Ngăn ngừa vi phạm giao thông ở lứa tuổi học đường
Điều khiển xe máy điện khi chưa đủ tuổi; Không đội mũ bảo hiểm; Chở quá số người quy định; Tụ tập ngay trước cổng trường, gây cản trở giao thông... Đó là những vi phạm điển hình của không ít học sinh THCS hiện nay.
Phân biệt xe điện
Để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng đa dạng của người dân, nhiều loại hình phương tiện đã ra đời trong đó phổ biến có xe đạp điện, xe máy điện. Mỗi loại phương tiện này lại có đối tượng sử dụng khác nhau và được quy định trong luật. Thế nhưng hiện nay có nhiều người cũng chưa có cái nhìn đúng về loại hình xe này.
Là nhân viên bán xe điện lâu năm, anh Lê Văn Quang, quản lý cửa hàng Xe điện Việt Thanh cho biết rất nhiều người dễ nhầm lẫn giữa xe đạp điện và xe máy điện. Nhưng thực chất, hai loại xe này có những thiết kế, quy chuẩn kỹ thuật và đối tượng sử dụng khác nhau.
Thực trạng vi phạm điều khiển xe điện ở học sinh THCS
Tiện lợi, nhanh chóng, nhỏ nhẹ,… và nhiều ưu điểm khác, xe điện là dòng phương tiện phổ biến với lứa tuổi học đường, được nhiều phụ huynh, học sinh lựa chọn.
Vô tư điều khiển xe máy điện đến trường, cũng vô tư không đội mũ bảo hiểm, chỉ khi đến gần cổng trường và thấy ống kính của phóng viên, các em học sinh này mới tìm mũ để đội. Đó là thực trạng được ghi nhận được trước giờ vào lớp ở trường THCS Mỗ Lao - Hà Đông, Hà Nội.
Đáng chú ý, nhiều em học sinh không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe điện vẫn thản nhiên phóng vào trường mà không hề có sự nhắc nhở nào từ phía nhà trường.
Tại một trường THCS khác trên địa bàn quận Hà Đông, cũng ghi nhận tình trạng học sinh cấp 2 điều khiển xe máy điện, thậm chí là xe máy 50 phân khối tới trường.
Tại bãi xe phía ngoài cổng trường, hàng dài các phương tiện được gửi đa số đều là xe máy điện. Trong khi với độ tuổi cấp 2 là từ 11-15 tuổi, việc điều khiển các dòng xe nói trên hoàn toàn không đúng quy định pháp luật.
Đáng chú ý, ngoài việc điều khiển phương tiện giao thông khi không đủ điều kiện về độ tuổi, các em học sinh này còn vi phạm những luật đường bộ cơ bản như, chở 3-4, tụ tập gây mất trật tự cổng trường, không đội mũ bảo hiểm. Và khi được hỏi, thì câu trả luôn là vừa làm mất hoặc quên ở nhà.
Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi cho biết, mặc dù nhà trường đã có nhiều biện pháp tuyên truyền giáo dục nhưng không tránh khỏi tình trạng các em học sinh cố tình tìm mọi cách để vi phạm.
Cô Nguyễn Thị Xinh - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi - Hà Đông cho biết: "Trường không đủ rộng nên xin Quận cho gửi xe bên ngoài. Tuy nhiên do tiện, do điều kiện, được chiều… nên nhiều học sinh đi xe điện đến trường. Chúng tôi đã tiến hành biện pháp họp với bảo vệ yêu cầu không cho gửi cũng như ghi tên vi phạm để nhắc nhở".
Cần xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục
Dù tuyên truyền, nhắc nhở liên tục, nhưng vi phạm giao thông ở lứa tuổi học đường vẫn có diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài công tác tuyên truyền, kiểm tra xử lý từ lực lượng chức năng, để đảm bảo an toàn cho con em mình thì gia đình, nhà trường cũng cần phải vào cuộc tích cực.
Căn cứ Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người chưa thành niên (chưa đủ mười tám tuổi): Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
Xét ở góc độ xã hội, phần lớn các em chưa đủ năng lực kinh tế để tự mua xe. Ở góc độ pháp luật, học sinh THCS không đủ năng lực trách nhiệm để xác lập giao dịch dân sự mua bán tài sản lớn như xe điện. Vậy vai trò của phụ huynh ở đâu khi để xảy ra tình trạng học sinh THCS ngang nhiên điều khiển xe khi chưa đủ tuổi như vậy?
Việc học sinh THCS chưa đủ tuổi, chưa đủ năng lực nhận thức, hành vi tham gia giao thông bằng xe máy điện tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Với vận tốc tối đa thực tế của một chiếc xe máy điện, có thể lên tới 50km/h, thậm chí hơn, tốc độ di chuyển của loại phương tiện này không kém gì xe máy dành cho người trưởng thành. Thực tế đã có không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra mà đối tượng gây tai nạn là chính các em học sinh.
Ông Khương Kim Tạo - Chuyên gia giao thông cho biết: "Quy định tốc độ khác nhau vì nó nó ảnh hưởng đến việc di chuyển. Tốc độ xe máy điện lớn, gia tốc nhanh,… còn xe đạp điện nhỏ, khi đó các cháu xử lý dễ dàng hơn".
Không thể phủ nhận sự nỗ lực của các nhà trường trong việc đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh. Tuy nhiên, sự nghênh ngang, vô tư vi phạm như thế này của các em có một phần cũng đến từ việc nhà trường quản lý chưa chặt, gia đình nuông chiều…
Việc để học sinh đi xe máy điện đến trường là một việc làm có điều kiện, phải làm sao để đảm bảo an toàn cho các em và những người tham gia giao thông khác. Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông Thành phố đã nhiều lần ra quân xử lý vi phạm điều khiển xe không đúng độ tuổi quy định ở các em học sinh, với mong muốn tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của nhóm đối tượng mới lớn, đang thích thể hiện này. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất và lâu dài, rất cần sự chung tay phối hợp từ gia đình, nhà trường và toàn xã hội./.
Về xã Vân Hà (huyện Phúc Thọ) vào những ngày cuối năm, như lạc vào vào xứ sở của bưởi. Bưởi có mặt ở khắp nơi, từ trong vườn ra ngoài ngõ, kéo ra khắp các cánh đồng, ngát hương và ngập sắc vàng bưởi chín.
Một trong những điểm nhấn của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025, là quy định về điều kiện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với tài xế và xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh.
Sáng 24/22, Thành đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Ngày Hội Thanh niên với văn hóa giao thông và chùm hoạt động “Tuổi trẻ Thủ đô tham gia tuyên truyền, giữ gìn trật tự an toàn giao thông” năm 2024.
Từ ngày 1/1/2026, các quy định về bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em khi lưu thông bằng ô tô, theo Luật Trật tự An toàn giao thông, sẽ chính thức có hiệu lực.
Đại diện hãng hàng không vừa công bố cung ứng thêm hơn 650.000 ghế, tương đương hơn 3.000 chuyến bay dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Theo Quyết định số 19 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp, từ ngày 1/7/2026 chính thức áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe mô tô hai bánh nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp từ mức 3 lên mức 4.
0