LHQ cảnh báo số người phải di dời cao kỷ lục
Số người phải di dời đạt mức cao kỷ lục
Theo báo cáo xu hướng toàn cầu năm 2024 của Cơ quan tị nạn Liên hợp quốc công bố mới đây, số người buộc phải rời bỏ nhà cửa để di dời trên thế giới đã lên đến mức cao mới trong lịch sử, đạt mức 117,3 triệu người vào cuối năm 2023, và có thể đã vượt quá mốc 120 triệu người vào tháng 5/2024.
Đây được cho là kết quả của các cuộc khủng hoảng đang diễn ra, cũng như các xung đột mới nổi và đang ngày càng gia tăng. Cơ quan tị nạn Liên hợp quốc cảnh báo số người buộc phải di dời có thể còn tăng hơn nữa và sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu không có những thay đổi chính trị lớn trên phạm vi toàn cầu.
Một trong những nguyên nhân chính góp phần vào sự gia tăng kỷ lục số người phải di dời được đề cập trong báo cáo là do các cuộc xung đột ở Sudan - một trong những cuộc xung đột được đánh giá là “thảm khốc nhất”, khiến 10,8 triệu người phải rời bỏ quê nhà vào cuối năm 2023.
Trong khi đó tại Gaza, Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine ước tính khoảng 1,7 triệu người – tương đương gần 80% dân số vùng đất Palestine đã phải di dời sau các chiến dịch tấn công của Israel.
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi cảnh báo rằng việc người Gaza có thể vượt biên từ thành phố Rafah phía Nam sang Ai Cập để thoát khỏi cuộc tấn công quân sự của Israel sẽ là thảm họa.
Một cuộc khủng hoảng người tị nạn khác bên ngoài Gaza sẽ là thảm họa ở mọi cấp độ, bao gồm cả việc chúng ta không có gì đảm bảo rằng một ngày nào đó người dân sẽ có thể quay trở lại Gaza.
Ông Filippo Grandi, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn.
Tuy nhiên, Syria vẫn là nước giữ kỷ lục với 13,8 triệu người buộc phải di dời trong và ngoài biên giới đất nước.
Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân gốc rễ khiến hàng trăm triệu người phải rời bỏ quê hương là tình trạng nghèo đói và xung đột kéo dài, dai dẳng tại nhiều nước. Vì thế, trong thông điệp đưa ra hưởng ứng Ngày tị nạn thế giới (20/6) năm nay, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lưu ý rằng xung đột, bất ổn và biến đổi khí hậu đang buộc một số lượng kỷ lục người dân phải rời bỏ nhà cửa.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tiếp tục kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu để bảo vệ và hỗ trợ người tị nạn trên mỗi bước hành trình của họ, cũng như giúp người tị nạn nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Theo ông Guterrres, khi có cơ hội, người tị nạn sẽ đóng góp đáng kể cho cộng đồng sở tại của họ, nhưng họ cần được tiếp cận các cơ hội bình đẳng và việc làm, nhà ở và chăm sóc sức khỏe. Những người tị nạn trẻ tuổi cần có nền giáo dục chất lượng để đạt được ước mơ của mình.
Đói nghèo, xung đột và bạo lực đã đẩy hàng trăm triệu người phải rời bỏ mái ấm của mình để tìm kiếm cuộc sống mới. Dẫu cho được chào đón và hỗ trợ bao nhiêu thì phần đông trong số họ vẫn mong mỏi được trở về nhà như ông Guterres nhấn mạnh, "suy cho cùng, chỉ có chấm dứt bạo lực, ổn định cuộc sống cho người dân mới là giải pháp để ngăn chặn các dòng người tị nạn ồ ạt, khi ấy mới có thể hiện thực hóa mong muốn chung của hàng triệu người tị nạn hiện nay, đó là được trở về".
Chúng ta hãy cam kết tái khẳng định trách nhiệm tập thể của thế giới trong việc hỗ trợ và chào đón những người tị nạn, trong việc đảm bảo vấn đề nhân quyền của họ bao gồm quyền xin tị nạn và cuối cùng, trong việc giải quyết xung đột để những người bị buộc phải rời khỏi cộng đồng của họ có thể trở về nhà.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.
Cơ quan tị nạn Liên hợp quốc phản đối quan điểm cho rằng tất cả người tị nạn và những người di cư khác đều đến các nước giàu có. Đại đa số người tị nạn được tiếp đón tại các quốc gia láng giềng, với 75% cư trú tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, cùng nhau tạo ra ít hơn 20% thu nhập của thế giới.
Cơ hội mới cho người nhập cư trở thành công dân Mỹ
Trong số dòng người di dời khổng lồ trên thế giới, mỗi năm có không ít người đổ về nước Mỹ. Sắp tới, rất nhiều người nhập cư không có giấy tờ sẽ có cơ hội tiếp tục ở lại làm việc tại Mỹ mà không bị trục xuất. Đồng thời, người nhập cư không giấy tờ có thể làm thủ tục để được cấp phép thường trú và trở thành công dân Mỹ. Đây là một trong những chính sách mà Nhà Trắng cho biết sẽ ban hành trong thời gian tới. Chính sách mới được đánh giá là một bước đi quan trọng nhằm củng cố thông điệp tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc ủng hộ một hệ thống nhập cư nhân đạo hơn.
Theo chính sách hiện hành của Mỹ, trường hợp vợ hoặc chồng người nước ngoài không có giấy tờ hợp pháp đang sống ở Mỹ sẽ phải về nước và nộp đơn xin quốc tịch tại lãnh sự quán, quá trình này có thể mất từ 3 đến 10 năm. Chính sách này “khá cồng kềnh” dẫn đến những rủi ro vì không có được sự bảo đảm rằng họ có thể quay lại Mỹ hay không. Vì vậy, họ thường sẽ lựa chọn tiếp tục sống ở Mỹ mà không có giấy tờ và không có khả năng làm việc hợp pháp.
Chính sách nhập cư mới mà Tổng thống Biden đưa ra sẽ cho phép người vợ hoặc chồng kết hôn với công dân Mỹ và đã sống ở đây trong 10 năm có thể xin thường trú mà không phải ra về nước làm thủ tục, loại bỏ nguy cơ kéo dài và chia cắt gia đình. Chính sách này cũng sẽ cho phép họ làm việc và đóng thuế.
Tại một ngôi nhà nhỏ ấm cúng ở thành phố Phoenix, bang Arizona, gia đình của cô Rosa Elena Sanchez, người gốc Mexico, vui mừng theo dõi Tổng thống Joe Biden công bố chương trình mới về con đường nhập tịch mới cho hàng nghìn người nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ, mang lại hy vọng để Mỹ trở thành quê hương thứ hai của họ.
Cha mẹ đã đưa tôi đến đây khi tôi 11 tuổi và sau đó tôi trở về Mexico năm 2009 khi đã 19 tuổi. Đó là lý do tại sao việc điều chỉnh tình trạng cư trú của tôi bị từ chối vì có nhiều lần nhập cảnh. Tôi đã tạo dựng cuộc sống của mình ở Mỹ, đã làm việc và lấy chồng người Mỹ. Tôi cũng đã đóng thuế như công dân Mỹ khác. Tôi rất vui và hạnh phúc khi giấc mơ Mỹ của mình sắp thành hiện thực.
Cô Rosa Elena Sanchez, người gốc Mexico đang sinh sống tại Mỹ.
Chính sách nhập cư mới có ý nghĩa rất lớn với cộng đồng người nhập cư tại Mỹ, mở ra cánh cửa nhập cư cho khoảng 500.000 người là vợ hoặc chồng đã sống ở Mỹ ít nhất 10 năm và khoảng 50.000 trẻ em dưới 21 tuổi có cha hoặc mẹ là công dân Mỹ có cơ hội được cấp thẻ xanh.
Tuy nhiên, những người bị coi là mối đe dọa an ninh công cộng hoặc tiền sử tội phạm sẽ không đủ tiêu chuẩn tham gia. Chính sách bắt đầu được triển khai trong vài tháng tới nhưng chưa biết mất bao lâu để họ có thể được cấp giấy tờ thường trú.
Chương trình hợp pháp hóa tình trạng nhập cư của chính quyền Tổng thống Biden hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ thống nhập cư nhân đạo và công bằng hơn. Điều này cũng mang lại hy vọng cho hàng trăm nghìn người nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ, giúp họ yên tâm hơn để ổn định cuộc sống.
Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh rằng, những người nhập cư ở Mỹ trong nhiều thập kỷ qua đã nộp thuế, cũng như có sự đóng góp nhất định cho cộng đồng và nền kinh tế của đất nước. Chính vì vậy chính sách cải cách nhập cư mới đã phản ánh sự cần thiết của một hệ thống nhập cư nhân đạo, bảo vệ những người không có giấy tờ đã có gia đình đang sống tại Mỹ trong nhiều năm qua.
Đây là một trong những chương trình hỗ trợ lớn nhất của chính phủ liên bang dành cho người nhập cư không giấy tờ kể từ khi Tổng thống Barack Obama công bố chương trình Tạm hoãn trục xuất trẻ em đến Mỹ bất hợp pháp (DACA) năm 2012.
Hành động này nhằm thu hút khối cử tri Mỹ Latin ở các bang chiến trường, đóng vai trò quan trọng đối với cơ hội tái đắc cử của ông Biden.
Động thái này còn nhằm xoa dịu những chỉ trích Tổng thống Joe Biden gay gắt về một loạt biện pháp hạn chế nhập cư trước đó. Mới đây nhất, Tổng thống Biden vào đầu tháng này cấm hầu hết người di cư vượt biên giới Mỹ - Mexico trái phép xin tị nạn.
Thống kê cho thấy trong 5 tháng qua, 1,4 triệu người từ 177 quốc gia trên thế giới đã đi qua Mexico để tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ. Lâu nay, nhập cư đã trở thành một vấn đề chính trị trọng tâm và gây chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ.
EU cải tổ toàn diện chính sách nhập cư
Liên minh châu Âu đã hoàn thành việc cải cách chính sách mang tính bước ngoặt dành cho người nhập cư trong bối cảnh làn sóng tị nạn từ khắp nơi trên thế giới ồ ạt đến khu vực này, gây ảnh hưởng đến an ninh và sự ổn định của lục địa già.
Theo đó các chính sách biên giới sẽ cứng rắn hơn và chia sẻ trách nhiệm giữa các quốc gia thành viên. Đa số các quốc gia thành viên EU đã ủng hộ đạo luật cải cách trên, bất chấp sự phản đối của Hungary và Ba Lan.
Dự kiến, các chính sách mới sẽ có hiệu lực từ năm 2026. Nỗ lực sửa đổi các quy định về tị nạn của EU đã kéo dài gần một thập kỷ qua, xuất phát từ làn sóng nhập cư trái phép ồ ạt vào năm 2015, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân các nước EU.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ca ngợi việc EU có thể đạt được sự đồng thuận trong vấn đề này sẽ giúp bảo đảm biên giới châu Âu và các quyền cơ bản của người nhập cư.
Đạo luật mới đưa ra các quy định chặt chẽ hơn liên quan đến việc sàng lọc dòng người nhập cư, tăng cường đảm bảo an ninh, đẩy nhanh thủ tục kiểm tra sức khỏe và cung cấp tư vấn miễn phí. Điểm mới của đạo luật này là việc chính phủ có thể xem xét đưa ra những lựa chọn nhằm đảm bảo quản lý hiệu quả người tị nạn, như di dời một lượng người tị nạn nhất định đến nơi khác, trả 20.000 Euro cho những người mà họ từ chối cho tị nạn hoặc cung cấp những hỗ trợ tài chính.
Theo luật trên, khối sẽ thành lập các trung tâm mới ở biên giới để giam giữ những người nhập cư trái phép trong khi chờ xét đơn xin tị nạn. Việc trục xuất những người không được chấp nhận cũng sẽ được đẩy nhanh.
Các chính trị gia của EU ủng hộ các quy định mới khẳng định chúng sẽ tăng tính hiệu quả của hệ thống tị nạn của châu Âu và tăng cường sự đoàn kết giữa các quốc gia thành viên.
Dù đã được thông qua, việc Ba Lan và Hungary lần lượt phản đối, báo hiệu trước những khó khăn mà khối phải đối mặt nhằm đảm bảo đạo luật có thể được triển khai hiệu quả trong thực tế.
Vào tháng 6 này, Ủy ban châu Âu đã trình bày kế hoạch bao gồm các yếu tố pháp lý và hoạt động cần thiết nhằm triển khai đạo luật mới vào thực tế. Tiếp đó, các quốc gia thành viên sẽ có thời hạn đến tháng 1/2025 để đệ trình kế hoạch quốc gia. Điều này nhằm giúp mỗi quốc gia có thể xác định các nguồn lực cần thiết cho việc nhập cư, chẳng hạn như công tác đào tạo, nhân sự, trang thiết bị và cơ sở vật chất cần thiết.
Theo các nguồn tin, EU sẽ đầu tư khoảng 2 tỷ Euro cho đến năm 2027 để thực hiện kế hoạch này. Tuy nhiên, nguồn ngân sách có thể nhanh chóng cạn kiệt nếu các quốc gia đưa ra những đề xuất chi tiêu khổng lồ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và thuê nhân công.
Có thể thấy, việc tìm ra một giải pháp toàn diện và “chặn từ đầu nguồn” cho vấn đề người nhập cư tiếp tục là vấn đề nan giải đối với nhiều quốc gia. Các nước cần phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, hợp tác để đưa ra những chính sách phù hợp mục tiêu chung trong việc ngăn chặn dòng người nhập cư.
Tiêu biểu như chính sách chung về người nhập cư của EU, được cho là có thể thay thế cho các phản ứng riêng của các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, những chính sách này có thực sự hiệu quả hay không còn phụ thuộc tình hình thực tế và nỗ lực triển khai của mỗi nước. Những chính sách này cũng cần có thời gian để kiểm chứng.
Báo chí Mỹ mới đây đưa tin Iran đang chuẩn bị tấn công Israel, có thể là trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11, nhằm trả đũa vụ Israel tiến hành chiến dịch không kích quy mô lớn nhằm vào hàng loạt mục tiêu quân sự của Iran hôm 26/10.
Vài ngày trước khi diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ, cuộc so găng giữa ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris vẫn hết sức gay cấn. Hầu hết, các chuyên gia nhận định đây là cuộc bầu cử khó dự đoán nhất lịch sử nước Mỹ, mọi kịch bản sẽ không loại trừ trong cuộc bỏ phiếu ngày 5/11 tới.
Gần 200 người đã thiệt mạng trong trận lũ quét ở vùng Valencia, miền Đông Tây Ban Nha. Trận lũ lụt chết người nhất ở Tây Ban Nha trong nhiều thập kỷ là một lời nhắc nhở đau thương rằng châu Âu chưa chuẩn bị đối phó với hậu quả của bầu khí quyển quá nóng.
Cuộc bầu cử Quốc hội Gruzia đã kết thúc với chiến thắng thuyết phục thuộc về đảng Giấc mơ Gruzia cầm quyền. Phe đối lập dựa vào sự ủng hộ của bên ngoài, không công nhận kết quả bầu cử và cố gắng tìm cách lật ngược kết quả thông qua các cuộc biểu tình và khiêu khích sử dụng vũ lực. Những diễn biến này giống với những cuộc cách mạng màu của những năm trước.
Ngày 31/10, Triều Tiên xác nhận đã phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Đây là vụ phóng thử ICBM đầu tiên sau gần một năm, cho thấy khả năng tấn công hạt nhân tầm xa tiềm tàng của nước này.
Từ một tỉ phú, ngôi sao truyền hình, ngày 20/1/2017, ông Donald Trump đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Trong nhiệm kỳ 4 năm của mình, ông trở thành vị Tổng thống gây nhiều tranh cãi. Dù sẽ còn mất nhiều năm lẫn nhiều giấy mực để các nhà sử học và báo chí nhận định về nhiệm kỳ của ông, nhưng những dấu ấn mà ông tạo ra có lẽ sẽ còn lưu lại rất lâu.
0