Nhiều nước thấp thỏm trước nguy cơ thuế quan từ ông Trump

Từ Trung Quốc tới châu Âu, Bắc Mỹ, thị trường thế giới đang chao đảo trước cam kết tăng thuế của ông Donald Trump sau khi ông nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 tới. Hãng tin Bloomberg cho rằng, điều chắc chắn duy nhất đến thời điểm này liên quan đến kế hoạch thuế quan của ông Trump là chưa có gì chắc chắn, trong khi các quốc gia đang “nín thở” chờ đợi.
Video Player is loading.
Current Time 0:00
Duration 0:00
Loaded: 0%
Stream Type LIVE
Remaining Time 0:00
1x

Thuế quan nhắm vào cả đồng minh và đối thủ

Ông Trump đã cam kết áp thuế lên tới 10% đối với hàng nhập khẩu toàn cầu, 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và 25% đối với các sản phẩm của Canada, Mexico. Hiện chưa thể xác định được mức độ và phạm vi ảnh hưởng của các mức thuế nói trên, nhưng một số thị trường được cho là sẽ chịu tác động nặng nề nếu các rào cản thuế quan được thực thi theo tuyên bố mà chủ nhân tương lai của Nhà Trắng đưa ra.

"Mỗi năm có khoảng 300 nghìn người Mỹ mất mạng vì ma túy tới từ Mexico. Và nếu họ không dừng đưa loại thuốc độc này vào đất nước chúng ta, tôi đảm bảo rằng sẽ đối xử với họ như với Trung Quốc. Chúng ta sẽ đánh thuế với hàng hóa của họ".

Ông Donald Trump.

Đó là một trong những tuyên bố của ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2004. Ông tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế tổng thể từ 10-20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu và mức thuế lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc. Sau khi đắc cử, ông lại gây chấn động thị trường khi đe dọa áp thêm thuế 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc và 25% đối với tất cả sản phẩm từ Mexico và Canada. Các mức thuế trên cao hơn nhiều so với mức 7,5%-25% áp dụng đối với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.

"Xét về quy mô, tôi nghĩ sẽ không ngoa khi nói rằng rất có thể chúng ta chưa thực sự tưởng tượng được mức độ thuế quan mà ông Trump muốn áp đặt".

Bà Mary Lovely - Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Mỹ

Việc liệu ê-kíp của ông Trump có sớm đưa ra được một kế hoạch thuế quan hay không vẫn là một câu hỏi mở. Nhưng gần như chắc chắn ông Trump - người coi thuế quan là một cách để tăng thu ngân sách, tạo động lực phục hưng nền sản xuất của Mỹ và khiến các nước khác ngả theo các ưu tiên chính sách của ông - đang ráo riết chuẩn bị cho việc đưa ra một gói thuế quan lớn.

Theo hãng tin CNN, ông Trump đang xem xét khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp kinh tế quốc gia nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc áp đặt một loạt biện pháp thuế quan mới, ảnh hưởng đến cả đồng minh lẫn đối thủ của Mỹ. Động thái này, nếu được thực hiện sẽ cho phép ông Trump triển khai chương trình thuế quan mới dựa trên Đạo luật về quyền hạn kinh tế trong tình trạng khẩn cấp quốc tế. Theo đó, Tổng thống sẽ có quyền kiểm soát hoạt động nhập khẩu trong bối cảnh khẩn cấp quốc gia. Một nguồn tin thân cận đã xác nhận với CNN rằng, các cuộc thảo luận về việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia đã diễn ra, đồng thời nhấn mạnh "không có phương án nào bị loại bỏ" tại thời điểm này.

"Những gì ông Trump đang cố gắng làm là đảm bảo rằng ông có thể áp thuế đối với Trung Quốc và các đối tác thương mại khác của Mỹ mà không cần trải qua quá trình xin phê chuẩn của quốc hội và cũng cố gắng thiết lập mọi thứ để thuế quan, khi chúng được áp dụng, không vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới. Vì vậy, một tuyên bố tình trạng khẩn cấp về cơ bản sẽ cho thấy thuế quan đang được áp dụng vì lý do an ninh quốc gia, điều này sẽ miễn cho Mỹ tránh khỏi các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới về việc cấm sử dụng thuế quan cho mục đích kinh tế thuần túy".

Ông Eswar Prasad - Giáo sư chính sách thương mại, Đại học Cornell, Mỹ

Các chuyên gia thương mại cho rằng, những mức thuế này sẽ làm đảo lộn các dòng chảy thương mại, tăng chi phí và dẫn đến các hành động trả đũa. Tuy nhiên, đối với chủ nhân tương lai của Nhà Trắng, thái độ như vậy về thuế quan không phải là điều đáng ngạc nhiên. Trong một cuộc trao đổi với Tổng biên tập Bloomberg Micklethwait của News John hồi tháng 10/2024, ông Trump đã nói rằng “từ đẹp nhất trong từ điển là ‘thuế quan’”.

Dân Mỹ tranh thủ mua hàng trước khi ông Trump nhậm chức

Khi ngày nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang đến gần và sau hàng loạt cảnh báo tăng thuế với hàng hóa từ một số quốc gia do ông Trump đưa ra, người tiêu dùng Mỹ đã tranh thủ mua thiết bị điện tử, vật liệu xây dựng và xe điện nhập khẩu. Máy tính bảng và đồ gia dụng Trung Quốc, xe hybrid sản xuất tại Canada, rượu vang châu Âu,… là những mặt hàng đang được người tiêu dùng Mỹ săn tìm. Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ ước tính, người tiêu dùng sẽ phải trả thêm 6,4 - 10,9 tỷ USD cho các thiết bị có thể chịu mức thuế mới. Trong khi đó, Đại học Yale ước tính, giá tiêu dùng có thể tăng từ 1,4% đến 5,1% nếu ông Trump hiện thực hóa kế hoạch thuế quan của mình, tương đương với mức tăng thêm từ 1.900 đến 7.600 USD cho mỗi hộ gia đình. Đây sẽ là mức tăng gây áp lực với người tiêu dùng Mỹ khi nhiều trong số họ vẫn đang vật lộn với lạm phát trong những năm sau đại dịch COVID-19.

Trong cuộc thăm dò của Harris/Guardian vào tháng 11/2024, 44% người được hỏi cho biết, họ đã lên kế hoạch mua hàng nhập khẩu trước khi ông Trump nhậm chức, trong khi gần 2/3 (tương đương 62%) cho biết, họ đang điều chỉnh kế hoạch tài chính của mình cho năm tới. The Guardian đặt câu hỏi với độc giả rằng: họ có mua hoặc đang có kế hoạch mua hàng để chuẩn bị cho mức thuế mới của ông Trump hay không? Và nhiều độc giả cho biết, họ đã mua đồ điện tử để chuẩn bị cho mức thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc.

“Nếu mức thuế 60% được áp dụng, đây sẽ là đòn giáng mạnh vào ngành sản xuất và buôn bán đồ chơi. Chi phí sản xuất có thể sẽ tăng 20-25% và người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu phần lớn mức tăng này”.

Ông Ezra Ishayik -  Đồng sáng lập chuỗi cửa hãng đồ chơi Mary Arnold, Mỹ

Thế nhưng không phải doanh nghiệp Mỹ nào cũng lo lắng về mức thuế quan mới, có doanh nghiệp hoan nghênh động thái này, vì cho rằng sản phẩm sản xuất tại Mỹ sẽ trở nên cạnh tranh hơn.

“Hiện tại, chúng tôi mới cung cấp chưa đến 3% tổng số sản phẩm may mặc được tiêu thụ tại Mỹ. Với mục tiêu tăng từ 3% lên 6%, thuế quan sẽ giúp chúng tôi làm được điều đó”.

Ông Joseph Ferrara - Giám đốc Công ty may mặc Ferrara, Mỹ

Về phần mình, Tổng thống đắc cử Trump tiếp tục khẳng định rằng, ông sẽ áp dụng mức thuế như cam kết, ngay khi nhậm chức. Trong cuộc phỏng vấn ngày 9/12/2024 với Meet the Press, ông Trump cho biết, thuế quan "không gây tốn kém cho người Mỹ” mà mang lại tiền cho đất nước.

Kinh tế toàn cầu rủi ro vì chính sách thuế của Mỹ

Liên hợp quốc vừa đưa ra cảnh báo rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể yếu hơn nếu các rào cản thương mại gia tăng cản trở tiến trình giảm lạm phát và khiến các ngân hàng trung ương hàng đầu phải hãm bớt tốc độ cắt giảm lãi suất. Trong khi đó, Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cảnh báo những lo ngại liên quan đến lời đe dọa áp thuế thương mại của ông Donald Trump đang đẩy chi phí vay dài hạn lên cao, làm gia tăng áp lực lên nền kinh tế toàn cầu vào năm 2025.

Trong báo cáo hàng quý về triển vọng kinh tế toàn cầu, Liên hợp quốc dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) của thế giới sẽ tăng 2,8% trong năm 2025, cao hơn so với mức dự báo trước đó là 2,7%. Tuy nhiên, các nhà kinh tế của Liên hợp quốc cảnh báo điều đó có thể không trở thành hiện thực nếu các chính phủ áp đặt các rào cản mới đối với thương mại quốc tế. Theo Liên hợp quốc, các loại rào cản có thể gây ra những đảo lộn trong chuỗi giá trị, làm suy yếu hoạt động sản xuất, cản trở đầu tư xuyên biên giới, ảnh hưởng đến giá hàng hóa nhập khẩu và gây ra áp lực lạm phát.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết sự bất ổn về chính sách thương mại của chính quyền Mỹ mới đang làm trầm trọng thêm những thách thức của kinh tế toàn cầu và "tác động rõ rệt lên lãi suất dài hạn trên phạm vi toàn cầu". Theo Goldman Sachs, Trung Quốc có khả năng là mục tiêu chính của "cuộc chiến thương mại 2.0" do ông Trump khởi xướng.

“Đồ điện tử đứng đầu danh sách các ngành sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu nước Mỹ áp thuế 60% đối với Trung Quốc. Bên cạnh đó có một số mặt hàng khác như phụ tùng ô tô, hóa chất, nguyên liệu cho ngành dược phẩm; hàng tiêu dùng, đồ gia dụng, giày dép, đồ chơi, đồ thể thao;... tất cả những thứ này sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề”.

Bà Mary Lovely - Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Mỹ

Các nước tìm cách ứng phó chính sách thuế của Mỹ

Với phương châm "Nước Mỹ trên hết" được tái khẳng định, các chính sách kinh tế của chính quyền Trump 2.0 có thể dẫn đến sự tái cấu trúc đáng kể trong quan hệ thương mại toàn cầu. Chính vì vậy, nhiều nước có thể sẽ đẩy mạnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tìm kiếm các đối tác thương mại mới để giảm phụ thuộc vào Mỹ, tránh tác động của chính sách thuế.

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu chính sách thuế của ông Donald Trump được thực thi, các chính phủ trên thế giới nhiều khả năng sẽ đáp trả Mỹ bằng những chính sách tương tự, qua đó kìm hãm thương mại và tác động xấu đến tăng trưởng toàn cầu. Trên thực tế, các quốc gia được cho là nằm trong tầm ngắm của ông Trump lần này đều đang tính toán các biện pháp ứng phó.

Mexico sẽ tìm ra giải pháp để tránh việc bị Mỹ áp thuế. Đó là tuyên bố được Bộ trưởng Kinh tế Mexico đưa ra sau những lời đe dọa từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gần đây.

“Cuối cùng thì sẽ không có thuế quan hay hiệp định nào cả, vì chúng tôi sẽ tìm được cách để tránh điều đó. Chúng tôi đảm bảo sẽ tìm được cách, vì chúng tôi có lợi thế về mặt cấu trúc”.

Ông Marcelo Ebrard - Bộ trưởng kinh tế Mexico

Theo Bộ trưởng kinh tế Mexico, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump cũng đã đe dọa sẽ áp thuế nước này liên quan tới vấn đề di cư, tuy nhiên, sau đó đã không thực hiện. Bên cạnh đó, Mexico cũng đang tìm cách mở rộng mối quan hệ thương mại với các quốc gia khác ngoài Mỹ, nhằm tránh những tác động của chính sách bảo hộ thương mại từ nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tại Canada, chính quyền Ottawa phát đi tín hiệu rằng, họ đang cân nhắc mọi biện pháp ứng phó mối đe dọa áp thuế của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Theo truyền thông Canada, nước này đã chuẩn bị sẵn một danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ có thể bị áp thuế trả đũa nếu chính quyền của ông Trump thực hiện lời đe dọa áp thuế 25% đối với hàng hóa từ Canada.

Về phần Trung Quốc, kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, Bắc Kinh đã phát tín hiệu về những gì họ có thể làm để trả đũa trong một cuộc chiến thương mại mới nổ ra giữa hai siêu cường. Từ siết chặt xuất khẩu các khoáng sản cần thiết cho sản xuất công nghiệp cho tới trừng phạt các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc,… đó có thể là vài trong số các lựa chọn. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia phân tích, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng các công cụ đó một cách dè sẻn. Bắc Kinh chủ yếu sẽ dùng các biện pháp này để thúc đẩy đàm phán nhằm đi tới một thỏa thuận “đình chiến” với Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Với quy mô và vai trò quan trọng của nền kinh tế Mỹ, không có gì ngạc nhiên khi định hướng chính sách của chính quyền sắp tới của ông Donald Trump, đặc biệt về thuế quan,  nới lỏng quy định và hiệu quả Chính phủ lại nhận được sự quan tâm lớn trên toàn cầu. Một số nhà phân tích bày tỏ hoài nghi về việc ông Trump có thể thực hiện tất cả các chính sách thương mại mà ông đã đề xuất. Tuy nhiên, cần nhắc lại rằng, trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của mình, ông Trump, bằng cách này hay cách khác, đã thực hiện hầu hết các cam kết đưa ra lúc tranh cử. Vì vậy, theo nhận định của các nhà kinh tế, thế giới cần chuẩn bị cho những tác động từ chính sách thương mại sắp tới của Mỹ, đặc biệt là các quốc gia và khu vực gắn kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo dòng sự kiện

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
User
Ý KIẾN

Trong bài phát biểu khi trở lại Phòng Bầu dục, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã gọi CHDCND Triều Tiên là "cường quốc hạt nhân", đồng thời bày tỏ lạc quan về "tình bạn" với nhà lãnh đạo lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau khi ông nhậm chức.

Quốc hội Ireland vừa thông qua việc bổ nhiệm ông Micheal Martin, lãnh đạo đảng Fianna Fail làm Thủ tướng mới của nước này với 95 phiếu thuận và 76 phiếu chống.

Ngày 23/1, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn cựu Giám đốc Tình báo quốc gia John Ratcliffe làm Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương (CIA), với 74 phiếu thuận và 25 phiếu chống.

Đầu năm 2025, Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Xê Út Farhan Al-Saud đã có chuyến thăm lịch sử tới Liban, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một quan chức ngoại giao cấp cao của Ả Rập Xê Út tới Beirut trong 15 năm qua.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết thực hiện một “cuộc cách mạng” nhằm đảo ngược các chính sách của người tiền nhiệm Joe Biden và hành động “với tốc độ chưa từng có” để giải quyết các vấn đề kinh tế, quốc tế và xã hội.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa phong trào Houthi ở Yemen (được biết với tên chính thức là Ansar Allah) trở lại danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài.