Sức mạnh của đồng đô la Mỹ
Giải mã sự tăng giá của đồng đô la Mỹ
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa dự báo tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ trong năm 2024 sẽ tăng trưởng với tốc độ gấp đôi so với nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7). Điều này càng góp phần hỗ trợ cho giá cổ phiếu và lợi suất trái phiếu ở Mỹ, từ đó càng làm gia tăng sức hấp dẫn cho đồng đô la Mỹ.
Hồi đầu năm 2023, nhiều nhà quan sát thị trường từng bi quan rằng đồng đô la Mỹ sẽ yếu đi trong năm 2024 do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất. Nhưng họ đã buộc phải thay đổi suy nghĩ khi chỉ số đồng đô la Mỹ - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chủ chốt đã tăng 4% tính từ đầu năm tới nay. Khi tính chung trong ba năm qua, chỉ số này đã tăng khoảng 16%. Theo các nhà phân tích, đồng bạc xanh hồi sinh mạnh mẽ khi các dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ không giảm tốc như đồn đoán. Thị trường lao động vẫn thắt chặt và hoạt động sản xuất tiếp tục mở rộng. Sự dai dẳng của lạm phát đã thôi thúc FED phải trì hoãn cắt giảm lãi suất. Thậm chí, một số quan chức của FED còn đưa ra kịch bản phải tiếp tục nâng lãi suất nếu cần thiết.
Trong bối cảnh các nhà đầu tư giảm kỳ vọng về khả năng nới lỏng chính sách của FED, lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ đã tăng mạnh trở lại trong những tuần gần đây, lên gần 5%. Sự gia tăng này là một động lực lớn thúc đẩy sức hút của đồng đô la Mỹ. Ngoài ra, đồng bạc xanh cũng được hưởng lợi từ dòng tiền đổ vào cổ phiếu của Mỹ giữa cơn sốt trí tuệ nhân tạo.
Một yếu tố khác giúp đồng la Mỹ tăng giá là bối cảnh biến động chính trị và tài chính. Tình hình bất ổn ở Trung Đông, xung đột ở Ukraine và những cạnh tranh thương mại tiềm ẩn giữa Mỹ và Trung Quốc cũng khiến đồng bạc xanh trở nên hấp dẫn.
Ngân hàng UBS Asset Management nhận định đồng bạc xanh vẫn còn nhiều dư địa tăng trong năm 2024. Viện Đầu tư Wells Fargo thậm chí cho rằng đồng nội tệ của Mỹ sẽ tiếp tục leo dốc đến năm 2025. Trong khi đó, Tổ chức quản lý tài sản lớn thứ hai thế giới Vanguard dự báo đồng đô la Mỹ sẽ tiếp tục thể hiện sức mạnh trong thời gian tới.
Nếu các quốc gia khác không thể tăng trưởng bằng Mỹ và có lạm phát còn cao hơn Mỹ, nhà đầu tư chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc mua đồng đô la Mỹ.
Chuyên gia Ales Koutny - Tổ chức quản lý tài sản Vanguard.
Trước diễn biến của đồng đô la Mỹ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết một số nước đang đánh giá lại sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh cũng như tăng cường dự trữ vàng để phòng ngừa những bất ổn, bao gồm cả rủi ro bị trừng phạt.
Các công ty Mỹ đau đầu vì đồng đô la Mỹ mạnh lên
Mặc dù chỉ số đồng đô la Mỹ tăng phản ánh sức mạnh tương đối của nền kinh tế Mỹ, nhưng việc đồng tiền này liên tục tăng lại trở thành vấn đề đối với một số doanh nghiệp của nước này, đặc biệt là các công ty đa quốc gia cần chuyển lợi nhuận từ các ngoại tệ khác sang đồng đô la Mỹ. Không những vậy, đồng đô la Mỹ mạnh làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh về giá của các nhà xuất khẩu. Để ứng phó với sức mạnh của đồng đô la Mỹ, các công ty phải dành nguồn lực cho các chiến lược phòng hộ nhằm bù đắp rủi ro từ việc đồng đô la Mỹ tăng giá gây ảnh hưởng tới lợi nhuận của họ. Theo ước tính từ bộ phận nghiên cứu thị trường thuộc Ngân hàng Bank of America, đồng đô la Mỹ cứ tăng 10% so với cùng kỳ năm trước sẽ làm giảm khoảng 3% thu nhập của các công ty thuộc nhóm chỉ số tổng hợp S&P 500 của Mỹ.
Khoảng 80% các công ty thuộc chỉ số S&P 500 (tức 500 công ty đi đầu trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ) đã báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2024, trong đó các tập đoàn lớn đều thừa nhận ngoại hối là một trở ngại lớn trong hoạt động kinh doanh quý này. Tuy nhiên không phải tất cả các công ty thuộc S&P 500 đều bị ảnh hưởng giống nhau trước sự biến động của đồng đô la Mỹ.
Trong bản báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất, Tập đoàn Coca-Cola cho biết đã phải chịu một khoản tổn thất từ việc chuyển đổi ngoại tệ là 9%, nguyên nhân là do sự mất giá của các loại tiền tệ tại những thị trường bên ngoài nước Mỹ. Tương tự, Tập đoàn 3M thông báo hoạt động ngoại hối gây tác động tiêu cực đến tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp, với mức điều chỉnh lớn hơn 0,6% so với dự kiến. "Gã khổng lồ" Apple cho biết phải chịu tác động tiêu cực từ hoạt động ngoại hối trong kết quả doanh thu hàng quý của mình.
Dữ liệu từ FactSet cho thấy các lĩnh vực công nghệ thông tin, vật liệu và dịch vụ truyền thông đứng đầu danh sách có mức doanh thu quốc tế cao nhất, chiếm lần lượt 57%, 52% và 48% tổng doanh thu từ nước ngoài. Đây cũng là nhóm dễ bị ảnh hưởng từ đà tăng của đồng đô la Mỹ.
Để ngăn chặn biến động tỷ giá hối đoái tạo ra những tác động lớn đối với thu nhập, các doanh nghiệp Mỹ đang tích cực sử dụng những chiến lược phòng ngừa rủi ro khác nhau, bao gồm cả những chiến lược sử dụng hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn.
Biến động tiền tệ đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, dẫn đến việc một số công ty không mấy quan tâm về mặt phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng trong hoạt động phòng ngừa rủi ro trong khoảng một tháng rưỡi nay.
Chuyên gia John Doyle - Tổ chức tài chính Monex USA.
Các nhà phân tích nhận định đồng đô la Mỹ cuối cùng sẽ suy yếu trong trung hạn, nhưng thời điểm xảy ra trở nên khó dự đoán hơn. Mặt khác, vẫn chưa rõ thời điểm và mức độ FED có thể cắt giảm lãi suất trong năm nay. Thị trường tương lai cho thấy các nhà đầu tư đang đặt cược sẽ giảm lãi suất khoảng 50 điểm cơ bản vào năm 2024, thấp hơn nhiều so với dự báo hơn 150 điểm hồi đầu năm. Do đó, khả năng các doanh nghiệp Mỹ phải phòng trừ rủi ro đô la Mỹ tăng giá đang ngày càng lớn.
Nhiều nền kinh tế bị ảnh hưởng vì đồng đô la Mỹ mạnh
Đô la Mỹ được sử dụng trong hơn 80% giao dịch thương mại và chiếm gần 60% dự trữ ngoại hối toàn cầu. Do đó, chuỗi tăng giá của đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới này sẽ gây thiệt hại cho quốc gia khác, nhất là các nước nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ và có vay nợ bằng đô la Mỹ. Các ngân hàng trung ương ở các thị trường phát triển như Australia, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Anh có thể khó hạ lãi suất nếu việc mất giá tiền tệ thổi bùng lạm phát trong nước. Trong khi đó, tại khu vực châu Á, nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Indonesia và Nhật Bản đang tăng cường hành động trước tình trạng trượt giá của đồng nội tệ cũng như những tác động kinh tế kéo theo do sự mạnh lên của đồng đô la Mỹ trong năm nay.
Đồng won Hàn Quốc đã giảm hơn 7% so với đồng đô la Mỹ trong năm nay, đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Mặc dù đồng đô la Mỹ mạnh có thể thúc đẩy xuất khẩu, nhưng mặt khác cũng đẩy giá hàng nhập khẩu lên cao. Một báo cáo của Bloomberg cho biết Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu thô nên hàng xuất khẩu của nước này đang ngày càng trở nên đắt đỏ. Điều này tác động đặc biệt nghiêm trọng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ phụ thuộc vào nguyên liệu từ nước ngoài nhưng không muốn phòng ngừa tỷ giá hối đoái.
Trước tình hình này, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã buộc phải can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng việc bán ra đô la Mỹ để ổn định tỷ giá của đồng won. Theo số liệu do Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc công bố mới đây, dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc trong tháng 4 ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2022.
Tại Indonesia, đồng rupiah rơi xuống mức thấp nhất trong 4 năm. Sự suy yếu của đồng nội tệ đã khiến tình hình lạm phát ở “quốc gia vạn đảo” trở nên tồi tệ hơn. Indonesia báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,05% so với cùng kỳ trong tháng 3, mức cao nhất trong 7 tháng qua. Do tiêu dùng hộ gia đình chiếm khoảng 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia, nền kinh tế nước này có thể có nguy cơ tăng trưởng âm nếu lạm phát gia tăng. Chính phủ Indonesia đã thực hiện các biện pháp ứng phó và khuyến nghị các nước khác giảm sử dụng đồng đô la Mỹ trong giao dịch với nước này để xây dựng một hệ thống tiền tệ đa dạng.
Tại Nhật Bản, tác động của đồng nội tệ mất giá so với đô la Mỹ thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Đồng yên Nhật thời gian gần đây đã nhiều lần giảm xuống dưới mốc 160 yên đổi 1 đô la Mỹ, dẫn đến giá cả tăng vọt. Theo khảo sát của Ngân hàng Dữ liệu Hoàng gia Nhật Bản, giá của hơn 400 loại thực phẩm tăng trung bình 31% trong tháng 5. Trong số đó, giá một số sản phẩm dầu ô liu đã tăng 80% trong tháng này.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản được cho là đã có hai lần can thiệp nhẹ để hỗ trợ đồng yên vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5, với tổng cộng 8.000 tỷ yên, nhưng các chuyên gia cho rằng tình hình vẫn khó xoay chuyển khi Mỹ vẫn đang áp dụng chính sách lãi suất cao. Chính phủ Nhật Bản hiện đang cân nhắc các ưu đãi về thuế để khuyến khích doanh nghiệp hồi hương lợi nhuận thu được từ nước ngoài, qua đó thúc đẩy nhu cầu về đồng yên và tăng giá trị đồng nội tệ này.
Không chỉ các nước châu Á, nhóm các nền kinh mới nổi cũng đặc biệt nhạy cảm với ảnh hưởng tiêu cực do chi phí nhập khẩu và chi phí vay nợ bằng đồng đô la Mỹ tăng. Tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy cứ mỗi khi đồng đô la Mỹ tăng giá khoảng 10%, GDP của các nền kinh tế mới nổi sẽ mất khoảng 1,9%, tác động tiêu cực về kinh tế kéo dài đến hơn 2 năm. Ngân hàng Trung ương Brazil hồi tháng 4 đã giảm tốc độ cắt giảm lãi suất cơ bản. Gần đây nhất, họ chỉ giảm 0,25%, xuống còn 10,5% với lý do “không chắc chắn về thời điểm bắt đầu của chu kỳ nới lỏng ở Mỹ”. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ thông báo tăng lãi suất chính sách từ 45% lên 50% để đối phó với sự mất giá của đồng lira và lạm phát gia tăng.
Bất chấp những phân mảnh địa chính trị, áp lực khi đô la Mỹ tăng giá với nền kinh tế thế giới chứng tỏ vai trò trung tâm của đồng tiền này trên thị trường tài chính toàn cầu. Dù hiện tại chưa có đồng tiền nào đủ sức thay thế đồng đô la Mỹ, nhưng theo các chuyên gia, xu hướng đa dạng hóa dự trữ ngoại hối khỏi đồng bạc xanh đang diễn ra mạnh mẽ, tạo tiền đề cho một thế giới tiền tệ đa cực trong thập kỷ tới.
Thảm họa hàng không tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua tại Hàn Quốc vừa xảy ra hôm 29/12. Máy bay phản lực Boeing 737-800 của hãng hàng không Jeju Air chở 175 hành khách và sáu thành viên phi hành đoàn khởi hành từ Bangkok, Thái Lan đã phải hạ cánh khẩn cấp tại sân bay ở quận Muan. Do càng máy bay trục trặc nên máy bay không thể dừng lại mà đâm vào bức tường ở cuối đường băng. Chỉ có hai người may mắn sống sót, 179 người thiệt mạng.
Nga và Ukraine đều tuyên bố sẽ sản xuất hàng loạt vũ khí “khủng” nhất, nhằm đáp trả lẫn nhau khiến cuộc xung đột cứ leo thang từng ngày.
Sự phát triển của khoa học trí tuệ nhân tạo đang góp phần to lớn trong trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Những robot AI trợ giúp giảng dạy hay robot trợ giúp người khuyết tật ngày càng được hoàn thiện mang đến những trải nghiệm tích cực cho con người.
Tòa án Hiến Pháp Hàn Quốc đã tiến hành phiên tòa đầu tiên luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol liên quan đến việc ban bố lệnh thiết quân luật đêm 3/12. Cùng lúc đó, Quốc hội Hàn Quốc cũng bỏ phiếu thông qua đề nghị luận tội Thủ tướng Han Duck Soo, người hiện đang giữ chức quyền tổng thống. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc, cả tổng thống và quyền tổng thống cùng bị luận tội.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) gần đây đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2025 xuống còn 1,1%. Điều này cho thấy “lục địa già” đang gặp nhiều thách thức trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tiếp tục khuấy động truyền thông và mạng xã hội bằng những tuyên bố táo bạo về mở rộng lãnh thổ, từ mua hòn đảo Greenland, kiểm soát kênh đào Panama cho đến sáp nhập Canada thành tiểu bang của Mỹ.
0