Kỷ nguyên của Pháp tại Niger đang kết thúc

Quân đội Pháp bắt đầu rút khỏi Niger theo đúng kế hoạch. Động thái này được cho là không thể tránh khỏi của quân đội Pháp trước sức ép của chính quyền quân sự Niger cùng làn sóng biểu tình kéo dài nhiều ngày qua của người dân Niger phản đối sự hiện diện của quân đội Pháp tại nước này.

Sau khi Pháp không thừa nhận chính quyền quân sự tại Niger sau cuộc đảo chính, quan hệ giữa Pháp và chính quyền quân sự Niger trở nên căng thẳng. Nhiều cuộc biểu tình phản đối sự hiện diện của quân đội Pháp đã nổ ra trước căn cứ quân sự và đại sứ quán Pháp tại Niger. 

Cuối tháng 9 vừa qua,  Niger đã tuyên bố trục xuất đại sứ Pháp Sylvain Itte. Đại sứ Pháp Sylvain Itte ban đầu từ chối thực hiện lệnh của giới chức quân sự Niger, song đã về nước hôm 24/9 sau tuyên bố của Tổng thống Pháp.

"Pháp đã quyết định triệu hồi đại sứ của mình. Đại sứ của chúng tôi cùng một số nhà ngoại giao sẽ trở lại Pháp và chúng tôi sẽ chấm dứt hợp tác quân sự với chính quyền hiện nay của Niger vì họ không còn muốn chống khủng bố nữa", Tổng tháp E.Macron nói.

Theo tuyên bố của nhóm chính quyền quân sự tại Niger, trong đợt rút quân đầu tiên ngày 08/10, Pháp rút 400 binh sĩ đồn trú tại căn cứ Ouallam. Hội đồng Bảo vệ Tổ quốc Niger (CNSP) cho rằng đây là "bước tiến mới về chủ quyền" đối với Niger.

Việc Pháp buộc phải rút quân khỏi Niger trong hoàn cảnh hiện nay là điều không có gì phải bàn cãi, tuy nhiên vấn đề được các giới chức quân sự Pháp quan tâm nhiều nhất lúc này là làm sao lên kế hoạch để trong thời hạn khoảng 3 tháng rút toàn bộ quân và trang thiết bị quân sự một cách an toàn ra khỏi Niger. Việc chuyển các binh sĩ có vẻ dễ dàng, chỉ cần tập trung về một căn cứ không quân của Pháp tại Niamey, rồi đưa về nước bằng đường hàng không. Nhưng việc rút các trang thiết bị hạng nặng thì rất phức tạp. Đó là hàng trăm xe bọc thép chiến đấu, trực thăng, các kho khí tài, hệ thống máy tính, thiết bị hậu cần cho quân đội... Để vận chuyển khối thiết bị quân sự lớn đó, cần phải tổ chức các đoàn xe vận tải bằng đường bộ để tới các cảng Cotonou của Benin hay Abidjan của Bờ Biển Ngà, trước khi đưa lên tàu thủy chuyển về Pháp.

Ông Fahiraman Rodrigue Koné, giám đốc dự án Sahel thuộc Viện Nghiên cứu An ninh, Nam Phi, cho biết: "Người Pháp đã không rút đi đúng thời điểm mà vẫn muốn đóng vai trò dẫn dắt, trong bối cảnh môi trường xã hội ở Niger đã thay đổi rất lớn. Khi phải rút quân trong ba tháng tới, họ sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn về hậu cần, ở nơi họ từng là bên kiểm soát".

Hồi năm 2022, 4.500 binh sĩ Pháp đã rút khỏi Mali an toàn, nhưng phải mất tới 6 tháng, với những thách thức về hậu cần và bảo đảm an toàn trên đường chuyển quân khi đó không hề nhỏ. Nhất là lần này, sự hiện diện quân sự của Pháp đã mỏng hơn rất nhiều. Trong vùng Sahel hiện nay, Pháp chỉ còn duy nhất căn cứ ở Cộng hòa Chad. Các đồng minh cũng khó có thể hỗ trợ gì được Pháp trong nhiệm vụ này. Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp kêu gọi chính quyền Niger phải kiềm chế mọi hình thức khiêu khích và đảm bảo an toàn cho hoạt động rút quân của Pháp.

Ngay sau thông báo rút quân của tổng thống Pháp, chính quyền quân sự tại Niger cho biết họ muốn thiết lập một lịch trình trong khuôn khổ thương lượng và theo thỏa thuận chung để có hiệu quả tốt hơn cho việc rút quân Pháp.

Mối quan hệ giữa Pháp và các quốc gia châu Phi vốn là thuộc địa cũ đã chững lại trong những năm gần đây với việc Paris ngày càng mất dần ảnh hưởng ở khu vực. Sau 9 năm Pháp chiến đấu chống chủ nghĩa thánh chiến ở Sehel, tháng 2 năm ngoái, Mali đã trục xuất quân đội Pháp và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Pháp, do những bất đồng giữa Pháp với chính quyền quân sự nước này sau cuộc đảo chính vào tháng 5 năm 2021. Quốc gia này cũng đã thay đổi ngôn ngữ chính thức từ tiếng Pháp sang ngôn ngữ quốc gia Mali. 

Trong khi đó tại Niger, sau khi Pháp từ chối công nhận chính quyền quân sự mới tại Niger, tâm lý giận dữ vốn đã âm ỉ trước đó vì việc Paris thường xuyên can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Niamey, lập tức bùng lên dữ dội. Căn cứ quân sự của Pháp ở thủ đô Niamey của Niger trở thành tâm điểm của các cuộc biểu tình chống Pháp tại nước này. Nhiều người Niger cho rằng, Pháp đã hưởng quá nhiều đặc quyền trong khai thác tài nguyên và nền chính trị của đất nước này quá lâu. Họ coi cuộc đảo chính là cơ hội để Niger xây dựng một nền tảng chính trị mới trong sạch hơn, giành lại chủ quyền và thoát khỏi ảnh hưởng từ Paris.

Sau Niger, vụ đảo chính tại Gabon đã trở thành một thách thức mới nhất đối với Pháp. Chỉ trong 3 năm, 8 thuộc địa cũ của Pháp ở Tây và Trung Phi đã nằm trong tay của phe quân sự. Mỗi một vụ đảo chính diễn ra, sức ảnh hưởng của Pháp lại bị suy yếu dần. 

Ông Chris Ogomodede, nhà phân tích đối ngoại sống ở Senegal cho rằng: “Chính sách của Pháp không được ưa chuộng. Tất cả các cuộc biểu tình và mọi người đang tấn công các doanh nghiệp Pháp vì họ cho rằng những doanh nghiệp đó đại diện cho chủ nghĩa thực dân mới của Pháp.”

Sự thay đổi trong nhận thức chính trị của người châu Phi phần lớn xuất phát từ lực lượng dân số trẻ của lục địa này đang nhanh chóng hình thành quan điểm chống Pháp và tìm đến các đối tác mới ngoài Pháp. 

14 quốc gia ở Tây và Trung Phi, bao gồm cả Niger và Gabon, sử dụng Đồng franc CFA, bao gồm cả Niger và Gabon, được bảo lãnh bởi kho bạc Pháp. Các quốc gia sử dụng franc CFA được yêu cầu lưu trữ 50% dự trữ tiền tệ của họ tại Ngân hàng Trung ương Pháp và đồng tiền này gắn liền với đồng Euro. Trong khi Paris khẳng định hệ thống này thúc đẩy sự ổn định kinh tế, thì có ý kiến cho rằng nó cho phép Pháp kiểm soát nền kinh tế của các quốc gia châu Phi.

Tuy nhiên, một nguyên nhân sâu xa được các chuyên gia nhận định là, người dân một số quốc gia châu Phi vẫn mang tâm lý chống Pháp từ thời kỳ thực dân trước đây. Thậm chí ở một số quốc gia, Pháp còn bị xem như là một nhân tố cản trở tiến trình dân chủ ở quốc gia đó khi luôn duy trì liên hệ mật thiết với các chính quyền nắm giữ quyền lực lâu năm hay các lực lượng quân sự.

Việc rút quân khỏi Niger được coi là dấu chấm hết cho chủ nghĩa thực dân mới tại lục địa đen. Những di sản mà Pháp tạo ra, như mạng lưới Pháp – châu Phi  để duy trì sự ảnh hưởng kinh tế và quân sự khắp châu Phi sẽ sớm lụi tàn. 

Việc rút quân của Pháp sẽ để lại một lỗ hổng trong nỗ lực của phương Tây nhằm chống lại cuộc nổi dậy của quân thánh chiến trong khu vực và giáng một đòn mạnh vào ảnh hưởng của Pháp tại châu Phi. Cho đến khi xảy ra cuộc đảo chính, Niger là đồng minh chủ chốt cuối cùng của phương Tây ở khu vực trung tâm Sahel, phía nam sa mạc Sahara.

Idrissa Waziri, cựu phát ngôn viên cho Tổng thống Niger bị lật đổ Mohamed Bazoum, nêu quan điểm: "Trong cuộc chiến chống khủng bố, Pháp là đối tác quan trọng cung cấp hầu hết thông tin tình báo giúp chúng tôi đánh bại kẻ thù. Cuộc rút quân vội vã của người Pháp đã khiến tình hình an ninh ở Mali và Burkina Faso trở nên tồi tệ hơn. Pháp giờ đây trở thành lý do để người dân xuống đường, bị đổ lỗi về mọi vấn đề Niger phải đối mặt".

Từ một góc độ khác, Fahiraman Rodrigue Koné, giám đốc dự án Sahel thuộc Viện Nghiên cứu An ninh, trụ sở ở Nam Phi cho rằng còn quá sớm để nói liệu sự ra đi của Pháp có dẫn đến tình trạng bất ổn lớn hơn tại Niger và vùng Sahel nói chung hay không. Vì sau lời cảnh báo của khối cộng đồng kinh tế Tây Phi ECOWAS về khả năng can thiệp vào Niger nếu Tổng thống bị phế truất Mohamed Bazoum không được khôi phục quyền lực, Mali, Burkina Faso và Niger đã thành lập liên minh an ninh Sahel, nhằm giúp đỡ nhau chống lại các cuộc nổi dậy vũ trang và hành vi can thiệp từ bên ngoài. Ông Koné cho rằng, việc thành lập liên minh sẽ giúp Niger chia sẻ những kinh nghiệm tác chiến tốt nhất của mình cho hai nước còn lại. Đây có thể là yếu tố giúp thay đổi cuộc chơi.

Fahiraman Rodrigue Koné, giám đốc dự án Sahel thuộc Viện Nghiên cứu An ninh, trụ sở ở Nam Phi nói: "Tình trạng thiếu hợp tác giữa ba nước là một trong những lý do khiến các nhóm khủng bố có thể dễ dàng di chuyển qua lại giữa các vùng biên giới. Ba nước giờ đây đã tiến hành một số hoạt động quân sự chung, điều sẽ gây áp lực thực sự với phiến quân".

Dù liên minh an ninh Sahel được kỳ vọng sẽ phát huy vai trò tích cực chống lại phiến quân, nhưng vẫn có những ý kiến lo ngại tình hình phiến quân nổi loạn sẽ gia tăng ở khu vực Tây Phi, vì thực tế tại Mali và Burkina Faso cho thấy tình hình an ninh tồi tệ hơn và số người thiệt mạng trong các cuộc nổi dậy của phiến quân đã tăng lên sau khi Pháp rút quân khỏi các nước này.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa bế mạc tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil). Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này chính là vấn đề chống đói nghèo và bất bình đẳng.

Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Azerbaijan được coi là Hội nghị tài chính khí hậu vì các quốc gia đặt ra mục tiêu sau 10 năm nữa, nguồn tài chính khí hậu phải đạt ít nhất là 1.000 tỷ USD mỗi năm.

Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.

Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.

Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.