Mùa thu trong vườn Bác

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia đặc biệt. Trong một sớm mùa thu nắng đẹp của Hà Nội, hãy trải nghiệm không gian Khu di tích Phủ Chủ tịch, dạo chơi trong vườn Bác, thăm Nhà sàn và Ao cá Bác Hồ, tìm về dấu chân Bác tại những không gian mộc mạc, giản dị mà vô cùng thân thương, ấm áp.

Ngôi nhà số 54 bình dị

Được gọi là nhà 54 bởi, năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ thành công, Bác Hồ từ Việt Bắc trở về, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã chọn cho Người ở và làm việc tại Phủ Toàn quyền Đông Dương, nhưng Bác một mực từ chối. Bác lại chọn ngôi nhà nhỏ cạnh bờ ao - vốn là nhà của một người thợ điện thời Pháp.

Nhà 54 có ba phòng, phía giáp ao là phòng làm việc và cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp khách, ở giữa là phòng ăn, cuối cùng là phòng ngủ. Mọi đồ dùng sinh hoạt của Người cùng với tài liệu sách báo Người đang đọc, những món quà lưu niệm bạn bè quốc tế tặng Người vẫn được giữ nguyên vẹn, xếp đặt gọn gàng, khoa học như những ngày Người còn ở nơi đây.

Ngôi nhà 54, nơi Bác Hồ đã từng ở.
Ngôi nhà 54, nơi Bác Hồ đã từng ở.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại ngôi nhà này gần 4 năm, từ 1954 đến giữa tháng 5/1958. Kể cả khi đã chuyển sang ở nhà sàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh hàng ngày vẫn tản bộ qua ao cá, để trở về nơi đây dùng cơm trưa với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các bữa tối. Người không muốn có sự chăm sóc và phục vụ đặc biệt nào như đối với một lãnh tụ. Bởi vậy Nhà 54 là nơi gắn bó với cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 15 năm cuối cùng của cuộc đời.

Ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống trong những năm đầu về Thủ đô Hà Nội là minh chứng cuộc sống giản dị, gần gũi gắn bó với nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người chia sẻ với nhân dân những vất vả, khó khăn, đồng cam cộng khổ và động viên nhân dân, cùng xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

Trải nghiệm tại nơi đây, mới càng thấy những hoạt động của Bác Hồ ở ngôi nhà nhỏ này phản ánh phong cách sống, tinh thần quyết tâm phấn đấu vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, vì tương lai của đất nước trên chặng đường phát triển mới của lịch sử dân tộc.

Ngôi nhà thể hiện phong cách sống giản dị của Bác.
Ngôi nhà 54 thể hiện phong cách sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhà sàn Bác Hồ: Nơi ẩn chứa tình yêu thiên nhiên của Người

“Một đời thanh bạch chẳng vàng son” - Nhà sàn của Bác Hồ giản dị nằm giữa Thủ đô Hà Nội, đã trở thành nơi Bác sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Nơi đây đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử trọng đại, có ý nghĩa lớn lao trong những thời điểm cuối trong cuộc đời cách mạng của Bác.

Dưới mái nhà này, Bác Hồ của chúng ta nhiều đêm không ngủ, lo lắng, trăn trở cho cách mạng ở miền Nam, của chủ nghĩa xã hội miền Bắc và sự đoàn kết quốc tế. Chính những năm ở đây, Bác Hồ đã từng đề ra đường lối chiến thuật, chiến lược, đảm bảo đưa Cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Nhà sàn nơi Bác sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.
Nhà sàn nơi Bác sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói rằng: "Cuộc đời của Bác Hồ vô vàn điều giản dị, nhưng Nhà sàn nơi Bác ở và làm việc là điều giản dị nhất và chính bởi sự giản dị đó đã làm cho nó trở nên kì diệu, hấp dẫn hơn. Thanh cao Hồ Chí Minh là như vậy, "nâng niu tất cả chỉ quên mình". Bởi sống giản dị, nên Bác tự rèn luyện cho mình một lối sống an nhiên, tự tại, luôn lạc quan, vui vẻ.

Trong 4 năm Bác sống và làm việc tại ngôi nhà của người phục vụ cho Phủ toàn quyền Đông Dương, nhiều lần Trung ương Đảng đề nghị làm cho Bác ngôi nhà mới để ở và làm việc tốt hơn, nhưng Bác đều từ chối. Mãi đến năm 1958, trong chuyến thăm huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, thấy đời sống nhân dân được nâng lên, đồng bào đã có thêm nhiều nếp nhà mới, Bác nói rằng muốn làm một ngôi nhà nhỏ bên cạnh ao cá theo kiểu của đồng bào Việt Bắc.

Bác dặn Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh: "Chú lo cho Bác một ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc, nhưng nhỏ thôi, chỉ cần một phòng làm việc, một phòng nghỉ, sao cho phù hợp với hoàn cảnh đất nước mình".

Bác Hồ còn dặn kiến trúc sư: "Cần làm hành lang và cầu thang rộng để khi tiếp khách thì hai người có thể đi song song; nhà làm bằng gỗ thường, tận dụng vách ngăn hai phòng làm một giá sách cho gọn, tiết kiệm và tiện sử dụng".

Và trên giá sách đó cũng là nơi Bác đã cất di chúc sau mỗi lần viết, sửa. Bác thực hiện viết Di chúc từ năm 1965. Hàng năm, cứ đến ngày 10-19/5 - là ngày sinh nhật Bác, Bác lại lấy Di chúc ra viết và sửa lại cho phù hợp.

Dưới tầng trệt, để thông thoáng, Bác bảo làm bệ xi măng thấp ở xung quanh, trên có lát ván tạo thành hàng ghế băng dài cho các cháu thiếu niên vào chơi có đủ chỗ ngồi. Bác còn nuôi một bể cá nhỏ như món quà cho thiếu nhi.

Cũng tại tầng trệt giản dị đơn sơ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc về mùa hè, nơi Người họp, trao đổi công việc với các đồng chí trong Bộ Chính trị, cán bộ phụ trách đầu ngành hoặc các địa phương, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra miền Bắc chữa bệnh và công tác.

Chiếc radio của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chiếc radio của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chị Phạm Thị Hoài, cán bộ thuyết minh Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch chia sẻ: "Có một hiện vật rất xúc động đó là chiếc radio. Bác Kỳ vặn nhỏ, Bác lại nói vặn to lên vì chú khi về nhà còn có vợ con, còn Bác chỉ có một mình, Bác muốn có tiếng người".

Trên bàn làm việc vẫn còn lại những kỷ vật của Người. Đó là những cuốn sách Người đang đọc vào những ngày cuối cùng. Chồng sách ngoài cùng là loại sách nói về người tốt, việc tốt của các giới, các ngành được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm.

Th.s Trần Thị Thắm, Phó trưởng phòng Tuyên truyền - Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết: "Có người thắc mắc, sao Bác lại ở nhà sàn, Bác nói, tôi muốn ở như khi tôi sống với đồng bào dân tộc trong thời gian hoạt động cách mạng".

Giàn hoa Phủ Chủ tịch - phòng tiếp khách đặc biệt

Trải qua bao biến động lịch sử và thời gian chiến tranh ác liệt, di sản nơi ở và làm việc của Bác tại Phủ Chủ tịch vẫn được bảo vệ an toàn, chu đáo, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng do tác động từ tự nhiên và con người. Mọi di tích, di vật tại đây vẫn còn giữ nguyên.

Nơi đây liên tục đón khách tham quan trong nước, quốc tế. Đến với ao cá vườn cây, cũng là những trải nghiệm thú vị và ý nghĩa để thêm hiểu về Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh.

Giàn hoa giấy phía sau Phủ Chủ tịch.
Giàn hoa giấy phía sau Phủ Chủ tịch.

Nằm ở phía sau Phủ Chủ tịch, gần cuối con đường Xoài, có một giàn hoa giấy hình bán nguyệt. Vào mùa, hoa nở tuyệt đẹp, nổi bật trên nền xanh đậm của lá cây làm cho khu vườn rực rỡ. Tại giàn hoa này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp đón nhiều đoàn đại biểu trong nước và quốc tế.

Trong những ngày đẹp trời, Bác cũng làm việc ở đây. Hoặc vào các buổi chiều, Người thường tản bộ từ nhà sàn ra đây đọc báo. Người coi giàn hoa này như một phòng khách đặc biệt, tạo ra sự thoải mái, tự nhiên. Đây cũng chính là nét độc đáo trong phong cách tiếp khách và phong cách ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, không gian này cũng mang biết bao kỷ niệm đối với các cháu thiếu nhi khi được vào thăm Bác Hồ.

Cùng với đường Xoài, giàn hoa Phủ Chủ tịch là nguồn cảm hứng cho biết bao văn nghệ sĩ, đi vào thơ ca nhạc họa đầy xúc động.

Những vườn cây xanh trong khu vực Phủ Chủ tịch cho chúng ta thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ biết cách thưởng thức thiên nhiên đã sẵn có mà Người còn biết cách chăm sóc, cải tạo, "thổi hồn" vào thiên nhiên làm cho cảnh quan thêm đẹp, môi trường sống trong lành.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Với mong muốn bảo tồn di sản và phát huy, ứng dụng các giá trị văn hóa Việt vào đời sống hiện đại, cuộc Triển lãm với tên gọi “Tôn cựu, nghênh tân” đang diễn ra tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cũ, 46 Hàng Bài.

Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024 với chủ đề "Gastronomy of Unity - Ẩm thực kết nối" sẽ diễn ra trong hai ngày 7 và 8/12, tại khu Ngoại giao Đoàn - 298 Kim Mã, Hà Nội.

Làng cổ Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, vẫn còn lưu giữ được những truyền thống và nét dấu xưa đặc trưng của người Hà Nội.

Nghề giày da ra đời không chỉ là để đáp ứng nhu cầu thiết thực, mà còn mang đậm dấu ấn của từng nền văn hóa. Từ những chiếc dép lá đơn sơ của người Việt, đến những đôi giày da tinh xảo của người Ý, mỗi đôi giày đều là một câu chuyện lịch sử.

Làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề lụa nổi tiếng với hơn 1000 năm tuổi, lưu giữ tinh hoa văn hóa qua từng sợi tơ, là biểu tượng của sự khéo léo, sáng tạo và tình yêu bất tận với nghề truyền thống.

Chùa Vạn Niên, ngôi chùa cổ hơn 1.000 năm tuổi nằm yên bình bên bờ hồ Tây đang là một điểm đến hấp dẫn tại Hà Nội.