Xây dựng niềm tin trước nhiều thách thức

Những thách thức toàn cầu, bao gồm xung đột địa chính trị, vấn đề nợ công, biến đổi khí hậu và những rủi ro mà trí tuệ nhân tạo AI gây ra đang đặt thế giới trước một cuộc khủng hoảng niềm tin. Đây cũng là vấn đề quan trọng nhất tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2024 diễn ra từ ngày 15 đến 19/1 tại Davos Thụy Sĩ. Với chủ đề “xây dựng lại niềm tin”, hội nghị có quy mô lớn nhất từ sau đại dịch Covid-19 với 2800 đại biểu tham dự, trong đó có lãnh đạo của gần 70 quốc gia cùng các tổ chức quốc tế.

Bối cảnh địa chính trị phức tạp

Diễn đàn kinh tế thế giới năm nay diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột Nga- Ukraine sau gần 2 năm vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, xung đột tại Dải Gaza có nguy cơ lan rộng ra toàn khu vực, trong khi căng thẳng ở Biển Đỏ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nhà lãnh đạo đã kêu gọi lệnh ngừng bắn cho cuộc xung đột tại Dải Gaza để chấm dứt nỗi đau cho dân thường.

Hội nghị lần này đánh dấu vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc tham gia các tiến trình hòa bình trên thế giới. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi một hội nghị hòa bình Israel-Palestine rộng mở hơn, hiệu quả hơn và một thời gian biểu để thực hiện giải pháp hai nhà nước khi xung đột Gaza leo thang và Biển Đỏ trở thành một điểm nóng mới.  Các chuyên gia nhận định rằng, Trung Quốc có ưu thế trong việc thúc đẩy ngoại giao tại khu vực Trung Đông. 

Tại hội nghị về hòa bình Ukraine tổ chức bên lề Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky cũng đã kêu gọi sự tham gia của Trung Quốc vào tiến trình hòa bình ở Ukraine .

Các cố vấn an ninh quốc gia từ 83 quốc gia và tổ chức trên giới đã tham gia hội nghị về hòa bình cho Ukraine tại Davos. Thụy Sĩ, nước chủ nhà Diễn đàn kinh tế thế giới cho biết, các cuộc đàm phán hòa bình Ukraine nhằm hoàn thiện những nguyên tắc "vì một nền hòa bình lâu dài và công bằng tại Ukraine" ở cấp độ cố vấn an ninh quốc gia. Các nguyên tắc được Thụy Sĩ nêu ra sẽ hình thành cơ sở cho các bước tiếp theo của các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev về việc chấm dứt xung đột. Thụy Sĩ cũng đánh giá cao vai trò của các nước nam bán cầu trong hội nghị này.

Tuy nhiên, phía Nga cho biết, bất cứ hội nghị hòa bình nào về xung đột Ukraine mà không có sự tham gia của Nga đều sẽ không đạt được kết quả.

Trong bối cảnh địa chính trị căng thẳng, các nhà lãnh đạo Diễn đàn kinh tế thế giới thừa nhận sự cần thiết phải khôi phục lại niềm tin giữa các quốc gia để đối phó với những thách thức toàn cầu.

Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd nhấn mạnh “xây dựng lại niềm tin” là thông điệp mang nhiều ý nghĩa, thế giới cần phải khôi phục sự tin cậy lẫn nhau trên trường quốc tế. Theo Tổng thống Thụy Sĩ, không chỉ các quốc gia mà cả các tổ chức quốc tế cũng cần tham gia quá trình “xây dựng lại niềm tin.”

Nhiều chính phủ chật vật với nợ công

Trong tuần lễ Davos, hơn 100 chủ tịch và giám đốc điều hành từ các lĩnh vực ngân hàng, thị trường tài chính, bảo hiểm và quản lý tài sản tham gia các cuộc thảo luận về nợ công đã bộc lộ mối lo ngại về điều kiện tài chính eo hẹp của nhiều quốc gia. Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết nợ toàn cầu đã đạt kỷ lục 307 nghìn tỷ USD trong quý 2 năm 2023.

Nợ công đã tăng mạnh trong đại dịch và theo dự báo, lượng vay nợ mới trong năm nay của chính phủ tại một số nền kinh tế lớn sẽ tiếp tục phá kỷ lục. Theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Tài chính Mỹ, tổng nợ quốc gia của nước này vượt mốc 34.000 tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử vào tháng 12/2023. Tại Anh, nợ công đã đạt mức khoảng 3,3 nghìn tỷ USD - mức cao nhất kể từ đầu thập niên 1960, tương đương 100,1% GDP của nước này. Trong khi đó, nợ công của Đức tăng lên mức kỷ lục 2.6 nghìn tỷ USD trong quý 3 năm 2023.

Các nhà kinh tế cho rằng lãi suất thấp hơn và chính sách nới lỏng định lượng mà các ngân hàng trung ương áp dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008/2009 đã khuyến khích tích lũy nợ với tốc độ chưa từng có, đến khi lạm phát và lãi suất tăng nhanh đã dẫn đến chi phí trả nợ cao hơn và tăng nguy cơ vỡ nợ.

Việc nợ công tăng cao sẽ khiến chính phủ các nước suy giảm khả năng ứng phó với những cú sốc như khủng hoảng tài chính, bệnh dịch hay chiến tranh có thể xảy ra. Ngay cả trong trường hợp không có cuộc khủng hoảng nào mới, chi phí lãi vay tăng cao cũng sẽ hạn chế nỗ lực để giải quyết các vấn đề hiện tại như chống biến đổi khí hậu và chăm sóc người cao tuổi. Dịch vụ công ở nhiều nước đang đối mặt với sức ép lớn từ các đợt cắt giảm ngân sách nối tiếp nhau.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ chậm lại, đạt mức tăng trưởng nửa thập kỷ tồi tệ nhất trong 30 năm qua. Ngân hàng này ghi nhận nếu không có sự điều chỉnh lớn thì đây sẽ là một thập kỷ cơ hội bị lãng phí.

Trái ngược với các nước châu Âu và Mỹ, các nhà kinh tế trưởng lại gia tăng kỳ vọng đối với các nước Nam Á, Đông Á và Thái Bình Dương, với dự báo tăng trưởng ít nhất nằm ở mức vừa phải trong năm 2024.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Davos, thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã đưa ra đề xuất 5 điểm nhằm xây dựng lại lòng tin và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế. Trong đó nhấn mạnh tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô và xây dựng sức mạnh tổng hợp lớn hơn cho tăng trưởng kinh tế thế giới, tiếp theo là tăng cường phân công lao động và điều phối công nghiệp quốc tế, duy trì hiệu quả sự ổn định và dòng chảy thông suốt của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu.

Vận dụng trí tuệ nhân tạo cho lợi ích xã hội

Trong năm qua, trí tuệ nhân tạo AI đã đạt được sự đột phá và thu hút sự chú ý của thế giới. Tuy nhiên, AI cũng gây ra những mối lo ngại như vượt tầm kiểm soát của con người, thay thế con người, xuất hiện nhiều vụ tấn công mạng sử dụng AI, hay những sai lệch dữ liệu có thể khiến AI trở nên thiên vị.

Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng nhiều hơn trong cuộc sống

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, gần 40% việc làm trên khắp thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của AI, một xu hướng đang làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng.  Giám đốc IMF Kristalina Georgieva đã kêu gọi các chính phủ thiết lập mạng lưới an toàn xã hội và đưa ra các chương trình đào tạo lại, để ngăn cản sự lạm dụng AI gây ra tác động xấu.

Giám đốc IMF khẳng định trong hầu hết các kịch bản, AI có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng tổng thể, một xu hướng đáng lo ngại mà các nhà hoạch định chính sách phải chủ động giải quyết để ngăn chặn công nghệ gây thêm căng thẳng xã hội.

Theo báo cáo của Diễn đàn Davos 2024, mối lo ngại về việc AI làm gián đoạn các cuộc bầu cử cũng đứng đầu danh sách những rủi ro lớn nhất cho năm nay.

Tuy còn rất nhiều lo ngại về nguy cơ và thách thức, nhưng AI được nhận định là sẽgiúp thay đổi vận mệnh của nền kinh tế toàn cầu. Nó có thể cải thiện hiệu quả năng suất lao động, cắt giảm chi phí và đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và phát triển. Các nhà kinh tế nhận định rằng AI được cho là sẽ tác động không đồng đều đối với kinh tế thế giới. Có 94% ý kiến dự báo AI sẽ thúc đẩy đáng kể năng suất ở các nền kinh tế thu nhập cao trong 5 năm tới, trong khi chỉ 53% dự báo tương tự đối với các nền kinh tế thu nhập thấp.

Vì vậy, Diễn đàn kinh tế thế giới cho rằng cần đưa ra chính sách, giải pháp để tận dụng AI cho lợi ích xã hội.

Một trong những sáng kiến đáng chú ý tại WEF 2024 là đề xuất thành lập Liên minh quản trị AI bao gồm những công ty công nghệ lớn như Google, Microsoft, IBM, Meta Platforms. Mục đích hoạt động của liên minh này là hướng tới định hình việc phát triển và sử dụng AI một cách có trách nhiệm, đồng thời đưa ra những cam kết đối với các hệ thống AI một cách minh bạch, toàn diện cũng như cách tiếp cận mang tới những tác động tích cực cho xã hội.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong cuộc họp đầu tháng 5, Cục dự trữ liên bang Mỹ FED đã quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản hiện nay ở mức từ 5,25 đến 5,5% để kiềm chế lạm phát. Việc FED duy trì mức lãi suất cao khiến đồng USD tăng giá và gây ra nhiều tác động đến nền kinh tế của Mỹ cũng như toàn cầu.

Trí tuệ nhân tạo đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ, nhưng năm 2024 được đánh giá là năm hứa hẹn mở ra một loạt tiến bộ đột phá trong phát minh robot AI thế hệ mới.

Châu Á đã trở thành điểm nóng cho các nhà đầu tư quốc tế nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và thị trường tiêu dùng khổng lồ. Trong đó, các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia và Singapore được coi là những lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư.

Các cuộc biểu tình diễn ra tại hàng chục trường đại học từ bờ Đông đến bờ Tây của nước Mỹ. Làn sóng biểu tình của sinh viên trên khắp nước Mỹ đã làm nổ ra các cuộc tranh luận về quyền tự do ngôn luận, chủ nghĩa bài Do Thái và xung đột Israel - Palestine.

Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine mới đây cho biết, binh sĩ dưới quyền của ông đang trong tình thế cam go khi Nga đẩy mạnh tiến công để tận dụng lợi thế. Trong khi đó gói viện trợ quân sự mới của Mỹ vẫn chưa tới tay Ukraine vì vậy phòng tuyến của Ukraine đã bị Nga xuyên thủng.

Nhiều quốc gia đã đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng sạch. Trong đó, Mỹ, Trung Quốc và Australia là những quốc gia đang nỗ lực đầu tư để thúc đẩy các sáng kiến chống biến đổi khí hậu và sản xuất năng lượng sạch.