Hội nghị thượng đỉnh Kazan - Kỳ vọng đột phá của BRICS
Môi trường thân thiện
Có nhiều lý do khiến các quốc gia đến với BRICS để tìm kiếm các cơ hội hợp tác và phát triển. Tại hội nghị Kazan, các thành viên dự kiến phê duyệt quy chế mới - đó là quốc gia đối tác của BRICS để đáp ứng sự quan tâm của các quốc gia.
Nếu kết nạp thêm các thành viên mới, tỉ trọng của các nước BRICS trong GDP toàn cầu tính theo sức mua tương đương (PPP) sẽ tiếp tục tăng và sẽ đạt khoảng 38% vào năm 2028. Theo Thủ tướng Nga Mishustin, tỉ trọng của các quốc gia thân thiện trong kim ngạch thương mại nước ngoài của Nga đang không ngừng tăng lên và điều này cũng có thể tạo điều kiện cho sự tăng trưởng nhanh chóng của toàn bộ nhóm BRICS. Theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỉ trọng của G7 trong GDP toàn cầu đã giảm đều trong vài năm qua, từ 50,42% năm 1982 xuống còn 30,39% vào năm 2022 và dự kiến giảm còn 29,44% trong năm nay.
Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho rằng các nước BRICS là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của các nền kinh tế trong nhóm này dự kiến sẽ vượt trội hơn G7.
BRICS chỉ vừa được thành lập vào năm 2006 bởi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Sau đó, Nam Phi tham gia vào năm 2011. Năm nay, bốn quốc gia gồm Ai Cập, Iran, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) - đã chính thức trở thành thành viên BRICS. Saudi Arabia cũng đã được mời tham gia nhóm và tham gia các cuộc họp BRICS, nhưng chưa trở thành thành viên chính thức. Hơn 30 quốc gia khác, bao gồm cả thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ, đã nộp đơn xin gia nhập.
Mới đây nhất, nước ứng viên EU Serbia cho biết đang tìm hiểu khả năng gia nhập BRICS thay vì Liên minh châu Âu. Serbia nộp đơn xin gia nhập EU vào năm 2009 và đã là nước ứng viên EU kể từ năm 2012. Trong những năm sau đó, EU nêu thêm điều kiện với Serbia là phải bình thường hóa quan hệ với Kosovo bằng cách công nhận nền độc lập của tỉnh ly khai này, đồng thời yêu cầu Serbia cắt đứt quan hệ và áp đặt lệnh trừng phạt Nga.
"Một trong những lý do khiến tôi rất hào hứng về BRICS là không ai yêu cầu Serbia phải làm gì cả. Họ nói, ‘cứ sống theo cách của bạn. Hãy làm theo cách bạn nghĩ là tốt cho mình'. Và họ đem lại cho chúng tôi nhiều hơn những gì chúng tôi yêu cầu. Người Serbia có muốn tham gia BRICS hay không? Còn quá sớm để khẳng định. Tôi không thể nói điều đó. Nhưng tôi có thể nói rằng chúng tôi muốn tìm hiểu cơ hội đó. Lần đầu tiên, chúng tôi có cơ hội thực sự. Chúng tôi có lựa chọn thay thế thực sự cho Liên minh châu Âu".
Phó Thủ tướng Serbia Aleksandar Vulin
Bình luận về kế hoạch của Serbia, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin cho hay, các quốc gia ở châu Âu đang bắt đầu nhận ra rằng BRICS có thể đảm bảo tính đa cực toàn cầu. Ông Volodin chỉ ra rằng, các thành viên và quan sát viên BRICS không bị ép buộc hoặc đòi hỏi tuân thủ "các điều kiện hợp tác vô lý". Tương tự như vậy, "các vấn đề thuộc chủ quyền" của họ không bị can thiệp. Theo ông Volodin, các chính sách can thiệp của Mỹ và EU dẫn đến "hiệu ứng ngược" so với dự định và đã giúp tạo điều kiện cho sự tăng trưởng nhanh chóng của các nền kinh tế BRICS. "EU đang trì trệ: GDP ở Đức, Áo, Phần Lan, Estonia đang suy giảm và ngành công nghiệp đang phải chịu những tổn thất đáng kể".
Ngay cả trong định dạng 5 quốc gia ban đầu, BRICS có dáng dấp một liên minh năng lượng quan trọng. Khối này bao gồm Nga, nước xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới và Trung quốc, nước tiêu thụ tài nguyên năng lượng lớn nhất. Sau khi mở rộng vào ngày 1/1/2024, nhóm này đã thực sự nổi lên như một người khổng lồ về năng lượng.
“Nga vẫn là một trong những quốc gia tham gia hàng đầu vào thị trường năng lượng toàn cầu. Trong 2 năm rưỡi qua, các công ty trong nước đã có thể chuyển hướng nguồn cung cấp dầu, sản phẩm dầu, than. Ví dụ, trước đây, thị phần của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong xuất khẩu năng lượng của chúng tôi là khoảng 39%, nhưng đến cuối năm ngoái đã tăng gấp rưỡi và đã vượt quá 60%. Nhìn chung, hơn 90% xuất khẩu năng lượng của Nga là sang các nước thân thiện.Chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển các dịch vụ và công nghệ của riêng mình trong lĩnh vực khí hóa lỏng, tạo ra các trung tâm trung chuyển, lưu trữ và giao dịch khí đốt tự nhiên hóa lỏng, sẽ cung cấp tàu chở khí đốt và tất nhiên là tăng năng lực của các cảng biển Bắc Cực và phía Đông, tăng cường kết nối, cơ sở hạ tầng của Tuyến đường biển phía Bắc".
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Với sự bổ sung của ba cường quốc dầu khí, BRICS hiện nắm giữ khoảng 40% trữ lượng dầu đã được chứng minh của thế giới và hơn 50% trữ lượng khí đốt. Trong khi nhóm này chiếm 47% tiêu thụ năng lượng chính của thế giới, cao hơn gần 50% so với các nước G7 (bao gồm cả Liên minh châu Âu). Nói cách khác, vai trò của các nhà lãnh đạo thế giới thứ nhất và thứ ba đang đảo ngược.
Kỳ vọng của Nam bán cầu
Với chủ đề “BRICS và Nam bán cầu: cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”, Hội nghị các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng sẽ tập trung trao đổi về hợp tác giữa các nước BRICS và Nam bán cầu trong giải quyết các vấn đề trong chương trình nghị sự quốc tế, trong đó có tình hình khu vực và quốc tế, phát triển bền vững, an ninh lương thực và năng lượng. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng phức tạp với sự nổi lên gay gắt của nhiều thách thức, đòi hỏi các nước tăng cường phối hợp để ứng phó hiệu quả.
Thuật ngữ “Nam bán cầu” xuất hiện lần đầu trong Chiến tranh Lạnh để chỉ sự phân chia kinh tế rộng lớn giữa các quốc gia phía bắc giàu có, công nghiệp hóa nói chung và các nước đang phát triển ở phía nam. Cho đến cuối những năm 1960 và 1970, nhiều quốc gia trong số đó vẫn là một phần của thuộc địa Tây Âu, đế quốc hoặc bị chủ nghĩa thực dân mới phương Tây thống trị. Theo nghĩa rộng hơn, Nam bán cầu nhằm nói đến các quốc gia có thu nhập thấp hoặc các quốc gia có trình độ phát triển kinh tế xã hội và công nghiệp tương đối kém so với các quốc gia giàu có ở phía bắc. Nhưng Nam bán cầu, gồm các quốc gia ở châu Phi, Mỹ Latinh và các nước đang phát triển ở châu Á - cũng đang ngày càng thể hiện quyền lực trong nỗ lực thiết lập trật tự thế giới đa cực, thách thức sự thống trị của phương Tây.
Chuyên gia an ninh lương thực Ấn Độ và lãnh đạo doanh nghiệp nông nghiệp Vijay Sardana hoan nghênh 'sự đa dạng hóa và mở rộng' của khối BRICS như một 'sự cân bằng' với các nhóm liên kết với phương Tây như G7. Với 30 % đất nông nghiệp và 45% dân số toàn cầu, các thành viên BRICS sẽ có vai trò chính trong an ninh lương thực toàn cầu.
"Ấn Độ, Brazil và Nam Phi đều là những nền kinh tế nông nghiệp lớn và là một trong những thị trường lớn nhất; ngay cả Nga và Trung Quốc là những thị trường lớn và cũng sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, nông nghiệp và an ninh lương thực mà không có BRICS sẽ rất, rất khó khăn".
Ông Vijay Sardana - Chuyên gia An ninh lương thực Ấn Độ
BRICS đem lại cho các quốc gia cơ hội hợp tác để thu hẹp khoảng cách với các quốc gia phương Tây về phát triển kinh tế và công nghệ.
"Tôi nghĩ BRICS là một tổ chức rất quan trọng cam kết thúc đẩy chương trình nghị sự của Nam Bán cầu. Cơ chế này đã trở thành một trong những cơ chế đa phương lớn nhất và quan trọng nhất trên thế giới xét về dân số, quy mô kinh tế và diện tích. Nó cam kết thúc đẩy sự phát triển của Nam Bán cầu..."
Ông Mohsen Bakhtiar, Đại sứ Iran tại Trung Quốc
Sự trỗi dậy của khối BRICS, bao gồm 4 quốc gia Nam Bán cầu Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, cùng với Nga đang tìm cách thiết lập nền tảng trật tự thế giới đa cực, đang làm dấy lên nhiều hy vọng. Trong đó, giới chuyên gia nhận định rằng tình trạng mất cân bằng và bất bình đẳng về kinh tế - xã hội hiện nay giữa Bắc và Nam bán cầu có thể dần được giải quyết thông qua những lựa chọn thay thế cho các thể chế và liên minh do phương Tây thiết lập, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và sự độc lập của các quốc gia Nam bán cầu.
Trụ cột mới trong hệ thống đa phương
Hợp tác của BRICS dựa trên ba trụ cột, gồm hợp tác chính trị - an ninh, kinh tế - tài chính, văn hóa và giao lưu nhân dân. Các cơ chế hợp tác nổi bật gồm Hội nghị thượng đỉnh, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành, Ngân hàng phát triển mới (NDB), các hội đồng/ liên minh/ cơ chế hợp tác chuyên ngành và các cơ chế đối thoại với các nước không phải thành viên. BRICS được thành lập với mục tiêu ban đầu là trở thành một thể chế chính trị, kinh tế và tài chính toàn cầu nhằm phản ánh tương quan lực lượng theo hướng công bằng, cân bằng và có tính đại diện cao hơn. Trong trật tự thế giới đa cực đang hình thành, BRICS đang nổi lên có tiềm năng trở thành một trụ cột mới trong hệ thống đa phương.
BRICS hiện tập trung vào một số định hướng hợp tác và phát triển, gồm: Thúc đẩy quá trình mở rộng thành viên nhằm mở rộng quy mô và ảnh hưởng của Nhóm trên phạm vi toàn cầu; Nghiên cứu thúc đẩy thể chế hóa cao hơn (ví dụ như thành lập cơ quan thường trực - Ban Thư ký BRICS); Củng cố, mở rộng vai trò, ảnh hưởng của Ngân hàng NDB; Thúc đẩy các giải pháp giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và hệ thống tài chính - tiền tệ phương Tây, xây dựng hệ thống thanh toán nội khối…; Mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, hình thành một hệ thống riêng, phân tách với các hệ thống do Mỹ và phương Tây dẫn dắt: chuỗi cung ứng BRICS, hợp tác công nghệ mới, hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ, nền tảng thị trường chung, xây dựng kết cấu hạ tầng y tế, xã hội, thúc đẩy thương mại đa phương, đầu tư, chống biến đổi khí hậu...
BRICS có một số cơ chế tham gia dành cho các nước không phải thành viên BRICS: tham gia Ngân hàng NDB; tham gia các diễn đàn/đối thoại trong khuôn khổ BRICS mở rộng với tư các nước khách mời như Hội nghị các Nhà lãnh đạo BRICS mở rộng, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS mở rộng và một số hội nghị, đối thoại về các lĩnh vực cụ thể (an ninh, phát triển đô thị,…).
Năm 2024, với tư cách là Chủ tịch luân phiên của BRICS, Nga đã lên kế hoạch tổ chức khoảng 250 hoạt động, hội nghị, diễn đàn tại 15 thành phố của Nga trong năm nay. Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm nay là Hội nghị lần thứ 16 nhưng là Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên sau khi BRICS mở rộng với 10 thành viên, là sự kiện đối ngoại quy mô lớn nhất được tổ chức ở Nga trong những năm gần đây.
Nga với tư cách là Chủ tịch luân phiên của BRICS, ưu tiên thúc đẩy hợp tác trong ba lĩnh vực chính gồm chính trị - an ninh, kinh tế - tài chính và văn hóa - nhân văn theo phương châm “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu công bằng” nhằm mục tiêu tăng cường vai trò của BRICS như một trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng, nâng cao vai trò của BRICS trong giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Khối BRICS đặt vai trò trung tâm của Liên hợp quốc là nền tảng trong bất kỳ loại chủ nghĩa đa phương nào. Tuyên bố chung năm 2009 của các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh Yekaterinburg về Liên hợp quốc nêu rõ: “Chúng tôi bày tỏ cam kết mạnh mẽ của mình đối với ngoại giao đa phương với Liên hợp quốc đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết các thách thức và mối đe dọa toàn cầu. Về vấn đề này, chúng tôi tái khẳng định sự cần thiết cải cách toàn diện Liên hợp quốc nhằm mục đích làm cho tổ chức này hiệu quả hơn để có thể giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay một cách hiệu quả hơn. Chúng tôi nhắc lại tầm quan trọng của Ấn Độ và Brazil trong các vấn đề quốc tế và chúng tôi ủng hộ nguyện vọng của họ trong việc đóng vai trò lớn hơn tại Liên hợp quốc”.
Vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong chủ nghĩa đa phương cũng đã được khối này khẳng định nhiều lần trong suốt 16 năm tồn tại.
Với mục tiêu xây dựng một thế giới đa cực công bằng hơn, BRICS 2024 tại Kazan, Nga đã thu hút được sự tham gia của nhiều quốc gia, trong đó có 9 nguyên thủ quốc gia gồm chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Có thể coi Hội nghị thượng đỉnh Kazan là bước ngoặt lịch sử của BRICS nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD cũng như hệ thống kinh tế được thiết lập từ cuối chiến tranh thế giới thứ hai và đã không còn phù hợp. Tại đây, chủ nhà Nga sẽ đưa ra nhiều đề xuất mới mẻ, táo bạo, nhằm mục tiêu tăng cường vai trò của BRICS như một trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng, nâng cao vai trò của BRICS trong giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Ứng viên cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, cựu Hạ nghị sỹ Matt Gaetz tuyên bố rút lui khỏi đề cử của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Trong thời gian rất ngắn, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã liên tiếp có những quyết sách làm thay đổi căn bản mức độ và phạm vi Mỹ can dự gián tiếp vào cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/11 xác nhận quân đội Nga đã bắn một tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm trung mới vào Ukraine, để đáp trả việc Kiev sử dụng tên lửa do Mỹ và Anh sản xuất trong các cuộc tấn công vào các mục tiêu ở Nga trong tuần này.
Chính phủ Australia vừa đưa ra dự luật mới, phạt lên đến 50 triệu đô la Australia (khoảng 32,5 triệu USD) nếu các nền tảng mạng xã hội không có biện pháp ngăn chặn trẻ dưới 16 tuổi truy cập vào nền tảng của họ.
Thủ lĩnh phong trào Hezbollah tại Liban, ông Naim Qassem cho biết lực lượng này sẽ không chấp nhận bất kỳ lệnh ngừng bắn nào vi phạm chủ quyền của Liban, trong khi Israel yêu cầu được tự do hành động chống lại phong trào này trong trường hợp đạt được thỏa thuận.
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết ông sẽ theo đuổi quan hệ hợp tác với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhằm làm sâu sắc thêm liên minh song phương lâu đời, không chỉ vì lợi ích của hai quốc gia mà còn cho toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
0