Sân ga và miền ký ức trong thơ Nguyễn Bính

Sân ga, con tàu luôn gợi nhớ về miền ký ức, những kỷ niệm cho bao thế hệ người Hà Nội và những người từng sống ở đây - nơi luôn chất chứa trong mỗi người những cung bậc cảm xúc khác nhau, đan xen giữa niềm vui và nỗi buồn, giữa hội ngộ và chia ly…Lấy cảm hứng ở ga đầu Cầu, chợ Đồng Xuân khi chứng kiến cảnh người đi kẻ ở khoảnh khắc con tàu lăn bánh, thi sĩ Nguyễn Bính đã viết bài thơ “Những nỗi buồn trên sân ga” vào năm 1937 tại Hà Nội

Tác phẩm được bình chọn nằm trong 100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ 20. Những câu thơ viết ra hơn 80 năm, đã đi theo bao lớp người, bao thế hệ học sinh, bao trang giấy và mang đến rung cảm cho biết bao người.

Nhà thơ Nguyễn Bính

Thi sĩ Nguyễn Bính (tên thật là Nguyễn Trọng Bính) là một nhà thơ lãng mạn nổi tiếng của Việt Nam. Ông là nhà thơ của làng quê Việt Nam với những bài thơ mang sắc thái dân dã, mộc mạc. Thơ Nguyễn Bính “chân quê”, giản dị, mộc mạc, nhẹ nhàng, trong sáng và hồn nhiên như ca dao trữ tình.

Thơ ông có sự ảnh hưởng từ người cậu ruột là chí sĩ Bùi Trình Khiêm - một nhà nho có tiếng, từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, là thầy dạy học chữ Nho của ông Trần Huy Liệu. Vì mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Nguyễn Bính được cậu ruột đem về nuôi. Nhờ người cậu giỏi chữ nho mà ông có điều kiện tiếp xúc sớm với chữ nghĩa và nghệ thuật thơ phú. Năm 13 tuổi, Nguyễn Bính làm mọi người kinh ngạc về tài thơ của mình khi thi tả cảnh chọi gà trong ngày hội. Có lẽ từ đó, tiếng đồn về một chú bé con thần đồng thơ đã lan nhanh, người hâm mộ tài thơ của Nguyễn Bính lên cao đến tột đỉnh.

Mùa xuân năm Quý Dậu (1933), lúc 14 tuổi Nguyễn Bính chia tay với thôn Vân theo người anh là Nguyễn Mạnh Phác (Trúc Đường) để ra Hà Nội kiếm sống.

Ông đến Hà Nội, tới phố Hàng Bồ, gia nhập vào đội quân bán báo lẻ. Ngày ngày đi đến mọi góc phố, nhà ga, bán báo lẻ kiếm sống.

Khi đã dần quen thuộc với cuộc sống phố phường Hà Nội, ông bắt đầu lấy cảm hứng những đề tài ở thành thị, những con người nơi phố thị, góc phố, sân ga để chắt lọc, sáng tác nên những bài thơ để đời.

 

Bài thơ "Những bóng người trên sân ga" ra đời năm 1937, khi ấy ông 19 tuổi. Tác phẩm Nguyễn Bính viết có vần riêng, điệu riêng để đồng cảm với những cuộc chia ly từ đây.

Ông đã thể hiện sinh động cuộc sống êm đềm nhưng bình lặng, ở một ga xép – nơi ngày nào cũng như ngày nào, chứng kiến bắt đầu của những niềm vui, nỗi buồn, và cảnh chia ly trong lòng người đi xa và cả người ở lại.

Hình ảnh sân ga, con tàu trong bài thơ “Những nỗi buồn trên sân ga” của Nguyễn Bính đã diễn tả những cuộc chia ly, của những cuộc tiễn đưa người thân, người đưa tiễn nhau, bịn rịn không rời. Đó là những cuộc chia ly của tình yêu, tình mẹ con, những cuộc chia ly của tình chị em, tình bạn hay đó là sự chia ly của chính bản thân tác giả. Vì thế, “Những bóng người trên sân ga” mới có nét trầm mặc buồn man mác. Nhà thơ đã chạm khắc trong không gian ga những “bóng người”, những bóng dáng tâm tư của những khoảnh khắc chia xa, giãi bày tâm tư của mỗi con người. Sân ga trong thơ ông rất thực nhưng có khi là sân ga trong lòng ông.

Mở đầu bài thơ, thi sĩ đã dùng hình tượng đàn đứt dây để nói lên những cuộc chia ly đã và đang diễn ra. Một cuộc chia ly cô đơn đến xé lòng.

"Những cuộc chia lìa khởi từ đây

Cây đàn sum họp đứt từng dây

Những đời phiêu bạc thân đơn chiếc

Lần lượt theo nhau suốt tối ngày"

Ta bắt gặp hình ảnh hai cô bé tiễn biệt nhau ở sân ga. Hình ảnh áp má, chung lưng gợi cho ta cảm giác vô cùng lưu lyến, day dứt thơ ngây khi tiễn đưa nhau. Tình cảm của hai cô bé đã quện thành một sự giằng xé làm cho hai trái tim non nớt chơi vơi.

“Có lần tôi thấy hai cô bé

Áp má vào nhau khóc sụt sùi

Hai bóng chung lưng thành một bóng

Đường về nhà chị chắc xa xôi?”

 

Với từ “một” được lặp đi lặp lại, gợi lên sự cô đơn lẻ loi của 2 con người lúc chia ly, Nguyễn Bính đã dựng lại toàn bộ cuộc chia ly của một người tình với một người tình. Với nỗi buồn man mác, bùi ngùi lẻ loi. Hình ảnh chiều tà, là thời gian, không gian như nghẹt lại, gợi cho ta cuộc chia ly thật nặng nề. “Họ cầm tay họ’ trong cái bóng liêu xiêu ấy, sao thấy mong manh đến vậy. Tác giả đã dùng những câu từ ấy để viết về buổi chia ly giữa anh lính và người yêu. Đó là cuộc chia ly không hẹn ngày về. Dường như tình yêu đã vuột ra khỏi tầm tay họ.

“Có lần tôi thấy một người yêu

Tiễn một người yêu một buổi chiều

Ở một ga nào xa vắng lắm

Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu”

Nhà thơ đã đi sâu vào từng ngóc ngách trái tim của những kẻ đang yêu, thấu hiểu tất cả những nồng nàn, tha thiết cũng như đau khổ, bi thương trong họ để từ đó thi sĩ hòa nỗi niềm ấy vào từng trang thơ ngọt ngào và sâu sắc.

Trong những câu thơ:

“Có lần tôi thấy vợ chồng ai

Thèn thẹn chia tay bóng chạy dài

Chị mở khăn trầu anh thắt lại

Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!”

Qua những dòng thơ ấy, chúng ta bắt gặp cặp vợ chồng tiễn biệt nhau. Họ thẹn thùng không dám sánh bước cùng nhau. Hình ảnh người vợ cởi khăn trầu lấy tiền đưa cho chồng, người chồng thắt khăn lại không lấy. Học cứ đùn đẩy nhau. Khung cảnh ấy và hình ảnh ấy càng lột tả hết tình yêu thương họ dành cho nhau.

Có lẽ không có hình ảnh nào xúc động, xót xa hơn hình ảnh người mẹ già tiễn con ra trận. Chuyến tàu đã đưa người con của bà đi rồi nhưng bà vẫn cứ đứng yên nơi sân ga. Trong hình dáng lưng còng, bà nhìn mãi bóng con tàu chạy khuất xa trong quyến luyến mà không biết ngày nào trở về. Dưới cái nhìn, quan sát tài tình, nhà thơ khắc họa rõ nét tình cảnh đau khổ của người mẹ khi phải tiễn con đi xa.

Thi sĩ đã điệp lại tới năm lần hai tiếng “có lần” như tự thả hồn mình vào hồn người mà xa xót mà cảm thương. Nhà thơ như đón nhận, lắng nghe tiếng tâm tư của bao người. Bao kiếp người hiện hữu buồn thương trên sân ga.

Chính bởi tâm tư chân thành, nhà thơ đã tạo nên ấn tượng mạnh, từ hình ảnh “một người đi”- một bóng lẻ đơn côi. Và ông cũng là một bóng người giữa những bóng người đổ bóng xuống sân ga: “Bóng lẻ”, “Hai bóng chung lưng thành một bóng”, “bóng liêu xiêu”, “bóng nhòa trong bóng tối”, “Một mình làm cả cuộc phân ly”.

Linh hồn nhà ga là linh hồn của những cuộc hành trình đi và đến, những cuộc chia ly không ngày gặp lại, hành trình chia ly sâu thẳm ngay chính trong thân phận mỗi con người.

Không có sự cô đơn, lẻ loi nào hơn, khi mình phải đưa tiễn chính bản thân, thi sĩ thấy lẻ loi với cõi đời này: cô đơn, lặng lẽ ra sân ga, không người tiễn đưa. Ông đã tạo nên ấn tượng mạnh, từ hình ảnh “một người đi”- “một bóng lẻ đơn côi”.

Thi sĩ đã sử dụng đặc sắc nghệ thuật ẩn dụ dùng ‘chiếc khăn’, ‘bàn tay’, ‘đôi mắt’ thể hiện sự than thở, buồn phiền của người trong đoạn thơ khi chứng kiến cảnh chia ly trên sân ga. Thông qua những vần thơ, thi sĩ thể hiện sự xót xa, đau buồn với những cảnh tượng ấy. Ngân nga dư vị của nỗi buồn đau, thân phận đơn côi và sự chia ly, tất cả hội tụ trong câu thơ cuối của Nguyễn Bính- “buồn ở đâu hơn ở chốn này?”

Nguyễn Bính đem trái tim của một thi sỹ đa cảm, của con người tha hương, rung ngân trong một không gian buồn - Sân ga giữa cuộc đời, chứng kiến chừng ấy con người, chừng ấy chuyến tàu chở kẻ đi, người về…Nguyễn Bính đã đưa cái tôi cá nhân, cũng là cái tôi của thời đại, cái tôi của nhân loại vào thơ ông một cách tự nhiên.

Trong miền ký ức của thi sĩ Nguyễn Bính cũng như những người đã sống cùng sân ga, nơi bắt đầu của những niềm vui đoàn tụ, của những cuộc chia ly và nỗi buồn trong lòng người đi xa và cả người ở lại.

Sân ga và con tàu khi gắn bó với ta, nó là kỷ niệm, là ký ức và là tình cảm gắn bó không thể nào quên. Sân ga là chứng nhân cho những biến thiên và thăng trầm của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Ở đó có những câu chuyện đau thương của quá khứ, vết sẹo chiến tranh vẫn còn phảng phất ở những phố ga, xóm đường tàu quanh sân ga, sợi dây kết nối các vùng miền của dải đất hình chữ S cho tới ngày non sông liền một dải.

Dọc hành trình tồn tại cho tới tận bây giờ, sân ga đã trọn vẹn hòa cùng nhịp thở với thành phố. Dù rậm rịch chuyển mình cùng thời cuộc, ga Hà Nội và những gì thuộc về nó vẫn là mảnh ký ức không phai về Hà Nội./.

 Bài viết: Bích Thảo  |  Đồ họa: Thanh Nga

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong những ngày này, đông đảo người dân, du khách và bạn bè quốc tế đã có mặt tại thành phố Điện Biên.

Sáng nay (6/5), Ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố Hà Nội đã giám sát chuyên đề việc thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động quảng cáo trên địa bàn quận Đống Đa.

Làng Kim Liên thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội nổi tiếng với di tích lịch sử Đình Kim Liên - một trong Tứ trấn Thăng Long xưa và cũng là Di tích quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, có lẽ ít ai biết được rằng nơi đây có làng nghề truyền thống với lịch sử hàng trăm năm làm nghề cắt tóc mà nhiều người vẫn thường gọi vui là nghề “vít đầu thiên hạ”.

Lịch sử Việt Nam có lượng thông tin lớn trong khi thời lượng giảng dạy trên trường, lớp khá ngắn, dẫn đến nhiều học sinh không hứng thú. Một số nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng Tiktok đã phát triển các video chia sẻ kiến thức lịch sử một cách thú vị.

Nghề sơn là một nghề cổ truyền của Việt Nam có lịch sử phát triển lâu đời. Từ thế kỷ XV - XVI, sơn mài đã đạt được những thành tựu nhất định trong kỹ thuật pha chế sơn, trong đó sơn ta là nguyên liệu chính để làm nên độ bền đẹp cho tác phẩm nghệ thuật, bên cạnh các loại nguyên vật liệu khác như cốt, phụ gia, màu sắc, nguyên liệu (vàng, bạc quỳ) mỗi công đoạn đòi hỏi kỹ thuật khác nhau, trong đó tạo vóc là một trong những bước đầu của tranh sơn mài.

Trước đại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, mỗi ngày Điện Biên đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan. Tỉnh miền núi này là mảnh đất đa dạng văn hóa của 19 dân tộc khác nhau.