Bầu cử Tổng thống Mỹ: Chặng đua nước rút

Trong bối cảnh tiến trình vận động tranh cử tổng thống Mỹ đã chuyển sang giai đoạn nước rút, quan điểm của hai ứng cử viên về các vấn đề cử tri quan tâm chính là yếu tố quyết định ai sẽ là người giành được “vòng nguyệt quế”.

Cử tri háo hức bỏ phiếu sớm

Chỉ còn hai tuần nữa là đến ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 5/11. Hiện cuộc đua giữa hai ứng viên là cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump của đảng Cộng hòa và Kamala Harris của đảng Dân chủ đang bước vào giai đoạn nước rút, trong khi tỉ lệ ủng hộ giành cho hai ứng viên này rất sít sao. Nhiều bang tại Mỹ đã tiến hành bỏ phiếu sớm, với tỷ lệ cử tri bỏ phiếu cao kỷ lục, cho thấy sự quan tâm của người dân Mỹ tới cuộc bầu cử. Trong khoảng thời gian có ý nghĩa quan trọng này, cũng có rất nhiều biến số xảy ra, có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.

Tính đến ngày 22/10, hàng triệu cử tri trên khắp nước Mỹ đã bỏ phiếu sớm cho ứng cử viên mà họ lựa chọn, mặc dù ngày bầu cử chính thức là ngày 5/11.

Một cuộc khảo sát những người bỏ phiếu sớm cho thấy nhiều cử tri Mỹ rất quan tâm đến cuộc bầu cử và muốn bỏ phiếu sớm. 47% người được hỏi trong cuộc thăm dò mới của kênh NBC News cho biết họ có kế hoạch bỏ phiếu sớm, nâng tổng số lên 52% người Mỹ bỏ phiếu trước ngày bầu cử 5/11.

Tại bang Georgia, 1 trong 7 bang chiến địa có ý nghĩa quyết định đối với kết quả bầu cử vào ngày 5/11 tới, số lượng cử tri đi bầu cử sớm hôm 15/10 đã đạt mức kỷ lục với hơn 300.000 người. Tỉ lệ cử tri đi bầu cao ở bang Georgia sẽ là một dấu hiệu tốt cho đảng Dân chủ. Trong năm 2020, Tổng thống Biden đã giành chiến thắng tại bang này với cách biệt là 12.000 phiếu.

“Tôi nghĩ đây là một cuộc bầu cử mang tính quyết định. Nó sẽ có tác động đến con cái và ba đứa cháu trai của tôi và nhiều người khác nữa. Vì vậy, điều cực kỳ quan trọng là mọi người nên bầu lá phiếu của mình”.

Ông Matthew Brown, cử tri bang Georgia, Mỹ

Bang North Carolina cũng bắt đầu bỏ phiếu trực tiếp sớm vào ngày 17/10 (theo giờ địa phương). Trước đó, từ ngày 11/9, một số bang đã cho phép cử tri bỏ phiếu sớm. Các bang như: Alabama, Minnesota, Michigan, Mississippi cho phép cử tri bỏ phiếu bầu tổng thống qua thư. Từ ngày 20/9, việc bỏ phiếu trực tiếp sớm đã được tiến hành tại các bang Virginia, Minnesota và South Dakota.

Các nhà quan sát cho rằng, những lá phiếu sớm “chưa nói lên được điều gì”, khiến kết quả cuộc đua năm nay rất khó đoán định.

Các chuyên gia cho rằng việc bỏ phiếu sớm giúp giảm thời gian xếp hàng và tình trạng tắc nghẽn trong ngày tổng tuyển cử và cho phép cử tri có thêm lựa chọn trong việc bỏ phiếu.

“Việc bỏ phiếu rất quan trọng đối với tôi. Tôi luôn bỏ phiếu sớm để đảm bảo thực hiện quyền bỏ phiếu của mình vì vào ngày bỏ phiếu, tôi phải đi làm”.

Bà Jamie Peterson Ayoub, cử tri bang Nevada, Mỹ

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng những lá phiếu sớm “chưa nói lên được điều gì”, khiến kết quả cuộc đua năm nay rất khó đoán định.

Trong những tuần cuối trước ngày bầu cử, đảng Dân chủ đang nỗ lực thúc đẩy những người ủng hộ đi bỏ phiếu sớm nhằm tối đa hóa lợi thế ban đầu của bà Harris, và tránh việc cử tri thay đổi quyết định.

Trong khi đó, đảng Cộng hòa cũng có động thái tương tự, dù trước đó ông Donald Trump và nhiều ứng viên Cộng hòa từng chỉ trích một số phương pháp bỏ phiếu sớm, bao gồm cả việc sử dụng rộng rãi các thùng bỏ phiếu vì lo sợ gian lận kiểm phiếu. Đảng Cộng hòa đã cam kết chi hơn 10 triệu USD để thuyết phục cử tri đảng Cộng hòa bỏ phiếu qua thư.

Theo thống kê của New York Times, tính đến ngày 20/10 đã có gần 13 triệu cử tri đi bỏ phiếu sớm tại nhiều bang, bao gồm các bang chiến trường quan trọng ở Mỹ.

Dữ liệu cho thấy số cử tri lựa chọn bỏ phiếu sớm đã gia tăng nhanh chóng và lần đầu tiên vượt qua số người đi bầu trong ngày tổng tuyển cử năm 2020.

Tỷ lệ ủng hộ sít sao

Các cuộc thăm dò dư luận hiện cho thấy, hai ứng viên tổng thống Mỹ đang bám đuổi nhau rất sát sao về tỉ lệ ủng hộ. Đặc biệt, mỗi khi có một tín hiệu tốt cho Phó tổng thống Kamala Harris, đối thủ của bà - cựu Tổng thống Donald Trump cũng giành được một lợi thế. Do đó, giới quan sát cho rằng kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay sẽ rất khó dự đoán.

Kết quả của hàng chục cuộc thăm dò trên cả nước mới đây cho thấy, bà Kamala Harris đang dẫn trước ông Donald Trump chưa đến 2 điểm phần trăm (1,7%). Như vậy, dù có ưu thế nhưng những hiệu ứng tích cực mà chiến dịch tranh cử của bà Harris có được kể từ sau cuộc tranh luận vào tháng 9 đã dần mờ đi và xu hướng này có vẻ còn tiếp diễn.

Các cuộc thăm dò tại 7 bang chiến địa cũng cho thấy cả hai ứng cử viên đang chạy đua sát nút. Ông Trump đang có ưu thế tại các bang Arizona, North Carolina và Georgia. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ bà Harris nhỉnh hơn ở các bang Pennsyvalnia, Wisconsin, Michigan và Nevada.

Các cuộc thăm dò dư luận hiện cho thấy, hai ứng viên tổng thống Mỹ đang bám đuổi nhau rất sát sao về tỉ lệ ủng hộ.

Một viễn cảnh được đề cập đến là, bà Harris sẽ dễ dàng thắng ở các bang "bức tường xanh" thiên về ủng hộ đảng Dân chủ là Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Trong trường hợp bà Harris thua ở các bang chiến địa “Vành đai mặt trời” gồm Arizona, Georgia, Nevada và Bắc Carolina, bà sẽ phải đi đường vòng, chiến thắng ở 3 bang thuộc vùng Ngũ đại hồ, quận 2 của bang Nebraska và tất cả các bang khác từng ủng hộ Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử năm 2020, để giành đủ 270 phiếu đại cử tri cần thiết.

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận ở Michigan, Pennsylvania và Wisconsin cho thấy, sự cách biệt về tỉ lệ ủng hộ giữa bà Harris và ông Trump hiện đều dưới 1 điểm. Nếu tỷ lệ đó được duy trì cho đến ngày tổng tuyển cử 5/11, đây sẽ là lần đầu tiên trong ít nhất 50 năm qua, 3 bang này có sự chênh lệch bỏ phiếu không quá 1 điểm.

Cách biệt ở các bang đó luôn sít sao kể từ khi bà Harris chính thức thay ông Biden đại diện đảng Dân chủ tranh cử tổng thống vào tháng 7. Cả ông Trump và bà Harris đều chưa từng dẫn trước ở bất kỳ bang nào trong số này với cách biệt 5 điểm trở lên, theo kết quả khảo sát toàn quốc.

Theo CNN, nhiều thành viên đảng Cộng hòa đang hy vọng, chênh lệch ít trong thăm dò dư luận sẽ dẫn đến chiến thắng áp đảo cho ông Trump vào tháng tới. Cựu Tổng thống đã đạt tiến bộ đáng kể so với các cuộc thăm dò vào năm 2016 và 2020. Nếu thành công lần nữa, ông Trump có thể dễ dàng giành được hơn 300 phiếu đại cử tri để trở lại Nhà Trắng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, không có gì đảm bảo kết quả khảo sát không như ý sẽ có lợi cho ông Trump. Kết quả các cuộc thăm dò ở những bang chiến địa thường không chuẩn xác hoàn toàn. Điểm trung bình khảo sát sai là 3,4 điểm kể từ năm 1972 và 5% các cuộc khảo sát có kết quả sai lệch hơn 9,4 điểm. Trong khi đó, chỉ cần 1 điểm khảo sát thiếu chính xác ở các bang chiến địa then chốt cũng có thể báo hiệu chiến thắng áp đảo trong bỏ phiếu.

Sự ủng hộ của những người nổi tiếng

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 giữa hai ứng cử viên Kamala Harris và Donald Trump không chỉ là cuộc cạnh tranh giữa hai luồng quan điểm về cách xử lý những vấn đề quan trọng của nước Mỹ mà còn là cuộc đua hướng tới hai nhóm cử tri có quan điểm hoàn toàn khác nhau về những gì đang xảy ra. Bất cứ lực tác động nào từ phía cử tri dù rất nhỏ, chẳng hạn như sự ủng hộ của những cử tri nổi tiếng, có lẽ cũng sẽ góp phần tác động đến cán cân giữa hai ứng cử viên.

Tiếng nói của người nổi tiếng đặc biệt thu hút các cử tri trẻ. Và theo khảo sát, cử tri trẻ ở Mỹ có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ. Vì vậy, điều này có tiềm năng trở thành một trong những sự ủng hộ có ảnh hưởng lớn nhất tại Mỹ.

"Tôi sẽ bỏ phiếu cho bà Kamala Harris và ông Tim Walz trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Tôi nghĩ bà ấy là một nhà lãnh đạo tài năng, vững vàng và tôi tin rằng chúng ta có thể đạt được nhiều điều hơn nữa với bàn tay dẫn dắt của bà ấy". 

Ngôi sao nhạc pop Taylor Swift

Sau khi Taylor Swift công khai ủng hộ bà Kamala Harris, đã có hơn 405.000 lượt truy cập vào trang web bầu cử trong vòng 24 giờ.

Ca sĩ Taylor Swift công khai ủng hộ bà Kamala Harris.

Trước đó, cũng có khá nhiều diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng của Mỹ lên tiếng ủng hộ bà Harris, như diễn viên Jennifer Garner, Julia Robert.

Về phía Đảng Cộng hòa, tỷ phú công nghệ Elon Musk tỏ rõ sự ủng hộ với ông Donald Trump. Tỷ phú Elon Musk cam kết tặng 1 triệu USD/ngày cho bất kỳ ai ký vào bản kiến nghị trực tuyến của ông từ giờ cho tới khi bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra.

Theo truyền thông Mỹ, ông chủ Tesla hậu thuẫn cho America PAC - một ủy ban hành động chính trị mà ông thành lập để ủng hộ ứng viên Donald Trump chạy đua vào Nhà Trắng. Ông Musk đã trao khoảng 75 triệu USD cho nhóm này để chi tiêu ủng hộ ứng cử viên Đảng Cộng hòa trong khoảng thời gian ba tháng.

“Tôi đến Pennsylvania vì một lý do rất quan trọng. Tôi nghĩ rằng Pennsylvania là chốt chặn trong cuộc bầu cử này. Cuộc bầu cử quyết định số phận của nước Mỹ và cùng với số phận của nước Mỹ, đó là số phận của nền văn minh phương Tây”.

Tỷ phú Elon Musk

Cùng với tỷ phú Elon Musk, các tỷ phú khác như Miriam Adelson và Richard Uihlein đã quyên góp tổng cộng khoảng 220 triệu USD cho các nhóm ủng hộ ông Trump.

Bên cạnh sự ủng hộ của tỷ phú Elon Musk, ông Trump cũng nhận được sự ủng hộ của một số ngôi sao nổi tiếng Hollywood, trong đó có nam diễn viên Dennis Quaid.

Tuy nhiên, khi người nổi tiếng công khai ủng hộ một nhân vật chính trị nào đó, không có gì chắc chắn người ủng hộ họ sẽ có quyết định tương tự. Các chuyên gia gọi đây là "công cụ cảm xúc"', nhưng khi cảm xúc nhất thời qua đi, cử tri sẽ suy xét kỹ hơn và hành động theo lý trí nhiều hơn là cảm tính.

'Bất ngờ tháng 10'

Trong những ngày qua, nước Mỹ đã hứng chịu hai siêu bão Helene và Milton, tàn phá nhiều bang ở miền Đông Nam nước Mỹ, trong đó có Georgia và North Carolina. Không chỉ gây ra thiệt hại to lớn cho người dân, các cơn bão còn khiến các ứng viên phải phải thay đổi lịch trình vận động tranh cử, điều chỉnh chiến thuật để thích ứng với tình hình.

Tờ Politico bình luận "bão có thể làm lay chuyển bầu cử". Hai trận siêu bão đã tạo ra "cơn bão chính trị" khi các chính sách cứu trợ bão bị chính trị hóa. Trong khi ông Trump chỉ trích cách chính quyền ông Biden ứng phó bão, thì bà Harris tố ông Trump lan truyền thông tin sai lệch. Đó là chưa kể vấn đề về hạ tầng bầu cử, điểm bỏ phiếu sắp tới và câu chuyện tái thiết sau bão có thể mất nhiều năm sau đó.

Cuộc đình công đòi tăng lương của khoảng 45.000 công nhân đã làm tê liệt 36 cảng từ Maine đến Texas.

Cũng trong đầu tháng 10, cuộc đình công đòi tăng lương của khoảng 45.000 công nhân đã làm tê liệt 36 cảng từ Maine đến Texas. Cuộc đình công gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mạng lưới vận tải biển của Mỹ. Tổng thống Biden và Phó tổng thống Harris ngay sau đó đã phải nhanh chóng thúc đẩy hai bên ngồi vào bàn đàm phán. Việc hai bên đạt được thỏa thuận sơ bộ về tiền lương và nhất trí gia hạn hợp đồng lao động chính đến ngày 15/1/2025 đã tháo “ngòi nổ” khủng hoảng nhưng chưa hẳn triệt để. Vấn đề này chắc chắn sẽ phần nào ảnh hưởng đến sự ủng hộ của cử tri đối với chính sách hiện tại của Đảng Dân chủ cầm quyền.

Xung đột Iran - Israel leo thang, dẫn đến nguy cơ chiến tranh bùng nổ ở Trung Đông cũng là vấn đề có tác động nhất định đến cuộc bầu cử Mỹ. Israel được Mỹ hậu thuẫn - đang đối đầu với các lực lượng trong trục kháng chiến của Iran gồm Hamas ở Dải Gaza, Hezbollah ở Liban và Houthi ở Yemen. Chưa thể khẳng định xung đột đang leo thang ở Trung Đông sẽ ảnh hưởng như thế nào tới cuộc bầu cử ở Mỹ, nhưng các chuyên gia cho rằng vấn đề này có thể gây nên sự chia rẽ âm ỉ trong đảng Dân chủ và trên chính trường Mỹ về cách ứng phó với cuộc chiến của đảng Dân chủ, ảnh hưởng đến phiếu bầu của cử tri Mỹ gốc Ả-rập. Theo điều tra của The Conversation, 57% người Mỹ gốc Ả Rập được thăm dò cho biết cuộc chiến ở Gaza sẽ ảnh hưởng đến lá phiếu của họ. Người Mỹ gốc Ả Rập tạo thành một khối bỏ phiếu quan trọng ở các tiểu bang dao động ở Mỹ.

Trong những ngày còn lại trước ngày tổng tuyển cử, hai ứng viên Kamala Harris và Donald Trump sẽ có những lịch trình dày đặc tại các bang quan trọng của Mỹ nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri. Hiện tỷ lệ ủng hộ dành cho hai ứng cử viên vô cùng sát sao, nên việc dự đoán kết quả cuối cùng sẽ là điều không thể nói trước. Đúng như lịch sử các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, những cuộc đua vào Nhà Trắng chưa bao giờ là dễ dàng và luôn ẩn chứa những sự bất ngờ đến phút chót.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani, Chủ tịch Tập đoàn Adani vừa bị truy tố tại New York, Mỹ với cáo buộc âm mưu hối lộ và gian lận trị giá hàng tỷ USD. Đáng chú ý, tỷ phú Gautam Adani hiện là người giàu thứ 2 tại Ấn Độ và giàu thứ 22 tại châu Á, với tổng tài sản gần 70 tỷ USD.

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa bế mạc tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil). Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này chính là vấn đề chống đói nghèo và bất bình đẳng.

Ngày 21/11, một nhóm vũ trang đã nã súng vào một số xe chở khách tại phía Tây Bắc Pakistan, khiến ít nhất 50 người thiệt mạng và 29 người bị thương.

Lễ hội Du lịch Quốc tế Sahara lần thứ sáu đã được tổ chức tại vùng sa mạc của Algeria, với hơn 400 đơn vị tham gia. Sự kiện kéo dài 4 ngày bao gồm nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa dân gian và là một trong những sáng kiến nhằm quảng bá du lịch ở Algeria.

Động thái của Tòa án Hình sự quốc tế ICC khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có nguy cơ bị giam giữ nếu ông đi đến một số quốc gia khác.

Lực lượng không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) từ vùng Astrakhan miền Nam nước này nhắm vào thành phố Dnipro của Ukraine. Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng một tên lửa có tầm bắn xa và mạnh như vậy trong cuộc xung đột ở Ukraine.