Hình tượng Rồng trong mỹ thuật đương đại

Từ hàng ngàn năm nay, hình tượng rồng đã gắn liền với đời sống văn hoá, tâm linh của người Việt. Đặc biệt, trong lĩnh vực mỹ thuật hình tượng rồng đóng một vai trò vô cùng quan trọng và được thể hiện rất phong phú với nhiều góc độ khác nhau, tất cả đều làm nổi bật lên ý chí, khát vọng vươn lên của dân tộc...Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại hình tượng rồng vẫn tiếp tục được các thế hệ nghệ sĩ trẻ theo đuổi, sáng tạo để hình tượng rồng tiếp tục tỏa sáng và trở nên gần gũi với đời sống.

Xuất hiện trong mỹ thuật Việt từ hàng ngàn năm trước, phổ biến nhất trong khoảng thế kỷ thứ X đến XIX, đến ngày nay, hình tượng Rồng vẫn tiếp tục được áp dụng, kế thừa, phát huy trong mỹ thuật hiện đại. Những nghệ sĩ trẻ hiện nay vẫn tiếp tục sáng tạo hình tượng Rồng với những thay đổi, từ tạo hình, bố cục, chất liệu với cách thể hiện mới mẻ, sinh động, hiện đại nhưng vẫn tôn trọng truyền thống với những góc nhìn mới mẻ phù hợp với đời sống đương đại ngày nay.

Hình tượng Rồng trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ

Nằm trong bộ linh vật 12 con giáp, Rồng là vật đứng đầu mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng. Từ xa xưa dân tộc Việt luôn tự hào và kiêu hãnh với nguồn gốc của tổ tiên mình là “con Rồng cháu Tiên”.

Nhìn từ góc độ văn hóa, hình tượng Rồng gợi nhiều cảm hứng sáng tạo, nhất là trong nghệ thuật tạo hình của người Việt, được các họa sĩ, nhà thiết kế thể hiện trong hội hoạ, điêu khắc và nghệ thuật ứng dụng… Hòa vào dòng chảy của mỹ thuật đương đại, các họa sĩ sáng tác dòng tranh hiện thực vẫn giữ lối đi riêng, mang đến sự sống động qua từng ý tưởng, màu sắc và chất liệu.

Năm 2024 là năm Giáp Thìn, một lần nữa hình tượng Rồng lại trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nghệ sĩ với đôi bàn tay khéo léo, cùng trí tưởng tượng và tài năng của mình. Những người nghệ sĩ đã tạo nên nhiều tác phẩm sinh động, độc đáo trên nhiều chất liệu, giúp cho người xem hiểu thêm về hình tượng Rồng trong lịch sử và văn hóa Việt Nam. Hình tượng rồng Việt đã hiện diện đa dạng trong mọi mặt đời sống xã hội từ kiến trúc, trang phục, đồ mỹ thuật ứng dụng cho đến sinh hoạt lễ hội.

Để chào đón năm Giáp Thìn nhiều nghệ nhân đã lấy nguồn cảm hứng từ hình tượng con Rồng để đem đến các tác phẩm nghệ thuật giới thiệu đến với công chúng. Hình tượng con Rồng được các hoạ sĩ thể hiện trên chất liệu gốm mang phong cách thiết kế truyền thống đặc trưng kết hợp với những cách nhìn mới, không gò mình vào một khuôn dáng hay hình thức nào mà hoàn toàn tự do, sáng tạo. Đôi khi là những chiếc vẩy, cái đuôi, đôi mắt rồng, hay chỉ là tư thế uốn lượn của linh vật này, nhưng đều toát lên một vẻ đẹp mới, mang đến khát vọng về sự tốt đẹp, an lành của năm mới.

Hình tượng Rồng được ứng dụng trong làm gốm

Những ngày này các lò gốm ở Bát Tràng liên tục cho ra mắt nhiều bộ sưu tập rồng độc bản gốm có giá trị. Kỳ linh Giáp Thìn hay Long phi vận hội là một trong những bộ sưu tập độc đáo năm 2024.

Ở mảng tranh sơn mài, 5 năm trở lại đây cái tên Nguyễn Tấn Phát như một từ khóa ‘hot’ trên mạng xã hội. Rồng cũng là nguồn cảm hứng để nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho ra mắt bộ sưu tập 1.000 tác phẩm để chào đón Tết Giáp Thìn 2024 với tên gọi "con Rồng cháu Tiên", được làm từ nhiều chất liệu như gỗ, sơn mài, gốm, kim loại kết hợp với nghệ thuật sơn mài.

Bằng chính tài năng điêu khắc sơn mài của mình khi tạo tác hình tượng Rồng, thay vì tạo tác trên gốm, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát ở Đường Lâm, Sơn Tây lại giới thiệu tới công chúng những tượng Rồng bằng gỗ được sơn mài tỉ mỉ, đẹp mắt. Tính ứng dụng của bộ sản phẩm này rất cao khi có thể làm đồ trang trí, đế đốt trầm.

Chiếc ghế hình Rồng của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát

Một trong những sản phẩm độc bản rất giá trị trong bộ sưu tập của nghệ nhân trong bộ sưu tập Rồng năm 2024 là chiếc ghế hình con rồng với 5 móng vững chãi và mạnh mẽ, đuôi rồng như lá bồ đề, tư thế uốn lượn mang đậm ý nghĩa về văn hóa cội nguồn của người Việt Nam. Điều đó cho thấy, trải qua thời gian hình tượng Rồng đã đi sâu vào đời sống, ứng dụng trên nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người.

Hình tượng Rồng trong văn hóa Việt Nam không chỉ đơn thuần là một biểu tượng văn hóa mà còn mang những giá trị tinh thần sâu sắc và ý nghĩa nhân văn, thể hiện sự nối kết giữa con người và thiên nhiên, tôn vinh lòng tự hào của người Việt trong tiến trình chinh phục tự nhiên và xã hội. Biểu tượng Rồng qua thời gian và không gian lịch sử đóng vai trò quan trọng trong việc định hình, kiến tạo và phát huy bản sắc đa dạng và phong phú của văn hóa Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và hội nhập văn hóa thế giới.

Bước sang năm 2024, qua góc nhìn và nét vẽ của các nghệ sĩ trẻ, linh vật Rồng trở nên độc đáo, ấn tượng, với nhiều góc nhìn thú vị, vui vẻ cho cộng đồng người yêu sáng tạo trước thềm Tết đến Xuân về. Triển lãm vẽ rồng dành cho người trẻ được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đưa người xem có góc nhìn mới, linh vật rồng trở nên độc đáo, ấn tượng là sự kế thừa hình tượng con rồng từ truyền thuyết, từ lịch sử mỹ thuật để đem vào sử dụng trong mỹ thuật hiện đại.

Các tác phẩm được trưng bày trong triển lãm "Vẽ con Rồng"

80 tác phẩm độc đáo vừa được trưng bày tại triển lãm tranh “Vẽ con Rồng” là thành quả sáng tạo của hơn 75 họa sĩ trẻ với góc nhìn mới lạ. Đó là những con Rồng rất gần gũi, thân thương từ những góc độ lịch sử, như truyền thuyết Lạc Long Quân và  u Cơ, đến những triều đại lịch sử Lý, Trần, Lê, Nguyễn; đặc biệt có những tác phẩm lại thể hiện hình ảnh con Rồng gắn với đời thường cuộc sống đương đại.

Từ hình ảnh con Rồng trong truyền thuyết qua các triều đại lịch sử, mỹ thuật đương đại đã biến những con rồng trở nên thân thuộc hơn, dung dị và đầy sức sống, nhất là trong không gian di tích, hay trong tranh, trong gốm, điêu khắc…. Qua góc nhìn sáng tạo của các nghệ sĩ, linh vật Rồng trở nên độc đáo, ấn tượng, với một sức sống mới. Các tác phẩm được thể hiện đa dạng chất liệu, đa dạng góc nhìn và phong cách, giúp lan tỏa giá trị không chỉ đến những người làm nghệ thuật, mà còn hướng đến sự đón nhận của công chúng và cộng đồng người yêu sáng tạo.

Nhìn lại lịch sử mỹ thuật truyền thống cũng như đương đại, qua nghệ thuật điêu khắc và trang trí đã cho thấy sự cao quý của hình tượng Rồng được sử dụng nhiều trong kiến trúc cung đình, đình chùa, trang phục vua chúa.

Ngày nay, hình tượng Rồng vẫn được đưa vào trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, chạm, khắc nghệ thuật... mang dấu ấn thẩm mỹ, khẳng định vị trí, vai trò riêng và có tính nghệ thuật cao.

Hình tượng Rồng trong mỹ thuật đương đại được thổi hồn bằng sự sáng tạo nhưng vẫn kế thừa nét đẹp của truyền thống

Trong đời sống mỹ thuật đương đại, có thể thấy, sự đa dạng về chất liệu và góc nhìn đã mang đến cho hình tượng Rồng một hơi thở mới, một diện mạo Rồng mới trên nền tảng của sự kế thừa và phát huy truyền thống. Và dù ở bất cứ thời điểm nào, hình tượng Rồng vẫn là một phần trong cuộc sống văn hóa của người Việt nói chung và là nét độc đáo khơi nguồn cảm hứng trong mỹ thuật nói riêng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Với nhiều giá trị ý nghĩa lịch sử, văn hóa, Đình làng Thành Công thuộc phường Thành Công (quận Ba Đình) đã được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp thành phố.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phối hợp với Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức Hội nghị cơ chế chính sách và giải pháp thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Dấu ấn Di sản công nghiệp là chuyên đề đang gây sự chú ý cho du khách khi đến thăm Bảo tàng Hà Nội những ngày này.

Trong chuyến thăm tới các địa điểm được xem là biểu tượng cho quan hệ Việt - Pháp, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Olivier Brochet đã tới thăm Cầu Long Biên và Đại học Dược Hà Nội. Đây là hai trong số nhiều công trình kiến trúc Pháp cổ được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20.

Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 5 điểm dịp Tết Dương lịch năm 2025 và 30 điểm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 .

Sáng 20/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam khai mạc Triển lãm "Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ".