Ngành công nghệ thế giới chứng kiến một năm nhiều biến động

Lĩnh vực công nghệ đã trải qua một năm 2023 đầy biến động. Đáng chú ý nhất là sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo với ChatGPT của Open AI và các công cụ cạnh tranh với ChatGPT. Trong bối cảnh đó, sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley SVB, ngân hàng cung cấp khoản vay chính cho các công ty khởi nghiệp công nghệ, đã gây ra ảnh hưởng sâu rộng, làm gia tăng thêm làn sóng sa thải nhân sự trong lĩnh vực công nghệ.

Trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh mẽ     

Năm 2023 chứng kiến AI, vốn được coi là khoa học viễn tưởng và chỉ có trong phim ảnh bấy lâu nay, đạt được sự đột phá và thu hút sự chú ý của thế giới. Đầu năm 2023, công cụ Chat GPT của Open AI đã đạt kỷ lục 100 triệu người dùng chỉ 2 tháng sau khi ra mắt. Hiện nay, Chat GPT có sẵn cho hơn 1 tỷ người dùng. Công cụ này có thể trò chuyện, trả lời lưu loát đầy đủ các câu hỏi mà bạn đưa ra, bất kể là thắc mắc về lĩnh vực gì. Trong năm qua, Chat GPT đã liên tục được cải tiến. Phiên bản mới nhất Chat GPT-4 đã cải thiện độ chính xác, tính nhất quán và sự hiểu biết về các hướng dẫn phức tạp. Cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực AI diễn ra vô cùng sôi động, hàng loạt công cụ tương tự Chat GPT của các đối thủ đã được ra mắt. Trong đó, đối thủ cạnh tranh của Open AI là công cụ Bard của Google cũng đã giới thiệu Gemini, một ứng dụng cung cấp khả năng suy luận phức tạp hơn và hiểu biết đa phương thức.

Giáo sư Natalia Levina  - Trường Kinh doanh Stern, Đại học NewYork, Mỹ cho rằng: “Tôi nghĩ việc có sự cạnh tranh trong công nghệ AI là điều cực kỳ quan trọng đối với xã hội. Chúng ta cần sự cạnh tranh rất lành mạnh cho Microsoft và Open AI, và việc Google đang cạnh tranh trong không gian với tất cả sức mạnh của mình là một tin rất tốt đối với các doanh nghiệp và xã hội.”

Đặc biệt, sự kết hợp với mô hình ngôn ngữ lớn LLM và AI tạo sinh đã đem lại những khả năng kinh ngạc cho các công cụ AI. Chưa bao giờ người ta thấy trí tuệ nhân tạo có thể bắt chước ngôn ngữ và khả năng sáng tạo của con người trong việc thực hiện các tác vụ phức tạp như sáng tạo văn bản, video, nhận dạng hình ảnh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, dịch thuật. Việc ứng dụng công nghệ AI được nhận định là sẽ thúc đẩy tiềm năng phát triển kinh tế số trên toàn cầu. Nó có thể cải thiện hiệu quả năng suất lao động, cắt giảm chi phí và đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, AI cũng gây ra những mối lo ngại như vượt tầm kiểm soát của con người, thay thế con người, xuất hiện nhiều vụ tấn công mạng sử dụng AI, hay những sai lệch dữ liệu có thể khiến AI trở nên thiên vị.

Ông Richard Blumenthal, Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Mỹ nhấn mạnh: “AI đã có tác động đáng kể đến nền kinh tế, sự an toàn và nền dân chủ của chúng ta. Mối nguy hiểm không chỉ là sự tuyệt chủng mà còn là mất việc làm, một trong những cơn ác mộng tồi tệ nhất mà chúng ta gặp phải. Mỗi ngày, những vấn đề này lại phổ biến hơn và khó giải quyết hơn."

Nhiều quốc gia đã tìm cách quản lý việc sử dụng AI. Vương quốc Anh đã ban hành các luật và quy định nhằm hạn chế việc phát triển và triển khai AI, cũng như các biện pháp bảo vệ tiềm năng cho những người tham gia vào công nghệ trực tuyến.

Ngày 8/12, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận về quy định toàn diện nhằm quản lý AI. Với thỏa thuận này, EU đã trở thành lục địa đầu tiên lập ra những quy định rõ ràng về sử dụng công nghệ AI.

Ngoài trí tuệ nhân tạo, trong năm 2023, các công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường, vũ trụ ảo Metaverse, công nghệ 5G, kết nối vạn vật, điện toán lượng tử, tự động hóa robot cũng là những lĩnh vực có sự phát triển mạnh mẽ, tạo nên những mảng màu tươi sáng cho bức tranh công nghệ của thế giới.

Ngân hàng SVB sụp đổ và hậu quả sâu rộng

Mặc dù có những điểm sáng, nhưng ngành công nghệ thế giới năm 2023 cũng phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ. Ngân hàng Silicon Valley SVB - ngân hàng lớn thứ 16 ở Mỹ và là huyết mạch tài chính quan trọng đối với nhiều công ty công nghệ - đã sụp đổ sau một đợt phá sản của ngân hàng. Sự kiện này đã gây ra một làn sóng chấn động trong ngành công nghệ, để lại những ảnh hưởng lâu dài cho các doanh nghiệp công nghệ lớn.

Vào ngày 10/3/2023, sự sụp đổ tài chính của Ngân hàng Silicon Valley SVB - huyết mạch quan trọng đối với nhiều công ty khởi nghiệp - đã gây ra làn sóng chấn động trong ngành công nghệ.

Nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Ngân hàng SVB là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Đầu tiên, là do hàng loạt khách hàng của SVB đã rút 42 tỷ USD trong vòng hai ngày, vượt quá lượng tiền mặt dự trữ của ngân hàng.

Một phần đáng kể tài sản của Ngân hàng SVB gắn liền với các công ty khởi nghiệp được hỗ trợ bởi quỹ mạo hiểm, khiến ngân hàng này dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường công nghệ.

Ngoài ra, các nhà phân tích cho rằng, sự yếu kém trong giám sát và quản lý rủi ro khi mua trái phiếu đã góp phần dẫn đến sự sụp đổ của ngân hàng này.

SVB là tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ ngân hàng cho khoảng 50% công ty về khoa học đời sống và công nghệ được đầu tư mạo hiểm ở Mỹ. Hậu quả của sự sụp đổ của Ngân hàng SVB là rất sâu rộng. Nhiều công ty khởi nghiệp - đặc biệt là những công ty đang ở giai đoạn đầu - gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn do khả năng tiếp cận vốn mạo hiểm và các khoản vay ngân hàng truyền thống bị hạn chế. Các ngân hàng còn lại trở nên thận trọng hơn, dẫn đến lãi suất tăng cao và yêu cầu vay vốn chặt chẽ hơn đối với các công ty công nghệ. Một số công ty khởi nghiệp buộc phải xem xét việc sáp nhập, mua lại hoặc thậm chí đóng cửa do hạn chế về tài chính. Một trong những hậu quả tức thời và có ảnh hưởng lớn nhất là sự gián đoạn trong quy trình trả lương, ảnh hưởng đến thu nhập và cuộc sống của hàng nghìn nhân viên làm trong ngành công nghệ.

Làn sóng cắt giảm nhân sự tiếp diễn

Một ảnh hưởng không nhỏ từ sự sụp đổ của ngân hàng SVB là khiến nhiều công ty công nghệ phụ thuộc vào dòng vốn của ngân hàng này phải thu hẹp chi phí, trong đó có chi phí cho nhân công. Tiếp nối làn sóng sa thải nhân sự từ năm 2022, năm nay các công ty công nghệ vẫn tiếp tục sa thải nhân sự quy mô lớn. Hàng loạt các ông lớn công nghệ từ Meta, Google hay Amazon tiếp tục công bố sa thải hàng ngàn nhân sự. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay, 1.133 công ty công nghệ đã sa thải hơn 220.000 nhân viên, cao hơn cả năm 2020 và năm 2021 cộng lại. Điều này thể hiện những khó khăn về tài chính và nhu cầu thu hẹp quy mô mà các công ty công nghệ đang phải đối mặt.

Trong năm 2023, gã khổng lồ công nghệ Meta đã sa thải 21.000 nhân viên trong nỗ lực tiếp tục cắt giảm chi phí. Meta đã thu hẹp các nhóm công nghệ vào cuối tháng 4 và các nhóm kinh doanh vào cuối tháng 5.

Alphabet, Công ty mẹ của Google cũng cắt giảm 12.000 lao động trong đợt sa thải đầu năm, sau đó là nhiều đợt sa thải khác trong năm nay. CEO của Alphabet cho biết, công ty này đang tái cấu trúc để tập trung vào các mảng kinh doanh có ảnh hưởng nhất của mình.

Đối với Microsoft, hãng bắt đầu làn sóng sa thải lớn thứ hai trong lịch sử công ty khi cắt giảm 10.000 việc làm từ giữa tháng 1 đến cuối tháng 3. Cũng như những gã khổng lồ công nghệ khác, Microsoft đang phải cắt giảm chi phí khi doanh thu sụt giảm trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch.

Gã khổng lồ công nghệ và thương mại điện tử Amazon đã hoàn thành đợt sa thải lớn nhất trong lịch sử 29 năm của mình khi cắt giảm 18.000 nhân viên hồi đầu năm nay, sau đó đến tháng 3 tiếp tục sa thải hơn 9.000 nhân viên. Công ty này cho biết đã cắt giảm chi phí do suy thoái kinh tế và tăng trưởng doanh thu chậm lại.

Mặc dù có nhiều đợt sa thải của các công ty công nghệ, nhưng báo cáo cho thấy nhu cầu về việc làm công nghệ cũng ngày càng tăng, đặc biệt là đối với các vị trí trong các công ty phi công nghệ hiện đang tăng cường áp dụng công nghệ. Điều này cho thấy công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu đối với sự phát triển kinh doanh trong nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau, đòi hỏi nguồn nhân lực lớn về công nghệ.

Từ Twitter đến X, tương lai vẫn chưa chắc chắn

Sự thay đổi của những gã khổng lồ công nghệ truyền thông cũng là chủ đề thu hút sự chú ý trong năm 2023. Việc thay đổi thương hiệu và thay đổi chính sách của Twitter dưới thời Elon Musk đã gây ra tranh cãi, đặt ra câu hỏi về hướng đi và giá trị cốt lõi của nền tảng này. Lệnh cấm TikTok ở Mỹ hay EU cũng đã làm dấy lên các cuộc thảo luận về an ninh quốc gia, quyền tự do ngôn luận và mối quan hệ phức tạp giữa chính phủ và các công ty công nghệ.

Vào tháng 7 vừa qua, Twitter đã trải qua một cuộc thay đổi thương hiệu đáng chú ý, chuyển từ cái tên mang tính biểu tượng sang tên mới là X. Động thái này đã gây ra cuộc tranh luận sôi nổi, trong đó một số người dùng coi sự thay đổi này như một biểu tượng của sự đổi mới, trong khi những người khác chỉ trích điều này là không cần thiết và khó hiểu. 

Dưới sự lãnh đạo của tỷ phú Elon Musk, Twitter đã thực hiện một số thay đổi chính sách vào năm 2023. Trong đó có việc kiểm duyệt nội dung cởi mở hơn, xác minh trả phí cho tất cả người dùng, thay đổi giao diện lập trình ứng dụng API của mình, ảnh hưởng đến các nhà phát triển và ứng dụng bên thứ ba.

Người dùng đã phản hồi với những thay đổi bằng nhiều phản ứng khác nhau. Một số người hoan nghênh quyền tự do ngôn luận ngày càng tăng và việc dân chủ hóa việc xác minh, cho rằng nó thúc đẩy một nền tảng cởi mở và toàn diện hơn. Những người khác bày tỏ lo ngại về khả năng lạm dụng, thông tin sai lệch và xói mòn các giá trị cốt lõi của Twitter. Họ cho rằng, những thay đổi này ưu tiên lợi nhuận hơn là sự an toàn và sức khỏe của người dùng. Nhiều người dùng đã rời bỏ nền tảng để tìm các lựa chọn thay thế mới như Threads, một nền tảng giống như Twitter được cung cấp bởi Meta.

Có thể thấy tương lai của X vẫn chưa chắc chắn. Nền tảng này phải đối mặt với những thách thức trong việc duy trì niềm tin của người dùng và cân bằng việc kiểm duyệt nội dung. Làn sóng tẩy chay mạng X bùng lên từ tháng 11 khi tỷ phú Elon Musk bày tỏ đồng thuận với một nội dung phân biệt sắc tộc. Sau đó, ông đã lên tiếng xin lỗi nhưng hàng loạt công ty như Disney, Apple, IBM, Paramount Global, Warner Bros, Discovery… đều quyết định rút quảng cáo khỏi X. Tờ The New York Times ước tính, động thái này có thể khiến nền tảng X thiệt hại 75 triệu USD.

Tiktok bị cấm ở Mỹ và EU

Các nhà lập pháp tại Mỹ, châu Âu và Canada đang đẩy mạnh nỗ lực cấm TikTok, ứng dụng chia sẻ video ngắn của ByteDance, vì lý do bảo mật. Nhà Trắng (Mỹ) đã yêu cầu các cơ quan liên bang gỡ bỏ ứng dụng này khỏi thiết bị của chính phủ. Trong khi chính phủ Anh, Canada và một số tổ chức của EU cũng đã cấm TikTok trên thiết bị công.

Các nhà lập pháp và nhà quản lý phương Tây bày tỏ lo ngại, TikTok và công ty mẹ ByteDance của Trung Quốc có thể không bảo mật thông tin người dùng do những quy định của quản lý của Trung Quốc. Tuy nhiên, TikTok phủ nhận các cáo buộc này và khẳng định, họ hoạt động độc lập, không chịu sự kiểm soát của ai. TikTok cũng vấp phải sự phản đối vì bị cho là có thể thúc đẩy hành vi gây nghiện và khiến người dùng trẻ tiếp xúc với nội dung có hại.

Việc TikTok bắt đầu bị cấm ở một số nước làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi, đặt ra câu hỏi về an ninh quốc gia, quyền tự do ngôn luận và mối quan hệ rộng lớn hơn giữa các chính phủ và các công ty công nghệ. Các chính phủ ngày càng lo ngại về quyền lực và tầm ảnh hưởng của các công ty này, trong khi các công ty công nghệ lại chống lại các quy định và kiểm duyệt của chính phủ. Xung đột này đã dẫn đến các cuộc điều tra chống độc quyền, các quy định về quyền riêng tư dữ liệu và các nỗ lực khác nhằm kiềm chế quyền lực của những gã khổng lồ công nghệ.

Năm 2024 hứa hẹn sẽ là một năm có nhiều phát triển mạnh mẽ hơn nữa về công nghệ, với sự hội tụ và tương tác giữa nhiều xu hướng công nghệ cùng một lúc. Trong đó, dự báo công nghệ trụ cột vẫn là trí tuệ nhân tạo AI.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại AI cũng có thể trở thành nguồn gốc của những mối đe dọa an ninh mạng, đặc biệt trong bối cảnh năm 2024 sẽ có hàng loạt cuộc bầu cử tại nhiều quốc gia lớn với nhu cầu truyền thông tăng cao. Bối cảnh này đòi hỏi các quốc gia phải thắt chặt các quy định quản lý hơn nữa đối với việc sử dụng công nghệ vượt trội nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ này. 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Châu Á sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong thương mại toàn cầu, đóng góp khoảng 45% vào tổng xuất khẩu của thế giới và hơn 80% vào nhập khẩu. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị và các chính sách không chắc chắn có thể cản trở sự phục hồi thương mại chung của thế giới trong hai năm tới.

Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua khoản viện trợ trị giá gần 61 tỷ USD cho Ukraine, với cuộc bỏ phiếu mang tính bước ngoặt tại Hạ viện hôm 20/3 và tại Thượng viện ngày 23/4, theo giờ địa phương. Liệu gói viện trợ của Mỹ có thể giúp Kiev xoay chuyển cục diện trên chiến trường hay chỉ làm xung đột kéo dài thêm?

Ông Trump bị cáo buộc làm giả hồ sơ để che đậy khoản thanh toán nhằm mua chuộc sự im lặng của một diễn viên phim người lớn về mối quan hệ với ông. Đây là phiên tòa đầu tiên mang tính lịch sử đối với một cựu tổng thống Mỹ và có thể là bước ngoặt đối với ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Chủ đề Ngày Trái đất năm 2024 là “Trái đất và nhựa” nhằm kêu gọi các quốc gia giảm 60% sản lượng tất cả các loại nhựa vào năm 2040, hướng đến chấm dứt việc sử dụng nhựa vì sức khỏe của con người và Trái đất.

Sau 20 năm lãnh đạo đất nước, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ từ nhiệm vào ngày 15/5/2024. Người kế nhiệm ông sẽ là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong. Đây là tiến trình chuyển giao lãnh đạo đã được lên kế hoạch từ lâu của Singapore, và được Thủ tướng Lý Hiển Long gọi là thời khắc quan trọng.

Theo các nhà phân tích cuộc tấn công vào Iran vào sáng sớm thứ Sáu (19/4) theo giờ địa phương có thể nhằm mục đích vừa là một cách để trả đũa vừa là một thông điệp cảnh báo. Vụ việc không làm leo thang tình hình, nhưng những căng thẳng, mâu thuẫn giữa hai nước thì vẫn còn đó.