Thực phẩm bẩn bủa vây

3 tháng, hơn 560 người nhập viện cấp cứu do ngộ độc thực phẩm… Theo Bộ Y tế, chỉ trong quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm khiến hơn 650 người phải nhập viện cấp cứu, điều trị, trong đó có 3 người tử vong. Đó là những con số đáng báo động về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, gây lo ngại trong nhân dân.

Tử vong vì thực phẩm bẩn

So với cùng kỳ năm 2023, thì trong 3 tháng qua, số người bị ngộ độc thực phẩm đã tăng 270%. Đáng chú ý trong số 16 vụ, chiếm tỷ lệ không hề nhỏ là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, nhiều vụ lên tới hàng trăm người. Điển hình là vụ người dân ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại cơ sở bánh mì cô Băng (phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) đã khiến hơn 500 người phải nhập viện điều trị. Theo kết quả công bố từ cơ quan chức năng, nguyên nhân gây ngộ độc là do bánh mì bị nhiễm vi khuẩn Salmonella.

Với vụ ngộ độc tại quán cơm gà Trâm Anh ở Khánh Hòa khiến hơn 300 người nhập viện, theo Sở Y tế Khánh Hòa, kết quả kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm, nước, bàn tay, bệnh phẩm từ quán cơm gà Trâm Anh (do Viện Pasteur Nha Trang thực hiện kiểm nghiệm) cho thấy, đây là vụ ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật.

Trong tuần qua, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã cấp cứu và điều trị cho 10 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 1 trường hợp tử vong do ăn tiết canh dê tại bữa cỗ cưới tại thành phố Thái Bình (tỉnh Thái Bình). Sau quá trình điều trị tích cực tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện Bạch Mai, sức khỏe của các bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện. Theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, nhận định nguyên nhân ban đầu gây ngộ độc có thể do các nhóm vi khuẩn, tuy nhiên, phải chờ kết quả nuôi cấy mới xác định được chính xác.

Một vụ việc khác cũng xảy ra tại tỉnh Thái Bình hôm 7/5, tại cửa hàng bánh mì chảo Cột Điện Quán, thực khách phát hiện giòi bò lúc nhúc trên miếng pate. Ban quản trị chuỗi cửa hàng đã quyết định đình chỉ vĩnh viễn hoạt động cơ sở Thái Bình vì đã không tuân thủ các nội quy và yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa quản lý được sát sao nhân viên trong quá trình bảo quản nguyên liệu.

Có thể thấy, nguyên liệu không đảm bảo vệ sinh an toàn và không chịu bất kỳ sự giám sát, quản lý, kiểm tra nào rất dễ gây hại cho người tiêu dùng. Theo một số khảo sát chưa đầy đủ, ước tính hiện mỗi năm Việt Nam có chừng 250 - 500 vụ ngộ độc thực phẩm với 7.000 - 10.000 nạn nhân, trong đó: 29% số vụ do thực phẩm nhiễm vi sinh vật; 8,3% do hóa chất; 29% do thực phẩm chứa chất độc tự nhiên; 33% số vụ không xác định được nguyên nhân.

3 tháng, đã có hơn 560 người nhập viện cấp cứu do ngộ độc thực phẩm

Khi bát tương ớt có giòi

Thời tiết nắng nóng càng tiềm ẩm nguy cơ cao về ngộ độc thực phẩm nếu thực phẩm không được bảo quản tốt. Từ vụ ngộ độc với trên 500 người phải nhập viện sau khi ăn bánh mì thịt tại tỉnh Đồng Nai, cũng như 10 người ngộ độc thực phẩm ăn tiết canh dê tại tỉnh Thái Bình là hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương.

Đối với Hà Nội, mặc dù thành phố và các địa phương liên tục kiểm tra giám sát, xử phạt nhưng vẫn còn tồn tại các cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố chưa tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cuối tháng 4 vừa qua, chị Nguyễn Thị Ng. (xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) cùng nhóm bạn đến quán Thế giới ngan 49 Ngô Quyền (phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm) để dùng bữa trưa. Theo chị Ng., trong khi đang ăn, nhóm của chị phát hiện trong bát tương ớt có giòi. Nhìn vào lọ tương ớt trên bàn, thì thấy bên trong có rất nhiều giòi. Nhóm của chị Ng. đã phản ánh và cung cấp clip quay lại sự việc cho cơ quan chức năng.

Lọ tương ớt của quán Thế giới ngan 49 Ngô Quyền (phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm) có rất nhiều giòi.

Ngay sau đó, cơ sở kinh doanh này đã bị phường Hàng Bài xử phạt 6 triệu đồng vì vệ sinh không đảm bảo. Tuy nhiên, ngày 9/5 vừa qua, khi Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm của quận Hoàn Kiếm và phường Hàng Bài hậu kiểm đột xuất, lại phát hiện cơ sở này tiếp tục vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cụ thể, khu chế biến và thực phẩm chín để lẫn lộn, không phân khu riêng biệt; thịt ngan chín để lẫn xương lợn sống trong tủ bảo quản hoen gỉ; ngan luộc bày bán cho khách thì không che đậy, nguy cơ côn trùng xâm nhập từ cửa sổ không có lưới chống bảo vệ thực phẩm. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở chưa xuất trình được nguồn gốc thực phẩm thịt ngan; dầu ăn lưu cữu, bát đũa chưa đảm bảo vệ sinh khi cơ quan chuyên môn xét nghiệm tinh bột nhanh cho kết quả 2/10 bát bẩn.

Với những lỗi vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở dịch vụ ăn uống Thế giới Ngan đã bị chính quyền địa phương đình chỉ hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Thực phẩm bẩn - xử phạt thôi chưa đủ

Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe nhân dân, các lực lượng chức năng của Hà Nội đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ các loại hình kinh doanh thực phẩm, không để các thực phẩm lưu thông trên thị trường.

Sau 3 tuần ra quân đảm bảo an toàn thực phẩm trong Tháng hành động An toàn thực phẩm năm 2024 này, 620 đoàn kiểm tra từ thành phố đến địa phương đã thanh tra, kiểm tra 6.664 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt 6.093 cơ sở, đạt tỷ lệ 91,43%. 571 cơ sở vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt gần 2 tỷ đồng.

Cơ sở dịch vụ ăn uống cơm Tấm Cô Ba ở phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) cũng vừa bị dừng hoạt động và bị xử phạt hành chính theo quy định. Mặc dù cơ sở này có giấy phép kinh doanh nhưng chưa có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, 6 tháng nay, cơ sở vẫn ngang nhiên hoạt động cung cấp hàng trăm suất ăn mỗi ngày. Tại khu chế biến thức ăn: bát đĩa không có biện pháp phòng chống côn trùng; không có bảo quản thực phẩm chín; cơ sở không có hồ sơ nhân sự; chưa xuất trình hoá đơn hợp đồng mua bán thực phẩm; nhân viên chế biến không mang khẩu trang và găng tay.

Thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bị lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ.

Không chỉ kiểm soát loại hình dịch vụ ăn uống mà thành phố còn kiểm tra xử lý nghiêm quá trình lưu thông thực phẩm trên thị trường. Hàng trăm kg lạp xưởng nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ, vừa bị Đội 6, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố phối hợp cùng Đội QLTT số 14, Cục QLTT Hà Nội, phát hiện và thu giữ.

Khi kiểm tra đột xuất một địa điểm kinh doanh, tập kết thực phẩm tại phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai), lực lượng chức năng đã thu giữ 1,5 tấn nầm lợn và 400 kg lạp xưởng, bao bì các sản phẩm lạp xưởng đều in chữ nước ngoài. Chủ số thực phẩm là Lê Thế Kiên (sinh năm 1995, HKTT tại tỉnh Lào Cai) khai nhận toàn bộ hàng hoá được Kiên thu mua trôi nổi trên thị trường nên không có hóa đơn, chứng từ. Lạp xưởng chủ yếu là được đổ buôn cho các quán ăn kinh doanh trên vỉa hè, các cửa hàng tạp hóa. Nếu không bị phát hiện và thu giữ kịp thời thì có thể tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Hà Nội hiện có trên 70 nghìn cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong đó số cơ sở sản xuất thực phẩm là trên 10 nghìn cơ sở; cơ sở kinh doanh thực phẩm gần 25.500 cơ sở; cơ sở dịch vụ ăn uống trên 35 nghìn cơ sở và gần 5.820 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Sản xuất thực phẩm của Thành phố mới chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu. Vì vậy, Hà Nội cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giám sát, thanh tra, kiểm tra, từng bước nâng cao nhận thức cho cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sáng 22/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thi hành Luật Thư viện.

Sáng 22/11, Hội LHPN thành phố đã phát động “Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, diễn đàn phụ nữ và nam giới cùng chia sẻ".

Cục Viễn thông,Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến hạn chót là ngày 15/10/2024, các nhà mạng còn 225.000 thuê bao 2G Only chưa chuyển lên 4G. Đến ngày 16/10/2024, những thuê bao 2G Only chưa chuyển lên 4G đã bị khóa hai chiều.

Hội thảo - Triển lãm Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024 vừa diễn ra tại Hà Nội với chủ đề "An toàn thông tin cho hạ tầng dữ liệu và nền tảng số quốc gia".

Hiện nay người dân có thể ngồi ở nhà để đánh giá chất lượng phục vụ của cán bộ thông qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP.HCM.

Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, đơn vị này đang nghiên cứu và sẽ sớm triển khai một số sản phẩm, công cụ phục vụ quản lý thuế, trong đó có ứng dụng hoàn thuế thuế thu nhập cá nhân tự động.