Ukraine tiết lộ nhân tố thúc đẩy ‘kế hoạch chiến thắng’

Ngày 20/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen đã đến thủ đô Kiev của Ukraine để thảo luận với Tổng thống nước này, ông Volodymyr Zelensky về sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU).

Trong buổi họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky đã phát biểu về các nhân tố thúc đẩy kế hoạch chiến thắng của Ukraine.

Đây là chuyến công du thứ 8 của bà Von der Leyen đến Ukraine kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát hồi năm 2022. Chuyến thăm lần này diễn ra trong bối cảnh Ukraine đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung năng lượng vào mùa Đông năm nay. Trong chuyến thăm, bà Von der Leyen cũng thông báo EU sẽ cấp cho Ukraine khoản vay trị giá 35 tỷ euro (hơn 39 tỷ USD), một phần trong kế hoạch sử dụng khoản tiền thu được từ tài sản bị phong tỏa của Nga.

Bà von der Leyen thông báo EU sẽ cấp cho Ukraine khoản vay trị giá 35 tỷ euro (hơn 39 tỷ USD) trong chuyến thăm Ukraine.
Bà von der Leyen thông báo EU sẽ cấp cho Ukraine khoản vay trị giá 35 tỷ euro (hơn 39 tỷ USD) trong chuyến thăm Ukraine.

Bên cạnh đó, phát biểu họp báo chung với bà Von der Leyen ngày 20/9, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky tiết lộ nước này có kế hoạch sử dụng khoản vay được đề xuất trị giá hàng tỷ USD từ EU để mua hệ thống phòng không, năng lượng và vũ khí nội địa. Tổng thống Ukraine cũng tiết lộ các nhân tố thúc đẩy ‘kế hoạch chiến thắng’ của Ukraine trong cuộc chiến với Liên bang Nga. Nhà lãnh đạo Ukraine khẳng định ông sẽ thảo luận tất cả các chi tiết của “kế hoạch chiến thắng” với Tổng thống Mỹ Joe Biden và hi vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của ông Biden.

Theo những thông tin ban đầu, "kế hoạch chiến thắng" của Tổng thống Zelensky gồm bốn điểm chính và sẽ cần một điểm bổ sung sau khi xung đột kết thúc. Bốn điểm này bao gồm: an ninh, vị thế địa chính trị của Ukraine, sự hỗ trợ quân sự mạnh mẽ từ phương Tây và hỗ trợ kinh tế cần thiết cho tái thiết đất nước. Điểm bổ sung sau xung đột, tuy chưa được chi tiết hoá, nhưng được cho là liên quan đến các vấn đề hậu chiến như việc Ukraine cần thiết lập các cơ chế quốc tế nhằm bảo vệ chủ quyền và độc lập của mình.

Tổng thống Zelensky và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Kiev.

Theo ông Zelensky, hầu hết các quyết định từ “kế hoạch chiến thắng” phụ thuộc đặc biệt vào ông Biden và các đồng minh khác, nhưng có một số điểm phụ thuộc vào thiện chí cũng như sự ủng hộ của Mỹ. Về khung thời gian đưa ra quyết định, Tổng thống Ukraine cho biết “kế hoạch chiến thắng” dựa trên các quyết định sẽ diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12 và tiến trình này không được trì hoãn.

Vào tuần tới, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến sẽ trình bày "kế hoạch chiến thắng" của mình tại Mỹ, trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga vẫn đang tiếp diễn. Ông Zelensky thảo luận kế hoạch này với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong khuôn khổ các cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA). Đồng thời, Tổng thống Zelensky cũng có kế hoạch trao đổi với các ứng cử viên tổng thống Mỹ như Kamala Harris và Donald Trump về tài liệu chiến lược này. Đặc biệt, ông mong muốn thảo luận về việc tăng cường hỗ trợ quân sự, bao gồm việc cung cấp vũ khí tầm xa, để Ukraine có thể đối phó hiệu quả hơn với các thách thức từ Nga.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova.

Phát biểu trước báo giới cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova cho biết, kế hoạch hòa bình do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra không liên quan đến nỗ lực giải quyết xung đột. Bà lên án các hành động của EU là đánh cắp các tài sản có chủ quyền của Nga, đồng thời tố cáo EU đang thực hiện việc rửa tiền một cách bất hợp pháp thông qua việc mua vũ khí tài trợ cho Ukraine.

Trong khi đó, nhận định về "kế hoạch chiến thắng" trên của Ukraine, Ivan Safranchuk, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á-Âu tại Đại học Quan hệ Quốc tế Moscow (MGIMO), cho rằng kế hoạch này của Kiev có thể không đạt được kết quả như mong đợi.

Konstantin Zatulin, Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) về các vấn đề CIS (Cộng đồng Các quốc gia Độc lập), cũng đồng tình với quan điểm của chuyên gia Safranchuk. Ông cũng cho rằng việc nhà lãnh đạo Ukraine trình bày kế hoạch này tại UNGA, một tổ chức mà bản thân Liên hợp quốc đã không có tác động rõ rệt trong việc giải quyết cuộc xung đột, là một lựa chọn không hợp lý.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrel khẳng định, khối này cam kết sẽ duy trì ủng hộ Ukraine. Phát biểu được đưa ra trong chuyến thăm của ông Borrel đến Kiev.

Giới chức Ba Lan đang tăng cường kiểm soát an ninh biên giới nhằm trấn áp tình trạng di cư bất hợp pháp. Nước này đã huy động nhiều quân sĩ canh gác ở biên giới với Belarus.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 9/11 đã ký thành luật Hiệp ước Đối tác chiến lược Nga - Triều Tiên mà ông và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký trong chuyến công du Bình Nhưỡng hồi tháng 6.

Ngành thép Trung Quốc đang phải đối mặt với tác động gián tiếp nếu Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump áp mức thuế quan 60% đối với hàng hóa Trung Quốc, bao gồm các sản phẩm được sản xuất từ hợp kim.

400 ngày đã trôi qua kể từ khi xung đột nổ ra giữa Israel và Hamas. Số người thiệt mạng ở Gaza kể từ đó đến nay là hơn 43.500 người. Bộ Y tế Liban cho biết, các cuộc tấn công của Israel vào Liban đã giết chết ít nhất 3.117 người và làm bị thương 13.888 người khác kể từ tháng 10 năm 2023.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại EU Josep Borrell đã đến thăm Kiev. Tại đây ông khẳng định với Ukraine về sự ủng hộ không lay chuyển của châu Âu dành cho nước này.