Nông dân tại nhiều quốc gia biểu tình quy mô lớn

Những tuần qua, các cuộc biểu tình quy mô lớn của nông dân đã nổ ra tại nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) để phản đối việc không được trả đủ lương, bị bóp nghẹt bởi các quy định khắt khe mới về môi trường và bị cạnh tranh không lành mạnh bởi hàng nhập khẩu giá rẻ từ những quốc gia khác.

Nông dân biểu tình trên khắp châu Âu 

Để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu, các nhà lãnh đạo châu Âu đã công bố loạt biện pháp nhằm cải tổ ngành nông nghiệp – ngành vốn chiếm 1/3 lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Tuy nhiên, những chính sách đó khiến nông dân ở châu Âu tức giận, tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn để bày tỏ sự thất vọng trước những sức ép kinh tế do các quy định khí hậu mới nhất gây ra.

Cuộc khủng hoảng nông nghiệp bắt đầu từ mùa Thu 2023 và thực sự bùng nổ từ vài tuần nay. Nhiều hoạt động biểu tình của những người nông dân diễn ra với "vũ khí" truyền thống là phân bón, trứng thối và cà chua ủng, cùng các vụ phong tỏa nhiều trục đường quốc lộ bằng xe tải, máy kéo, máy nông nghiệp.

Nông dân ở châu Âu tức giận, tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn.

Những người nông dân Pháp bày tỏ sự bất bình trước các chính sách quản lý của chính phủ. Họ cho rằng đang phải chịu quá nhiều quy định chồng chéo tạo ra những thủ tục hành chính phức tạp, “không phù hợp với thực tế”, đặc biệt là các điều khoản theo tiêu chuẩn của “Thỏa thuận Xanh châu Âu”.

Cùng với đó là những yếu tố "đổ thêm dầu vào lửa", như giá nguyên liệu thô và năng lượng tăng cao làm sụt giảm lợi nhuận của nhiều nông trang. Đầu năm 2024, thêm một thông tin không vui đối với bất cứ người dân lao động nào tại Pháp, đó là việc hóa đơn tiền điện sẽ tăng 8-9%.

Ông Hugo Gervais - Nông dân Pháp chia sẻ: "Chính phủ vẫn chưa lắng nghe chúng tôi, các biện pháp này là chưa đủ đối với chúng tôi. Chúng tôi cần nguồn tài chính nhanh chóng vì chi phí năng lượng và nhiên liệu tăng cao, chúng tôi phải đối mặt với gánh nặng thuế và vì vậy chúng tôi cần nguồn hỗ trợ tài chính để có thể hoạt động, thanh toán hóa đơn và mua hạt giống để gieo vào mùa Xuân”.

Không chỉ Pháp, Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với một cuộc làn sóng phản đối chưa từng có của những người nông dân. Từ Bỉ, Đức, rồi cả Hà Lan, Ba Lan, Romania, Italy, Tây Ban Nha và Hy Lạp..., nông dân đổ xuống đường bày tỏ sự phẫn nộ.

EU đang phải đối mặt với một làn sóng phản đối chưa từng có của những người nông dân.

Việc ký các FTA cho phép nhập khẩu thực phẩm từ các quốc gia xa xôi, nơi ít các tiêu chuẩn về môi trường và dễ dãi hơn đã ảnh hưởng tới thu nhập của người nông dân châu Âu. Trong khi người nông dân các nước EU phải chi trả nhiều tiền cho năng lượng và phân bón giá cao do chiến sự ở Ukraine, thì các trang trại rộng lớn của nước này lại có thể bán ngũ cốc và thực phẩm khác với giá rẻ trên khắp EU mà không phải chịu thuế hải quan.

Một số nông dân cũng đã kêu gọi Ủy ban châu Âu miễn trừ về nghĩa vụ bỏ hoang áp đặt cho các trang trại tỷ lệ 4% diện tích bỏ hoang hoặc phi sản xuất. Đây là một trong những vấn đề khiến nông dân bức xúc.

EU cần có những đề xuất nhằm xoa dịu nông dân

Làn sóng biểu tình của nông dân lan rộng và vẫn tiếp diễn trong những tuần qua, cho thấy thách thức của EU trong việc cân bằng giữa nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu tham vọng về khí hậu, môi trường với việc bảo đảm lợi ích của nông dân. Những người nông dân tuyên bố muốn lấy lại hình ảnh một nền nông nghiệp vốn có truyền thống được coi trọng từ nhiều đời nay. Có lẽ, để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay, các chính trị gia, nhà hoạch định chính sách và người nông dân châu Âu đều cần xác định được vai trò, vị thế và cả trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an ninh lương thực và chống biến đổi khí hậu.

Nhóm nông dân Pháp đã xông vào hội chợ để được gặp Tổng thống Emmanuel Macron.

Tại Hội chợ nông nghiệp thường niên tại Thủ đô Paris, một nhóm nông dân Pháp đã xông vào hội chợ để được gặp Tổng thống Emmanuel Macron. Tại đây họ đã có cuộc tranh luận nảy lửa với Tổng thống Pháp về những bức xúc liên quan tới các chính sách quan liêu và các quy định xanh. Phát biểu về những gì đã xảy ra, Tổng thống Pháp cho biết, ông mong muốn mọi người hãy bình tình và cùng đối thoại thay vì gây ra những hành động làm ảnh hưởng tới trật tự công cộng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết: Giá tối thiểu là điều chúng tôi chưa bao giờ làm và tôi thực hiện cam kết đó. Tôi sẽ đấu tranh để đạt được một cam kết khác, một kế hoạch khẩn cấp về vốn và kế hoạch đó sẽ diễn ra như thế nào? Một khuôn khổ toàn quốc và các cuộc khảo sát địa phương, là những điều cụ thể giúp mọi việc tiến triển”.

Tổng thống Pháp cũng cho biết ông sẽ triệu tập các đại diện Hiệp hội nông dân và các bên liên quan khác tới Điện Elysee trong tuần giữa tháng 3 để thảo luận về các cuộc biểu tình của nông dân.

Tổng thống Emmanuel Macron.

Làn sóng phản đối của những người nông dân ít nhất đã thu hút được sự chú ý của công chúng. Chính quyền các nước cũng đã có một số biện pháp. Kế hoạch tăng thuế đối với nhiên liệu do nông dân sử dụng đã bị đình chỉ ở Pháp và trì hoãn ở Đức, Hy Lạp.

Ủy ban châu Âu (EC) đã rút lại đề xuất về mục tiêu giảm sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp vào năm 2030. Trong thông báo về các mục tiêu khí hậu đến năm 2040, EC tránh xác định mục tiêu cụ thể cho nông nghiệp. EC cũng xem xét lại một trong những quy định bị chỉ trích nhiều nhất, là việc áp đặt nghĩa vụ bỏ hoang 4% diện tích đất của mỗi người để khuyến khích phát triển đa dạng sinh học, theo hướng đề xuất miễn trừ, cho phép nông dân trồng các loại cây trồng có tác động môi trường thấp hơn trên phần đất lẽ ra vẫn chưa được canh tác. Tuy nhiên, có vẻ những nhượng bộ như vậy chưa giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nông nghiệp ở EU.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp và Nghề cá Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 26/2 tại Brussels (Bỉ), các bộ trưởng EU đã thảo luận giải pháp nhằm khẩn trương tháo gỡ những vấn đề đang khiến nông dân nhiều nước EU bất bình, dẫn đến làn sóng biểu tình từ nhiều tuần qua.

Ông Luis Planas Puchades, Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha cho hay: “Mục tiêu cơ bản, không chỉ của cuộc họp này mà còn của công việc mà chúng tôi đang thực hiện với tư cách là các bộ trưởng của mỗi nước. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên thiết lập lại niềm tin của nông dân và các chủ trang trại rằng Liên minh châu Âu, mà cụ thể là Chính phủ Tây Ban Nha sẽ bảo vệ họ, hỗ trợ họ và tất nhiên sẽ tính đến các vấn đề của họ."

Sự cần thiết đưa ra những biện pháp ứng phó nhanh chóng và hiệu quả đối với cuộc khủng hoảng hiện nay.

Các bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết đưa ra những biện pháp ứng phó nhanh chóng và hiệu quả đối với cuộc khủng hoảng hiện nay trong lĩnh vực nông nghiệp. Họ cho rằng EC cần đánh giá kỹ lưỡng và toàn diện về chính sách “Thỏa thuận Xanh” và tác động của chính sách này đối với các hoạt động nông nghiệp của EU.

Những giải pháp trên mới chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề. Các chuyên gia cho rằng EU phải xác định các mục tiêu khí hậu là con đường tất yếu dẫn đến tương lai và mọi cải cách đều đòi hỏi sự hy sinh không nhỏ. Các nhà lãnh đạo châu Âu cần có những buổi đối thoại trực tiếp với nông dân để họ hiểu về lợi thế cạnh tranh. Trong một tương lai mà các ngành nông nghiệp và công nghiệp xanh là xu hướng tất yếu, bất kỳ sự trì hoãn quá trình chuyển đổi xanh sẽ phải trả giá bằng việc mất đi lợi thế đi đầu thị trường toàn cầu trong phát triển ngành công nghiệp và nông nghiệp xanh. Không chỉ ở châu Âu, mà tại Ấn độ, hàng nghìn nông dân cũng đã tham gia vào cuộc tuần hành quy mô lớn để yêu cầu chính phủ đưa ra mức giá tối thiểu cho tất cả nông sản của họ.

Nông dân Ấn Độ với cuộc biểu tình “Delhi Chalo - Delhi thẳng tiến”

Nông dân Ấn Độ biểu tình cùng với các đoàn xe, máy móc nông nghiệp gây áp lực yêu cầu chính phủ nước này phải thiết lập giá sàn thu mua nông sản nhằm đảm bảo thu nhập cho người nông dân. Hiện tại, Ấn Độ đang bảo vệ các nhà sản xuất nông nghiệp trước bất kỳ sự sụt giảm mạnh nào về giá nông sản bằng cách đặt ra giá mua tối thiểu cho một số loại cây trồng thiết yếu, với một hệ thống được đưa ra vào những năm 1960 nhằm giúp tăng cường dự trữ lương thực. Những người nông dân tham gia tuần hành đang yêu cầu điều này phải được mở rộng cho tất cả các loại nông sản chứ không chỉ các loại cây trồng thiết yếu.

Nông dân Ấn Độ với cuộc biểu tình “Delhi Chalo - Delhi thẳng tiến”.

Các nhà chức trách Ấn Độ đang quyết tâm kiểm soát các cuộc biểu tình mới để tránh lặp lại các cuộc biểu tình năm 2021, khi đó hàng chục nghìn nông dân đã cắm trại bên ngoài thủ đô trong hơn một năm, chịu đựng một mùa đông khắc nghiệt cùng đợt dich Covid-19.

Nông dân Ấn Độ đã tiến hành cuộc biểu tình “Delhi Chalo - Delhi thẳng tiến” từ ngày 13/2, dẫn tới tình trạng đụng độ giữa các lực lượng an ninh và những người biểu tình ở bên ngoài thủ đô Delhi. Mục đích chính của cuộc biểu tình là nhằm đảm bảo pháp lý liên quan đến giá hỗ trợ tối thiểu, yêu cầu thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Swaminathan, lương hưu cho nông dân và công nhân trang trại, miễn nợ trang trại, không tăng giá điện, khôi phục Đạo luật thu hồi đất năm 2013.

Tình trạng đụng độ giữa các lực lượng an ninh và những người biểu tình ở bên ngoài thủ đô Delhi.

Các cuộc biểu tình của nông dân trên khắp Châu Âu hay tại Ấn Độ thời gian qua cho thấy, khi nông dân cảm thấy vị trí và quyền lợi của mình bị đe dọa, họ sẽ có những hành động phản kháng. Riêng tại châu Âu, nếu như Thỏa thuận Xanh và các mục tiêu môi trường tác động lớn nhất đến nông dân và lĩnh vực nông nghiệp thì nông dân phải được đặt làm trung tâm của quá trình thực hiện. Những cuộc đối thoại chân thành, những khoản hỗ trợ tài chính và đặt nông dân ở trung tâm của quá trình chuyển đổi xanh có lẽ sẽ là cách tốt nhất để giúp những người nông dân làm quen, dần thích nghi và đồng tình với sự thay đổi đó.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Theo nhận định của giới chuyên gia, nguyên nhân khiến giá đồng Bitcoin tăng chóng mặt là do các nhà đầu tư mong đợi về một môi trường tài chính cởi mở hơn với tiền kỹ thuật số dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Chiến thắng áp đảo của Tổng thống đắc cử Donald Trump đánh dấu một chiến thắng lớn cho tỷ phú Elon Musk, người đã chi ít nhất 119 triệu đô la cho một nhóm ủng hộ ứng viên của Đảng Cộng hòa.

Liên minh cầm quyền tại Đức đã sụp đổ, kinh tế trì trệ, cùng với căng thẳng địa chính trị và áp lực bên ngoài có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào giai đoạn bất ổn. Nước Đức đang ở thời điểm bước ngoặt cho những cải cách và đổi mới để mạnh mẽ vươn lên.

Trong gần ba năm diễn ra xung đột Nga - Ukraine, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã cung cấp hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine và luôn khẳng định rằng sẽ sát cánh cùng Kiev cho đến chừng nào có thể. Tuy nhiên, sự trở lại của cựu Tổng thống Donald Trump khiến nhiều người đặt câu hỏi ông sẽ giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine như thế nào?

Trung Quốc là điểm dừng chân đầu tiên ở nước ngoài của Tổng thống Indonesia kể từ khi nhậm chức cách đây ba tuần. Trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào thứ Bảy, ông cam kết duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc.

Du lịch được xác định là ngành mũi nhọn, đóng góp lớn cho nhiều nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển du lịch mà không làm ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên và cuộc sống của người dân địa phương là điều cần được chú trọng. Nhiều quốc gia đã nhận thấy rằng, gắn phát triển du lịch với bảo tồn và hài hòa lợi ích của người dân là yêu cầu cấp thiết hiện nay để có thể phát triển một nền du lịch bền vững.