Những ngày đầu thành lập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội

Cách đây 70 năm, ngày 10/10/1954, hai mươi vạn nhân dân Hà Nội trong quần áo chỉnh tề, cờ hoa rực rỡ xuống đường đón mừng chính quyền và quân đội cách mạng tiến về Thủ đô. Các phóng viên báo chí và các hãng thông tấn nước ngoài cũng có mặt ở Hà Nội để chứng kiến giờ phút lịch sử này. Hòa trong dòng người là những chiếc xe chở loa phóng thanh theo đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô.

Trước khi các đơn vị tiến vào thành, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra bản Nhật lệnh, nêu rõ: "Nhiệm vụ tiếp quản rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Do đó, phải đoàn kết giữa các lực lượng để giữ gìn trật tự an ninh Thủ đô. Phải nêu cao kỷ luật, triệt để chấp hành 8 chính sách và 10 điều kỷ luật của Chính phủ, bảo vệ, tôn trọng, giúp đỡ nhân dân”.

Hà Nội rợp cờ hoa đón đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954. Ảnh tư liệu.

Trước đó, đại diện của Sở Tuyên truyền Hà Nội tiếp nhận tài sản ở Nha Thông tin Bắc Việt của ngụy quyền. Từ những tài sản đó, ông Nguyễn Văn Mậm, một cán bộ Sở Tuyên truyền Hà Nội cùng một số công nhân vô tuyến điện tổ chức những xe ô tô truyền thanh lưu động.

Chiếc xe mang loa phóng thanh, hoạt động khởi đầu của Đài Truyền thanh Hà Nội, theo đoàn quân chiến thắng trở về (10/10/1954). Ảnh TTXVN.

Những chiếc ô tô gắn loa phóng thanh vừa chạy trên đường phố vừa công bố 8 chính sách của Chính phủ đối với vùng mới giải phóng cùng những thông báo của của Ủy ban Quân chính thành phố. Đó chính là những hoạt động phát thanh đầu tiên của thành phố Hà Nội.

Bốn ngày sau khi Thủ đô được giải phóng, một trạm truyền thanh cố định được lắp đặt tại Nhà Thông tin - Triển lãm Thủy Tạ. “Đây là buổi phát thanh của Sở Tuyên truyền Hà Nội” - Lời tự giới thiệu chương trình đầu tiên phát đi từ Trạm truyền thanh Thủy Tạ vào ngày 14/10/1954 vang lên và đã đặt nền móng cho sự ra đời của Đài Hà Nội.

Ngày 14/10/1954 đã được lấy làm ngày thành lập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.

Ngày 16/10/1954, Hồ Chủ Tịch gặp gỡ đại biểu các tầng lớp nhân dân Hà Nội những ngày đầu Thủ đô giải phóng, được Đài Hà Nội phản ánh kịp thời. Ảnh TTXVN.

Dấu ấn không thể phai mờ trong nội dung tuyên truyền của Đài những ngày đầu ra đời là phóng sự phản ánh cuộc gặp gỡ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với hơn 100 đại biểu các tầng lớp nhân dân Thủ đô ngày 16/10/1954 tại Bắc Bộ Phủ.

Nhân dân Thủ đô ta có truyền thống cách mạng vẻ vang và nồng nàn yêu nước, tôi chắc đồng bào Thủ đô ngày càng thêm phát triển, để làm gương mẫu, để dẫn đầu nhân dân cả nước trong công cuộc củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong khắp nước ta…

Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ trong cuộc gặp gỡ với hơn 100 đại biểu các tầng lớp nhân dân Thủ đô ngày 16/10/1954.

Cuối năm 1954, Đài được giao nhiệm vụ trang âm và tường thuật cuộc mít-tinh lớn chào mừng Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu về Thủ đô và mừng năm mới tại Quảng trường Ba Đình. Vượt qua mọi khó khăn, cán bộ, công nhân của Đài đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Phòng bá âm tại Trạm truyền thanh Thủy Tạ đang phát chương trình (Từ trái sang phải KTV Nguyễn Văn Mận, PTV Ngô Thị Tịnh và BTV Bùi Hữu). Ảnh tư liệu.

Những năm tháng sau đó, Đài đã thực hiện nhiều lần trang âm đạt hiệu quả cao cho các cuộc mít-tinh lớn tại Hà Nội, như lần đón tiếp Chủ tịch đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô ngày 21/5/1957; Trang âm và tường thuật tại chỗ các cuộc mít-tinh tại Quảng trường Ba Đình, Nhà hát nhân dân, Nhà hát Lớn thành phố.

Những cuộc trang âm và tường thuật tại chỗ này được chuẩn bị chu đáo chặt chẽ phối hợp giữa công nhân kỹ thuật và phóng viên, đã góp phần kịp thời thông tin đến người nghe đài những sự kiện quan trọng, bước đầu khẳng định vị trí của hệ thống truyền thanh Thủ đô, đánh dấu sự trưởng thành khởi đầu của Đài.

Người Hà Nội quen dần với với tiếng nói trên loa truyền thanh của Đài. Tiếng nói Hà Nội đã thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng, Chính quyền với nhân dân khi Thủ đô mới giải phóng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Với nghệ nhân Nguyễn Đức Bình, giò chả Ước Lễ không chỉ là một món ăn mà còn chứa đựng trong đó tinh hoa văn hóa. Hơn 40 năm qua, ông đã góp phần gìn giữ, lưu truyền nét tinh hoa ẩm thực này một cách vừa khoa học lại đầy chất nghệ thuật.

Với nhiều người, việc dạy và học ngoại ngữ là một cách để nhìn cuộc sống và thế giới rộng mở hơn. Bên cạnh đó, ngoại ngữ còn giúp mỗi người hiểu chính mình, hiểu mọi người một cách sâu sắc hơn.

Không phải vô cớ mà nhiều người lại mong ngóng Noel đến vậy. Có người nói, đó là bởi Giáng sinh có nhiều hoa và đèn rực rỡ, hay tại bởi không khí vui vẻ, sum vầy mà Giáng sinh đem lại…

Với múa rối nước, người nghệ sĩ phải hoạt động nghệ thuật trong môi trường đặc biệt, có yêu cầu khắt khe hơn so với những hình thức biểu diễn nghệ thuật khác. Để theo đuổi được bộ môn nghệ thuật này, NSƯT Bạch Quốc Khanh - Nhà hát Múa rối nước Thăng Long, không chỉ có hành trình dài học hỏi, trau dồi kiến thức mà còn là cả sự khổ luyện, cùng một tình yêu cháy bỏng với văn hóa truyền thống.

Bên bãi ven sông Hồng có một không gian công cộng kết hợp giữa vườn hoa và khu vui chơi mà những người lớn đã dựng lên từ bãi đất hoang lúc trước ở ven sông. 4 giờ chiều trước cổng trường Tiểu học Phúc Tân, lũ trẻ tan học ùa ra như đàn chim sẻ, từ trường chạy thẳng ra bãi đất sát mé sông ở cuối đường.

Chẳng phải sơn hào hải vị hay những món ăn với nguyên liệu quá cầu kỳ, thức quà bình dị với ngô, khoai, chuối trên các con phố mới là bữa xế quen thuộc của nhiều người ở Hà Nội mỗi khi đông về.