gây sự chú ý cho du khách khi đến thăm Bảo tàng Hà Nội những ngày này.
Trong chuyến thăm tới các địa điểm được xem là biểu tượng cho quan hệ Việt - Pháp, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Olivier Brochet đã tới thăm Cầu Long Biên và Đại học Dược Hà Nội. Đây là hai trong số nhiều công trình kiến trúc Pháp cổ được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20.
Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 5 điểm dịp Tết Dương lịch năm 2025 và 30 điểm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 .
Sáng 20/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam khai mạc Triển lãm "Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ".
0